Chương V: Chiến lược lớn đòi hỏi phải có tư duy chiến lược

 Nước lớn, lớn ở “chiến lược”,  bốn giai đoạn chiến lược lớn của Trung Quốc và ba cấp độ của chiến lược lớn của Trung Quốc

Chiến lược quyết định phương hướng và tiền đồ của một quốc gia, một dân tộc, là mạng sống của quốc gia và dân tộc.Chiến lược chính là cái lưới, cái lưới được căng lên thì các mắt lưới sẽ mở ra. Quá trình diễn biến của đại chiến lược Trung Quốc có 4 giai đoạn chiến lược, thể hiện qua 4 loại hình thái chiến lược: (i) chiến lược sinh tồn; (ii) chiến lược phát triển; (iii) chiến lược trỗi dậy, (iv) chiến lược lãnh tụ. Đại chiến lược của Trung Quốc là sự thống nhất của ba bộ phận cấu thành là chiến lược quốc gia, chiến lược châu Á và chiến lược toàn cầu.

Ba vấn đề căn bản mà đại chiến lược của Trung Quốc trong thế kỷ 21 phải giải quyết là: (i)xây dựng một nước Trung Quốc như thế nào; (ii) xây dựng một châu Á như thế nào; (iii)  xây dựng một thế giới như thế nào? Và cũng nhấn mạnh thế giới quá quan trọng, không thể giao cho nước Mỹ nên về mặt qui hoạch và thiết kế, Trung Quốc cần phải đưa ra được những thứ tốt hơn Mỹ; về mặt lãnh đạo, Trung Quốc cần có được cương lĩnh chính trị xuất sắc hơn Mỹ.

Chiến lược lớn của Trung Quốc cần học gì ở Mỹ?

Trên thế giới hiện nay, quốc gia duy nhất có thể kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc chỉ có Mỹ. Do đó, Trung Quốc muốn trỗi dậy thành công cần phải học tập Mỹ, nghiên cứu Mỹ, ứng phó với Mỹ. Đặc điểm của sự trỗi dậy của Mỹ là tốc độ nhanh, vốn ít, giá phải trả thấp hay có thể tổng kết thành nghệ thuật “trỗi dậy giá rẻ” của Mỹ. Nước Mỹ có hai thành công mang tính chiến lược là tiến hành sự trỗi dậy của nước lớn một cách thuận lợi và thành công trong việc kiềm chế có hiệu quả các nước lớn trỗi dậy thách thức bá quyền của mình. Con đường trỗi dậy của Mỹ được xây dựng trên đống đổ nát của cuộc cạnh tranh tàn sát lẫn nhau giữa các nước lớn khác theo kiểu “trai cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi”. Trong quá trình trỗi dậy của mình, cho dù là đối với bạn bè hay đối với kẻ thù, Mỹ luôn có sự chuẩn bị chiến tranh đầy đủ. Trong nghệ thuật trỗi dậy của Mỹ có một đặc điểm là “giấu mình chờ thời mang đặc tính Mỹ” và luôn duy trì sự cảnh giác cao độ đối với các thế lực bên ngoài.

Vấn đề chiến lược đầu tiên hướng ra thế giới của dân tộc Trung Hoa trong thế kỷ 21 chính là hướng đến Mỹ, đối tượng mà Trung Quốc cần phải hợp tác nhất là Mỹ, đối tượng mà Trung Quốc cần cảnh giác nhất cũng là Mỹ. Bởi vậy, Trung Quốc phải luôn giương cao ngọn cờ của “thuyết hợp tác”, “thuyết hữu nghị”, “thuyết đối tác”, hội tụ những nhận thức chung trong cộng đồng quốc tế; nhưng TQ cũng không thể không biết đến sự cảnh tỉnh của “thuyết kiềm chế”, “thuyết âm mưu”, “thuyết cạm bẫy”, lúc  nào cũng phải duy trì tinh thần cảnh giác đối với âm mưu của các thế lực bên ngoài.

Chương VI: Không nên có ảo tưởng đối với Mỹ

Ảo tưởng về chiến lược, không khác gì tự sát

Đối với Mỹ cần có kỳ vọng nhưng không thể xa rời thực tế; đối với quan hệ Trung – Mỹ cần có lý tưởng nhưng không nên lý tưởng hóa. Thế kỷ 21, vấn đề hàng đầu trong đại chiến lược của Trung Quốc là không ôm chiến lược ảo tưởng đối với nước Mỹ.

Quốc gia tiềm ẩn đứng đầu, đối thủ trời sinh của quốc gia đứng đầu và Mỹ đã kiềm chế sự vươn lên của Nhật Bản và Liên Xô thế nào?

Cùng với sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc và sự suy yếu tương đối của nước Mỹ trong khủng hoảng tài chính, vị thế quốc gia giữa hai nước Trung – Mỹ sẽ khốc liệt hơn, “quan hệ đối thủ chiến lược cạnh tranh”giữa Trung – Mỹ sẽ nổi trội hơn. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, nước Mỹ đăng quang ngôi vị quốc gia đứng đầu, đã hai lần tiến hành thành công cuộc chiến bảo vệ ngôi vị đứng đầu vào cuối thế kỷ 20 với Nhật Bản - nước cùng ý thức hệ với Mỹ trong nội bộ phe tư bản chủ nghĩa phương Tây và với Liên Xô - nước có ý thức hệ khác với Mỹ.

Với Nhật Bản, Mỹ dùng chiến lược phản công: ném bom nguyên tử tài chính. Chiến lược phản công của Mỹ đối với Nhật về cơ bản là tước đoạt quyền chủ động chiến lược của Nhật, chủ yếu dựa vào 2 tuyệt chiêu là thực hiện cuộc chiến tài chính với Nhật và xây dựng "kinh tế mới" lấy thông tin hóa và toàn cầu hóa làm đặc trưng cơ bản.

Với Liên Xô, Mỹ đã rất thành công với phát minh chiến lược: Chiến tranh Lạnh.

Mỹ sẽ kiềm chế Trung Quốc như thế nào?

Hiện nay, Mỹ đang tiến hành cuộc chiến thứ ba của mình - "cuộc chiến bảo vệ ngôi vô địch", kiềm chế Trung Quốc. Trong thế kỷ 21, sự kiềm chế của Mỹ đối với Trung Quốc thể hiện qua 4 đặc điểm: (i) có tính tất yếu bản chất; (ii) có tính nghệ thuật cao; (iii) có tính lâu dài của "cuộc đọ sức thế kỷ"; (iv) đòi hỏi phải có tính sáng tạo chiến lược chưa từng có. Để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ còn gặp khó khăn trên 4 mặt sau: (i) Trung Quốc thuộc dạng "trỗi dậy lương thiện" nên rất khó để định tính cho Trung Quốc; (ii) Trung Quốc kiên trì "trỗi dậy mềm", như nước chảy mây trôi, khó mà ngăn cản được; (iii) Trung Quốc vẫn luôn "trỗi dậy trong hệ thống", rất khó để bài xích; (iv) Trung Quốc tiến hành "trỗi dậy cùng có lợi", đã trói chặt lợi ích từ sự trỗi dậy của Trung Quốc với sự phồn thịnh của nước Mỹ, hoặc là cùng phồn vinh, hoặc là cùng thương vong, khiến Mỹ khó có thể hại người lợi ta, làm hại Trung Quốc cũng không có lợi gì cho Mỹ.

Tư duy chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc thể hiện qua 3 thuyết là: "thuyết dẫn dắt", "thuyết quản lý" và "thuyết bao bọc". Chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc xuất hiện cụm từ "Chiến tranh Ấm"- bản chất là "chiến tranh bán Lạnh", là sự đấu sức và đấu trí diễn ra trong môi trường hợp tác. Và Mỹ gặp được Trung Quốc là "duyên phận" của Mỹ, là vận may trên vũ đài quốc tế vì Mỹ gặp được một đối thủ cạnh tranh và hợp tác tốt nhất, đó chính là một nước Trung Quốc lương thiện.

“Không có kẻ thù vĩ đại, thì cũng không có nước Mỹ vĩ đại”

Chiến lược văn hóa của Mỹ chính là tạo ra văn hóa "kẻ thù", khiến Mỹ bắt buộc liên tục tìm kiếm "kẻ thù", không ngừng hò hét về sự "đe dọa" và không ngừng thổi phồng về "khủng hoảng". Tại sao Mỹ cần kẻ thù? Vì: (i) Có kẻ thù sẽ có thách thức và cạnh tranh, sẽ có động lực; (ii) Có kẻ thù, Mỹ mới có thể đoàn kết và tạo ra sự qui tụ trong nước có hiệu quả; (iii) Có kẻ thù mới có những lợi ích đặc thù của quân đội và các tập đoàn công nghiệp quân sự; (iv) Có kẻ thù mới có thể ra lệnh cho chư hầu và duy trì được vị thế bá chủ của nước Mỹ.

Tiêu chuẩn chọn kẻ thù của Mỹ có tính tổng hợp, nhưng chủ yếu xét trên 2 điểm sau: (i) tiêu chuẩn ý thức hệ, đối với Mỹ kẻ địch lý tưởng là kẻ có ý thức hệ đối lập với Mỹ, có sự khác nhau về chủng tộc và văn hóa, về sức mạnh quân sự to lớn đến mức có thể tạo thành sự đe dọa về an ninh đối với Mỹ; (ii) tiêu chuẩn về sức mạnh, phải tìm ra quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất, có tiềm lực và thực lực, có xu thế thách thức Mỹ để làm địch thủ đối phó. Căn cứ vào tiêu chuẩn "chọn kẻ thù" của Mỹ thì Trung Quốc tuyệt đối phù hợp với điều kiện là "địch thủ" của Mỹ. Nhưng một nước Mỹ giỏi tạo ra "địch thủ vĩ đại" đã trở thành một nước Mỹ cô độc và bi ai. Sự vĩ đại của Mỹ đã không thể thực hiện và duy trì thông qua việc tạo dựng địch thủ vĩ đại, bởi vậy "liên minh Trung - Mỹ" đã xuất hiện trong tư duy mới của Mỹ. Lịch sử phát triển của Mỹ sẽ bước vào một điểm ngoặt đó chính là phải mở ra một con đường mới "không có kẻ thù vĩ đại, vẫn có nước Mỹ vĩ đại".

Chương VII: Nước lớn trỗi dậy phải có đại quân

Sự phục hưng vĩ đại “kêu gọi” tinh thần “thượng võ”

Thế kỷ 21, Trung Quốc muốn trỗi dậy, ứng phó với sự đe dọa từ phía Mỹ, bảo đảm không có đại chiến Trung - Mỹ thì Trung Quốc phải có đại quân. Đây là sự đầu tư an ninh, đầu tư phát triển và đầu tư trỗi dậy mà Trung Quốc phải tiến hành. Hiện nay, Trung Quôc đang trỗi dậy, công cuộc phục hưng đang được thực hiện. Muốn tiến hành công cuộc phục hưng vĩ đại thì phải phục hưng tinh thần thượng võ của dân tộc Trung Hoa. Nhìn lại lịch sử, Trung Quốc trong thời đại Hán Đường là "Trung Quốc anh hùng; Trung Quốc sau nhà Tống là một "Trung Quốc nhu nhược; Trung Quốc sau chiến tranh Nha Phiến là "Trung Quốc chịu đòn"; "Trung Quốc chiến đấu" là Trung Quốc của thế kỷ 20 và Trung Quốc của thế kỷ 21 là một "Trung Quốc hùng mạnh".

Muốn 'Trỗi dậy hòa bình' phải 'Trỗi dậy quân sự'

Thế kỷ 21, xây dựng "Trung Quốc lớn mạnh" chính là phải xây dựng Trung Quốc thành "nước lớn thị trường", đồng thời cũng phải xây dựng Trung Quốc thành "nước lớn quân sự". Và muốn "trỗi dậy hòa bình" thì phải "trỗi dậy về quân sự"; muốn có "hòa bình" thì phải chuẩn bị "chiến tranh", theo đuổi "trỗi dậy hòa bình" không sợ phải "trỗi dậy chiến đấu" vì Trung Quốc trỗi dậy hòa bình phải đặt dưới tiền đề là sự đối xử hòa bình của các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ. Nếu như Mỹ vừa không ủng hộ sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, vừa không thỏa mãn với sự kiềm chế đối với hòa bình Trung Quốc mà tiến hành quân sự, thậm chí gây áp lực chiến tranh đối với Trung Quốc thì tất yếu sẽ đẩy Trung Quốc phải dùng chiến tranh để bảo vệ quyền trỗi dậy của mình nhưng Trung Quốc bị buộc phải chiến đấu để trỗi dậy cũng không giống như sự trỗi dậy bành trướng, trỗi dậy bá quyền như một vài nước lớn trỗi dậy trong lịch sử. Sự trỗi dậy của Trung Quốc cần có sự thống nhất giữa "phú quốc" và "binh cường", vừa muốn trỗi dậy trở thành nước lớn về kinh tế lại vừa muốn trỗi dậy trở thành nước mạnh về quân sự thì quyết không thể trở thành một "dân tộc kinh tế" chỉ có mỡ mà không xương, có trọng lượng mà không có sức lực.

Muốn không có "đại chiến" giữa Trung - Mỹ thì Trung Quốc phải có “đại quân”, “phú quốc” cần phải có “cường quân”

"Đại quân" ở đây không phải là lớn về mặt qui mô mà phải mạnh về mặt chất lượng. Trung Quốc trỗi dậy về quân sự không phải là để đánh Mỹ mà là để không bị Mỹ đánh, là để tránh chiến tranh, ngăn chặn chiến tranh. Như vậy, đặc trưng của sự trỗi dậy quân sự mang đặc sắc Trung Quốc là sự trỗi dậy mang tính tự vệ, tính phòng ngự, tính hòa bình, tính có hạn, tính bắt buộc, tính quan trọng, tính bức thiết.

Thực hiện sự nghiệp phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa phải kiên trì sự thống nhất giữa "phú quốc" và "cường quân". Để làm được điều này, Trung Quốc phải dám tăng cường quân đội, Trung Quốc phải quyết chí tự "phú" và càng phải quyết chí tự "cường". Sự lớn mạnh của Trung Quốc là không giới hạn vì không có mối liên hệ tất yếu nào giữa lớn mạnh và bá quyền, một quốc gia lớn mạnh có thể là một quốc gia bá quyền, cũng có thể là một quốc gia phi bá quyền. Quốc gia bá quyền lớn mạnh có hại cho hòa bình thế giới nhưng một quốc gia phi bá quyền lớn mạnh lại có lợi cho hòa bình thế giới. Chính bởi vì Trung Quốc hiện đang là quốc gia thiếu năng lực để bảo vệ lợi ích an ninh và phát triển của mình nên Trung Quốc mới cần ra sức phát triển lực lượng quân sự của. Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia lớn mạnh không xưng bá trên thế giới, sẽ trở thành một quốc gia lớn mạnh hạn chế bá quyền trên thế giới, bảo vệ hòa bình thế giới.

Chương VIII: Hô hào "Thuyết Trung Quốc sụp đổ"

“Nước lớn trỗi dậy” và “nước lớn sụp đổ chỉ cách nhau một bước”, Trung Quốc “ca khúc khải hoàn” càng phải “rung chuông cảnh tỉnh”

Hiện nay nói đến Trung Quốc, người Trung Quốc xúc động, người Mỹ kích động, nhân dân trên toàn thế giới cảm thấy chấn động. Sự phát triển của Trung Quốc tạo nên kỳ tích trên thế giới. Trong thời khắc ca khúc khải hoàn thực hiện sự nghiệp phục hưng vĩ đại của nhân dân Trung Hoa, sự khiêm tốn, lý trí, bình tĩnh đều trở nên vô cùng quí giá. Ý thức lo hoạn nạn khó khăn của một dân tộc vĩ đại được thể hiện trong việc tự mình luôn phải rung lên tiếng chuông cảnh tỉnh. Trung Quốc hiện nay đang trong thời kỳ có cơ hội chiến lược, là nước có cơ hội lớn nhất trên thế giới, cũng là nước có thể gặp rủi ro nhất thế giới. Vận mệnh của một quốc gia lại thường được quyết định bởi một vài mắt xích yếu nhất của chính nước đó hay chỉ là một mắt xích trong đó. Bản thân người Mỹ thường cao giọng nói lớn "Mỹ suy vong", người Mỹ 8 lần cất cao giọng về "Thuyết nước Mỹ sụp đổ" để ngăn ngừa suy vong; người Trung Quốc trong quá trình đang trỗi dậy, nghe tiếng kêu "Trung Quốc sụp đổ" cũng có thể có ích cho việc ngăn ngừa sụp đổ, tiến hành trỗi dậy. Trung Quốc có nhiều cái tốt đứng số 1 thế giới cần phải được duy trì, bảo vệ; những cái không tốt đứng số 1 thế giới của Trung Quốc cần phải được nhìn nhận thẳng thắn, phải giải quyết.

“Khủng hoảng nhân tài”: nguy cơ chết người nhất và “ba sáng tạo” bảo đảm Trung Quốc ổn định lâu dài

 Trong các nguy cơ dẫn đến sự suy vong và sụp đổ của một quốc gia thì nguy cơ nguy hiểm nhất là "khủng hoảng nhân tài vì nước lớn trỗi dậy mấu chốt là "nhân tài trỗi dậy". Có 3 mâu thuẫn lớn có thể dẫn đến việc Trung Quốc "trỗi mà không dậy"đó là (i) mâu thuẫn giữa con người và tự nhiên; (ii) mâu thuẫn giữa người với người; (iii) mâu thuẫn giữa Trung Quốc và thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có ba sáng tạo mới để ứng phó với mâu thuẫn đó là: (i) tạo ra kỳ tích "Dân chủ kiểu Trung Quốc" tốt hơn "Dân chủ kiểu Mỹ"; (ii) tạo ra kỳ tích "phân phối của cải" cân bằng hơn "các quốc gia phúc lợi" và (iii) tạo ra kỳ tích "nắm quyền lâu dài, liêm khiết lâu dài" có hiệu quả hơn "cạnh tranh đa đảng". Bởi vậy nên nước Mỹ không nên có ảo tưởng với Trung Quốc, thế kỷ Trung - Mỹ tranh chấp, hai bên đều không nên có ảo tưởng, đều không nên mắc bệnh ấu trĩ chính trị.

Thùy Linh, Chương trình Nghiên cứu Biển Đông

Phần I

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)