Gần đây đáng chú ý là việc các tập đoàn năng lượng nhà nước của Trung Quốc gia tăng việc mua luôn hoặc ký các hợp đồng kếch xù về cung cấp năng lượng với các tập đoàn nước ngoài. Số liệu mới nhất cho thấy các tập đoàn khí đốt và dầu mỏ nước này đã thực hiện những thương vụ lên đến 19 tỷ USD riêng trong năm 2010 (năm 2009 là 16 tỷ). Cả Trung Quốc và bên đối tác nước ngoài đều “thiện chí” làm điều này, vì bên Trung Quốc thì có tiền và cần nhiên liệu, còn nước ngoài cần tiền này để đầu tư vào kinh tế nước mình sau đợt khủng hoảng vừa qua. Phía Trung Quốc cũng rút ra bài học là cứ “đánh lẻ” mau đạt được mục tiêu hơn là mua toàn phần những tập đoàn năng lượng của nước ngoài vì các nước phương Tây chắc chắn sẽ chống lại việc thâu tóm đó. Thí dụ mới nhất là việc tham gia của Trung Quốc vào mỏ khai thác khí đốt lớn nhất của Mỹ Chesapeake Energy Corporation, công ty dầu khí lớn thứ hai ở châu Mỹ. Còn công ty Trung Quốc National Offchore Company (CNOOC) là công ty khai thác dầu khí ngoài khơi hàng đầu của Trung Quốc. Trong thương vụ này CNOOC đã tham gia 1/3 vào dự án khai thác “Eagle Ford” ở Nam Texas với số tiền là 1,08 tỷ USD.

 

Năm 2005, cũng công ty này của Trung Quốc đã đưa ra giá 18,5 tỷ USD tiền mặt để dự định mua tập đoàn cung cấp dầu khí Unocan của Mỹ. Dự án này sở dĩ không thành vì chính quyền Mỹ lo ngại điều này ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ. Theo các chuyên gia thì lần này họ dự định mua toàn bộ tập đoàn Unocan và tiếp quản luôn cả nhân công và chắc chắn sẽ nhận được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền Mỹ.

 

Tập đoàn CNOOC và Sinopec vừa gợi ý tham gia vào tập đoàn dầu khí Brazil OGX với số tiền lên đến 7 tỷ USD; CNOOC còn dự định tham gia vào tập đoàn Opti và Nexen của Canada. Gần đây, tập đoàn dầu khí Repsol của Tây Ban Nha dự định bán cho Sinopec 40% cổ phần (7,1 tỷ USD). Với số tiền này Repsol sẽ mở rộng khai thác ở vùng biển Brazil.

 

Số tiền mà phương Tây cần thường được cung ứng trực tiếp từ các tập đoàn nhà nước hoặc từ ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc. Tháng 5 vừa qua, Ngân hàng phát triển Trung Quốc đã cho tập đoàn dầu khí Brazil Petrobas vay khoản tín dụng 10 tỷ USD với điều kiện phải cung cấp dầu thô cho Sinopec trong khoảng thời gian liên tục 10 năm. Ngoài ra, tập đoàn thương mại lớn nhất của Trung Quốc Sinochem đã nhận 40% cổ phần (3 tỷ USD) từ tập đoàn Staoil của Na Uy để tham gia vào giếng dầu Peregrino ở Brazil.

 

Thông qua việc tham gia vào những dự án lớn như nêu trên, Trung Quốc cũng mong muốn tiếp cận với công nghệ mới mà họ rất cần ở trong nước, cũng chính vì vậy có khi họ đưa ra những lời chào cao hơn thực giá đến 20%. CNOOC cũng thông qua đó có tới 7 giàn khoan với những công nghệ khoan sâu mới nhất.

 

Một điều cũng không thể phủ nhận là chính Trung Quốc cũng đang rất cần nguồn nhiên liệu cho phát triển kinh tế của mình. Trong 15 năm liên tục, kinh tế Trung Quốc đã phát triển ở mức 9%, sản xuất một nửa số thép cho thế giới, hơn cả Nhật, Mỹ, Nga và Ấn Độ cộng lại. Để làm được việc đó Trung Quốc cần một nửa số quặng sắt, 1/3 nhôm, 1/4 đồng của toàn thế giới. Trung Quốc cũng là nơi tiêu thụ nhiều than đá nhất thế giới (1/3 tổng số của thế giới) để sản xuất 70% nguồn điện năng tiêu thụ nội địa. Trung Quốc cũng nhập khẩu nhiều dầu thô hơn là họ khai thác trong nước (53% trong tổng số 8,1 triệu thùng dùng trong một ngày và cho đến 2020 con số này có thể lên đến 13 triệu thùng). Năm 2009, Trung Quốc đã là thị trường nhập khẩu ô tô lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng khát khí đốt, hiện họ cần 89 tỷ mét khối/năm và cho đến năm 2020 con số này sẽ tăng lên 6 lần./.

 

Theo Frankfurt (FAZ)

Văn Cường (gt)


 

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)