Trích bài phân tích của tác giả Rodger Baker trên mạng tin phân tích tình báo "Stratfor" của Mỹ với nhan đề “The Rising Influence of China’s Military” cho rằng, từ lâu giới quân sự đã tăng cường được ảnh hưởng trong các quyết sách quốc gia của Trung Quốc. Từ thập kỷ 80, Trung Quốc đã chuyển hướng sức mạnh quân sự từ lục quân - chủ yếu bảo vệ lãnh thổ - sang tập trung tăng cường sức mạnh hải quân và không quân để bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, và Tây Thái Bình Dương, mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và chú trọng các chiến lược “chống tiếp cận khu vực” (ngăn chặn hoặc triệt tiêu hiệu quả sự triển khai quân sự của đối thủ).

Trung Quốc đã đẩy nhanh triển khai chiến lược này trong vài năm gần đây không chỉ nhằm đe dọa đánh bại Mỹ trong cuộc đối đầu trực tiếp mà còn ngăn chặn ngay từ đầu sự can dự quân sự của Mỹ. Một số hệ thống vũ khí như tên lửa đạn đạo chống tàu chiến DF-21D là loại vũ khí được phát triển để chống lại hải quân Mỹ. Cơ quan đại dương và đánh cá Trung Quốc được tăng cường để khẳng định những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Baker cho rằng sự chuyển hướng trọng tâm chiến lược của quân đội Trung Quốc được thúc đẩy bởi 3 nhân tố. Một là Trung Quốc nhận thấy các đường biên giới trên đất liền của họ đã nằm dưới tầm kiểm soát, còn các đường biên giới trên biển vẫn dễ bị xâm phạm. Đây chính là một mối quan ngại đặc biệt của một nền kinh tế dựa vào buôn bán. Hai là vì kinh tế phát triển nhanh nên Trung Quốc phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên được vận chuyển từ xa và phụ thuộc vào các nền kinh tế mới nổi, do đó khiến chính phủ và giới quân sự tìm mọi cách bảo vệ các tuyến đường biển cách xa bờ biển Trung Quốc. Ba là giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc lợi dụng mối quan ngại này để tăng cường vai trò của họ trong quá trình hoạch định chính sách quốc gia.

Thành công trong cải tổ quân đội, đặc biệt liên quan đến hiện đại hóa học thuyết huấn luyện, thông tin và công nghệ, cũng tạo điều kiện để giới quân sự Trung Quốc gây được ảnh hưởng lớn hơn trên chính trường. Quân đội tiếp cận được công nghệ cao hơn và Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm việc chia sẻ công nghệ giữa quân sự và dân sự nhằm phát triển kinh tế. Sự chia sẻ công nghệ từ công nghệ không gian vũ trụ đến công nghệ nanô đang mở ra các cơ hội mới để các quan chức quân sự thúc đẩy phát triển vũ khí mới đồng thời cũng thúc đẩy kinh tế. Khi sức mạnh kinh tế toàn cầu của Trung Quốc lớn mạnh, giới quân sự đòi hỏi ngân sách lớn hơn và nhiều quyền hạn hơn với lý do để bảo vệ lợi ích quốc gia, nhưng cũng nhằm bảo vệ các đặc quyền của họ. Các quan chức quân sự Trung Quốc cũng đòi có tiếng nói lớn hơn. Năm 2010, họ đã công khai các quan điểm của mình đối với người dân Trung Quốc và đôi khi đối với cả các phương tiện truyền thông nước ngoài. Họ không chỉ đề cập đến các vấn đề quân sự mà cả chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Trung Quốc.

Hành động vượt quá quy tắc thông thường trên đã làm ngành ngoại giao Trung Quốc không thoải mái và bất bình với ảnh hưởng gia tăng của giới quân sự đối với các đối tác ngoại giao nước ngoài của Bắc Kinh. Một biểu hiện của sự bất bình này được bộc lộ công khai năm 2010 là cuộc đấu giữa giới quân sự và dân sự về chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Quý III/2010, khi Mỹ triển khai các cuộc tập trận ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương để phản ứng lại các sự kiện như vụ Bắc Triều Tiên bắn chìm tàu khu trục Cheonan của Hàn Quốc, giới quân sự Trung Quốc cũng đáp trả bằng một loạt cuộc tập trận quy mô lớn như là hành động vượt lên trên đối thủ. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao và giới dân sự Trung Quốc đã phản đối hành động này và coi đó là phản tác dụng. Vì vậy, quý IV/2010, Trung Quốc đã hủy các cuộc tập trận đối kháng với các cuộc tập trận của Mỹ. Thay vào đó, họ thúc đẩy đường lối ngoại giao hữu nghị hơn với Mỹ ngay cả khi Mỹ vẫn diễn tập quân sự. Tháng 12/2010, khi Bắc Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, Trung Quốc cũng chỉ phản ứng vừa phải bằng lời kêu gọi nên kiềm chế và đối thoại.

Tác giả Baker nhấn mạnh tới phản ứng do bị gạt ra rìa trên chính trường, giới quân sự Trung Quốc đã cố ý để rò rỉ kế hoạch triển khai tàu sân bay trong năm 2011 cũng như tăng cường thu hút sự chú ý của thế giới đến tên lửa đạn đạo chống tàu của Trung Quốc và thử nghiệm máy bay thế hệ thứ 5 mà họ khẳng định là máy bay tàng hình của Trung Quốc ngay khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R. Gates tới thăm Trung Quốc và ngay trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cầm Đào. Động cơ của giới quân sự Trung Quốc là chủ nghĩa dân tộc, thậm chí mạnh hơn là lợi ích trong việc duy trì sức mạnh và ảnh hưởng của họ ở nước này. Động cơ này dễ nhận thấy trong sự ganh đua với Mỹ. Sức ép của Mỹ dù thực sự hay trên lời nói đã thúc đẩy Trung Quốc tăng cường phòng thủ. Tuy nhiên, cũng dễ nhận thấy rằng giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc cũng quan tâm không kém đến việc duy trì mối quan hệ pha trộn với Oasinhtơn. Chính phủ Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ sự chỉ trích không ngớt của Mỹ đối với sự phát triển quốc phòng của Trung Quốc vì sự chỉ trích như vậy thực sự làm tăng chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa, làm người dân Trung Quốc quên đi những khó khăn kinh tế mà Trung Quốc đang phải chật vật xử lý. Trọng tâm của vấn đề là giới lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc có phối hợp tốt được với nhau hay không và phối hợp như thế nào cũng như làm thế nào để ổn định mối quan hệ này.

 

Theo Stratfor

Trần Quang (gt)