(F 8054/6636/10)
Bộ Ngoại giao
S.W.l
Ngày 16 tháng 1 năm 1937

Thưa Ngài,

Tôi được Ông Bộ trưởng Eden chỉ thị chuyển cho ông bản sao của một giác thư do Sứ quán Pháp thông báo liên quan đến chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa được đính kèm theo đây và sẽ được đệ trình lên các thành viên Hội đồng tối cao Bộ Hải quân Hoàng gia.
 
2. Chúng tôi cho rằng cơ sở lập luận do Sứ quán(Pháp) đưa ra cũng như những lập luận mà người An Nam dựa vào đó để yêu sách chủ quyền tương đối giống những điều được trích dẫn trong các tuyên bố trước đó về vấn đề này, cụ thể hơn là điều khoản về “Terre Air Mer” và bản dịch này được đính kèm theo trong bức thư số M.0799/34 ngày 9 tháng 4 năm 1934 của Bộ Hải quân.Tuy nhiên, việc khẳng định rằng Trung Quốc đã một lần công nhận quần đảo Hoàng Sa không phải là một bộ phận của Thiên triều là một điểm mới. Nghiên cứu một cách kỹ lưỡng các văn bản trong hồ sơ lưu trữ liên quan đến việc cướp hàng hoá trên tàu Bellona và Umeji (không phải là Unoji) Maru không thu được kết quả nào hỗ trợ cho lời khẳng định này. Ngược lại, qua trao đổi thư từ với Ngài Công sứ và với các Công ty bảo hiểm có liên quan, Chính phủ Trung Quốc đã từ chối xem xét mọi đòi hỏi đền bù với lập luận chủ yếu là các Công ty bảo hiểm đã không thực hiện các biện pháp thích đáng để bảo vệ tài sản của họ và trong mọi trường hợp quần đảo Hoàng Sa nằm quá xa bờ biển (của Trung Quốc) đến nỗi việc trông chờ Chính phủ Trung Quốc có các biện pháp đặc biệt để ngăn chặn nạn cướp là vô lý.
 
3. Ông Eden cho rằng tàu “Herald” của Nữ Hoàng đến thăm quần đảo Hoàng Sa theo nhiệm vụ thường lệ cũng hoàn toàn giống như việc tàu “Iroquois” của Nữ Hoàng đến đây năm 1931 (Xem bức thư số M.01199/31 ngày 21 tháng 5 của Bộ Hải quân). Không nghi ngờ gì kể từ năm 1931, một số tàu của Nữ Hoàng đã tới thăm quần đảo Hoàng Sa với những mục đích giống nhau. Tuy nhiên, đây là trường hợp đầu tiên người Pháp cho rằng lẽ ra các chuyến đi như thế phải được thông báo trước cho họ. Hơn thế nữa, không có gì bất bình thường trong các chuyến đi này cả, do đó sẽ là vô lý khi cho rằng các chuyến đi này được tính để làm tăng thêm bất kỳ sự hiểu nhầm nào.
 
4. Trong khi còn chờ đợi ý kiến xem xét của các thành viên Hội đồng tối cao Bộ Hải quân, ngài Bộ trưởng Eden đề nghị thông báo cho Sứ quán Pháp rằng ngài Bộ trưởng hiểu rằng Trung Quốc cũng đòi quyền chủ quyền đối với quần đảo này, và cho đến khi có một giải pháp bằng cách thông qua thương lượng hoặc phán quyết của một toà án quốc tế nào đó, Chính phủ của Hoàng Gia sẽ không bày tỏ quan điểm của mình nào về việc ai là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo này. Ngoài ra, nếu các thành viên Hội đồng tối cao Bộ Hải quân mong muốn, ngài Eden sẽ sẵn sàng bỏ qua những thông tin mà phía Pháp thông báo và sẽ không có thư phúc đáp.
 

 

 

Ký tên
N.B. Ronald
Người dịch: Nguyễn Văn Hùng
Người hiệu đính: Nguyễn Quang Vinh


 

 

 

Bản sao
(F 980/980/10)                                                        Bộ Hải quân, S.W.l
M. 01155/ 37. Mật.                                                     Ngày 17/2/1937

 

Thưa Ngài,

Hội đồng tối cao các thành viên Bộ Hải quân, chỉ thị cho tôi phúc đáp bức thư No. F. 8054/6636/10 ngày 16 tháng 1 của Ngài về yêu sách chủ quyền của Chính phủ Pháp đối với quần đảo Hoàng Sa. Liên quan đến tuyên bố rằng Chính phủ Pháp khẳng định là Trung Quốc đã một lần thừa nhận quần đảo Hoàng Sa không phải là một bộ phận của Thiên triều là một vấn đề mới, tôi cần phải thông báo rằng yêu sách này cũng đã được nhắc đến trong công văn số 56 ngày 19/5/1932 do ngài Tổng lãnh sự ở Quảng Châu gửi đi mà nội dung đề cập đến bức công hàm về vấn đề này do Chính phủ Pháp trao cho ngài Công sứ Trung Quốc tại Paris.

Về các chuyến đi của các tàu của Nữ Hoàng tới Hoàng Sa, tôi được phép thông báo rằng chuyến đi khảo sát của tàu Iroquois trong năm 1931 là tuyệt mật và được thực hiện không có bất kỳ một sai phạm nào. Chuyến đi của tàu Herald tới nhóm đảo Lưỡi Liềm được thực hiện trong quá trình các cuộc điều tra hợp pháp. Tàu Herald được chỉ thị đến để khảo sát hai bãi ngầm do tàu M.V. Neptunia báo cáo hồi tháng 3/1935, đồng thời để cố xác định vị trí bãi ngầm Hotspur vốn đã được các tàu khác tìm kiếm nhưng không có kết quả. Các bãi ngầm này được xác định trên bản đồ cách hòn đảo gần nhất là 7 hải lý và 18,5 hải lý. Phần đầu công việc đã được hoàn tất đúng như kế hoạch cho phép tàu Herald xác định rõ nhóm đảo Lưỡi Liềm vào ban ngày và do đợt gió mùa đông bắc thổi mạnh, nên đã phải ngừng việc tìm kiếm. Công việc tìm kiếm bãi ngầm Hotspur đã được tiếp tục vào sáng hôm sau.

Các thành viên trong Hội đồng tối cao Bộ Hải quân cho rằng, mặc dù không muốn có những sự chú ý không cần thiết tới những chuyến đi như vậy, nhưng có lẽ là khó đảm bảo là không hề có điều bất bình thường trong những chuyến đi này. Trên thực tế, mục đích chính của những chuyến đi như vậy là nhằm thu nhập những thông tin về hải đồ mà có thể được sử dụng trong chiến tranh hoặc trong thời gian quan hệ xấu đi. Theo quan điểm của các thành viên Hội đồng tối cao, quần đảo Hoàng Sa có thể có giá trị trong những hoàn cảnh cụ thể nào đó, và trong trường hợp người Pháp thiết lập chủ quyền thực sự đối với Hoàng Sa thì việc thông báo tất cả những chuyến đi như vậy là cần thiết và việc hạn chế mọi hình thức thăm dò có thể sẽ trở thành cần thiết.

Trong những hoàn cảnh như vậy, Hội đồng tối cao cho rằng cần phải tiến hành bất kỳ biện pháp nào được coi là hiệu quả nhất để ngăn cản người Pháp tiếp tục đưa ra yêu sách.Tuy nhiên, Hội đồng cũng cho rằng việc bỏ qua mọi trao đổi với Pháp có thể bị hiểu như là một sự công nhận ngầm chủ quyền của Pháp đối với quần đảo này.

 

 


Ký tên
S.H. Phillips
Người dịch: Nguyễn Văn Hùng
Người hiệu đính: Nguyễn Quang Vinh


 

 

No. F 980/980/10


1. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh xin gửi lời chào trân trọng tới Ngài Đại sứ Pháp và rất lấy làm vinh dự thông báo cho Ngài biết rằng Ngài Bộ trưởng đã trân trọng xem xét bản Bị vong lục liên quan tới quần đảo Hoàng Sa mà Ngài Charbonniere đã vui lòng trao cho Bộ Ngoại giao Anh ngày 28 tháng 12 năm ngoái.

2. Mọi người biết rằng Cộng hoà Trung Hoa cũng đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo này. Trong khi chờ có giải pháp thông qua đàm phán thương lượng hoặc thông qua phán quyết của toà án quốc tế nào đó, Chính phủ Anh cảm thấy bây giờ chưa thích hợp để bày tỏ quan điểm của mình đối với việc quốc gia nào có chủ quyền đối với những quần đảo này.
 
3. Trong khi đó, cũng cần lưu ý rằng việc nghiên cứu một cách kỹ lưỡng những hồ sơ lưu trữ liên quan đã không cho thấy bất cứ một chứng cứ nào về việc Chính phủ Trung Quốc không ngừng tuyên bố chủ quyền đối với những quần đảo này như đã được ghi trong mục 5 của Bị vong lục mà sứ quán Pháp đã gửi.


 

 
Bộ Ngoại giao, S.W.l.
10 tháng 3 năm 1937
Người dịch: Nguyễn Văn Hùng
Người hiệu đính: Nguyễn Quang Vinh

 
 
 
 

Bản sao

 

 
Quần đảo Hoàng Sa

 
1. Sau đây là một số thông tin liên quan đến tuyên bố của Pháp nói rằng quần đảo Hoàng Sa không thuộc lãnh thổ của Trung Quốc (xem công văn Quảng Châu số 56 ngày 19/5/1932 - Bản sao số 663 của Bộ Ngoại giao ngày 8/6/1932- Báo cáo của Cơ quan tình báo Hồng Công đính kèm trong công văn số 1050 F8709/5619/10/1932 ngày 29/12/1932 của Bộ Ngoại giao và thư đính kèm trong tài liệu số 128 - F980/980/10 ngày 10/3/1937 của Bộ Ngoại giao).
 
2. Toàn bộ sự thật về việc tàu "Bellona" bị cướp và đắm ngoài khơi bãi đá Bắc quần đảo Hoàng Sa ngày 30/9/1894 được nêu trong công văn Quảng Châu số 19 ngày 20/4/1899 và trong "Thư thỉnh cầu chung" ngày 4/4/1899 của Công ty Bảo hiểm các thương gia Trung Hoa và cơ quan Bảo hiểm Quảng Châu; chỉ có bức thư thỉnh cầu chung được gửi đến Bộ Ngoại giao trong công văn của Bắc Kinh số 272 ngày 4/9/1899.
 
3. Việc nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ lưu trữ tại Bắc Kinh cũng không cho thấy bất cứ chứng cứ nào về việc Chính phủ Trung Quốc ngừng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, tuy nhiên có khả năng là việc Pháp khẳng định Trung Quốc đã từng ngừng tuyên bố chủ quyền có thể dựa trên những lời nói mập mờ của Cao uỷ Hải quan đưa ra tại Kiungchow.
 
4. Theo bản dịch của một bản báo cáo cuả Cao uỷ Hải quan tại Kiungchow, ông Schoenicke (trong hồ sơ lưu trữ tại Bắc Kinh không đề ngày tháng) gửi Tổng trấn Kwangtung và sau đó được gửi cho quyền Tổng lãnh sự Fraser tại Quảng Châu trong một công văn đề ngày 27/6/1896, có đoạn sau (báo cáo này không gửi cho Bộ Ngoại giao):
 
" Thế nhưng đại dương mênh mông không thuộc quyền tài phán của bất cứ ai, và thấy rằng ở đó không hề có một tàu tuần tiễu nào, hàng hoá của tàu Bellona là những mảnh vỡ hoàn toàn vô chủ trôi nổi trên đại dương mà bất cứ ai cũng có thể thu gom. Những con người tội nghiệp trên tàu biết được sự tồn tại của số của cải này, đã bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng của mình để cứu vớt chúng từ biển cả. Việc họ làm không hề có gì khác thường, họ đáng thương hơn bị coi như những tên trộm cắp và bị tước đi những gì mà họ đã bất chấp tính mạng để giành lấy".
 

Tôi đưa ra chi tiết này nhằm chứng tỏ rằng đoạn trích dẫn trên có thể đã được coi như là một sự "ngừng tuyên bố chủ quyền thông qua suy diễn", (Viên Cao uỷ Hải quan này là một quan chức Chính phủ Trung Quốc và bản báo cáo này đã được vị Tổng trấn "đá qua" cho quyền Tổng lãnh sự Anh tại Quảng Châu).

5. N.B. Giọng văn tương tự cũng đã được sử dụng trong một Công văn số 49 ngày 8/8/1899 (không gửi cho Bộ Ngoại giao Anh) gửi từ Tsungli Yamen cho ông Bax Ironside tại Bắc Kinh trong đó chuyển nội dung bức thư cho Tổng thống đốc các tỉnh Liangkuang (Tổng trấn tại Quảng Châu) gửi đi, bức thư viết như sau:
 
" Tuy nhiên, trong một đại dương mênh mông bao la, không một đội bảo vệ nào dám nói là có trách nhiệm thì làm sao nhà cầm quyền địa phương lại có thể bảo vệ được từng điểm nhỏ trong hàng trăm dặm của biển cả"?
 
Hồ sơ lưu trữ viên
đã ký
 

 
A.T.Cox

Sứ quán Anh
Bắc Kinh
13 tháng 5, 1937

 

 
Người dịch: Nguyễn Văn Hùng

 

 
Người hiệu đính: Nguyễn Quang Vinh

 
 
 
 

Bản sao
(F 8054/6636/10)


Theo các tin tức mà Chính phủ Pháp nhận được, tàu thuỷ văn Anh "Herald" có lẽ đã ghé vào các đảo Hoàng Sa từ 25 đến 27 tháng 11. Vừa qua, không có một thông báo trước nào về sự việc này cho các nhà chức trách Pháp hay Đông Dương. Không muốn nhấn mạnh tới điểm này, Chính phủ Pháp không thể không nhận xét rằng việc tạm dừng của một đơn vị thuộc hạm đội Anh ở một bến tạm không bình thường có thể bị báo chí Viễn Đông coi là một sự xác nhận các thông tin do họ công bố và theo các thông tin đó thì hàng không Anh có lẽ đã nghĩ tới việc đặt ở các đảo Hoàng Sa một trạm tiếp tế cho thuỷ phi cơ.
 
Các lời đồn đại đó đã được Bộ Ngoại giao Anh đánh giá là không có cơ sở trong cuộc nói chuyện giữa Tham tán của sứ quán với ông Giám đốc sở Viễn Đông vào tháng 10 vừa qua. Để đánh tan mọi sự hiểu lầm và tránh mọi việc rắc rối trong tương lai, Chính phủ Pháp thấy rằng cần xác định rõ với Chính phủ Anh quan điểm của mình về quy chế của các đảo Hoàng Sa.
 
Các đảo đó luôn luôn được coi là một vùng thuộc vương quốc An Nam. Các biên niên sử của Triều đình Huế đã ghi lại các chuyến đi ra Hoàng Sa được tổ chức hàng năm của ngư dân Việt Nam. Năm 1816 Hoàng đế Gia Long đã thiết lập dứt khoát quyền lực trên quần đảo và đã chiếm hữu quần đảo bằng cách long trọng kéo cờ trên đảo. Năm 1835, Hoàng đế Minh Mạng đã gửi tới Hoàng Sa một phái đoàn để xây một cái miếu và dựng một cái bia.
 
Là bộ phận của Vương quốc An Nam, các đảo Hoàng Sa được đặt dưới sự bảo hộ của Pháp theo Hiệp ước Pháp - An Nam ngày 6 tháng 6 năm 1884 mà Chính phủ Trung Quốc đã cam kết tôn trọng trong Hiệp ước Pháp - Trung ngày 9 tháng 6 năm 1885.
 
Trong các điều kiện đó, Chính phủ Pháp luôn luôn gạt bỏ các ý đồ mà Chính phủ Trung Quốc dường như muốn nêu lên gần đây về quần đảo Hoàng Sa. Chính phủ Pháp thấy cần nhắc lại để Chính phủ Anh biết rằng năm 1898, tiếp theo vụ các tàu "Bellona" và " Unofi Maru" bị đắm trên vùng biển này và các vụ ngư dân Trung Quốc bán đồng lấy ở các xác tàu đắm đó, lãnh sự Anh ở hải khẩu đã can thiệp với Chính phủ Bắc Kinh yêu cầu trừng trị những kẻ phạm tội. Ông ta đã được trả lời rằng vấn đề này không thuộc thẩm quyền của Chính phủ Trung Quốc vì "quần đảo Hoàng Sa không thuộc thiên triều".
 
Chính phủ Pháp rất hy vọng rằng các ý kiến nói trên sẽ xoá tan mọi sự hiểu lầm trong tâm trí của chính phủ Anh về chủ quyền của Hoàng đế An Nam trên quần đảo Hoàng Sa và sẽ rất vui mừng nhận được trả lời cho biết quan điểm của Bộ Ngoại giao Anh về vấn đề này.
 
 

 
Đại sứ quán Pháp ở Londres
Albert Gate House
23 tháng 12 năm 1936
Người dịch: Nguyễn Văn Hùng
Người hiệu đính:Lê Minh Nghĩa