Liệu chiến lược xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc có thực sự thành công hay không? Câu hỏi đầu tiên đó là tìm hiểu xem có phải Trung Quốc đang đạt mức tăng trưởng xuất khẩu vũ khí ấn tượng hay không, giống như thành công của họ trong lĩnh vực xuất khẩu thương mại. Mặc dù bức tranh toàn cảnh vẫn chưa rõ ràng, nhưng hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy một điều gì đó đang diễn ra. Doanh thu từ việc bán vũ khí của Trung Quốc đang tăng lên. Trong giai đoạn năm 2012-2016, doanh thu từ xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc chiếm 6,2% kim ngạch vũ khí toàn cầu, tăng 74% so với giai đoạn 2007-2011. Trên thực tế, trong giai đoạn năm 2012-2016, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc vượt Đức, Pháp và Anh, đưa Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới. Đây không phải hiện tượng ngắn ngủi mà là một xu hướng lâu dài.

Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đã bị chỉ trích vì thiếu tính toàn cầu bởi 72% tổng xuất khẩu vũ khí của họ trong 5 năm qua chỉ chuyển tới 3 nước: Pakistan, Bangladesh và Myanmar. Tuy nhiên, lời chỉ trích này là không công bằng. Sự phụ thuộc vào một vài khách hàng nhóm tác động đến cả các nhà xuất khẩu kỳ cựu cũng như các nhà xuất khẩu mới. Nga từng là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới trong giai đoạn năm 2012-2016, nhưng 70% doanh thu là thu được từ 4 quốc gia - Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc và Algeria. Cũng như vậy, 71% kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Anh chuyển tới Ấn Độ, Mỹ và Saudi Arabia.

Những người chỉ trích lập luận rằng vũ khí của Trung Quốc chỉ hấp dẫn đối với các nước nghèo bởi các vũ khí cũ của họ có giá thành rẻ. Mặc dù lập luận này cũng có phần đúng, nhưng nó cần sự kiểm chứng. Trung Quốc đã thành công trong việc đa dạng hóa nhóm khách hàng của họ và hiện xuất khẩu vũ khí tới 55 quốc gia trên thế giới, ở châu Á, Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh. Nhiều khách hàng của Trung Quốc là các nước đang phát triển. Ví dụ như, 2/3 các nước nằm ở châu Phi - lục địa nghèo nhất thế giới - mua hệ thống vũ khí từ Trung Quốc và hầu hết trong số đó là thiết bị quân sự cơ bản.

Tuy nhiên, thời thế đang thay đổi. Vũ khí của Trung Quốc không còn là các “phế tích” từ thời Xô Viết. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang thay thế các hệ thống vũ khí nền tảng cũ thời Xô Viết bằng các mô hình “bản địa” được cải tiến và hiện xuất khẩu các vũ khí được hiện đại hóa, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Type-99, máy bay chiến đấu J-10 và tàu ngầm lớp Yuan sang Thái Lan, Myanmar, Bangladesh và Pakistan.

Trung Quốc cũng thích nghi, đổi mới và tiến hành tích hợp các hệ thống nhằm cải tiến công nghệ, ví dụ như các thiết bị bay không người lái (UAVs) và các tên lửa hành trình chống hạm. Công nghệ được cải tiến cùng giá thành tương đối rẻ dẫn đến việc xuất khẩu vũ khí ngày một hiệu quả về mặt chi phí. Liệu có điều gì khác biệt giữa chiến lược xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc với chiến lược của các nhà xuất khẩu châu Âu hay không? Câu trả lời là chắc chắn “có”.

Trước tiên, các chiến lược gia châu Âu không nên bị “đánh lừa” rằng doanh thu xuất khẩu là mục tiêu hàng đầu. Thay vào đó, mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh là tìm kiếm ảnh hưởng địa chính trị và chiến lược dài hạn. Công cuộc tìm kiếm ảnh hưởng trong khu vực và toàn cầu là mục tiêu trọng yếu trong chính sách ngoại giao kinh tế của Trung Quốc. Nó phản ánh khía cạnh hẹp hơn trong khuôn khổ quyền lực mềm của Bắc Kinh, đó là tìm cách cung cấp viện trợ nước ngoài, đầu tư trực tiếp nước ngoài, các chương trình giáo dục ở nước ngoài và một phần quan trọng đó là bán vũ khí.

Mô hình xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc được triển khai theo chiến lược được vạch ra một cách kỹ càng, dựa trên 3 nguyên tắc: thúc đẩy khả năng phòng vệ chính đáng của quốc gia tiếp nhận vũ khí; củng cố hòa bình, an ninh và ổn định của quốc gia đó và khu vực; và không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia đó. Cách tiếp cận dài hạn của Bắc Kinh đó là kết nối việc không can thiệp vào công việc nội bộ với việc mua bán vũ khí dựa trên quan điểm cho rằng các hồ sơ chính trị, quân sự và nhân quyền của khách hàng nằm ngoài các thỏa thuận trong hợp đồng. Chính sách “không câu hỏi nào được đặt ra” này bị các nước phương Tây chỉ trích mạnh mẽ, nhưng hiện không có tranh cãi nào về tính hiệu quả của nó trong việc bán vũ khí và đảm bảo ảnh hưởng. Chính sách này đặc biệt thu hút các quốc gia với quân đội chỉ ở tầm thứ 2 hoặc thứ 3 và đang phụ thuộc vào vũ khí của Mỹ hay Nga. Vũ khí của Trung Quốc mở ra cơ hội cho các nước nghèo hơn được đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, giành lại chủ quyền qua năng lực quân sự và giảm thiểu mức độ tổn thương chiến lược trước các lệnh cấm vận vũ khí.

Mô hình xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc cũng có các đặc điểm quan trọng khác. Từ cách nhìn chiến lược của Trung Quốc, họ tận dụng quan hệ với các khách hàng và trong quá trình đó thúc đẩy ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt tại các nước láng giềng. Không có gì là ngẫu nhiên khi việc Trung Quốc bán vũ khí cho Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar đã gián tiếp kiềm chế mối đe dọa của cường quốc châu Á khác là Ấn Độ. Vũ khí của Trung Quốc cũng được chào bán một cách cạnh tranh. Giá thành của họ thấp hơn so với các mẫu hình của phương Tây. Ví dụ như các máy bay không người lái của Trung Quốc có giá bằng 10-20% phiên bản tương tự của Mỹ. Cuối cùng, Trung Quốc chịu trách nhiệm chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các khách hàng bảo trì, sửa chữa và đại tu trong nước và thậm chí sản xuất linh kiện.

Mặc dù Trung Quốc vẫn chưa phải là nhân tố áp đảo, nhưng chiến lược xuất khẩu vũ khí của họ đã cho thấy hiệu quả trong việc chiếm lấy thị phần từ các nước đối thủ. Trung Quốc cũng bắt đầu thâm nhập vào các thị trường có thu nhập cao hơn, đặc biệt những nơi mà sự tiên tiến trong công nghệ không đòi hỏi nhiều. Đây là chiến lược dài hạn, được kích động bởi các mục tiêu ngoại giao và địa chiến lược, chứ không chỉ các lợi ích thương mại.

Tác giả Ron Matthews là Giáo sư Kinh tế Quốc phòng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Lãnh đạo và Quản lý Quốc phòng, Đại học Cranfield và Học viện Quốc phòng Anh; Tác giả Xiaojuan Ping là nhà nghiên cứu tại Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore. Bài viết đăng trên trang “National Interest”.

Vũ Hiền (gt)