7c057af5-f4f3-44d0-a3f6-17cdf10c421a.jpg

Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh bên lề kỳ họp Quốc hội thường niên, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Tiêu Tiệp khẳng định: "Chi tiêu quân sự của Trung Quốc không có gì mờ ám". Theo ông Tiêu, giới chức Trung Quốc đang cố tìm cách xóa bỏ những hoài nghi về thái độ lúng túng của Bộ Tài chính khi nói về ngân sách quốc phòng, hoặc thực tế là nhằm mục đích che giấu một bí mật. Dù là mục đích nào thì ngân sách năm 2017 dành cho quân đội Trung Quốc - vấn đề vốn gây nhiều tranh cãi, thực tế sẽ lớn hơn nhiều.

Mặc dù Bắc Kinh đang cố gắng làm dịu các cuộc tranh luận về ngân sách quốc phòng, song hiện tồn tại hai vấn đề rõ ràng mâu thuẫn nhau. Đó là một mặt, Bắc Kinh tuyên bố giảm mức tăng chi tiêu quân sự, song mặt khác, chính quyền lại đang đẩy mạnh các khoản đầu tư dành cho quân đội, với nguồn tiền từ ngân sách quốc gia. Mới đây, trước khi bắt đầu kỳ họp Quốc hội thường niên, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Phó Oánh thông báo rằng Trung Quốc sẽ dành số tiền khoảng 1,3% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) cho quân đội trong năm nay, tương đương mức tăng 7% so với năm 2016. Tuy nhiên, điều khiến dư luận ngạc nhiên là Bắc Kinh đã không đưa ra một con số cụ thể. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong có bài bình luận nhấn mạnh: "Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Bắc Kinh không tiết lộ tổng chi phí quốc phòng cho năm hiện tại, mặc dù đã cam kết minh bạch trong các khoản chi tiêu quân sự".

Cuối cùng, Bộ Tài chính Trung Quốc sau đó cũng đã phải đưa ra con số tổng ngân sách dành cho quân đội là 1,04 nghìn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 152 tỷ USD). Dù số liệu được công bố không chính xác, song tỷ lệ phần trăm thay đổi trong báo cáo nhìn chung được cho là đã phản ánh được xu hướng chi tiêu quân sự. Mức tăng là khoảng 7% trong năm nay, thấp hơn so với năm ngoái là 7,6% và thấp hơn nhiều so với năm 2015 là 10,1%. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2010, mức tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc chỉ 1 con số.

Tại Trung Quốc, một số người cho rằng tỷ lệ tăng ngân sách quân sự ở mức thấp là sự thật. Đây là một biện pháp để hạn chế sự lo ngại của các nước láng giềng trước tốc độc hiện đại hóa của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Theo đó, nhiều người cho rằng mức tăng thấp đồng nghĩa với việc Bắc Kinh không tham gia một cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả khi mức tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc thấp hơn những năm trước thì các nước trong khu vực không nên quá chủ quan, bởi quân đội Trung Quốc dường như đang đẩy mạnh việc kêu gọi “hỗ trợ” từ các nguồn lực chính phủ.

Richard Fisher, một nhà nghiên cứu kỳ cựu của Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế nói với tờ National Interest: "Ngân sách dành cho Bộ giao thông, giáo dục và truyền thông Trung Quốc cũng là để đầu tư vào các hạ tầng cơ sở hay các kế hoạch của PLA. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng được kêu gọi đóng góp cho các kế hoạch 'dân-quân sự'... Những khoản chi tiêu này không được đưa vào số liệu gia tăng chi tiêu chính thức hàng năm của Chính phủ". Theo ông Fisher, kết quả là khi đã tính đến mọi khía cạnh, mức tăng chi tiêu quân sự thực sự của Trung Quốc “có thể lên tới mức 10%". Sự tích hợp mà ông Fisher nhấn mạnh chính là một ưu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và có thể trở thành một trong những sáng kiến để lại dấu ấn lớn của ông, với mục đích "huy động càng nhiều nguồn lực kinh tế dân sự đầu tư cho sự phát triển quân đội càng tốt.

Đầu năm nay, tờ Nhân Dân Nhật báo đã viết rằng ông Tập Cận Bình sẽ "đứng đầu một ủy ban trung ương mới phụ trách việc kết hợp quân sự với dân sự", và việc thành lập ủy ban này đã được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc chấp thuận. Một trong những xu hướng quan trọng nhất ở Trung Quốc hiện nay là việc quân đội có thể tiếp nhận các nguồn lực dân sự. Việc này chính là kế hoạch "quân sự hóa" các cơ quan dân sự của Trung Quốc.

Tác giả Gordon Chang chuyên gia về Trung Quốc của Mỹ. Bài viết đăng trên “National Interest”.

Hương Trà (gt)