20/07/2018
Phán quyết của Tòa Trọng tài là một văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng, có tầm ảnh hưởng rất lớn. Vì thế, văn kiện này cần được sử dụng làm cơ sở pháp lý cho các cuộc đàm phán giữa các nước có liên quan để giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
Tóm tắt
Sau một quá trình xem xét vụ kiện của Philippin chống lại yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, ngày 12-7-2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc (từ sau đây gọi tắt là Tòa Trọng tài)[1] đã ra Phán quyết dài 497 trang bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt các nước có liên quan, đã thể hiện thái độ và những phản ứng khác nhau đối với Phán quyết của Tòa Trọng tài. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích thái độ và phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với Phán quyết của Tòa Trọng tài, tập trung vào những nước có liên quan trực tiếp tới những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Nội dung phân tích của bài viết nhằm nhận diện những khả năng giải quyết tranh chấp là gì và như thế nào sau Phán quyết của Tòa Trọng tài.
Từ khóa: Tòa Trọng tài, Biển Đông, chủ quyền, tranh chấp.
Về vụ kiện của Philippin và phán quyết của Tòa Trọng tài
Từ nhiều năm nay, Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với một số nước thành viên ASEAN bao gồm Việt Nam, Philippin, Malaysia và Brunei. Năm 2002, Trung Quốc ký với các nước ASEAN Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC). Theo qui định của DOC, các nước có liên quan cam kết tôn trọng Công ước Liên hợp quốc 1982 về Luật Biển (UNCLOS), không đưa người lên sinh sống trên đảo không người, trên các cồn, rạn san hô cùng những thực thể khác, tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kiềm chế không gây căng thẳng trong quan hệ giữa các nước, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.[2] Mặc dù vậy, năm 2009, Trung Quốc chính thức đưa ra cái gọi là “đường 9 đoạn”, còn gọi là “đường lưỡi bò”, bao trùm hầu hết khu vực Biển Đông. Yêu sách này của Trung Quốc bị nhiều nước và các chuyên gia quốc tế cho là vô căn cứ, không phù hợp với luật pháp quốc tế. Không dừng ở đó, Trung Quốc liên tục có các hành vi gây hấn với tàu cá, tàu chở hàng và máy bay của các nước ở hải phận và không phận trên những vùng biển đang có tranh chấp ở Biển Đông. Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc tăng cường bồi đắp các đá ở Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm được nhằm biến thành các đảo nhân tạo, đồng thời xây dựng các cơ sở hạ tầng trên các đảo này được cho là căn cứ quân sự ở Biển Đông. Những hành động này của Trung Quốc làm dấy lên quan ngại của cộng đồng quốc tế về nguy cơ quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp này, đồng thời đe dọa tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Philippin và Việt Nam là hai nước có tranh chấp quyết liệt nhất với Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và đã nhiều lần đề nghị Trung Quốc chấm dứt các hoạt động phi pháp ở Biển Đông. Cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng phản đối và cảnh báo nguy cơ xung đột trong khu vực nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành vi gây hấn đối với tàu thuyền của các nước qua lại trong khu vực và khi Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng các đảo phi pháp ở Biển Đông. Năm 2013, Philippin đã kiện yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ra Tòa Trọng tài, cho rằng nó không phù hợp với UNCLOS 1982. Vụ kiện này liên quan đến vai trò của các quyền lịch sử trong việc xác định quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông, quy chế của một số cấu trúc cụ thể và các vùng biển của các cấu trúc này, và tính hợp pháp của các hành vi của Trung Quốc mà Philippin cho là vi phạm UNCLOS 1982. Trung Quốc nhiều lần tuyên bố không tham gia vụ kiện. Mặc dù vậy, Tòa Trọng tài vẫn tiến hành việc tố tụng theo qui định trong Phụ lục VII của UNCLOS 1982. Sau một quá trình tố tụng theo đúng những qui định của luật pháp quốc tế, ngày 12-7-2016, Tòa Trọng tài đã đưa ra Phán quyết căn cứ vào Điều 296 của UNCLOS 1982 và Điều 11 của Phụ lục VII của UNCLOS 1982. Những điểm chính trong Phán quyết của Tòa Trọng tài bao gồm: 1) Trung Quốc không có “quyền lịch sử” đối với Biển Đông; 2) “Đường 9 đoạn” do Trung Quốc tự vẽ ra không phù hợp với UNCLOS 1982; 3) Không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc; 4) Trung Quốc can thiệp vào quyền đánh bắt cá của ngư dân Philippin, đặc biệt là ở bãi cạn Scarborough; 5) Trung Quốc gây thiệt hại đến hệ sinh thái quần đảo Trường Sa bằng các hoạt động như khai thác quá mức, xây đảo nhân tạo; 6) Các hành động của Trung Quốc làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột với Philippin. Ngoài ra, Phán quyết của Tòa Trọng tài khẳng định “Phán quyết này có tính ràng buộc pháp lý và có tính chung thẩm”.[3] Như vậy, Phán quyết của Tòa Trọng tài đã không công nhận tính pháp lý trong yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và Philippin đã trở thành bên thắng kiện.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với Phán quyết của Tòa Trọng tài
Phản ứng của Philippin. Là nước thắng kiện nhưng Philippin lại có những phản ứng khá thận trọng và tỏ ra kiềm chế sau Phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12-7-2016 và trong những tuần tiếp theo. Chính phủ Philippin không có những tuyên bố tỏ ra hân hoan trước chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc. Thậm chí, Philippin không thúc đẩy mạnh mẽ để đưa Phán quyết của Tòa Trọng tài vào tuyên bố chính thức của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 tổ chức tại Lào (24-7-2016). Đây là hội nghị quan trọng nhất của ASEAN kể từ khi Tòa Trọng tài đưa ra Phán quyết bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Phát biểu với hãng tin Reuters sau sự kiện này, Bộ trưởng Ngoại giao Philippin Perfecto Rivas Yasay Jr. nói rằng Philippin “không tìm kiếm sự hỗ trợ từ ASEAN hoặc cộng đồng quốc tế trong vụ kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và không muốn thúc ép vấn đề này, gây nguy cơ chia rẽ nhóm hay kích động Trung Quốc”. Mặc dù vậy, ông Yasay khẳng định dù tuyên bố chung của ASEAN không đề cập đến Phán quyết của Tòa Trọng tài, việc đó không có nghĩa là Trung Quốc đã giành được chiến thắng ngoại giao.[4] Phản ứng của Philippin gây ra sự ngạc nhiên đối với những người quan sát, giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, thái độ và phản ứng kiềm chế của Philippin được cho là tránh gây khiêu khích và sức ép của Trung Quốc đối với Philippin trong bối cảnh vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là một vấn đề an ninh - chính trị căng thẳng đối với các nước ASEAN và khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, phản ứng của Philippin đối với Phán quyết của Tòa Trọng tài được xem xét và cân nhắc trong bối cảnh rộng lớn hơn của mối quan hệ giữa Philippin với Trung Quốc trên các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là từ những lợi ích kinh tế của Philippin ở Trung Quốc, từ sự tương quan lực lượng giữa hai nước về quân sự, và từ sự cân bằng trong quan hệ của Philippin với Trung Quốc và với Mỹ nhằm đảm bảo lợi ích tổng thể lâu dài của Philippin cũng như an ninh và chủ quyền quốc gia của mình. Mặc dù có thái độ và phản ứng thận trọng, Chính phủ Philippin cho rằng Phán quyết của Tòa Trọng tài tạo ra thế mạnh cho Philippin và khẳng định Phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ được dùng như một tài liệu mang tính bản lề dẫn dắt cho các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc, nhưng cũng không làm mất thể diện của Trung Quốc để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa hai nước một cách hòa bình.[5]
Phản ứng của Trung Quốc. Ngay từ khi Philippin khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế năm 2013, Trung Quốc thể hiện lập trường “ba không” đối với vụ kiện của Philippin: không thừa nhận giá trị của phiên tòa, không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài, và không chấp nhận việc sử dụng kết quả phiên tòa trong đàm phán tranh chấp với các nước. Sau quá trình tranh tụng của Tòa Trọng tài và khả năng một phán quyết bất lợi cho Trung Quốc sẽ được đưa ra, Trung Quốc đã thực hiện một chiến dịch vận động hành lang nhằm lôi kéo sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế đối với lập trường Biển Đông của mình. Ngay trước khi Tòa Trọng tài đưa ra Phán quyết, Trung Quốc tuyên bố có 60 nước ở Châu Phi, Châu Âu, Trung Đông, Trung Á ủng hộ lập trường Biển Đông của họ. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, chỉ có 8 quốc gia đưa ra tuyên bố công khai ủng hộ việc Trung Quốc tẩy chay quá trình xét xử và bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài. Những nước này bao gồm Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu và Lesotho. Ngoài ra, 5 trong số 60 quốc gia trong danh sách Trung Quốc công bố đã thẳng thừng bác bỏ việc ủng hộ lập trường của Trung Quốc, trong đó có hai thành viên của Liên minh Châu Âu. Theo đánh giá của Euan Graham, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Lowy ở Sydney (Australia), danh sách mà Trung Quốc đưa ra “giống như một liên minh đầy mơ hồ, hoặc chỉ đơn giản là những nước không nắm rõ tình hình, chứ không phải là một khối đồng nhất”. Trong khi đó, Greg Poling, chuyên gia tại Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc CSIS, cho rằng chiến dịch vận động sự ủng hộ quốc tế của Trung Quốc “phản ánh cường độ sức ép mà nước này đang hứng chịu”.[6] Ngoài ra, Trung Quốc còn tiến hành một chiến dịch tuyên truyền trên khắp thế giới như liên tục đăng bài viết trên các tạp chí uy tín quốc tế và thuê đăng quảng cáo trên các báo lớn của các nước để bảo vệ lập trường của Trung Quốc, tuyên truyền chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định tôn trọng các nước láng giềng có chung tranh chấp, đổ lỗi cho Philippin, Mỹ và các nước khác là nguồn gốc gây ra căng thẳng ở Biển Đông. Như vậy, các chiến dịch vận động và tuyên truyền của Trung Quốc cho thấy họ lo lắng trước Phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ gây ra những bất lợi cho Trung Quốc.
Ngay khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo tuyên bố Phán quyết của Tòa Trọng tài là “vô hiệu” và “không có sự ràng buộc” với Trung Quốc, đồng thời cáo buộc Phán quyết của Tòa Trọng tài gây “gia tăng căng thẳng” trong khu vực, làm “tổn hại nghiêm trọng” đến hòa bình và ổn định chính trị ở Biển Đông. Trong khi đó, hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua mô tả Tòa Trọng tài đã ra “phán quyết yếu kém” về Biển Đông và cho biết Trung Quốc “không chấp nhận và không công nhận” Phán quyết của Tòa Trọng tài về “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng lên tiếng không chấp nhận những quan điểm hoặc hành động dựa trên Phán quyết của Tòa Trọng tài đối với yêu sách chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc.[7] Một ngày sau Phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc công bố Sách trắng với tựa đề “Trung Quốc kiên quyết giải quyết tranh chấp với Philippin ở Biển Đông thông qua đàm phán”, nói rằng Trung Quốc sẽ duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Ngoài những tuyên bố chính thức phản đối Phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc ngay lập tức có những phản ứng về quân sự. Bắt đầu từ ngày 11-7-2016, một ngày trước khi Tòa Trọng tài đưa ra Phán quyết, quân đội Trung Quốc bắt đầu tập trận dồn dập trên Biển Đông kéo dài nhiều ngày với sự tham gia của các máy bay và tàu chiến. Đây là cuộc tập trận bắn đạn thật lớn nhất từ trước tới nay trên Biển Đông của quân đội Trung Quốc với sự tham gia của các hạm đội Nam Hải, Bắc Hải và Đông Hải. Sau đó, quân đội Trung Quốc tổ chức diễn tập quân sự với quân đội Nga ở Biển Đông.[8] Những cuộc diễn tập quân sự này nhằm phô diễn sức mạnh cơ bắp của Trung Quốc và cũng là thể hiện sự răn đe trước các đối thủ. Ngoài ra, những thế lực hiếu chiến trong quân đội Trung Quốc đã có những tuyên bố mang tính khiêu khích chiến tranh ngay sau khi Tòa Trọng tài đưa ra Phán quyết về vụ kiện của Philippin. Họ cũng gây sức ép với ban lãnh đạo Trung Quốc đòi phải có hành động mạnh tay trước Phán quyết của Tòa Trọng tài.[9] Cùng với phản ứng quyết liệt của quân đội, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ gây ra tình trạng căng thẳng, đồng thời một số cuộc biểu tình tự phát của người dân Trung Quốc diễn ra ở một số thành phố trong đó những người biểu tình đập phá cửa hàng iPhone và tụ tập trước các cửa hàng KFC, hãng đồ ăn nhanh của Mỹ. Ở phạm vi khu vực, Trung Quốc còn bị cho là đã gây sức ép với một vài thành viên ASEAN để không đưa Phán quyết của Tòa Trọng tài vào Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 tại Lào (24-7-2016).[10] Như vậy, những động thái phản ứng của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đã chuẩn bị rất kỹ để đối phó với Phán quyết của Tòa Trọng tài, đồng thời sự phản ứng của Trung Quốc tỏ ra rất quyết liệt trong cả lời nói và hành động, điều này cho thấy Trung Quốc kiên quyết bám giữ quan điểm và yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Đây tiếp tục sẽ là những quan ngại của cộng đồng quốc tế đối với tình hình an ninh - chính trị ở vùng biển này.
Phản ứng của Việt Nam. Là một trong những nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc, Việt Nam rất quan tâm tới vụ kiện của Philippin và đã cử đại diện tham dự quá trình tố tụng của Tòa Trọng tài với tư cách là quan sát viên. Ngay khi Tòa Trọng tài đưa ra Phán quyết về vụ kiện, Việt Nam tuyên bố hoan nghênh việc Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7-2016. Đồng thời, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5-12-2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi tới Tòa Trọng tài, ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương. Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.[11] Phản ứng tích cực của Việt Nam đối với Phán quyết của Tòa Trọng tài là điều dễ hiểu vì Việt Nam và Philippin cùng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Do đó, chiến thắng của Philippin đã tạo ra lợi thế cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh pháp lý về chủ quyền biển đảo ở Biển Đông với Trung Quốc. Việt Nam có thể sử dụng Phán quyết của Tòa Trọng tài làm cơ sở pháp lý để phản bác những hành động sai trái tương tự mà Trung Quốc đã làm với Philippin. Ngoài ra, đối với Việt Nam, Phán quyết của Tòa Trọng tài có những nội dung phù hợp với lập trường 8 điểm trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa Trọng tài ngày 5-12-2014 và đã được Tòa Trọng tài công nhận để đưa vào cân nhắc. Những nội dung phù hợp nổi bật giữa Phán quyết của Tòa Trọng tài và Tuyên bố của Việt Nam bao gồm: 1) Việt Nam công nhận Tòa Trọng tài có thẩm quyền đối với vụ kiện, đối với những điểm mà Tòa Trọng tài tuyên bố ngày 12-7-2016; 2) Việt Nam và Tòa Trọng tài bác bỏ bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào của Trung Quốc dựa trên “đường 9 đoạn”; 3) Việt Nam và Tòa Trọng tài đều cho rằng cả 8 cấu trúc mà Philippin đề cập cụ thể trong vụ kiện[12] chỉ là những bãi nửa nổi nửa chìm theo Điều 13 của UNCLOS 1982 hoặc là đá theo Điều 121, khoản 3 của văn kiện này, do đó chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý; 4) Việt Nam bảo lưu tất cả các quyền của mình nhằm sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ các quyền lợi pháp lý và các quyền lợi hợp pháp của mình ở Biển Đông.[13] Như vậy, Phán quyết của Tòa Trọng tài đã tạo ra những cơ sở pháp lý vững chắc cho Philippin, Việt Nam cũng như các nước đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc để từ đó có những tuyên bố và hành động phù hợp nhằm bảo vệ tốt nhất lập trường cũng như chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của họ trên Biển Đông.
Phản ứng của ASEAN. Vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là một trong những vấn đề an ninh - chính trị nổi cộm của các nước ASEAN và là một vấn đề gây chia rẽ trong nội bộ ASEAN trong những năm gần đây. Điển hình là sự kiện ASEAN không ra được tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh của khối ở Campuchia năm 2012 vì Campuchia, nước không liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông và bị coi là đang chịu sức ép của Trung Quốc,[14] phản đối yêu cầu của Philippin đưa vấn đề tranh chấp ở bãi cạn Scarborough vào bản tuyên bố chung của ASEAN. Khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippin ngày 12-7-2016, người ta hy vọng đây có thể coi là một cơ sở pháp lý để từ đó các nước ASEAN thống nhất quan điểm trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông với việc công khai yêu cầu Trung Quốc tôn trọng Phán quyết của Tòa Trọng tài và chấm dứt ngay những hành động phi pháp và gây căng thẳng trong khu vực. Tiếc thay, Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 tại Lào (24-7-2016) đã không đề cập đến Phán quyết của Tòa Trọng tài. Trong nội dung về vấn đề Biển Đông, bản Tuyên bố không đề cập trực tiếp Trung Quốc hay phán quyết “đường 9 đoạn” mà chỉ bày tỏ quan ngại về những diễn biến trên Biển Đông, kêu gọi các bên tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao theo các nguyên tắc đã được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, kêu gọi thực hiện đầy đủ DOC và tích cực đàm phán để sớm có Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).[15] Như vậy, ASEAN đã bỏ lỡ một cơ hội để cùng thống nhất quan điểm trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Việc Tuyên bố chung của các Ngoại trưởng ASEAN chỉ nêu quan ngại và kêu gọi chung chung mà không chỉ đích danh Trung Quốc là nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế và thực thi Phán quyết của Tòa Trọng tài đã không thực sự giúp giải quyết vấn đề chính trị - an ninh nóng bỏng này của khu vực. Như vậy, cho đến nay, việc ASEAN vẫn chưa có tiếng nói chung đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông xuất phát từ những nguyên nhân sau: 1) Do sự khác biệt trong lợi ích quốc gia và mức độ tác động khác nhau của vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đến lợi ích quốc gia của từng nước; 2) Tính chất phức tạp của việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều cơ chế hợp tác khác nhau của ASEAN; 3) Các nước ASEAN chịu sự tác động mạnh mẽ của các nước đối tác lớn, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ, trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông; 4) Vì lợi ích quốc gia, một vài nước ASEAN đã lợi dụng nguyên tắc đồng thuận để ngăn cản việc đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông vào các văn kiện diễn đàn của ASEAN. Như vậy, đã đến lúc ASEAN cần xem xét lại nguyên tắc đồng thuận để nguyên tắc này không bị lợi dụng vì lợi ích của một quốc gia mà ảnh hưởng đến sự đoàn kết và lợi ích chiến lược lâu dài của cả khối. Sẽ là lý tưởng nếu tất cả các nước ASEAN có vùng biển nằm trong phạm vi “đường 9 đoạn” của Trung Quốc cùng họp lại với nhau để thống nhất quan điểm giải quyết tranh chấp trên cơ sở Phán quyết của Tòa Trọng tài đưa ra ngày 12-7-2016.
Phản ứng của Mỹ. Kể từ khi Trung Quốc chính thức đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn” ở Biển Đông năm 2009 và có nhiều hoạt động phi pháp trong khu vực, bất chấp luật pháp quốc tế, Mỹ đã có những can dự mạnh mẽ vào vấn đề Biển Đông. Trên thực tế, Mỹ không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông và luôn tuyên bố không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp. Sự can dự của Mỹ được cho là vì những quan ngại về sự đe dọa của Trung Quốc đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh chiến lược quyết liệt ở Đông Nam Á. Vì vậy, Mỹ đã tích cực can dự với ASEAN, chủ động tạo ra mối quan hệ tốt đẹp với cả khối ASEAN và với từng nước, đặc biệt là những nước đang có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ tìm cách để đưa các nước ASEAN có một tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông trước sức ép của Trung Quốc đối với ASEAN trong vấn đề này.[16] Khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết có lợi cho Philippin, đồng minh của Mỹ, phản ứng chính thức của Mỹ cũng tỏ ra rất thận trọng. Trong thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12-7-2016, Mỹ kêu gọi “các bên liên quan tránh đưa ra tuyên bố hoặc hành động khiêu khích”, tôn trọng Phán quyết của Tòa Trọng tài và tuân thủ các nghĩa vụ của họ. Bản thông báo cũng cho biết Mỹ đang nghiên cứu Phán quyết của Tòa Trọng tài và không bình luận về giá trị vụ kiện nhưng ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình. Đồng thời, Mỹ khẳng định Phán quyết của Tòa Trọng tài đối với vụ kiện Philippin - Trung Quốc “là sự đóng góp quan trọng cho mục tiêu chung về một giải pháp hòa bình cho việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông”.[17] Ngoài ra, trong cuộc họp báo trực tuyến cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ quan điểm đối với Phán quyết của Tòa Trọng tài và những vấn đề có liên quan. Theo quan điểm của Mỹ, Phán quyết của Tòa Trọng tài có bốn điểm then chốt: 1) Đưa ra tính bất hợp pháp của “đường 9 đoạn” của Trung Quốc; 2) Xác định rõ những thực thể ở quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough (mà Trung Quốc đang chiếm đóng) chỉ được hưởng phạm vi lãnh hải không quá 12 hải lý; 3) Việc xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc và hoạt động của các tàu đánh cá Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippin; 4) Hoạt động bồi đắp và xây dựng các căn cứ quân sự ở Trường Sa đã phá hoại môi trường ở đây. Ngoài ra, phía Mỹ cho rằng Phán quyết của Tòa Trọng tài đã tạo ra cơ sở pháp lý cho các nước giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, theo đó Mỹ ủng hộ các bên tranh chấp đàm phán theo cách thức “cùng thắng”, nghĩa là các bên phải có thỏa hiệp, chẳng hạn như việc cùng khai thác ở vùng có tranh chấp, và thông qua tiến trình ngoại giao để giải quyết tranh chấp. Đối với Trung Quốc, Mỹ bày tỏ “sự tôn trọng nhưng không sợ” và mong muốn Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế để có thể dành được uy tín quốc tế. Mỹ sẽ tận dụng mọi cơ hội tiếp xúc với Trung Quốc để trao đổi về Phán quyết của Tòa Trọng tài và những vấn đề có liên quan.[18] Những bày tỏ quan điểm của Mỹ cho thấy mặc dù thận trọng trước thắng lợi pháp lý của đồng minh Philippin, Mỹ đã gián tiếp nêu ra thất bại của Trung Quốc trong vụ kiện này, đồng thời một lần nữa kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế. Mỹ cũng gợi mở những cách thức giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và tiếp tục khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không ở những vùng biển quốc tế và trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của các nước (EEZ) theo qui định của UNCLOS 1982.
Phản ứng của Nga. Là một cường quốc ngoài khu vực, Nga hầu như không can dự vào vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Tuy nhiên, những động thái của Nga trong thời gian gần đây rất đáng chú ý. Vào thời điểm trước khi Tòa Trọng tài đưa ra Phán quyết về vụ kiện Philippin - Trung Quốc, Nga đưa ra quan điểm cho rằng “sự can dự của bên thứ ba vào những tranh chấp này sẽ chỉ khiến căng thẳng trong khu vực thêm trầm trọng”, hoặc “không được quốc tế hóa những vấn đề liên quan đến tranh chấp ở khu vực Biển Đông”, hoặc “những nỗ lực quốc tế hóa giải quyết tranh chấp ở Biển Đông cần phải được chấm dứt”.[19] Lập trường của Nga hoàn toàn phù hợp với lập trường của Trung Quốc và ám chỉ sự can thiệp của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Sau khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết, trong cuộc họp báo ngày 5-9-2016, Tổng thống Nga V. Putin tuyên bố: “Chúng tôi đoàn kết và ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề này - không công nhận phán quyết của tòa, ... Đây không phải là lập trường chính trị, mà chỉ đơn thuần về pháp lý”.[20] Cùng với tuyên bố ủng hộ Trung Quốc chống lại Phán quyết của Tòa Trọng tài, ngày 12-9-2016, Nga tiến hành cuộc tập trận chung với Trung Quốc tại Biển Đông. Cuộc tập trận kéo dài 8 ngày được tiến hành ở ngoài khơi thành phố cảng Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) với sự tham gia của tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay phản lực, trực thăng, lính thủy đánh bộ thuộc Hạm đội Nam Hải. Như vậy, những động thái về chính trị và quân sự của Nga cho thấy Nga đang thắt chặt quan hệ với Trung Quốc và có lợi cho Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc đang bị cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế. Ngoài ra, thái độ và phản ứng của Nga với Phán quyết của Tòa Trọng tài cần được hiểu trong bối cảnh rộng hơn khi Nga đang bị Mỹ và phương Tây cấm vận từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014. Vì vậy, sự ủng hộ của Nga đối với Trung Quốc còn hàm ý một sự đáp trả cấm vận của Mỹ đối với Nga. Hơn nữa, sự hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc góp phần giảm bớt thiệt hại kinh tế từ cuộc cấm vận của Mỹ và phương Tây, đồng thời đem lại những lợi ích chiến lược khác cho Nga trên các phương diện an ninh và chính trị. Ngoài ra, Nga có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản ở quần đảo Kuril và đang xúc tiến xây dựng thêm căn cứ quân sự ở đây. Vì thế, sự phủ quyết của Nga đối với Phán quyết của Tòa Trọng tài cũng có thể là một hàm ý đối với Nhật Bản trong việc giải quyết tranh chấp giữa hai nước. Như vậy, phản ứng của Nga đối với Phán quyết của Tòa Trọng tài xuất phát từ những tính toán lợi ích quốc gia của họ nhưng chắc chắn đã góp phần làm phức tạp thêm tiến trình giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông khi các cường quốc lớn cùng can dự vào tiến trình này, trong đó Nga và Trung Quốc có cùng quan điểm và đối trọng với quan điểm của Mỹ.
Một vài nhận xét
Phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện Philippin - Trung Quốc là một sự kiện thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng tế vì nó không chỉ là cuộc chiến pháp lý giữa Philippin và Trung Quốc mà còn có nhiều ý nghĩa và tác động đối với quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Nam Á nói riêng. Nhìn chung, phản ứng của giới chuyên gia về luật quốc tế và quan hệ quốc tế của nhiều nước và của tổ chức quốc tế đều đánh giá ý nghĩa tích cực Phán quyết của Tòa Trọng tài vì nó góp phần làm phong phú thêm án lệ của luật pháp quốc tế và đóng vai trò như một thước đo chuẩn mực về cách mà các nước hành xử trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền. Ngoài ra, Phán quyết của Tòa Trọng tài có thể được sử dụng như một thông lệ ứng xử trong luật quốc tế cho những vụ kiện trong tương lai, nếu có, vì nó không chỉ góp phần vào việc giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông mà còn cả với tranh chấp về biển đảo nói chung tại các khu vực khác trên thế giới. Một điểm chung nữa trong phản ứng của cộng đồng quốc tế là kêu gọi tất cả các bên thực thi đầy đủ những phán quyết mang tính ràng buộc của Tòa Trọng tài phù hợp với UNCLOS 1982 và đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật và các thông lệ quốc tế về các vấn đề trên biển.[21] Vì Tòa Trọng tài là một cơ quan trọng tài, không có lực lượng, chế tài để thi hành các phán quyết của mình, do đó tác động của các phán quyết của Tòa Trọng tài phụ thuộc vào cách phản ứng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước có liên quan trực tiếp đến phán quyết của Tòa Trọng tài. Sự phản ứng của những nước có liên quan, như đã trình bày ở phần trên, được phân chia thành hai nhóm chính. Nhóm những nước ủng hộ Phán quyết của Tòa Trọng tài đều hoan nghênh văn kiện này nhưng đồng thời tỏ thái độ thận trọng, kêu gọi các bên kiềm chế để tránh gây ra những kích động dẫn tới những phản ứng tiêu cực từ những nước không ủng hộ Phán quyết của Tòa Trọng tài. Mặc dù vậy, những nước ủng hộ Phán quyết của Tòa Trọng tài luôn đề cao tính pháp lý và sự ràng buộc của phán quyết này, đồng thời yêu cầu các bên liên quan tôn trọng và thực thi trách nhiệm của họ đối với luật pháp quốc tế. Ngoài ra, nhóm nước ủng hộ Phán quyết của Tòa Trọng tài chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở của luật pháp quốc tế. Trong khi đó, nhóm những nước không ủng hộ đưa ra những lý do khác nhau để phủ nhận tính pháp lý của Phán quyết của Tòa Trọng tài, chủ yếu vì những tính toán lợi ích quốc gia của họ trong quan hệ với Trung Quốc trên các phương diện chính trị, kinh tế và an ninh. Từ sự khác biệt trong phản ứng của hai nhóm nước đối với Phán quyết của Tòa Trọng tài có thể nhận diện những khả năng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trong thời gian tới như sau.
Khả năng thứ nhất, do Trung Quốc không chấp nhận Phán quyết của Tòa Trọng tài nên có thể tiếp tục đẩy mạnh những toan tính ở Biển Đông như tiếp tục hoạt động tôn tạo các đảo nhân tạo, kể cả việc bồi đắp bãi cạn Scarborough, đối tượng tranh chấp chính giữa Trung Quốc và Philippin ở Biển Đông, và đưa vũ khí cùng với trang thiết bị quân sự đến các đảo này. Đồng thời, Trung Quốc có thể tiếp tục đưa ra các lệnh cấm đánh bắt cá ở những vùng biển tranh chấp với các nước trong khu vực, cản trở hoạt động của tầu thuyền các nước trong vùng biển tranh chấp, và có thể đưa ra tuyên bố về Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) nhằm củng cố hơn nữa yêu sách chủ quyền của họ. Những hoạt động như vậy nhằm thực hiện yêu sách “đường 9 đoạn” trên thực địa vì Trung Quốc là nước lớn, lại có lực lượng quân đội mạnh, nhất là hải quân, được tăng cường hiện đại hóa trong nhiều năm qua và mạnh hơn nhiều lần so với quân đội của các nước khác trong khu vực. Trung Quốc có thể sử dụng sự áp đảo của lực lượng hải quân của họ để uy hiếp hoặc đụng độ với các nước có tranh chấp trong khu vực để chiếm thêm các thực thể do các nước khác đã chiếm đóng ở Biển Đông. Nếu Trung Quốc hành động theo hướng này sẽ làm cho tình hình an ninh - chính trị trong khu vực trở nên căng thẳng. Trung Quốc sẽ bị cộng đồng quốc tế lên án và bị cô lập, bị mất thể diện vì là nước lớn nhưng vô trách nhiệm và không tôn trọng luật pháp quốc tế. Danh tiếng và ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Ngoài ra, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược quyết liệt giữa Trung Quốc và Mỹ trong khu vực, hành động đó của Trung Quốc sẽ vô hình chung tạo điều kiện thuận lợi cho đối thủ của Trung Quốc dễ dàng tập hợp lực lượng trong khu vực chống lại Trung Quốc. Như vậy, tình thế này sẽ hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc và họ sẽ phải cân nhắc kỹ càng trước khi hành động. Vì thế, khả năng này xảy ra không cao.
Khả năng thứ hai, Trung Quốc không có động tĩnh gì mới và chờ đợi hành động của Philippin cũng như các nước khác có liên quan đến vấn đề tranh chấp ở Biển Đông trước khi đưa ra phản ứng tiếp theo. Khả năng này khó có thể là cách ứng xử của Trung Quốc với tư cách là một nước lớn trước các đối thủ là những nước nhỏ trong khu vực. Hơn nữa, những vụ việc liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trong nhiều năm qua đều do Trung Quốc gây ra và hầu hết đều bằng vũ lực của một nước lớn áp đảo các nước nhỏ. Ngoài ra, sức ép của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đối với vấn đề biển đảo vẫn còn đó và chỉ tạm thời lắng dịu. Vì thế, Trung Quốc không thể ngồi im chờ đợi và sự phản ứng thụ động rất ít khả năng xảy ra.
Khả năng thứ ba, Trung Quốc điều chỉnh tư duy và hành động trong việc giải quyết những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với các nước trong khu vực. Đã có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang hành động theo hướng này. Sự thay đổi trong thái độ của Trung Quốc có thể một phần do sự phán quyết mạnh mẽ của Tòa Trọng tài chống lại Trung Quốc. Sau những phản ứng quyết liệt ban đầu, sự kích động trên phương tiện truyền thông của Trung Quốc sau đó đã giảm bớt. Trung Quốc cũng đã trấn áp các cuộc biểu tình chống Mỹ ở một vài thành phố ở Trung Quốc sau Phán quyết của Tòa Trọng tài. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thể hiện sự phản ứng tích cực về ngoại giao với Philippin và Việt Nam, hai nước có tranh chấp chủ quyền quyết liệt với Trung Quốc ở Biển Đông. Đối với Philippin, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đàm phán với nước này thông qua các kênh khác nhau khi Tổng thống Philippin Duterte cử cựu Tổng thống Fidel Ramos đến Hồng Kông ngày 8-8-2016 với tư cách là đặc phái viên của Tổng thống để tìm cách hàn gắn mối quan hệ giữa Philippin và Trung Quốc. Ngày 10-8-2016, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Trung Quốc chào đón ông Ramos đến thăm chính thức Trung Quốc và “sẵn sàng theo đuổi các kênh đối thoại khác nhau giữa hai nước”.[22] Đánh giá về phản ứng của Trung Quốc đối với Philippin, ông Carl Thayer, một chuyên gia nổi tiếng về Đông Nam Á, nhận định Trung Quốc có thể muốn đàm phán với đặc phái viên Ramos để tác động đến chính quyền của Tổng thống Duterte, vận động Philippin giảm hợp tác quốc phòng với Mỹ để đổi lấy hợp tác với Trung Quốc ở Biển Đông.[23] Đối với Việt Nam, Trung Quốc đã đón tiếp trọng thị Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc tháng 9-2016. Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Lý Khắc Cường ngày 12-9-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lập trường nhất quán, không thay đổi của Việt Nam về vấn đề trên biển là kiên trì giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý. Đáp lại, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, kiên trì phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài với Việt Nam, nỗ lực cùng Việt Nam kiểm soát tốt bất đồng trên biển, duy trì đại cục quan hệ Trung - Việt và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.[24] Động thái ngoại giao của Trung Quốc với Philippin và Việt Nam cho thấy Trung Quốc muốn làm dịu tình hình sau Phán quyết của Tòa Trọng tài. Có thể Trung Quốc đang chờ một cơ hội thuận lợi để có những phản ứng tiếp theo tùy thuộc vào tình hình. Điều này khó đoán định nhưng có nhiều khả năng xảy ra.
Như vậy cho đến nay, tình hình chung nhất sau Phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12-7-2016 là tất cả các bên có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, cả trực tiếp và gián tiếp, đều tỏ ra thận trọng. Trong lúc này, vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có thể tạm thời lắng dịu nhưng Biển Đông sẽ tiếp tục là một điểm nóng về an ninh - chính trị ở khu vực Đông Nam Á. Phán quyết của Tòa Trọng tài là một văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng, có tầm ảnh hưởng rất lớn. Vì thế, văn kiện này cần được sử dụng làm cơ sở pháp lý cho các cuộc đàm phán giữa các nước có liên quan để giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Bất kỳ một bên nào trong vụ kiện, dù lớn hay nhỏ, không tuân thủ Phán quyết của Tòa Trọng tài đưa ra ngày 12-7-2016 chắc chắn sẽ bị mất uy tín và lòng tin trong quan hệ đối ngoại ở khu vực và quốc tế./.
Nguyễn Thị Thanh Thủy, PGS, TS, Khoa Quốc tế học, trường Đại học KHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao, Số 1 (108).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. The Permanent Court of Arbitration (PCA) Press Release, The South China Sea Arbitration, (The Republic of The Philippines v. The People’s Republic of China), The Hague, 12 July 2016, https://pca-cpa.org/wp-content/uploads/sites/175/2016/07/PH-CN-20160712-Press-Release-No-11-English.pdf
2. Joint Communiqué of the 49th ASEAN Foreign Ministers’ Meeting, Vientiane, 24 July 2016,
3. Nguyễn Thị Thanh Thủy, “Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN: Cơ hội và Thách thức phía trước”, báo cáo trình bày tại Hội thảo quốc tế “Cộng đồng ASEAN sau một năm thực hiện”, KAS & Trường Đại học KHXH&NV đồng tổ chức, Hà Nội, ngày 14-9-2016.
4. John Kirby, Assistant Secretary and Department Spokesperson, Decision in the Philippines - China Arbitration, Press Statement, Bureau of Public Affairs, Department of State, Washington DC, 12 July 2016, www.state.gov/r/pa/prs/ps/ 2016/07/259587.htm
5. Senior State Department Official, Background Briefing on the South China Sea Arbitration, Special Briefing, Office of the Spokesperson, Washington DC, www.state.gov/r/pa/prs/ps/2016/07/ 259976.htm, July 12, 2016
[1] Tên đầy đủ tiếng Anh là: An Arbitral Tribunal constituted under Annex VII to the 1982 United Nations Convention on the Law of the sea. Theo TS Trần Công Trục, Tòa Trọng tài này còn được gọi là Hội đồng Trọng tài (Xem: “Tìm hiểu vụ Philippines kiện Trung Quốc”, VOV online, ngày 18/7/2016). Viện Nhà nước và Pháp luật (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) gọi là Tòa Trọng tài Biển Đông. Tuy nhiên, tác giả bài viết này và một số người khác lại cho rằng phán quyết này là của Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration, PCA),
[3] Tham khảo Press Release, The South China Sea Arbitration, (The Republic of The Philippines v. The People’s Republic of China), The Hague, 12 July 2016, https://pca-cpa.org/wp-content/uploads/sites/175/2016/07/PH-CN-20160712-Press-Release-No-11-English.pdf
[4] Ngoại trưởng Philippines: 'Trung Quốc không thắng lợi tại hội nghị ASEAN', https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/ngoai-truong-philippines-trung-quoc-khong-thang-loi-tai-hoi-nghi-asean-3443310.html?utm_source=detail&utm_medium=
box_tinkhac&utm_campaign=boxtracking, 27-7-2016.
[5] Phát biểu của Bộ trưởng Thông tin Văn phòng Tổng thống Philippin Martin Marfori Andanar và Bộ trưởng Ngoại giao Philippin Perfecto Rivas Yasay, Jr., tại Japan-ASEAN Forum tại Manila ngày 29-8-2016, sự kiện mà tác giả bài viết đã tham dự. Tham khảo thêm: Tổng thống Philippines: Đàm phán với Trung Quốc phải dựa trên phán quyết của tòa, vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tong-thong-philippines-dam-phan-voi-trung-quoc-phai-dua-tren-phan-quyet-cua-toa-3459699.html?utm_source=detail&utm_medium=box_recommend&utm_campaign=boxtracking, truy cập ngày 28-8-2016.
[6] Sự thật về liên minh 60 nước ủng hộ lập trường Biển Đông của Trung Quốc, vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/su-that-ve-lien-minh-60-nuoc-ung-ho-lap-truong-bien-dong-cua-trung-quoc-3422089.html?utm_source=home&utm_medium=box_xemnhieunhat_home&utm_campaign=boxtracking, truy cập ngày 18-6-2016.
[7] Tập Cận Bình tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài, vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tap-can-binh-tuyen-bo-khong-chap-nhan-phan-quyet-cua-toa-trong-tai-3435216.html?utm_source=detail&utm_medium=box_mostview&utm_
campaign=boxtracking, truy cập 12-7-2016.
[8] Trung Quốc dồn dập tập trận sau phán quyết về Biển Đông, vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/315416/tq-don-dap-tap-tran-sau-phan-quyet-ve-bien-dong.html, truy cập ngày 13-7-2016.
[9] Tham khảo: Trung Quốc kêu gọi chuẩn bị 'chiến tranh nhân dân trên biển', vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/trung-quoc-keu-goi-chuan-bi-chien-tranh-nhan-dan-tren-bien-3446586.html?utm_source=detail&utm_medium=box_recommend
&utm_campaign=boxtracking, truy cập ngày 02-8-2016;
Ông Tập bị quân đội gây sức ép cứng rắn sau phán quyết “đường lưỡi bò”, vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/ong-tap-bi-quan-doi-gay-suc-ep-cung-ran-sau-phan-quyet-duong-luoibo3445694.html?utm_source=detail&utm_medium=
box_topic&utm_campaign=boxtracking, truy cập 01-8-2016;
GS Thayer: Trung Quốc đang tăng hăm dọa sau phán quyết “đường lưỡi bò”, vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/gs-thayer-trung-quoc-dang-tang-ham-doa-sau-phan-quyet-duong-luoi-bo-3450421.html?utm_source=detail&utm_
medium=box_tinkhac&utm_campaign=boxtracking, truy cập 11-8-2016.
[10] Tham khảo: ASEAN tìm cách thay đổi luật chơi trước tranh chấp Biển Đông, vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/asean-tim-cach-thay-doi-luat-choi-truoc-tranh-chap-bien-dong-3441554.html, truy cập ngày 25-7-2016.
[11] Phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình về phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trên cơ sở đề nghị của Phi-líp-pin đã đưa ra Phán quyết cuối cùng, www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns160712171301, truy cập ngày 12-7-2016.
[12] 8 cấu trúc này ở quần đảo Trường Sa bao gồm: Vành Khăn, Cỏ Mây, Xu Bi, Gaven, Ken Nan, Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập.
[13] Tòa Trọng tài có phán quyết tích cực góp phần ổn định hòa bình khu vực, baoquocte.vn/toa-trong-tai-co-phan-quyet-tich-cuc-gop-phan-on-dinh-hoa-binh-khu-vuc-32723.html, truy cập ngày 13-7-2016.
[14] Tham khảo: Trung Quốc tung đòn quyến rũ các nước ASEAN, vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/trung-quoc-tung-don-quyen-ru-cac-nuoc-asean-3411657.html?utm_source=detail&utm_medium=box_mostview&utm_campaign=boxtracking, truy cập ngày 1-6-2016;
Ý đồ của Trung Quốc khi thỏa thuận riêng về Biển Đông với 3 nước ASEAN, vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/y-do-cua-trung-quoc-khi-thoa-thuan-rieng-ve-bien-dong-voi-3-nuoc-asean-3392674.html?utm_source=detail&utm_medium=box_
recommend&utm_campaign=boxtracking, 25-4-2016.
[15] Joint Communiqué of the 49th ASEAN Foreign Ministers’ Meeting, Vientiane, 24 July 2016, pages 28-29.
[16] Về quan hệ Mỹ - ASEAN trong vấn đề Biển Đông, tham khảo: Nguyễn Thị Thanh Thủy, “Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN: Cơ hội và Thách thức phía trước”, báo cáo trình bày tại Hội thảo quốc tế “Cộng đồng ASEAN sau một năm thực hiện”, KAS & Trường Đại học KHXH&NV đồng tổ chức, Hà Nội, ngày 14-9-2016.
[17] Decision in the Philippines - China Arbitration, Press Statement issued by John Kirby, Assistant Secretary and Department Spokesperson, Bureau of Public Affairs, Department of State, Washington DC, 12 July 2016, www.state.gov/r/pa/prs/ps/ 2016/07/259587.htm.
[18] Background Briefing on the South China Sea Arbitration, Special Briefing, Office of the Spokesperson, Senior State Department Official, via teleconference, Washington DC, www.state.gov/r/pa/prs/ps/2016/07/259976.htm, July 12, 2016.
[19] Nga - Trung cần gì ở nhau trước ‘vụ kiện Biển Đông’?, vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/302006/nga-trung-can-gi-o-nhau-truoc-vu-kien-bien-dong.html, truy cập ngày 09-5-2016.
[21] Tham khảo: Chuyên gia luật Liên hợp quốc đánh giá cao phán quyết của Tòa trọng tài, baoquocte.vn/chuyen-gia-luat-lhq-danh-gia-cao-phan-quyet-cua-toa-
trong-tai-33884.html, truy cập ngày 05-8-2016;
Phản ứng của thế giới về vụ kiện “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/phan-ung-cua-the-gioi-ve-vu-kien-duong-luoi-bo-o-bien-dong-3421556.html?utm_source=detail&utm_medium=box_mostview&
utm_campaign=boxtracking, truy cập ngày 17-6-2016;
Truyền thông quốc tế ca ngợi phán quyết “đường lưỡi bò”, vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/truyen-thong-quoc-te-ca-ngoi-phan-quyet-duong-luoi-bo-3435173.html?utm_source=detail&utm_medium=box_recommend&utm_campaign=boxtracking, 12-7-2016.
[22] Trung Quốc sẵn sàng theo đuổi các kênh đối thoại với Philippines, vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/trung-quoc-san-sang-theo-duoi-cac-kenh-doi-thoai-voi-philippines-3450704.html?utm_source=detail&utm_medium=box_recommend&utm_campaign=boxtracking, 11-8-2016.
[23] GS Thayer: Trung Quốc đang tăng hăm dọa sau phán quyết 'đường lưỡi bò', tlđd.
[24] Duy trì đại cục quan hệ Trung - Việt và hòa bình, ổn định ở Biển Đông, baoquocte.vn/duy-tri-dai-cuc-quan-he-atrung-viet-va-hoa-binh-on-dinh-o-bien-dong-35859.html, truy cập ngày 12-9-2016.
Năm 2023, dù chiến sự tại Ukraine diễn biến căng thẳng và xung đột tại Trung Đông leo thang, tình hình Biển Đông tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Biển Đông cũng ngày càng được coi là chỉ dấu về trật tự dựa trên luật lệ từ phía Mỹ và đồng minh – đối tác thông qua các tuyên bố và văn bản...
Trả lời câu hỏi của phóng viên chiều ngày 25/5/2023, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 (XYH-10) của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của...
Trong gần hai năm trở lại cầm quyền tại Malaysia từ tháng 5/2018 - 3/2020, Thủ tướng Mahathir Mohamad (sau đây gọi là Chính quyền Mahathir 2.0) đã thổi luồng gió mới vào chính sách Biển Đông của Malaysia. Khác với cách tiếp cận “thầm lặng” của chính quyền tiền nhiệm, Thủ tướng Mahathir và chính quyền...
Qua phân tích ảnh vệ tinh Đá Ba Đầu từ 2016 đến nay cho thấy, việc Trung Quốc tập kết lượng lớn tàu, dài ngày tại Đá Ba Đầu không phải để tránh thời tiết xấu mà nhiều khả năng là chiến thuật "cắt lát Salami" mới ở Biển Đông, bắt đầu triển khai từ tháng 2 năm 2020.
Bài viết phân tích Hải chiến Hoàng Sa (1974), cuộc tấn công ở Trường Sa (1988), sự kiện Đá Vành Khăn (1995) và sự kiện Bãi cạn Scarborough (2012) để tìm ra những quy luật nhất định. Đây sẽ là cơ sở để phán đoán thời điểm Trung Quốc hành động chiếm mới các thực thể ở Biển Đông để từ đó Việt Nam ra...
Nội dung bài viết bao quát lịch sử quá trình từ khi Trung Quốc manh nha thúc đẩy ý tưởng nghiên cứu băng cháy trên Biển Đông; cho đến hiện trạng khai thác hiện nay để làm rõ thực chất Trung Quốc đã đi đến bước nào trong tiến trình khai thác một loại năng lượng mới ở trên Biển Đông.