TÓM TẮT

Bài viết này phân tích những triển vọng của một thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật và luận bàn về những tác động đối với các khuôn khổ khu vực khác như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

LUẬN CỨ CHÍNH

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần một cấp độ tự do hóa thương mại cao và các quy tắc tiên tiến về thương mại và đầu tư để nâng cao các chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua một hiệp định thương mại tự do (FTA) toàn khu vực hoặc thiết lập Khu vực thương mại tự do của châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). Bất chấp những nỗ lực của Nhật Bản thuyết phục Mỹ quay lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà có thể mở ra con đường tiến tới khuôn khổ tiêu chuẩn cao này cho các quy tắc thương mại và đầu tư trong khu vực, Mỹ chỉ có ý giành sự ưu tiên cho một thỏa thuận song phương với Nhật Bản. Nhật Bản đã đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán về thỏa thuận song phương vào đầu năm nay. Mặc dù bản thân thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật sẽ tác động rất hạn chế đến việc thành lập FTAAP, nhưng nó có thể là một bàn đạp để đạt được mục tiêu này.

CÁC TÁC ĐỘNG CHÍNH SÁCH

- Phạm vi của giai đoạn đầu các cuộc đàm phán Mỹ-Nhật tập trung vào việc tiếp cận thị trường, bao gồm vấn đề tiếp cận quan trọng nhưng nhạy cảm đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp ô tô của Mỹ vào thị trường Nhật Bản. Xem xét việc Liên minh châu Âu (EU) đang được hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường rộng lớn ở Nhật Bản do thỏa thuận thương mại Nhật-EU đã được ký kết gần đây, Chính quyền Trump sẽ là sáng suốt khi nhanh chóng hoàn tất giai đoạn đầu tiên của các cuộc đàm phán để các nhà xuất khẩu Mỹ vẫn duy trì được sức cạnh tranh.

- Một nền tảng chung của các quy tắc quản lý các chuỗi giá trị toàn cầu mà sẽ có sự tham gia của cả Mỹ và Nhật Bản, cũng như những nước còn lại ở châu Á-Thái Bình Dương, là cần thiết. Trong trung và dài hạn hơn, mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua một FTA rộng khắp khu vực mà trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc.

- Mặc dù Tuyên bố Lima 2016 về FTAAP đã hình dung TPP và RCEP như là hai lựa chọn khả thi để thiết lập FTAAP, nhưng RCEP không phải con đường khả thi để đạt được mục tiêu này bởi nó mang lại cấp độ tự do hóa thương mại thấp hơn và các quy tắc thương mại và đầu tư ít tiến bộ hơn so với TPP. Thay vào đó, con đường khả thi nhất đi đến FTAAP là Mỹ hoặc quay trở lại TPP hoặc tham gia CPTPP mở rộng.

***

Sau cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 26/9/2018, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump tuyên bố mục đích chung khi tham gia đàm phán về một thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật. Đây là một bước đột phá quan trọng trong quan hệ thương mại giữa hai nước, mà từng rối ren khi Mỹ rút khỏi TPP vào tháng 1/2017. Quyết định theo đuổi đàm phán về một thỏa thuận thương mại song phương được cho là một bước ngoặt rõ nét trong chiến lược của Nhật Bản mà cho tới khi đó đã ưu tiên việc thuyết phục Chính quyền Trump quay trở lại TPP.

Bài viết này sẽ thăm dò các lý do đằng sau sự thay đổi chính sách của Chính quyền Abe và xem xét những kết quả có thể có được của thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật và thỏa thuận này có thể có tác động như thế nào bên cạnh các khuôn khổ khu vực khác như CPTPP và RCEP. Tác giả sẽ biện luận rằng thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật nên là một bàn đạp để Mỹ tham gia TPP hoặc CPTPP, sẽ sắp đặt lối đi tới khung tiêu chuẩn cao cho các quy tắc thương mại và đầu tư trong khu vực. Phần đầu tiên của bài viết lần theo sự phát triển của ngoại giao thương mại song phương kể từ khi Mỹ rút khỏi TPP. Phần tiếp theo xem xét nội dung thương mại của thỏa thuận tháng 9/2018 giữa Nhật Bản và Mỹ để đàm phán về một thỏa thuận thương mại, trong khi phần thứ ba thăm dò kết quả có thể có của các cuộc đàm phàn. Phần thứ tư nói về tác động có thể có của một thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật đối với sự hội nhập kinh tế khu vực.

Những tiến triển gần đây trong ngoại giao thương mại Mỹ-Nhật

Trong ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho đại diện thương mại nước này ngay lập tức rút Mỹ khỏi TPP. Điều này có nghĩa là TPP, đã được 12 nước tham gia đàm phán ký vào tháng 2/2016, đã không còn hiệu lực, vì không có bất kỳ cơ hội nào để bắt đầu mà không có sự tham gia của nền kinh tế lớn nhất, Mỹ. Sự tiếp cận ban đầu của Chính quyền Abe là để cố gắng thuyết phục Chính quyền Donald Trump quay trở lại TPP. Trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Donald Trump vào tháng 2/2017, Thủ tướng Abe đã nhiều lần khuyến khích Tổng thống Mỹ thay đổi suy nghĩ và quay trở lại TPP nhưng không có được một kết quả khả quan nào. Vào tháng 5/2017, Chính quyền Abe đã thay đổi chính sách và quyết định giải cứu TPP bằng việc đàm phán TPP-11, chính thức được biết đến với tên gọi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với 11 nước thành viên TPP mà không có Mỹ. Nhật Bản đã đưa ra sáng kiến đàm phán CPTPP và đã kết thúc thành công cuộc đàm phán khi thỏa thuận được ký kết vào tháng 3/2018.

Tuy nhiên, bằng việc theo đuổi CPTPP, Chính quyền Abe đã không từ bỏ ý định thuyết phục Mỹ quay trở lại TPP. CPTPP “đóng băng” khoảng 24 điều khoản trong thỏa thuận ban đầu thay vì loại bỏ chúng, và những điều khoản này có thể được “rã đông” nếu Mỹ quay trở lại TPP. Vào tháng 1/2018, Tổng thống Trump đề xuất rằng ông để ngỏ khả năng quay trở lại thỏa thuận nếu Mỹ có thể đàm phán về một một “thỏa thuận thực chất hơn”. Tuy nhiên, Chính quyền Trump ưu tiên đàm phán một thỏa thuận song phương với Nhật Bản và nhiều lần thúc giục Chính quyền Abe bắt đầu tiến trình này. Cuộc giằng co giữa hai chính phủ đã đi đến Đối thoại kinh tế Mỹ-Nhật giữa phó Thủ tướng Taro Aso và phó Tổng thống Mike Pence vào tháng 4/2017 và nhiều cuộc đối thoại thương mại song phương vào tháng 8/2018, theo sau đó là cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Abe vào tháng 9 đưa ra tuyên bố về quyết định bắt đầu đàm phán về thỏa thuận thương mại song phương.

Đàm phán về thỏa thuận song phương

Một thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật đòi hỏi chính xác những điều gì? Tại cuộc họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh, Thủ tướng Abe đã giải thích nó như là một thỏa thuận thương mại về hàng hóa (TAG) và phủ nhận đó là một thỏa thuận tự do thương mại (FTA), mà sẽ bao gồm cả dịch vụ và đầu tư cũng như trao đổi hàng hóa truyền thống. Tuy nhiên, cách giải thích này là không chính xác. Tuyên bố chung của cuộc gặp thượng đỉnh đã tuyên bố rằng 2 nước “sẽ bước vào các cuộc đàm phán… về một Thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật về hàng hóa, cũng như các lĩnh vực quan trọng khác bao gồm dịch vụ, mà có thể đem lại những thành quả sớm”. Nó xác nhận thêm rằng 2 nước “có ý định đàm phán về những điều kiện thương mại và đầu tư khác sau khi hoàn thành các cuộc thảo luận về thỏa thuận được nêu ở trên”. Mặc dù không có một định nghĩa chung nào về một FTA, Thỏa thuận chung về thuế quan và thương mại, mà vẫn có hiệu lực trong Tổ chức thương mại thế giới (WTO), quy định rằng một khu vực thương mại tự do sẽ được hiểu là một nhóm gồm hai hoặc nhiều hơn các lãnh thổ hải quan trong đó “các nghĩa vụ và các quy định hạn chế khác về thương mại…bị hủy bỏ về cơ bản đối với tất cả giao dịch thương mại giữa các lãnh thổ hợp thành”. Theo định nghĩa này, thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật sẽ có đủ điều kiện như một FTA trong hai giai đoạn. TAG là giai đoạn đầu tiên của cuộc đàm phán, theo sau đó là một thỏa thuận chính thức về thương mại và đầu tư.

Tại sao cuối cùng Nhật Bản đồng ý với yêu cầu của Mỹ để đàm phán về một thỏa thuận thương mại song phương? Lý do chính là Mỹ đã đe dọa sử dụng Điều 232 của Đạo luật mở rộng thương mại Mỹ năm 1962 để áp thuế đối với ngành công nghiệp ô tô. Khi Mỹ áp thuế bổ sung đối với các sản phẩm thép và nhôm từ Nhật Bản theo Điều 232 vào tháng 3/2018, Nhật Bản đã không tham gia cùng với Trung Quốc, EU và một vài nước khác để trả đũa biện pháp này, cũng không khăng khăng đòi Mỹ từ bỏ biện pháp chống lại Nhật Bản. Lý do là vì thuế quan đối với sản phẩm thép và nhôm đã không đóng chức năng như một đòn bẩy đối với Nhật Bản. Tuy nhiên, tác động kinh tế tiêu cực của thuế quan đối với ngành công nghiệp ô tô sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều, vì ngành công nghiệp này mang lại thu nhập xuất khẩu lớn nhất cho Nhật Bản. Thỏa thuận thương mại song phương mà EU và Mỹ bắt đầu đàm phán vào tháng 7/2018 cũng đặt ra một tiền lệ quan trọng. EU, đối mặt với mối đe dọa tương tự, đã đồng ‎ý thảo luận hủy bỏ các thuế quan công nghiệp với điều kiện Mỹ sẽ không áp thuế bổ sung đối với ngành công nghiệp ô tô trong các cuộc đàm phán. Tương tự như vậy, Mỹ cam kết kiềm chế áp đặt các biện pháp chống lại tinh thần của tuyên bố trong quá trình tiến hành những tham vấn này.

Một sự quan ngại dễ thấy của Chính quyền Abe về một FTA song phương với Mỹ là Nhật Bản có thể bị buộc phải chấp nhận các cam kết mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp vượt quá mức độ của những gì đã được đồng ý trong TPP. Để giải quyết vấn đề này, Mỹ đã tuyên bố trong một tuyên bố chung rằng nước này tôn trọng quan điểm của Nhật Bản về các sản phẩm nông nghiệp, có nghĩa là bất kỳ thỏa thuận nào sẽ không vượt quá các nhượng bộ mở cửa thị trường mà Nhật Bản đã thực hiện trong các thỏa thuận đối tác kinh tế trước đó. Với hai cam kết này từ Mỹ, Nhật Bản đã đồng ý tham gia đàm phán FTA.

Kết quả có thể có của thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật

Các cuộc đàm phán về TAG dự định bắt đầu vào tháng 1/2019 nhưng đã bị trì hoãn vì Mỹ tập trung vào các điều khoản kinh tế đang đàm phán với Trung Quốc, cũng như việc Chính phủ Mỹ đóng cửa kéo dài. Về phía Mỹ, tâm điểm của các cuộc đàm phán có thể sẽ là việc được đưa các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ vào thị trường Nhật Bản. Trong khi nông dân Mỹ bị mất khả năng cải thiện các cơ hội tiếp cận thị trường khi Mỹ rút khỏi TPP, các đối thủ cạnh tranh là nông dân và chủ trại nuôi gia súc ở Canada, Úc, New Zealand, Mexico, và các nước khác sẽ được hưởng những lợi ích này theo CPTPP. Hiện nay tình hình trở nên tồi tệ hơn khi mà Thỏa thuận đối tác kinh tế Nhật-EU đã có hiệu lực, và các nông dân và chủ trại nuôi gia súc EU có được quyền tiếp cận thị trường được cải thiện ở Nhật Bản. Do tuyên bố chung từ cuộc gặp thượng đỉnh tháng 9/2018 giữa Abe và Trump đặt giới hạn đối với mức độ cam kết mở cửa thị trường của Nhật Bản đối với các sản phẩm nông nghiệp, nếu Mỹ đặt mục tiêu đạt được các cam kết mở cửa thị trường của Nhật Bản trong giới hạn này, thì các cuộc đàm phán có thể được kết thúc nhanh chóng.

Ngoài nông nghiệp, công nghiệp ô tô được đề cập đến trong giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán. Nhật Bản đã đồng ý với tuyên bố chung tôn trọng quan điểm của Mỹ rằng bất kỳ điều khoản nào liên quan đến tiếp cận thị trường trong lĩnh vực công nghiệp ô tô cũng cần được xác định để gia tăng sản phẩm và công việc ở Mỹ trong nền công nghiệp này. Tuy nhiên, không rõ rằng điều này có ý nghĩa gì vì thuế quan của Nhật Bản đối với công nghiệp ô tô là 0, không thể giảm thuế hơn nữa. Một biện pháp có thể để cải thiện sự tiếp cận thị trường của Mỹ đối với lĩnh vực công nghiệp ô tô của Nhật Bản có thể là giải quyết các rào cản phi thuế quan ở thị trường Nhật Bản, như là các vấn đề liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận, các tiêu chuẩn riêng biệt và giao thức thử nghiệm. Tuy nhiên, điều này có thể không hiệu quả, do sự thành công tương đối của các nhà sản xuất ô tô nước ngoài khác trong thị trường nội địa Nhật Bản, mà có các quy tắc và tiêu chuẩn tương tự với các nhà sản xuất xe ô tô của Mỹ. Các nhà sản xuất xe nước ngoài khác đang làm tốt bởi chiến lược của họ cho sự phát triển và quảng cáo sản phẩm phù hợp với các điều kiện đường sá của Nhật Bản.

Một lựa chọn khác có thể là đồng ‎ý việc hủy bỏ dần thuế quan trong dài hạn đối với xe tải hạng nhẹ của Nhật Bản xuất khẩu sang thị trường Mỹ theo TPP. Tuy nhiên, vì chính sách này sẽ là một sự tiếp tục hiện trạng, nên nó sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng tích cực nào trong việc gia tăng sản phẩm và công việc trong nền công nghiệp sản xuất ô tô Mỹ. Thay vào đó, để đạt được mục tiêu này, Nhật Bản sẽ cần hoặc hạn chế xuất khẩu ô tô vào thị trường Mỹ hoặc yêu cầu các nhà sản xuất ô tô của mình tăng cường đầu tư và việc làm ở Mỹ. Cả hai lựa chọn đều nên tránh, vì lựa chọn trước đã bị cấm theo WTO còn lựa chọn sau vượt quá ngưỡng của một thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, một lựa chọn khác có thể là sử dụng các quy tắc xuất xứ được thắt chặt đối với công nghiệp ô tô mà đã được thông qua theo Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) được ký kết gần đây. Tuy nhiên, những quy tắc như thế này sẽ quá nghiêm ngặt đối với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, mà các chuỗi giá trị của họ mở rộng ngoài Nhật Bản và Mỹ. Nếu Chính quyền Trump khăng khăng đòi lựa chọn này, thì sẽ không có cơ hội kết thúc sớm các cuộc đàm phán.

Nếu Mỹ sử dụng USMCA như là một khuôn mẫu cho thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật, thì chương về chính sách kinh tế vĩ mô và tỷ giá hối đoái có thể là điểm khởi đầu khác của Mỹ cho các cuộc đàm phán. Phần lớn các ngôn từ của chương này lặp lại Tuyên bố chung của các cơ quan chính sách kinh tế vĩ mô của các nước tham gia TPP. Trong khi CPTPP đã không tuân theo tuyên bố chung này, thì Mỹ có thể muốn khôi phục nó trong các chương của thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật. Lợi thế của việc đưa vào tuyên bố này là nó có thể thi hành được thông qua thủ tục giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, một vấn đề có thể xảy ra mà có thể làm chậm các cuộc đàm phán sẽ là điều khoản của USMCA mà cho phép một bên chấm dứt thỏa thuận nếu bên khác ký kết FTA với một nước không có nền kinh tế thị trường.

Các điều khoản này sẽ không chấp nhận được đối với Nhật Bản. Các nhà chức trách Nhật Bản giám sát chính sách kinh tế vĩ mô sẽ chống lại việc đưa vào các nghĩa vụ có thể thực thi về pháp lý mà có thể kiềm chế quyền tự do làm theo ý muốn của họ, bao gồm đối với chính sách tỷ giá hối đoái. Điều khoản ngăn không cho ký các FTA với một nước phi thị trường cũng sẽ không thể chấp nhận được, khi Nhật Bản hiện đang đàm phán hai FTA với Trung Quốc (RCEP và FTA giữa Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc).

Tóm lại, phạm vi của thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật có thể sẽ rất hẹp, phần lớn đề cập việc đưa các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ vào thị trường Nhật Bản và các rào cản phi thuế quan của Nhật Bản trong lĩnh vực ô tô. Nếu Mỹ khăng khăng đề cập những vấn đề khác, các cuộc đàm phán sẽ bị kéo dài và điều này sẽ gia tăng chi phí cơ hội cho những người nông dân và chủ trại nuôi gia súc Mỹ. Do đó, sẽ là khôn ngoan khi Chính quyền Trump nhanh chóng hoàn tất các cuộc đàm phán trong giai đoạn đầu bằng việc tập trung vào một chương trình nghị sự hạn chế và trì hoãn cuộc đàm phán về một FTA chính thức cho đến giai đoạn tiếp theo.

Tác động có thể xảy ra của thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật đối với sự hội nhập kinh tế khu vực

Nếu thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật bao gồm chủ yếu là sự tiếp cận thị trường nông nghiệp và các hàng rào thế quan trong lĩnh vực ô tô, các cuộc đàm phán sẽ không mất nhiều thời gian để k‎ý kết và có thể hoàn tất vào cuối năm 2019. Vì vậy, tác động của thỏa thuận đối với sự hội nhập kinh tế khu vực cũng sẽ bị giới hạn. Tác động khu vực thực sự của thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật sẽ không được biết đến cho tới khi hai nước đàm phán một FTA chính thức vào giai đoạn tiếp theo.

FTA giữa Mỹ và Nhật Bản có thể trông như thế nào? Như đã thảo luận ở trên, USMCA được ký kết gần đây cho thấy một ví dụ thích hợp bởi nó phản ánh các lợi ích và các quan ngại về chính sách của Chính quyền Trump. Nhìn kỹ bố cục và ngôn từ của USMCA thấy rằng đa phần các chương của USMCA sao chép lại những gì trong TPP nhân danh hiện đại hóa Hiệp định thượng mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Thực tế, một vài chương gần như sao chép y nguyên lại TPP, như về thương mại số, hoạt động kinh doanh quy mô nhỏ và vừa, tính cạnh tranh và các biện pháp chống tham nhũng và các thông lệ lập quy tốt. Nhiều chương khác sao chép lại các chương tương ứng của TPP với vài sự thay đổi nhỏ, thí dụ như về cách hành xử quốc gia và cách tiếp cận thị trường đối với hàng hóa, các thủ tục về xuất xứ hàng hóa, cơ quan hải quan và các điều kiện thuận lợi cho thương mại, các đánh giá vệ sinh và kiểm dịch thực vật, và các quyền sở hữu trí tuệ.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, xét đến việc văn bản của TPP phản ánh các lợi ích và các quan ngại về chính sách của Mỹ. Do vậy, một FTA chính thức giữa Mỹ và Nhật Bản có thể sẽ sao chép phần lớn các chương của TPP. CPTPP cũng có thể sẽ được mở rộng với các thành viên mới như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan và thậm chí cả Anh tại thời điểm FTA giữa Mỹ và Nhật Bản được ký kết. Chúng ta cũng có thể mong đợi rằng đàm phán RCEP sẽ được hoàn tất vào lúc đó. Vì vậy, FTA giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ có thể là một phần của mạng lưới các FTA ở châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm hai FTA lớn (CPTPP mở rộng và RCEP).

Theo kịch bản này, nội dung của các FTA sẽ giống nhau, trừ RCEP, bởi chúng sẽ được dựa trên các điều khoản của TPP. Vì các điều khoản của TPP phản ánh những nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu thế kỷ 21, trong đó hàng hóa và dịch vụ được sản xuất và cung cấp xuyên biên giới, mạng lưới các FTA này sẽ có lợi cho việc nâng cao các chuỗi giá trị toàn cầu ở châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, mạng lưới nay sẽ có một khuyết điểm quan trọng: Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất khu vực, sẽ không chia sẻ nền tảng các quy tắc chung đối với quản trị các chuỗi giá trị. Trong khi Mỹ sẽ là một bên tham gia một số FTA trong khu vực, bao gồm FTA giữa Mỹ và Úc, giữa Mỹ và Hàn Quốc, USMCA và FTA giữa Mỹ và Nhật Bản, những thỏa thuận này sẽ có lợi ích hạn chế đối với việc hợp lý hóa và giảm giá thành cho các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong một FTA đa phương, giá trị gia tăng trong khu vực FTA được xem xét khi tính toán các quy tắc xuất xứ mà quy định hàng hóa nào đủ điều kiện được miễn thuế theo thỏa thuận. Trái lại, với FTA riêng lẻ, không có một lợi ích tích lũy nào đối với việc tính toán hàm lượng giá trị khu vực đối với quy tắc xuất xứ. Tương tự, Trung Quốc sẽ có lợi ích về hàm lượng giá trị khu vực tích lũy theo RCEP, nhưng sẽ không thể có lợi ích này trong các quan hệ thương mại với Mỹ và các nước không phải thành viên khác. Trong bối cảnh thực tế rằng phần lớn các chuỗi giá trị toàn cầu trong khu vực liên quan đến cả Mỹ và Trung Quốc, việc Mỹ không có mặt trong RCEP sẽ là sự mất mát vô cùng lớn.

Xét tới thực tế này, cần thiết lập một nền tảng chung gồm các quy tắc quản trị các chuỗi giá trị toàn cầu bao trùm cả Mỹ và Trung Quốc, cũng như các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì mục đích này, cả hai nước nên xem xét lại ý tưởng Khu vực tự do thương mại ở châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) mà đã được phát triển trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) từ năm 2004. FTAAP sẽ tạo một nền tảng chung trong đó có tất cả các nước thành viên APEC, gồm cả Mỹ và Trung Quốc. Phải lưu ý rằng Tuyên bố Lima 2016 về FTAAP tái khẳng định cam kết của các thành viên APEC rằng FTAAP nên được dựa vào công việc khu vực đang diễn ra.

Vào năm 2016, TPP và RCEP là hai con đường có thể có để thiết lập FTAAP. Tuy nhiên, trong kịch bản hiện nay, CPTPP được mở rộng và RCEP sẽ là hai con đường có thể có để tạo ra một khu vực thương mại tự do như vậy. Rào cản chính là việc Mỹ không có trong CPTPP mở rộng. Nếu định theo đuổi mục tiêu của Tuyên bố Lima 2016 về FTAAP, Mỹ sẽ cần phải quay trở lại TPP, tham gia CPTPP mở rộng, hoặc tham gia RCEP. Về ba lựa chọn này, tham gia RCEP không nên là ưu tiên bởi quan hệ đối tác này sẽ ít tham vọng hơn TPP hoặc CPTPP về phương diện tự do hóa thương mại và các quy tắc thương mại và đầu tư. Hai sự lựa chọn còn lại đều có những ưu điểm và nhược điểm. Nếu Mỹ quay trở lại TPP, các điều khoản CPTPP mà đã bị “đóng băng” sẽ được “rã đông”, và Mỹ sẽ có lợi ích trong việc thực hiện đầy đủ TPP. Mặt khác, Mỹ sẽ phải đợi cho tới khi 5 nước thành viên khác bao gồm 85% tổng GDP của các bên ký kết ban đầu phê chuẩn TPP trước khi thỏa thuận có hiệu lực. Bởi TPP và CPTPP là hai hiệp ước riêng biệt, các nước tham gia CPTPP mở rộng sẽ không tự động trở thành các bên tham gia TPP, nếu họ là những nước ký kết ban đầu, hoặc đàm phán và tán thành TPP. Các bên tham gia CPTPP mở rộng sẽ cần hoặc phê chuẩn TPP nếu họ không phải các nước ký kết ban đầu.

Bất chấp những ưu điểm và những khuyết điểm này, Mỹ nên theo đuổi TPP hoặc CPTPP mở rộng như một cách đi tới FTAAP. Hai thỏa thuận chỉ có những khác biệt nhỏ về nguyên bản, và chúng đều cung cấp các quy tắc cần thiết đối với việc nâng cao các chuỗi giá trị toàn cầu trong thế kỷ 21. Sự tham gia của Mỹ trong cả 2 thỏa thuận sẽ là một bên thay đổi cuộc chơi trong quy trình FTAAP, và Trung Quốc có thể sẽ không còn lựa chọn nào ngoài việc tham gia TPP hoặc CPTPP mở rộng để hoàn thành quy trình.

Kết luận: Vượt ra ngoài thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật

Bài viết này thảo luận về các kết quả có thể có từ các nỗ lực đàm phán một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản. Theo tuyên bố chung từ cuộc gặp thượng đỉnh giữa 2 nước vào tháng 9/2018, các cuộc đàm phán sẽ diễn ra trong hai giai đoạn nhằm để đưa ra một “tiểu FTA” vào cuối năm 2019 và một FTA chính thức vào cuối năm 2020.

Tuy nhiên, bài viết này đã lập luận rằng việc ký‎ kết FTA này không hẳn là kết thúc của câu chuyện. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần một mức độ tự do hóa thương mại cao và các quy tắc tiên tiến về thương mại và đầu tư để nâng cao các chuỗi giá trị toàn cầu, và mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua một FTA rộng khắp, hay thiết lập một FTAAP mà bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù Tuyên bố Lima 2016 về FTAAP đã hình dung TPP và RCEP như là hai lựa chọn có thể có để tạo ra một FTAAP, bài viết này đã lập luận rằng RCEP không phải một cách thức khả thi để đạt được mục tiêu này bởi vì nó mang lại một mức độ tự do hóa thương mại thấp hơn và các quy tắc thương mại và đầu tư kém tiến bộ hơn so với TPP. Thay vào đó, cách thức khả thi nhất cho một FTAAP là Mỹ hoặc quay trở lại TPP hoặc tham gia CPTPP mở rộng. Mặc dù bản thân thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản, như một FTA song phương, sẽ có một tác động rất giới hạn tới việc tạo ra một FTAAP, nhưng nó có thể là một bàn đạp để đạt được mục tiêu này.

Junji Nakagawa, Giáo sư Luật Kinh tế quốc tế, Viện Khoa học Xã hội, Đại học Tokyo. Bài viết đăng trong Charting a path for a stronger U.S.-Japan economic partnership, NBR Special Report no. 75, tr. 29-37.

Văn Cường (gt)