Theo giáo sư Trịnh Vĩnh Niên thì cục diện ngoại giao Trung Quốc gần đây đã xuất hiện “phản ứng nhiệt hạch” trên tất cả các phương diện. Quan hệ giữa Trung Quốc và các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều có những thay đổi lớn. Thực tế này càng biểu hiện rõ nét hơn ở thay đổi trong quan hệ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN liên quan đến vấn đề Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải hay biển Nam Trung Hoa). Xem ra việc Mỹ quay trở lại châu Á là trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ ở kinh tế và ngoại giao, mà còn cả ở mặt trận quân sự. “Rút dây động rừng”, những thay đổi trong quan hệ Trung-Mỹ vì thế đã kéo theo sự biến động về tổng thể của ngoại giao Trung Quốc. Đương nhiên, Trung Quốc không thể làm ngơ trước các hành động của Mỹ và đã đưa ra những phản ứng quyết liệt trên tất cả các phương diện.

 

Nhìn từ bên ngoài, những phản ứng của ngoại giao Trung Quốc vẫn thể hiện sự bình tĩnh và lý tính, nhưng phản ứng của một số nhân vật thuộc giới quân sự đã thu hút sự quan tâm chú ý lớn. Trước cục diện đất nước đang phải đối mặt, chuyện quân nhân đưa ra phản ứng là có thể hiểu được. Nhưng nếu sự phản ứng của họ thay cho tiếng nói ngoại giao lại làm người ta lo lắng. Đặc biệt trong bối cảnh cả Trung Quốc và Mỹ đều xuất hiện tình trạng quân nhân chủ đạo ngoại giao, lo lắng của mọi người càng trở nên có cơ sở. Trong chính trị quốc tế, người ta luôn hy vọng giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao. Một khi các biện pháp quân sự tỏ ra nổi trội, thậm chí tới mức thay thế biện pháp ngoại giao, những nguy cơ tiềm tàng không tránh khỏi khả năng diễn biến thành nguy cơ hiện thực. Đứng trước sự thay đổi về cục diện ngoại giao, từ Trung Quốc nội địa đã phát đi các kiểu tiếng nói, nhưng thực tế lại thiếu vắng tiếng nói chủ đạo của chính phủ. Cho dù tiếng nói đó không có hay chưa phát ra thì đều cho thấy một vấn đề rất quan trọng, đó chính là thế trận ngoại giao ở Trung Quốc đang ở thế yếu trong nền chính trị nước này.

 


Chỉ vài năm trước, ngoại giao Trung Quốc vẫn thể hiện rất tốt vai trò của mình, cho dù là trong quan hệ với nước nào, các quan chức gặp nhau đều nói “quan hệ hai nước đang trong thời kỳ tốt nhất trong lịch sử”. Nhưng tại sao bây giờ ngoại giao Trung Quốc lại ở trong tình cảnh này? Rất rõ ràng, cả giới học giả và giới chính trị không ai hy vọng sự xuất hiện và càng không trông chờ gì vào sự thay đổi này. Nhưng nếu ai có một chút nắm bắt về hiện thực chính trị quốc tế sẽ không khó để đưa ra dự đoán rằng cục diện hiện nay của ngoại giao Trung Quốc chắc chắn sẽ xảy ra. Bất cứ một quốc gia nào, nếu không có nhận thức lý tính về môi trường quốc tế đang phải đối mặt hoặc sắp phải đối mặt, không có sự chuẩn bị tốt về phản ứng, quốc gia đó sẽ chịu sự trừng phạt. Đây là quy luật vĩnh hằng của chính trị quốc tế.


 

Dự đoán không phải là bói toán. Dự đoán chính là việc phải nhìn thẳng vào thực tế, không được lừa dối mình. Nhìn thẳng vào thực tế chính là phải hiểu rõ hoàn cảnh mà mình đang ở trong đó, nắm được quy luật khách quan của sự nảy sinh và phát triển của sự vật. Nếu có được nhận thức hiện thực sớm một chút về môi trường quốc tế, những lĩnh vực liên quan của Trung Quốc sẽ không phải chịu cảm giác “phản ứng nhiệt hạch” như ngày hôm nay, càng không phải suy nghĩ tới việc phải đối phó như thế nào với cục diện hiện nay.


 

Vậy điều gì sẽ quyết định cục diện quan hệ quốc tế của một quốc gia? Câu trả lời rất đơn giản, nằm ở hai điều: một là yếu tố địa chính trị của quốc gia đó và hai là vị trí của quốc gia đó trong kết cấu quyền lực quốc tế.


 

Từ trước tới nay, Trung Quốc không có sự coi trọng đầy đủ đối với châu Á

 

Địa chính trị luôn nằm ở vị trí hạt nhân vì đây là sự thực mãi mãi không bao giờ có thể thay đổi được. Đối với Trung Quốc, trung tâm địa chính trị của nước này không gì khác ngoài châu Á. Điều này được quyết định bởi vị trí địa lý của Trung Quốc. Xung quanh Trung Quốc có mấy chục quốc gia, nếu như xử lý không tốt mối quan hệ với các quốc gia xung quanh, cục diện ngoại giao của Trung Quốc rất khó ổn định. Trong rất nhiều năm, rất rõ ràng là Trung Quốc không đặt trọng tâm địa chính trị của mình ở châu Á. Trong con mắt mọi người, sự coi trọng của Trung Quốc đối với châu Phi, châu Mỹ Latinh, châu Đại Dương và châu Âu vượt xa châu Á. Cho dù Trung Quốc đưa ra chính sách láng giềng thân thiện, nhưng chính sách này có rất ít tiến triển thực chất. Việc không nhìn thẳng vào thực tế rằng châu Á chính là hạt nhân địa chính trị của mình đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xung quanh Trung Quốc.

 

Nhìn từ các phương diện liên quan, người ta càng không thể thấy được xu thế trùng hợp giữa địa kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc. Địa chính trị là bất khả biến, nhưng địa kinh tế lại có thể biến động được. Khi địa chính trị và địa kinh tế của một quốc gia trùng hợp với nhau, áp lực ngoại giao của quốc gia này sẽ tăng lên bất ngờ. Trước đây, khi trọng tâm địa kinh tế của Trung Quốc không nằm ở châu Á, ngoại giao nước này không phải chịu áp lực lớn. Nhưng ngày nay châu Á đã trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế thế giới. Trung Quốc và Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới, thêm vào đó là một Ấn Độ đang trỗi dậy mạnh mẽ, điều này khiến châu Á về lâu dài chắc chắn trở thành trọng tâm của kinh tế thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc đã trở thành trung tâm của trọng tâm này. Điều đó cho thấy các nước trên thế giới đều hướng sự chú ý về châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, nếu bị đặt vào vị trí hàng đầu trong ngoại giao của các nước, áp lực ngoại giao của Trung Quốc sẽ trở nên rất lớn.


 

Sự trùng hợp giữa địa chính trị và địa kinh tế đã mang tới áp lực rất lớn cho ngoại giao Trung Quốc. Trong khi đó, sự thay đổi về vị trí của Trung Quốc trong kết cấu thứ bậc quyền lực quốc tế đã gây ra thách thức trực tiếp hơn với ngoại giao Trung Quốc. Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ và đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Cho dù tình hình thực tế diễn ra thế nào, trong con mắt mọi người, Trung Quốc đã trở thành cường quốc thứ 2 thế giới. Cho dù là hiện thực khách quan hay nhận thức chủ quan, chúng đã hình thành 3 thách thức từ bên ngoài đối với Trung Quốc.

 

Thứ nhất là sự phức tạp hóa của chính trị nước lớn, chủ yếu là quan hệ Trung-Mỹ. Đang ở đỉnh chóp của kết cấu quyền lực quốc tế, Mỹ giờ phải đối mặt với hai nhiệm vụ mâu thuẫn với nhau: một là ngăn chặn Trung Quốc thách thức vị trí bá quyền của mình, hai là yêu cầu Trung Quốc đảm nhận trách nhiệm quốc tế. Những mâu thuẫn của 2 nhiệm vụ này phản ánh trong chính sách thực tế của Mỹ: một mặt Mỹ lúc nào cũng phải đề phòng Trung Quốc, nhưng mặt khác Mỹ cũng ý thức được rằng “đế quốc bành trướng quá độ tất sẽ đẩy nhanh quá trình suy yếu”. Vậy Mỹ phải làm thế nào? Đồng thời với việc sử dụng mọi sức mạnh và mọi biện pháp để củng cố quan hệ với các đồng minh đã có, Mỹ cũng yêu cầu Trung Quốc đảm nhận ngày càng nhiều trách nhiệm quốc tế. Hai nhiệm vụ mâu thuẫn với nhau này của Mỹ thể hiện trong những cụm từ xuất hiện ở hàng loạt chính sách của nước này đối với Trung Quốc như: “mối đe dọa Trung Quốc”, “bao vây”, “những bên có lợi ích tương quan”, “quốc gia có trách nhiệm”, “vai trò lãnh đạo”… Xem xét dưới góc độ này, sự thay đổi của quan hệ Trung-Mỹ chỉ là một hình ảnh phản chiếu sự thay đổi trong kết cấu quyền lực quốc tế.

 


Sau “thể chế triều cống”, châu Á cần một thể chế mới

 

Thứ hai là về các nước nhỏ, đặc biệt là sự thay đổi về thái độ của các nước xung quanh đối với Trung Quốc. Xuất phát từ bản năng, việc các nước nhỏ quan tâm nhất là khả năng phải đối mặt một cách đơn độc với một nước lớn, cho dù nước lớn đó có thiện ý như thế nào. Nước nhỏ nếu không kết thành liên minh với nhau để cân bằng nước lớn thì cũng dựa vào một nước lớn khác để tạo ra sự cân bằng. Trong lịch sử, Trung Quốc đã xây dựng “chế độ triều cống” để xử lý mối quan hệ với các nước xung quanh. Ngày nay, tất cả các nước, trong đó có Trung Quốc, đều thừa nhận khái niệm “chủ quyền”, “bình đẳng”, nhưng điều đó không thể làm thay đổi trật tự thứ bậc trên thực tế. Vậy trong tình hình hiện nay, Trung Quốc nên thực hiện thể chế như thế nào đối với các nước xung quanh? Khu vực Bắc Mỹ có thể chế mang tính thứ bậc do Mỹ chủ đạo, châu Âu có Liên minh châu Âu với sự tham dự bình đẳng của các nước thành viên, nhưng châu Á thì vẫn chưa rõ ràng. Trung Quốc đã đưa ra chủ nghĩa khu vực theo kiểu mở, nhưng vẫn chưa biến nó được thành chế độ.

 

Thứ ba là các nước lớn nằm ở đỉnh chóp của kết cấu quyền lực quốc tế phải phụ trách trật tự thế giới. Trật tự thế giới không ra đời một cách tự phát như các nhà kinh tế theo chủ nghĩa tự do quan niệm mà là một trật tự do con người tạo ra. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thế giới phân chia làm hai cực, Liên Xô và Mỹ, mỗi bên duy trì một trật tự quốc tế trong phạm vi thế lực của mình. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ đảm nhiệm trách nhiệm duy trì trật tự thế giới. Do đó, Mỹ bị coi là “sen đầm” của thế giới. Cho dù mọi người không thích vai trò này của Mỹ, nhưng một “sen đầm” như vậy lại được đa số quốc gia cho là cần thiết bởi không có “sen đầm” Mỹ, trật tự thế giới sẽ bị phá vỡ. Nhưng, cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Mỹ ở trong đó đã nhận thức được rằng năng lực “sen đầm” thế giới của Mỹ ngày càng yếu. Vì thế cho dù là Mỹ hay nước nào đó đều trông chờ vào Trung Quốc, hy vọng Trung Quốc có thể đảm nhận ngày càng nhiều trách nhiệm quốc tế. Trung Quốc dù đã cam kết làm một nước lớn có trách nhiệm, nhưng tới bây giờ vẫn chỉ dừng lại ở phương diện “trỗi dậy hòa bình”, tức là Trung Quốc sẽ không vì sự trỗi dậy của mình mà phá hoại trật tự thế giới hiện có. Nhưng như vậy xem ra vẫn chưa đủ, Trung Quốc có thể phải định nghĩa lại trách nhiệm quốc tế cũng như phải phát triển năng lực đảm nhận và thực thi trách nhiệm quốc tế của mình.


Cho dù là địa chính trị, thay đổi về cục diện quyền lực quốc tế, nhu cầu bản năng của các nước nhỏ ở châu Á hay trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc, tất cả đều mang đến động lực rất lớn cho quan hệ Trung-Mỹ. Trọng điểm kinh tế mậu dịch của Mỹ nằm ở châu Á-Thái Bình Dương, trọng điểm chiến lược của Mỹ cũng nằm ở châu Á-Thái Bình Dương. Xuất phát từ nhu cầu của mình, các nước nhỏ ở châu Á càng mong muốn Mỹ xuất hiện ở khu vực này. Những thay đổi đó đã bắt đầu từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chỉ là do sự kiện 11/9 khiến Mỹ phải dồn tinh lực vào cuộc chiến chống khủng bố. Trung Quốc không nên quên chính sách đối với Trung Quốc của chủ nghĩa bảo thủ mới khi Bush con lên nắm quyền. Ngăn chặn những thách thức có thể của Trung Quốc mới là tâm thái thường trực của ngoại giao của Mỹ. Nhưng Mỹ có thể thành công hay không lại là chuyện khác. Điều đó có nghĩa căn cứ vào lôgíc quan hệ quốc tế, nếu Mỹ không làm như vậy, cuối cùng Mỹ sẽ bị trừng phạt. Hiện nay, Mỹ đang rút khỏi cuộc chiến chống khủng bố, bắt đầu có tinh lực để quan tâm đến những công việc đáng phải quan tâm. Tâm thái thường trực về chiến lược của Mỹ đã rất nhanh chóng gây ra cục diện quan hệ Trung-Mỹ mà mọi người được thấy hôm nay.

 


Trung Quốc thiếu cơ chế quyết sách ngoại giao mạnh

 

Vậy những thay đổi này có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc? Rõ ràng nhất là sự gia tăng bất ngờ về áp lực ngoại giao. Nhưng ở phương diện khác, những thay đổi này cũng cho thấy ưu thế của Trung Quốc. Cho dù là địa chính trị hay sự thay đổi về cục diện quyền lực quốc tế đều cho thấy năng lực thực tế và sự gia tăng về tầm quan trọng chiến lược của Trung Quốc. Sở dĩ Trung Quốc phải đối mặt với áp lực ngoại giao lớn như vậy chủ yếu là do Trung Quốc không làm những việc đáng phải làm. Ví dụ, Trung Quốc đã coi nhẹ việc đặt trung tâm địa chính trị ở châu Á, không tìm kiếm việc xây dựng quan hệ chế độ hóa với các nước xung quanh, dùng quan hệ nước lớn Trung-Mỹ thay thế quan hệ quốc tế và nhận thức về trách nhiệm quốc tế không rõ ràng…

 


Tại sao Trung Quốc lại tạo ra cục diện này? Ở đây có vấn đề trong tư duy của người làm ngoại giao, cũng chính là vấn đề đề ra và thực thi chính sách ngoại giao. Trước đây, khi Trung Quốc vẫn còn rất yếu, Chu Ân Lai đã nói “ngoại giao không có chuyện nhỏ”. Đối với một nước yếu, tất cả các sự vụ ngoại giao đều là quan trọng. Nhưng hiện nay Trung Quốc lại rơi vào tình trạng “ngoại giao không có chuyện lớn”. Một mặt là do phát triển rồi, có tiền rồi, hành vi ngoại giao của một số quan chức trở nên tương đối kiêu ngạo, thậm chí là tự đại. Mặt khác là do ngoại giao không có ưu tiên thứ tự, không có chiến lược lâu dài, hệ thống ngoại giao luôn nằm trong tình trạng phải đóng vai trò của một “đội cứu hỏa”.

 


Trung Quốc là một nền kinh tế theo kiểu hướng ra bên ngoài, một nửa giang sơn kinh tế nằm ở bên ngoài. Cho dù hiện nay Trung Quốc đang chuyển đổi sang hướng thúc đẩy nhu cầu trong nước, nhưng tầm quan trọng của kinh tế đối ngoại không vì thế mà giảm đi. Ở đây, đặc biệt phải xem xét tới thực tế là Trung Quốc phụ thuộc mạnh mẽ vào năng lượng nhập khẩu để duy trì sự vận hành của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cho dù nội bộ Trung Quốc xảy ra vấn đề gì đều có thể gây ra những ảnh hưởng mang tính thực chất ra bên ngoài. Nói một cách hiện thực là nhiệm vụ mà ngoại giao Trung Quốc hiện nay phải đối mặt đã vượt quá bất cứ nhiệm vụ mà một bộ chức năng nào như Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại hay Bộ An ninh Quốc gia phải đảm nhiệm và phải nâng cao lên tầng chính trị của những nhà quyết sách tối cao. Rất nhiều quyết sách ngoại giao không còn là ngoại giao mà là chính trị. Nhưng tầm quan trọng này của ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa thể hiện được trong thể chế quyết sách của ngoại giao. Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc từ 5 người được mở rộng thành 7 người và hiện nay là 9 người, nhưng không có một nhân vật nào chuyên phụ trách ngoại giao. Những năm 1990, Trung Quốc có một ủy viên Bộ Chính trị phụ trách ngoại giao, nhưng hiện nay không còn nữa. Những năm 1990, Trung Quốc cũng từng có ý tưởng thiết lập một ủy ban an ninh quốc gia như Mỹ, nhưng rốt cuộc vẫn chỉ dừng lại ở ý tưởng. Ngoại giao không được thể hiện trong cơ chế quyết sách cho thấy thế trận ngoại giao xuất hiện vấn đề là có thể dự đoán được.

 



Thực tế cũng diễn ra như vậy. Về danh nghĩa, Trung Quốc là một quốc gia theo chủ nghĩa quyền uy, nhưng chính sách ngoại giao lại rất phân tán. Giữa tầng trung ương và các bộ cùng ủy ban ngang bộ liên quan (Bộ Ngoại giao, Quân ủy Trung ương, Bộ Thương mại, Bộ An ninh Quốc gia) không có sự phối hợp tốt. Các bộ và ủy ban ngang bộ tồn tại lợi ích của mình, thực tế này các nước đều có. Nhưng Trung Quốc lại không có một cơ chế phối hợp. Giữa trung ương và địa phương cũng không có sự phối hợp. Cho dù ngoại giao về danh nghĩa thuộc về quyền lực trung ương, nhưng chính quyền địa phương cũng luôn đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là các tỉnh biên giới, dường như mạnh ai nấy làm, cứ thế là phát triển quan hệ của mình với các nước láng giềng. Đứng từ góc độ hành chính xem xét, hệ thống ngoại giao của Trung Quốc không có bất cứ sức ràng buộc nào đối với chính quyền địa phương.


Thiếu sự phối hợp trên tất cả các phương diện đã gây ra hậu quả rất tiêu cực. Trước tiên là việc không có được tiếng nói ngoại giao chung và quan niệm quốc tế. Ai cũng chỉ nói lời của mình, chỉ theo đuổi lợi ích của mình, đương nhiên lãnh đạo ở tầng tối cao sẽ phải đối mặt với thực tế là không được kinh qua bất cứ một sự bất đồng quan điểm và lợi ích mang tính thống nhất nào. Kế đó là tài nguyên ngoại giao không thống nhất. Việc ai cũng chỉ nói lời của mình, chỉ theo đuổi lợi ích của mình, đương nhiên sẽ gây ra tình trạng không thống nhất của tài nguyên ngoại giao. Sức mạnh của Trung Quốc trên các phương diện đều tăng lên, nhưng sức mạnh ngoại giao mang tính thống nhất lại giảm xuống. Cuối cùng là tính không thống nhất này cũng làm thế trận ngoại giao của Trung Quốc rất dễ bị đánh bại bởi các lực lượng bên ngoài.


Do sự trỗi dậy của Trung Quốc là xây dựng trên toàn cầu hóa, nên dù mong muốn chủ quan như thế nào, sự ảnh hưởng vẫn sẽ đến với ngoại giao. Tuy nhiên, sự lớn mạnh trên các phương diện như kinh tế và quân sự… lại chưa chắc sẽ chuyển hóa thành sức mạnh ngoại giao. Sự trỗi dậy về ngoại giao còn phải thể hiện ở tầng chế độ. Có thể dự đoán như thế này: nếu thế trận ngoại giao của Trung Quốc không được xây dựng lại trong cục diện quyền lực nội bộ của Trung Quốc, sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng lớn, nhưng sẽ không chuyển hóa thành ngoại giao mạnh được. Ngược lại, ngoại giao của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức ngày một nghiêm trọng./.

 

Bài đăng trên Tạp chí Tân Duy số tháng 11 của Hồng Công