Xin chân thành cảm ơn sự đóng góp của các Giáo sư David VanderZwaag và Aldo Chircop của trường Đại học Dalhousie giúp hoàn thành bài viết[1].

Thể chế quốc tế (international regime) thường được định nghĩa là “một tập hợp những nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều khoản và thủ tục ra quyết định, công khai hoặc không công khai, liên quan đến một lĩnh vực của quan hệ quốc tế mà thông qua chúng ý chí các chủ thể tham gia quan hệ có thể đồng nhất”.[2] Thể chế được hiểu như một thỏa thuận (arrangement) nhưng không phải là dạng thỏa thuận mang tính tạm thời có thể dễ dàng bị thay đổi mỗi khi có biến chuyển về lợi ích hay cân bằng quyền lực giữa các chủ thể.[3] Chức năng quan trọng nhất của thể chế quốc tế là tạo điều kiện phát triển quan hệ hợp tác có lợi giữa các chính phủ và ngăn chặn tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng vô tổ chức (anarchy) trong quan hệ quốc tế.[4]

Mỗi thể chế có ba yếu tố cấu thành cơ bản. Thứ nhất và trước hết là yếu tố nội dung, bao gồm một tập hợp những quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ mà các chủ thể tham gia phải tuân theo. Thứ hai là yếu tố thủ tục, bao gồm những quy định liên quan đến việc ra quyết định tập thể như bỏ phiếu, giải quyết tranh chấp. Cuối cùng là một hệ thống chế tài nhằm đảm bảo các chủ thể tham gia sẽ tôn trọng các quy định và các quyết định đưa ra theo đúng thủ tục của thế chế.[5]

Thể chế quốc tế hết sức đa dạng về lĩnh vực áp dụng, phạm vi lãnh thổ có hiệu lực và thành phần tham gia.  Trong bài này, các tác giả sẽ tập trung phân tích vào việc xây dựng thể chế (hay còn gọi là hình thành thể chế) liên quan tới lĩnh vực bảo vệ môi trường biển tại khu vực Biển Đông (hay còn gọi là Biển Nam Trung Hoa: South China Sea). “Biển Đông”  ở đây  được hiểu là vùng biển nửa kín nằm trong khu vực Thái Bình Dương, trải dài từ Xinh-ga-po đến Vịnh Đài Loan. Vùng biển này có diện tích vào khoảng bốn triệu km2,   và đươc bao quanh bởi 10 nước và vùng lãnh thổ bao quanh: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Phi-lip-pin, Ma-lai-xi-a, Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Xing-ga-po, Thái Lan, Cam-pu-chia và Việt Nam.[6]

Qua phân tích liệu những cơ chế, thỏa thuận quan trọng nhất đang tồn tại có liên quan, bài viết sẽ xác định xem việc bảo vệ môi trường biển tại Biển Đông đã hình thành một thể chế hay chưa. Những cơ chế, thỏa thuận  sẽ được phân tích gồm Hội thảo về Quản lý xung đột tiềm tàng trên Biển Đông của In-đô-nê-xia, Tuyên bố về Cách ứng xử của các Bên trên Biển Đông và Dự án “Ngăn chặn xu hướng xuống cấp của môi trường tại Biển Đông và Vịnh Thái Lan”. Ngoài ra, các tác giả cũng sẽ nghiên cứu việc xây dựng thể chế trong hai cơ chế thuộc khu vực các vùng biển Đông Á[7] là Cơ quan Điều phối biển Đông Á và Tổ chức đối tác quản lý môi trường biển Đông Á.

Đọc toàn bộ bài viết tại đây

 Vũ Hải Đăng, Nghiên cứu sinh Tiến sỹ, Đại học Dalhousie

Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.



[1] Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của các tác giả.

[2] Stephen D. Krasner (ed.), International Regimes (Ithaca: Cornell University Press, 1983) tr. 1.

[3] Như trên.

[4] Mark Valencia, A Maritime Regime for North-East Asia (New York: Oxford University Press, 1996) tr.17.

[5] Oran Young, “International Regimes: Problems of Concept Formation” (1980) 32 World Politics 331 tr. 332.

[6] Lan Anh Thi Nguyen, “The South China Sea Dispute: A Reappraisal in the Light of International Law” (PhD Thesis, University of Bristol, School of Law, 2005) [unpublished] tr.25.

[7] Bao gồm các vùng biển An-đa-man, Ôt-xtrây-li-a, Eo Ma-la-ca, Eo Sing-ga-po, Biển Đông, Gia-va, Phlo-rét, Ban-đa, A-ra-phu-ra, Ti-mo, Xe-le-bét, Su-lu và Phi-lip-pin.