1.jpg

Năm nay sẽ chứng kiến một sự thay đổi lớn trong bộ máy lãnh đạo chính trị của Trung Quốc khi Đảng Cộng sản (ĐCS) tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIX vào cuối năm. Từ tháng 11/2016, 2.300 đại biểu trong số 89 triệu đảng viên tại 40 đơn vị bầu cử trên toàn quốc đã bắt đầu được chọn lựa và dự kiến công việc này sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6/2017. Như vậy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có những tính toán gì cho Đại hội Đảng lần này?

Các đại biểu sẽ tập hợp tại Bắc Kinh để thông qua dàn lãnh đạo mới của Ủy ban Trung ương XIX, Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Các nhà lãnh đạo mới của ĐCS Trung Quốc sẽ được chỉ định vào những vị trí chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức nhà nước và quân đội. Đại hội Đảng XIX là sự kiện chính trị quan trọng nhất của Trung Quốc kể từ năm 2012, đánh dấu sự khởi đầu nhiệm kỳ thứ hai của Chủ tịch Tập Cận Bình. Dàn lãnh đạo mới của ĐCS Trung Quốc sẽ lãnh đạo đất nước trong 5 năm tiếp theo, khoảng thời gian quan trọng để thực hiện tầm nhìn phát triển Trung Quốc mà ông Tập Cận Bình đã đề ra.

“Giấc mơ Trung Hoa” đã đặt ra hai mục tiêu thế kỷ. Thứ nhất là phải tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người so với năm 2010, biến Trung Quốc thành “xã hội khá giả” vào năm 2021, đánh dấu 100 năm ngày thành lập ĐCS Trung Quốc. Thứ hai là phải biến Trung Quốc thành một “nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và hiện đại đến năm 2049”, 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Trong phần lớn thời gian nhiệm kỳ đầu tiên, ông Tập Cận Bình tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ: chống tham nhũng, tập trung quyền lực chính trị, áp đặt kỷ luật đảng và áp dụng nghiêm các quy tắc ứng xử đối với lãnh đạo đảng ở tất cả các cấp. Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình là trọng tâm để đạt mục tiêu này. Khi ông Tập Cận Bình nói rằng “bạn cần có một cơ thể cường tráng mới có thể trở thành một người thợ rèn tốt”, ông muốn ám chỉ đến sự quản lý yếu kém của đảng-nhà nước, tham nhũng lan tràn, quan liêu, không đủ năng lực và sự lãnh đạo phân mảnh. Đảng-nhà nước cần làm sạch triệt để bộ máy để tránh sụp đổ như Liên bang Xô Viết trước đây.

Nỗ lực tập trung quyền lực của ông Tập Cận Bình là nhằm tìm cách ngăn chặn sự chia rẽ ở tầng lớp lãnh đạo cao nhất và cải thiện thực hiện chính sách. Đến cuối năm 2016, ông Tập Cận Bình được coi là lãnh đạo hạt nhân của đảng, là người có quyền ra quyết định cuối cùng đối với các vấn đề của đảng và nhà nước. Cuối cùng, sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình là nhằm mục đích đặt “quyền lực vào một chiếc lồng hiến pháp”, theo đó các quan chức phải tuân thủ tuyệt đối các quy định của đảng, pháp luật của nhà nước và giám sát chặt chẽ việc sử dụng quyền lực.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Đại hội Đảng XIX sẽ duy trì “đường lối chính trị” của ông Tập Cận Bình, vốn đã nhận được ủng hộ vững chắc của ĐCS. Đường lối này là một chiến lược bốn hướng toàn diện bao gồm xây dựng xã hội khá giả toàn diện, đi sâu cải cách toàn diện, quản lý đất nước theo luật pháp toàn diện và quản lý đảng nghiêm minh toàn diện. Tất cả các đảng viên phải có nghĩa vụ ủng hộ đường lối này. Công chúng cũng đã được tuyên truyền rộng rãi.

ĐCS Trung Quốc có những quy định và thủ tục phát triển trong những thập kỷ gần đây xung quanh việc lựa chọn nhà lãnh đạo, bổ nhiệm, nghỉ hưu và thay thế. Các quy định này thường không chính thức và không phải luôn tuân thủ nghiêm ngặt. Đại hội XIX được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự thay đổi 5 trong số 9 thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, một nửa của Bộ Chính trị và một số lượng lớn các thành viên Ủy ban Trung ương.

Quy mô thay đổi nhân sự trong lãnh đạo ĐCS và tầm quan trọng của nó không thể bị phóng đại. Đây vừa là cơ hội “thay máu”, vừa để củng cố sự trung thành trong tầng lớp lãnh đạo chính trị Trung Quốc. Nhiều chính trị gia Trung Quốc đôi lúc “thì thầm” rằng ông Tập Cận Bình đang chơi một trò chơi lớn, với một kế hoạch táo bạo nhằm mục đích lớn. Điều đó có nghĩa gì cho cải cách chính trị ở Trung Quốc?

Ông Tập Cận Bình đã từ chối những thay đổi mà sẽ dẫn đến phân chia quyền lực làm suy yếu vai trò lãnh đạo của ĐCS, nhưng cam kết hạn chế quyền lực thể chế. Hiện không có dự tính về một nền tư pháp độc lập, nhưng các quan chức của đảng, dù ở cương vị cao đến đâu, vẫn sẽ bị áp dụng luật do đảng đề ra. Việc ông Tập Cận Bình thành lập Ủy ban Giám sát Nhà nước đặt sử dụng quyền lực trong đảng-nhà nước dưới hiến pháp là minh họa cho mô hình này. Điều này phân biệt con đường chính trị của Trung Quốc với những người theo mô hình phương Tây hay Liên bang Xô Viết. Và điều chắc chắn là mục tiêu tối quan trọng của ông Tập Cận Bình là củng cố vai trò lãnh đạo của đảng và làm cho vai trò đó hiệu quả hơn.

Dong Dong Zhang là nhà nghiên cứu tại Trường Crawford, Đại học Quốc gia Úc. Bài viết đăng trên Diễn đàn Đông Á”.

Anh Thư (gt)