Toà hoạt động trên cơ sở Quy chế của Toà, là một phần của Hiến chương LHQ và các Quy định về thủ tục do Toà ban hành trên cơ sở Quy chế, bản hiện hành có hiệu lực từ năm 1978. Tòa án Công lý Quốc tế tọa lạc tại cung điện Hòa Bình, thành phố Hague, Hà Lan nên tòa còn thường được gọi là Tòa án quốc tế La Hay.

 

Thành viên của Quy chế ICJ

Điều 93 Hiến chương UN đưa ra hai đối tượng có thể trở thành thành viên gia nhập Quy chế ICJ. Đó là: (i) tất cả các thành viên của UN – vốn mặc nhiên được coi là thành viên của Quy chế ICJ, và (ii) các quốc gia/vùng lãnh thổ không phải thành viên của UN nhưng có thể trở thành thành viên của Quychế Tòa do Đại Hội đồng quyết định (với sự đề xuất của Hội đồng Bảo an) dựa vào những điều kiện cụ thể trong từng trường hợp.

Tuy nhiên, việc trở thành thành viên của Quy chế ICJ không đồng nghĩa với việc các quốc gia đương nhiên chấp nhận thẩm quyền của ICJ đối với các vụ tranh chấp cụ thể. Để toà ICJ có thẩm quyền giải quyết các vụ tranh chấp phát sinh giữa các quốc gia, cần có sự chấp thuận của các bên tranh chấp, được thể hiện dưới các hình thức khác nhau.

Về cơ cấu tổ chức

ICJ bao gồm 15 thẩm phán được Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng UN bổ nhiệm dựa trên danh sách được Tòa Trọng tài Thường trực (the Permanent Court of Arbitration - PCA) tiến cử. Nhiệm kỳ của thẩm phán là 9 năm và không hạn chế việc tái đắc cử. Tuy nhiên, một quy tắc quan trọng về việc bổ nhiệm là phải đảm bảo không có hai thẩm phán cùng một quốc tịch. Cứ sau 3 năm, một phần ba số thẩm phán của Tòa sẽ được bổ nhiệm lại. Năm nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an sẽ thường xuyên có đại diện của mình trong Tòa.

Thông thường, các vụ tranh chấp sẽ được xét xử bởi toàn bộ Hội đồng xét xử gồm 15 thành viên. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp hội đồng xét xử được thành lập với số thành viên ít hơn (thường là 5 thành viên), tùy vào ý chí của các bên tranh chấp. Cũng có những trường hợp mỗi bên trong tranh chấp yêu cầu bổ nhiệm một thẩm phán vụ việc đại diện lợi ích của mình trong hội đồng xét xử, các thẩm phán vụ việc này chỉ làm thành viên của Tòa trong vụ tranh chấp cụ thể đó mà thôi (thẩm phán ad-hoc). Như vậy, trên thực tế, thành phần của hội đồng xét xử được quyết định bởi các bên, và như vậy làm cho quá trình tố tụng nhìn từ khía cạnh này giống như trọng tài.

Về thẩm quyền của ICJ

ICJ thực hiện hai chức năng chính là giải quyết tranh chấp và đưa ra ý kiến tư vấn pháp lý.

Chỉ các thành viên của Quy chế ICJ mới có quyền đưa tranh chấp lên giải quyết trước ICJ. Nhưng đây mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện cần thiết ở đây là sự đồng ý của các bên. Việc đồng ý chấp nhận ràng buộc của tòa được thể hiện qua tuyên bố đơn phương, qua thỏa thuận với nhau hoặc qua quy định trong văn bản điều ước quốc tế liên quan. Tòa án có thẩm quyền xét xử mọi tranh chấp do các bên đưa ra và mọi vấn đề được quy định trong Hiến chương LHQ hoặc trong các điều ước quốc tế hiện hành, trong đó có Công ước Luật Biển 1982. Khi xét xử các vụ kiện, tòa áp dụng các điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, các nguyên tắc chung của pháp luật. Đồng thời, tòa cũng sẽ vận dụng các phán quyết, học thuật của các học giả nổi tiếng như là các công cụ hỗ trợ.

Phán quyết của Tòa được đưa ra theo nguyên tắc đa số, mang tính chung thẩm và có giá trị ràng buộc thực hiện với các bên.

Ngoài thẩm quyền xét xử, ICJ còn có thẩm quyền tư vấn theo yêu cầu của các cơ quan chính của Liên hợp quốc và các tổ chức chuyên môn được Đại hội đồng cho phép. Thẩm quyền này được quy định tại điều 96 Hiến chương LHQ:

1. Đại hội đồng hay Hội đồng bảo an có thể yêu cầu Tòa án quốc tế cho ý kiến tư vấn về mọi vấn đề pháp lý.

2. Các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc và các tổ chức chuyên môn, mà lúc nào cũng được Đại hội đồng cho phép, cũng có quyền hỏi ý kiến tư vấn của Tòa án quốc tế về những vấn đề pháp lý có thể đặt ra trong hoạt động của mình.

Mặc dù chỉ mang tính chất tham khảo và không có tính ràng buộc, những ý kiến tư vấn của ICJ có uy tín cũng như giá trị pháp lý rất lớn. Chúng góp phần phát triển luật pháp quốc tế và thúc đẩy quan hệ hòa bình giữa các quốc gia.

Thủ tục xét xử tranh chấp

Tòa án công lý quốc tế Liên hợp quốc xét xử một vụ tranh chấp theo hai trình tự đầy đủ và rút gọn. Thành phần của phiên tòa có thể là toàn bộ các thẩm phán, có thể là ít hơn nhưng tối thiểu là chín vị thẩm phán. trong phạm vi chức năng của mình, Tòa có thể thành lập các Tòa đặc thù như Tòa rút gọn trình tư tố tụng, gồm năm thẩm phán ( chánh án, phó chánh án và ba thẩm phán khác ), Tòa đặc biệt gồm ba thẩm phán hoặc nhiều hơn, Tòa rút gọn hay tòa ad hoc đối với từng vụ việc ( thành phần theo sự chấp thuận của các bên ). Các bước thuộc trình tự xét xử của Tòa thường gồm hai giai đoạn là giai đoạn xem xét về hình thức, tức là giai đoạn xem xét thẩm quyền của Tòa và giai đoạn thứ hai xét xử về nội dung vụ việc, theo hai thủ tục nói và viết.Trong thủ tục viết, các bên hoàn thành và trao đổi bị vong lục, phản bị vong lục về lập luận của từng bên và các lý lễ luận tội hay bào chữa. Ở thủ tục nói, còn gọi là thủ tục tranh tụng, thời gian và địa điểm do Tòa quyết định, có tính đến yêu cầu của các bên và thời gian biểu của Tòa. Khi hoàn thành các thủ tục trên, tòa ra quyết định cuối cùng giải quyết tranh chấp. Song có thể lưu ý rằng một vụ án có thể kết thúc mà Tòa không cần đưa ra phán quyết, đó là trường hợp, hai bên tự giải quyết và đạt được thỏa thuận hòa bình giải quyết tranh chấp hoặc bên nguyên đơn rút đơn kiện hay cả hau bên từ bỏ vụ kiện. Nếu rơi vào các trường hợp trên, vụ án kết thúc bằng một bản án xét xử nội dung, được thông qua sau quá trình nghị án.

Thực tiễn xét xử

Trong lịch sử 67 năm của mình, Tòa án công lý quốc tế đã giải quyết hơn 60 tranh chấp giữa các quốc gia; trong đó có nhiều tranh chấp liên quan đến các vấn đề biên giới, lãnh thổ đất liền và phân định các vùng biển giữa các quốc gia.

Về phân định ranh giới biển có các vụ như vụ kiện về thềm lục địa giữa Đức và Đan Mạch năm 1967, vụ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ kỳ năm 1976, vụ giữa Mỹ và Canada năm 1981, vụ giữa Ukraina và Romania năm 2010. Liên quan tranh chấp chủ quyền đối với các đảo có các vụ như vụ kiện giữa Indonesia và Malaysia năm 1998, vụ kiện giữa Malaysia và Singapore năm 2003. Liên quan tranh chấp biên giới trên đất liền có các vụ như vụ kiện về đền Preah Vihear giữa Campuchia và Thái Lan năm 1957, vụ kiện giữa Libya và CH Chad năm 1990, vụ kiện giữa Benin và Nigeria năm 2002. Hiện nay, Tòa án quốc tế La Hay đang tiếp tục xem xét 13 vụ kiện giữa các quốc gia.

Tuy nhiên, phần lớn các phán quyết của Tòa án Quốc tế chỉ mang ý nghĩa chính trị hơn là có hiệu lực thi hành, và mọi việc đều tùy thuộc vào thiện chí của các nước. Theo lý thuyết, nếu một bên từ chối thi hành phán quyết của tòa, vấn đề có thể được chuyển lên cho Hội đồng Bảo an LHQ xử lý, nhưng việc này thường lâm vào bế tắc vì năm thành viên thường trực thường xuyên sử dụng quyền phủ quyết.

Quách Thị Huyền