Thành lập

Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) được ký kết tại Vịnh Montego, Jamaica vào ngày 10/12/1982 thường được gọi là UNCLOS 1982. Công ước có hiệu lực 12 năm sau đó vào ngày 16/11/1994.  Tòa án Luật biển quốc tế (ITLOS) là một trong các cơ quan mới được thành lập theo như Phụ lục VI của Công ước Luật biển 1982 (sau đây gọi là Công ước).

Phần XV của Công ước thiết lập một hệ thống giải quyết tranh chấp có thể phát sinh liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước. Theo như điều 287 của Công ước, khi ký kết hoặc phê chuẩn Công ước, các bên được quyền tự do lựa chọn một trong 4 cơ chế xét xử giải quyết các tranh chấp phát sinh từ việc giải thích và áp dụng Công ước bao gồm: (1) Tòa án Công lý Quốc tế; (2) Tòa án Luật biển Quốc tế; (3) Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước; và (4) Tòa Trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VIII của Công ước. Trong trường hợp các bên trong tranh chấp đã không lựa chọn 1 trong 4 cơ chế cơ quan tài phán nêu trên thì Tòa án Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước được coi như là lựa chọn bắt buộc, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

Tổ chức

ITLOS bao gồm 21 quan tòa độc lập được tuyển chọn từ các cá nhân có tên tuổi, uy tín cao nhất về sự công bằng liêm khiết và có tên tuổi trong lĩnh vực luật biển. Tòa có trụ sở đặt tại Hăm Buốc thuộc Cộng hòa Liên Bang Đức. Theo nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán, một thành viên của Toà án không thể đảm nhiệm bất kỳ một chức vụ chính trị hay hành chính nào, cũng không được chủ động tham gia hay có liên quan về tài chính trong một hoạt động nào của một xí nghiệp đang tiến hành thăm dò hoặc khai thác các tài nguyên ở biển hay ở đáy biển hoặc một việc sử dụng biển, đáy biển vào mục đích thương mại khác. Thành viên của Toà cũng không được làm những nhiệm vụ đại diện, cố vấn hay luật sư trong bất kỳ một vụ kiện nào.

Một phiên Toà được coi là hợp lệ khi nó có đủ ít nhất 11 thành viên được bầu ngồi xử án. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm quá trình xét xử của Toà án pháp lý quốc tế, nhằm giải quyết nhanh các vụ kiện mỗi năm, Toà án lập ra một viện gồm 5 thành viên được bầu để xét xử theo thủ tục rút gọn. Nếu thấy cần thiết, Toà cũng có thể lập ra các viện gồm ít nhất là ba thành viên được bầu để xét xử các loại vụ kiện nhất định. Các phán quyết của một trong số các viện này đều được coi như phán quyết của Toà án quốc tế về Luật biển, chúng đều có tính chất tối hậu mà tất cả các bên trong vụ tranh chấp phải tuân theo.

Thẩm quyền

Tòa có thẩm quyền đối với đối với bất cứ tranh chấp nào liên quan đến việc diễn giải hay áp dụng Công ước và về các vấn đề cụ thể quy định trong bất cứ hiệp định nào có đề cập đến Tòa có thẩm quyền xét xử tranh chấp đó (theo như điều 21 quy chế hoạt động của Tòa). Các quốc gia (hay các tổ chức) thành viên của Công ước đều có quyền tham dự Tòa. Tòa cũng ngỏ thẩm quyền đối với các thực thể không phải là quốc gia thành viên như là các tổ chức liên chính phủ, các doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp tư nhân (theo như điều 20 quy chế hoạt động của Tòa).

Theo như các điều khoản của Quy chế hoạt động của Tòa án, Tòa đã thành lập các Tòa chuyên môn: Tòa xét xử về thủ tục, Tòa giải quyết các tranh chấp đánh bắt hải sản, Tòa giải quyết các tranh chấp liên quan đến môi trường biển và Tòa giải quyết các tranh chấp về Phân định biển.

Các tranh chấp liên quan đến các hoạt động tại đáy biển quốc tế phải được đệ trình lên Tòa Giải quyết các Tranh chấp Đáy biển của Tòa án Luật biển quốc tế bao gồm 11 thẩm phán. Bất cứ một bên nào trong tranh chấp mà Tòa có thẩm quyền đều có thể yêu cầu Tòa thành lập một Tòa xét xử đặc biệt (ad hoc) bao gồm 3 thành viên của Tòa giải quyết các tranh chấp Đáy biển.

Nếu như các bên trong vụ tranh chấp không có thỏa thuận nào khác, Tòa luôn có thẩm quyền đối với các vụ tranh chấp liên quan đến thả tàu nhanh được quy định theo điều 292 của Công ước và các biện pháp dàn xếp tạm thời trong khi chờ đợi thành lập tòa trọng tài theo điều 290, đoạn 5 của Công ước.

Tòa Giải quyết các Tranh chấp Đáy biển có thẩm quyền đưa ra ý kiến tư vấn về các câu hỏi pháp lý phát sinh trong phạm vi của các hoạt động của Cơ quan Đáy biển Quốc tế. Tòa cũng có thể đưa ra các ý kiến tư vấn trong một số trường hợp nhất định khi có thỏa thuận quốc tế liên quan đến mục đích của Công ước.

Các tranh chấp được trình lên tòa được chuẩn bị hoặc bằng đơn viết hoặc bằng thông báo của thỏa thuận đặc biệt. Thủ tục sau đó để tiến hành xét xử vụ kiện tuân theo quy định trong Quy chế và nguyên tắc hoạt động của Tòa.

Cho đến nay Tòa án luật biển quốc tế đã thụ lý 20 vụ việc liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước chủ yếu là các vụ việc liên quan đến thả tàu nhanh và các dàn xếp tạm thời, vụ việc đầu tiên Tòa thụ lý là vụ thả tàu nhanh M/V "SAIGA" được đệ đơn lên Tòa vào ngày 13/11/1997. Về xin ý kiến tư vấn hiện nay mới chỉ duy nhất có một vụ được nộp lên Tòa giải quyết Tranh chấp Đáy biển (Seabed Disputes Chamber) về Trách nhiệm và nghĩa vụ của các quốc gia bảo trợ cho các cá nhân và thực thể liên quan đến các hoạt động tại đáy biển quốc tế.

Là một quốc gia ven Biển Đông, luôn ý thức được tầm quan trọng của luật pháp quốc tế đặc biệt là luật biển quốc tế trong việc đảm bảo quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia tại các vùng biển. Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng về dự thảo Công ước luật Biển năm 1982. Việt Nam đánh giá cao việc hội nghị lần thứ III của LHQ về luật Biển thông qua Công ước luật Biển năm 1982.

Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên ký Công ước sau khi Công ước được thông qua vào năm 1982. Quốc hội Việt Nam đã quyết định phê chuẩn văn kiện pháp lý này vào 23/6/1994. Từ khi trở thành thành viên của Công ước, Việt Nam luôn tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế theo công ước. Việt Nam đã được bầu làm Phó chủ tịch Đại hội đồng Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy Đại dương.

Sự ra đời của Công ước với Phần XV về giải quyết tranh chấp có tầm quan trọng lớn lao trong việc điều chỉnh và giải quyết các tranh chấp trên biển. Việt Nam hoan nghênh sự ra đời của Tòa án quốc tế về Luật biển, đồng thời nhận rõ trách nhiệm sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với luật pháp quốc tế, điều chỉnh thống nhất các hoạt động nhằm bảo vệ tốt nhất chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển. Luật biển mà Quốc hội Việt Nam vừa thông qua vào năm 2012 đã thể hiện được sự quan tâm của nước ta đối với luật pháp quốc tế và bảo vệ các vùng biển nước nhà. Việt Nam luôn tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đồng thời nâng cao năng lực của các thẩm phán, các tòa án trong việc xét xử các vụ việc liên quan đến biển góp phần bảo vệ trật tự pháp lý trên biển của Việt Nam./.

                                                                                                Nguyễn Thái Giang