_______________________

 
 
 

 

Trong những năm gần đây, trong quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng diễn ra cùng một lúc hai tiến trình giải quyết các vấn đề biên giới, phân giới cắm mốc và phát triển quan hệ kinh tế với các nước láng giềng. Tuyến Việt Nam - Lào, hai bên đang triển khai dự án tăng dày và tôn tạo mốc giới; giữa ta và Cam-pu-chia triển khai Kế hoạch tổng thể phân giới cắm mốc; công tác phân giới cắm mốc giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng vừa kết thúc. Đồng thời giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia cũng diễn ra hàng loạt các hoạt động kinh tế liên quan tới biên giới như mở cửa khẩu, các khu kinh tế cửa khẩu, xây dựng các công trình trên biên giới, các hội nghị thương mại biên giới...

 

Bài viết này sẽ xem xét mối quan hệ biện chứng giữa biên giới và kinh tế. Trước hết, bài viết sẽ mổ xẻ những nội hàm kinh tế của khái niệm biên giới, khu vực biên giới, sau đó sẽ phân tích ý nghĩa kinh tế của công tác biên giới từ giai đoạn hoạch định biên giới tới quản lý biên giới. Bài viết cũng sẽ xem xét công tác biên giới trong mối quan hệ biện chứng giữa an ninh và phát triển đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa.

 
Nội hàm kinh tế của khái niệm biên giới
 

Quốc gia hình thành bởi ba thành tố cơ bản là “Lãnh thổ, Nhà nước và Dân cư”. Trong đó, yếu tố biên giới - lãnh thổ là nền tảng đầu tiên. Biên giới - lãnh thổ là vấn đề hệ trọng và hết sức nhạy cảm, việc bảo vệ sự toàn vẹn biên giới - lãnh thổ luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia, dân tộc.

 

Trong tiếng Việt, lãnh thổ là có nghĩa là “đất đai thuộc chủ quyền của một nước”. Với vị trí địa lý của mình, Việt Nam có lãnh thổ bao gồm “đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời” kể cả lòng đất của đất liền, của các hải đảo, đáy và lòng đất dưới đáy vùng biển như quy định trong Điều 1 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992.

 

Phạm vi chủ quyền lãnh thổ quốc gia gắn liền với đường biên giới quốc gia. Khởi đầu vào thời kỳ cộng sản nguyên thủy và nô lệ, khái niệm về biên giới chưa được thể hiện rõ ràng. Đường ranh giới đầu tiên được ghi nhận là của đế chế La Mã vào đầu thế kỷ thứ III để phân biệt phạm vi thành Roma với lãnh thổ của các dân tộc “man di”. Tại Việt Nam, tuyên ngôn của Lý Thường Kiệt (1074 - 1075) đã đề cập đến một đường biên giới được xác lập giữa Việt Nam và Trung Quốc:

 

“Nam quốc sơn hà nam đế cư, 

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” 

(Sông núi nước Nam, vua Nam ở, 

Rành rành định phận tại sách trời).

 

Trong một thời gian dài thuật ngữ biên giới dùng để chỉ các vùng tiếp giáp, các vùng giáp ranh hay vùng bên ngoài của một lãnh thổ, không phải là đường biên giới được vạch ra một cách liên tục. Khái niệm biên giới quốc gia bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 14[1] và liên tục phát triển cho đến ngày nay. Hiện nay, người ta đã thay thế quan niệm cũ về vùng biên giới bằng quan niệm mới là đường biên giới, được hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa các quốc gia có lãnh thổ tiếp giáp nhau.

 

Tuy nhiên, trong thời đại ngày ngay, quan niệm về biên giới quốc gia vẫn rất khác nhau. Một số người nhấn mạnh tính pháp lý của đường biên giới, và các chế độ kiểm soát qua lại bằng giấy tờ, hộ chiếu, thị thực, tức là “đường biên giới vô hình”, chứ không quan tâm tới việc tăng hay giảm những vật thể trên “đường biên giới hữu hình” như các cột mốc trên đường biên giới.[2] Có quốc gia chủ trương xây dựng “đường biên giới đóng” nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, bảo vệ công ăn việc làm, chống lại những tệ nạn xã hội, tội phạm, âm mưu lật đổ, khủng bố xâm nhập từ bên ngoài, không muốn chia sẻ lợi ích cho nước ngoài, và vì những mối lo mất bản sắc dân tộc. Nhưng cũng có những nước chủ trương xây dựng “đường biên giới mở” nhằm mở cửa nền kinh tế, tạo điều kiện cho việc giao lưu hợp tác với bên ngoài.[3] Thậm chí, có nước còn chủ trương xây dựng “biên giới mềm” nhằm mở rộng ảnh hưởng kinh tế, văn hóa của đất nước mình sang các nước láng giềng.

 

Đặc biệt, hiện vẫn đang diễn ra cuộc tranh luận về việc nên xây dựng một đường “biên giới mềm” hay một đường “biên giới cứng”. Tại cuộc hội thảo “Quan hệ tương tác giữa công tác biên giới và phát triển kinh tế: kinh nghiệm tuyến biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Cam-pu-chia” được tổ chức tại Hà Nội ngày 14/8/09, một số đại biểu cho rằng xu hướng xây dựng biên giới mềm ngày càng tăng. Hiện giữa các nước châu Âu, hầu như người ta không hề nhìn thấy biên giới giữa các quốc gia, bởi không có cột mốc, không có cửa khẩu, không có kiểm soát. Hơn nữa, ngày nay người ta nhận biết và quản lý biên giới bằng máy định vị GPS và các thiết bị hiện đại khác, chứ không phải bằng các cột mốc. Một số ý kiến khác cho rằng việc xây dựng mốc là rất tốn kém và ít có tác dụng, nhất là tại những vùng núi hiểm trở, không có người qua lại. Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng việc xây dựng hệ thống mốc như hiện nay là rất cần thiết, để phân định rạch ròi biên giới, tránh tranh chấp. Lực lượng chức năng có thể biết đường biên giới chỗ nào thông qua việc dùng máy định vị GPS. Nhưng đối với nhân dân thì đường biên giới chỉ có thể được xác định bằng mắt thường. Vì vậy, dù tốn kém cũng phải xây dựng một đường biên giới cứng. Biên giới mềm giúp thúc đẩy phát triển kinh tế kết hợp với an ninh, nhưng không có nghĩa là không cần biên giới cứng. Nếu không xây dựng đường biên giới cứng thì về lâu dài sẽ không bảo đảm ổn định an ninh và quốc phòng. Trước mắt, cần xây dựng đường biên giới cứng ở vùng trọng điểm, khi có thời gian và kinh phí cho phép, cần tiếp tục củng cố đường biên giới. Những chỗ nào có hoạt động kinh tế giao lưu cần cắm mật độ dày, chỗ đỉnh núi cao quyền lợi kinh tế không có thì nên giảm. Đặc biệt, biên giới theo sông suối, chỗ nào làm biên giới cứng được thì phải làm luôn, nếu không biên giới sẽ thay đổi theo thời gian nhất là khi dòng sông biến đổi.[4]

 

Mặc dù có những nhận thức khác nhau về biên giới, nhưng thực tế nội hàm của đường biên giới ngày nay đã được xác định rất rõ: là ranh giới, giới hạn vùng lãnh thổ của một quốc gia, giới hạn phạm vi quyền lực tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ.

 

Luật Biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2003, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2004, quy định tại Điều 1: “Biên giới quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

(Hình 1).

 

 

 


 Đường biên giới trên đất liền là đường phân chia lãnh thổ trên phần đất liền, đảo, trên sông, hồ, kênh đào và nội thuỷ giữa các quốc gia có chung biên giới, là kết quả của việc ký kết các điều ước quốc tế về biên giới giữa các quốc gia có chung biên giới hoặc là các quyết định của cơ quan tài phán quốc tế khi các quốc gia hữu quan đồng ý đưa vấn đề biên giới ra quốc tế phân xử. Điều 5 khoản 2 của Luật Biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2003 quy định: “Biên giới quốc gia trên đất liền được hoạch định và đánh dấu trên thực địa bằng hệ thống mốc quốc giới”.

 

Đường biên giới trên biển là ranh giới ngoài của lãnh hải của các quốc gia ven biển hoặc là đường phân cách các vùng nội thuỷ hoặc vùng lãnh hải của các quốc gia ven biển. Theo luật biển quốc tế, ranh giới ngoài của lãnh hải không được vượt quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở theo quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Các quốc gia ven biển tự xác định đường cơ sở của mình phù hợp với công ước này. Trong trường hợp khi hai quốc gia có bờ biển đối diện nhau và khoảng cách giữa hai hệ thống đường cơ sở của hai quốc gia nhỏ hơn 24 hải lý hoặc trong trường hợp hai quốc gia nằm kề nhau (tiếp giáp nhau), đường biên giới trên biển là đường phân chia lãnh hải hoặc nội thuỷ giữa hai quốc gia, nằm cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ khi có sự thỏa thuận khác giữa các quốc gia này. Điều 1 khoản 3 của Luật Biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2003 quy định: “Đường biên giới quốc gia trên biển được hoạch định và đánh dấu bằng các tọa độ trên hải đồ là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của các đảo, lãnh hải của các quần đảo của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan”.

 

Đường biên giới bên trong lòng đất là một bộ phận của biên giới quốc gia, được xác định theo một phương thẳng đứng dựa theo các đường biên giới trên đất liền và biên giới trên biển, kéo dài đến tâm của trái đất. Trong thực tiễn quốc tế, giới hạn trừu tượng này được các quốc gia mặc nhiên thừa nhận. Điều 5 khoản 4 của Luật Biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2003 quy định: “Biên giới quốc gia trong lòng đất là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển xuống lòng đất. Ranh giới trong lòng đất thuộc vùng biển là mặt thẳng đứng từ các đường ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa xuống lòng đất xác định quyền chủ quyền, quyền tài phán của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan”.

 

Biên giới trên không, “vùng trời” hoặc “không phận” của mỗi quốc gia là một bộ phận của biên giới quốc gia, là các ranh giới được xác định theo phương thẳng đứng từ đường biên giới quốc gia trên đất liền và trên biển kéo dài lên không trung. Thực tiễn quốc tế chưa có quy định thống nhất về độ cao của đường biên giới trên không. Điều 5 khoản 5 của Luật Biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2003 quy định: “Biên giới quốc gia trên không là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển lên vùng trời”.

 

Việc xác lập đường biên giới quốc gia là nhằm phân định rõ giới hạn vùng đất, vùng nước, vùng trời thuộc chủ quyền toàn vẹn, đầy đủ và riêng biệt của quốc gia, gắn liền với những lợi ích về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh và quốc phòng. Đường biên giới quốc gia là cơ sở và nền tảng vật chất cho quốc gia tồn tại và phát triển.

 

Theo nghĩa đó, đường biên giới trực tiếp mang những ý nghĩa kinh tế bởi nó xác định chủ quyền của một quốc gia đối với đất đai, lòng đất, vùng biển, vùng trời với tất cả nguồn tài nguyên trong phạm vi đó. Xác định và quản lý biên giới tức là xác định và quản lý các lợi ích kinh tế, nguồn tài nguyên của đất nước. Ý nghĩa kinh tế của công tác biên giới không chỉ nằm ở giai đoạn quản lý biên giới mà nằm ngay trong quá trình hoạch định biên giới, giải quyết tranh chấp về biên giới với các nước láng giềng.

 

Khu vực biên giới: những nội hàm kinh tế

 

Khu vực biên giới quốc gia là bộ phận của lãnh thổ quốc gia tiếp giáp biên giới quốc gia. Mỗi nước có quy định riêng về khu vực biên giới. Điều 8 Nghị định số 140/2004/NĐ-CP ngày 25/6/2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “1. Phạm vi khu vực biên giới trên đất liền tính từ biên giới quốc gia trên đất liền vào hết địa giới hành chính của xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền…3. Danh sách các xã, phường, thị trấn ở khu vực biên giới trên đất liền, khu vực biên giới trên biển được quy định tại các nghị định của Chính phủ ban hành quy chế khu vực biên giới; trường hợp có sự thay đổi về địa giới hành chính của các xã, phường, thị trấn ở khu vực biên giới thì sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. 4. Mọi hoạt động của người, phương tiện; việc quản lý, bảo vệ, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới thực hiện theo nghị định về quy chế khu vực biên giới và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan”.

 

Các loại khu vực biên giới bao gồm: Khu vực biên giới đất liền, khu vực biên giới biển, khu vực biên giới trên không.

 

Trong khu vực biên giới, có một số loại hình cụ thể sau: Vành đai biên giới, vùng cấm, cửa khẩu biên giới, chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu, hoạt động buôn bán hàng hóa qua biên giới... Vành đai biên giới là một dải đất xác định dọc theo biên giới quốc gia trên đất liền; chiều rộng và quy chế của vành đai biên giới do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của mỗi nước quy định, và không bắt buộc phải có. Cửa khẩu là nơi thực hiện việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu và qua lại biên giới quốc gia. Cửa khẩu bao gồm: Cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu đường sắt, cửa khẩu đường hàng không, cửa khẩu đường thủy nội địa, cửa khẩu đường hàng hải. Về cửa khẩu biên giới đất liền, trong Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14/3/2005 về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Cửa khẩu biên giới đất liền (sau đây gọi chung là cửa khẩu biên giới) bao gồm: cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ, được mở trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa trong khu vực biên giới theo Hiệp định về Quy chế biên giới đã được ký kết giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước láng giềng để thực hiện việc xuất, nhập và qua lại biên giới quốc gia”. Ngoài ra còn có các khu kinh tế cửa khẩu, chợ biên giới, được lập ra trong khu vực biên giới trên đất liền gắn với các cửa khẩu được xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa áp dụng tại cửa khẩu đó.

 

Khu vực biên giới có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, nhiều vùng biên giới là khu vực ngoại vi, bất lợi về địa lý và bị tụt hậu so với khu vực bên trong nội địa. Một số vùng biên giới dễ trở thành khoảng trống, nơi mà quyền lực trung ương khó với tới được. Về văn hóa, khu vực biên giới là nơi phải chịu ảnh hưởng mạnh nhất của văn hóa từ các nước láng giềng. Ở Việt Nam, khu vực biên giới thường là khu vực lạc hậu, chưa được đầu tư đầy đủ để phát triển cơ sở hạ tầng, không an toàn, nên cũng kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Ở đây cũng có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống và thường dễ xảy ra xung đột sắc tộc. Mặt khác, khu vực biên giới của ta có nhiều tài nguyên, khoáng sản, đất rừng, nguồn nước chưa được khai thác, có lợi thế gần với thị trường nước ngoài, tiếp cận dễ dàng với nguồn tài nguyên, lao động rẻ ở các nước láng giềng. Như vậy, khu vực biên giới là nơi tập trung rõ nhất về mối quan hệ biện chứng giữa biên giới và phát triển kinh tế. Vì vậy chúng ta cần kết hợp chặt chẽ công tác biên giới với phát triển kinh tế - xã hội.

 

Những nội dung mang ý nghĩa kinh tế trong công tác biên giới

 

Công tác biên giới bao hàm việc xác lập đường biên giới và quản lý đường biên giới. Xác lập đường biên giới là việc hoạch định và cố định biên giới quốc gia theo các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế trong đó các quốc gia có chung đường biên giới cần thương lượng để giải quyết vấn đề biên giới quốc gia. Đối với ranh giới của các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia mà không liên quan đến một quốc gia khác, mỗi nước tự ấn định phạm vi của ranh giới đó phù hợp với các qui định chung của luật pháp và tập quán quốc tế. Thông thường, biên giới quốc gia phải do cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất quyết định bằng các văn bản luật hoặc các điều ước quốc tế với các quốc gia có chung biên giới.

 

Việc xác lập biên giới quốc gia có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng và có quan hệ mật thiết với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, là vấn đề thiêng liêng và nhạy cảm đối với mọi quốc gia. Do vậy, việc xác lập biên giới quốc gia không thể là việc làm tùy tiện của bất cứ một ngành hay địa phương nào. Mọi thỏa thuận về biên giới quốc gia nếu không tuân thủ các quy định luật pháp quốc tế và trình tự luật pháp của mỗi nước sẽ không mang lại hiệu lực pháp lý ràng buộc.

 

Trong thực tiễn quốc tế, việc xác lập đường biên giới quốc gia thường được thực hiện theo bốn giai đoạn: (1) Xác định căn cứ và nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới; (2) Hoạch định đường biên giới quốc gia; (3) Phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới; (4) Quản lý biên giới hành chính.

 

Giai đoạn xác định nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới: Các quốc gia có chung biên giới cần đàm phán để giải quyết vấn đề biên giới. Việc đàm phán có thể được tiến hành theo nhiều cách, thông dụng có ba cách cơ bản và thường được áp dụng là đàm phán trực tiếp, trung gian hòa giải và sử dụng một cơ quan tài phán hay trọng tài quốc tế. Trong đó, đàm phán trực tiếp thường được các nước hữu quan áp dụng nhiều nhất. Trong giai đoạn này, hai (hoặc nhiều) nhà nước xác định những nguyên tắc và căn cứ cơ bản để giải quyết vấn đề biên giới giữa họ với nhau. Lãnh đạo cấp cao của các nước hữu quan thường ra một tuyên bố chung; hoặc một bên ra tuyên bố, sau đó bên kia tuyên bố chấp thuận; hoặc cùng nhau ký một văn kiện cấp cao. Kết quả của giai đoạn này tạo tiền đề cho công tác hoạch định biên giới quốc gia. Trong trường hợp giữa Việt Nam và Lào, hai nước thỏa thuận nguyên tắc căn cứ chính để giải quyết đường biên giới giữa hai nước là đường biên giới thể hiện trên bản đồ của Pháp tỷ lệ 1/100.000 năm 1945 khi hai nước tuyên bố độc lập. Với Cam-pu-chia, ngày 20/7/1983, Việt Nam và Cam-pu-chia đã ký “Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước”, nhất trí lấy đường biên giới được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương thông dụng trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 làm cơ sở để xác định đường biên giới quốc gia giữa hai nước. Với Trung Quốc, ngày 07/11/1991, Việt Nam và Trung Quốc đã ký “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, thống nhất tôn trọng đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc theo hai Công ước Pháp - Thanh năm 1887 và 1895.

 

Giai đoạn hoạch định biên giới quốc gia: Hoạch định biên giới là việc mô tả hướng đi của đường biên giới bằng lời văn và thể hiện hướng đi đó trên bản đồ địa hình khu vực biên giới. Việc mô tả này thường được ghi trong một hiệp ước, một hiệp định hay một phán quyết của toà án. Các văn bản pháp lý đó cũng phải dự tính đầy đủ các nội dung cần thực hiện trong giai đoạn phân giới, cắm mốc trên thực địa. Bất kỳ một sự sai lệch nào trong văn bản pháp lý hoạch định đường biên giới cũng sẽ tiềm ẩn những tranh chấp trong giai đoạn phân giới, cắm mốc trên thực địa sau này. Để tiến hành đàm phán hoạch định biên giới, các quốc gia có chung đường biên giới thường thiết lập một cơ quan liên ngành thường được gọi là “Ủy ban liên hợp Hoạch định biên giới” hoặc “Ủy ban liên hợp về biên giới” để thực hiện công việc đàm phán. Hoạch định biên giới quốc gia là một quá trình pháp lý có ý nghĩa tiên quyết, đặt cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện việc phân giới và cắm mốc quốc giới trên thực địa. Với Lào, ngày 18/7/1977, hai nước ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Lào, và ngày 24/01/1986 ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1977. Với Cam-pu-chia, ngày 27/12/1985, hai nước ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Cam-pu-chia, và ngày 10/10/2005 ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985. Với Trung Quốc, ngày 30/12/1999 hai nước ký Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

 

Giai đoạn phân giới và cắm mốc quốc giới trên thực địa: Nhiệm vụ chính của giai đoạn phân giới cắm mốc trên thực địa là chuyển đường biên giới đã được xác định trong văn bản pháp lý về hoạch định ra thực địa một cách chính xác nhất có thể được và đánh dấu bằng một hệ thống mốc quốc giới. Việc phân giới chủ yếu là công tác kỹ thuật và các quyết định của nó chỉ giới hạn trong phạm vi xác định chuyển tải đường biên giới đã được hoạch định trong văn bản hiệp ước hoạch định và bản đồ đính kèm hiệp ước ra thực địa. Phân giới trên thực địa là một giai đoạn quan trọng nhằm xác định vị trí của đường biên giới trên thực tế địa hình, làm cơ sở xác định phạm vi chủ quyền và thực hiện quy chế quản lý biên giới. Từ năm 1978 đến năm 1987, Việt Nam và Lào đã tiến hành công tác phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới. Công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc chính thức tiến hành từ năm 2001 và hoàn thành trong năm 2008. Năm 1986, Việt Nam và Cam-pu-chia triển khai công tác phân giới cắm mốc biên giới trên thực địa, bị gián đoạn từ năm 1989 - 2005, từ năm 2006 tiếp tục tiến hành và dự kiến đến năm 2012 hoàn thành.

 

Giai đoạn duy trì quản lý đường biên giới và bảo vệ mốc quốc giới: Sau quá trình phân giới và cắm mốc quốc giới, các quốc gia hữu quan thường ký kết thỏa thuận các quy định điều chỉnh các hoạt động liên quan đến việc quản lý và phối hợp bảo vệ an ninh biên giới. Các thỏa thuận về quản lý này chi tiết hóa các quy định về kiểm tra và giải quyết những tranh chấp phát sinh dọc biên giới (như vượt biên trái phép, xâm canh, xâm cư, trao đổi hàng hóa, trao đổi thông tin, phối hợp hoạt động kinh tế, quản lý tài nguyên vùng biên giới…) cũng như thủ tục giải quyết những vấn đề tồn tại. Ngày 20/7/1983, Việt Nam và Cam-pu-chia ký Hiệp định về quy chế biên giới quốc gia Việt Nam - Cam-pu-chia. Với Lào, ngày 01/3/1990, hai bên ký Hiệp định về quy chế biên giới quốc gia Việt Nam - Lào (ngày 31/8/1997 ký Nghị định thư sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Hiệp định quy chế biên giới năm 1990). Với Trung Quốc, ngày 07/11/1991 hai bên ký Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

 

Các giai đoạn xác lập biên giới quốc gia trên đây có thể được tiến hành tuần tự theo từng bước một, nhưng cũng có thể được tiến hành gối lên nhau, đan xen nhau và cũng có khi cách quãng, thậm chí không làm tuỳ theo tình hình thực tế của đường biên giới và quan hệ giữa các nước có chung biên giới. Tuy nhiên, hai giai đoạn “hoạch định biên giới” và “phân giới cắm mốc” là cực kỳ quan trọng không thể thiếu và thường được các quốc gia quan tâm đầu tiên, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào và quan hệ giữa hai quốc gia ra sao.

 

Các nội dung của công tác biên giới từ việc hoạch định đường biên giới, giải quyết các vấn đề biên giới, tới việc thực hiện việc quản lý biên giới đều có ý nghĩa kinh tế. Công tác hoạch định đường biên giới, dù là trên đất liền hay trên biển, sẽ phục vụ trực tiếp những lợi ích an ninh quốc phòng và cả lợi ích kinh tế của đất nước. Quá trình đàm phán giải quyết các vấn đề biên giới và hoạch định đường biên giới cũng chính là quá trình đấu tranh, thương lượng với các nước láng giềng để đảm bảo lợi ích về lãnh thổ, tài nguyên của đất nước. Sơ suất, tính toán không kỹ trong đàm phán sẽ ảnh hưởng trực tiếp ngay tới lợi ích quốc gia. Việc giải quyết các vấn đề biên giới, hoạch định đường biên giới và phân giới cắm mốc tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng mối quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa giữa nước ta với các nước láng giềng. Khi vấn đề biên giới chưa được giải quyết thỏa đáng giữa các bên liên quan thì sự hợp tác nhiều mặt giữa hai nước có chung biên giới gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Hiệp ước biên giới lãnh thổ chính là cơ sở để xác định giới hạn chủ quyền, lãnh thổ của mỗi bên trong việc thực thi quyền và Hiến pháp của mình, là cơ sở để hai bên thực hiện sự tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý để hai bên xây dựng các mối quan hệ hợp tác với nhau. Do đó, có thể nói rằng giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phát triển kinh tế giữa các nước. Tranh chấp biên giới sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới các hoạt động thương mại và đầu tư. Thương mại Cam-pu-chia - Thái Lan giảm 32% trong 7 tháng đầu năm 2009 chỉ đạt 913 triệu USD, so với 1,34 tỷ USD cùng kỳ này năm trước. Xuất khẩu của Cam-pu-chia sang Thái Lan giảm 38,5%, chỉ đạt 32,41 triệu USD. Dự kiến tổng kim ngạch thương mại hai nước năm 2009 giảm 30% so với năm 2008 (cả năm 2008 kim ngạch thương mại hai nước đạt 2 tỷ USD).[5] Nhiều nhà phân tích cho rằng sự sụt giảm thương mại giữa Cam-pu-chia và Thái Lan rõ ràng là do tranh chấp biên giới giữa hai nước tại khu vực đền Preh Vihear.

 

Tiếp đó, việc xây dựng và thực hiện Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới cũng sẽ có tác động trực tiếp tới việc phát triển kinh tế vùng biên, quan hệ kinh tế giữa các địa phương hai bên biên giới và quan hệ kinh tế giữa nước ta với các nước láng giềng. Trong công tác quản lý biên giới, cần có chính sách và cơ chế quản lý tốt để bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ nền kinh tế của đất nước, trước những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa. Thậm chí cả trong một số trường hợp, vì lợi ích an ninh, cần phải quản lý chặt, đóng cửa đường biên giới. Tuy nhiên, trong tình hình mới, cần phải quản lý biên giới như thế nào để không làm cản trở giao lưu kinh tế giữa nước ta với các nước láng giềng. Trong xây dựng và thực thi được một chính sách quản lý biên giới, cần phải quán triệt sâu sắc mối quan hệ biện chứng giữa an ninh và phát triển. Quản lý quá chặt sẽ ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế, nhưng quản lý quá lỏng sẽ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

 

Trong việc quản lý biên giới, thì việc qui hoạch và phát triển một hệ thống cửa khẩu có một tầm quan trọng đặc biệt. Cửa khẩu là cửa ngõ thông thương của nước ta với nước ngoài, có tác động trực tiếp tới việc giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch với các nước láng giềng. Việc mở cửa khẩu cũng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, tận dụng được các lợi thế tiềm năng của từng địa phương ở cả hai bên đường biên. Trên cơ sở phát triển cửa khẩu, cũng hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng tổng hợp với mạng lưới giao thông nối liền giữa ta với các nước láng giềng, tạo điều kiện lôi kéo và thúc đẩy hợp tác liên vùng về kinh tế xã hội giữa các vùng của đất nước, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, làm thay đổi diện mạo của khu vực biên giới nói riêng cũng như cả nước nói chung.

 

Công tác biên giới cũng liên quan mật thiết với việc phát triển kinh tế xã hội khu vực biên giới và các công trình kinh tế - xã hội trên biên giới. Khu vực biên giới là khu vực phòng thủ, nên có tầm quan trọng về an ninh quốc phòng, nhưng đây cũng thường là khu vực có nhiều tiềm năng về tài nguyên và có lợi thế địa lý trong giao lưu kinh tế với nước ngoài. Muốn làm tốt công tác biên giới, cần phải đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng biên giới. Công tác biên giới cũng phải tạo điều kiện khai thác các tiềm năng kinh tế vùng biên giới, xây dựng các công trình kinh tế xã hội. Điều 35 Luật Biên giới quốc gia ghi rõ những nội dung quản lý nhà nước về biên giới quốc gia bao gồm: 1. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách về biên giới quốc gia; 2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về biên giới quốc gia, chính sách, chế độ về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; 3. Đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế về biên giới quốc gia; 4. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên giới quốc gia; 5. Quyết định xây dựng công trình biên giới, công trình kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới…

 

Công tác biên giới trong mối quan hệ giữa an ninh và phát triển

 

An ninh và phát triển vốn có mối quan hệ biện chứng với nhau, có an ninh mới có phát triển và ngược lại. Kinh tế xã hội chỉ phát triển được trong môi trường hòa bình ổn định. Thực tế cho thấy, một đất nước không có an ninh và ổn định, sẽ phải trả giá về nhiều mặt. Chiến tranh, xung đột vũ trang, hay nội chiến sẽ tác động trực tiếp tới sự phát triển của đất nước, lực lượng lao động sẽ bị giảm sút, trường học, nhà máy, đường xá bị phá huỷ, làm giảm tiềm lực kinh tế của đất nước. Tình trạng chiến tranh cũng sẽ kéo theo những vấn đề như tị nạn, bị bao vây cấm vận, bội chi ngân sách cho quân sự. Việc chuyển lực lượng lao động cho quân đội sẽ trực tiếp làm giảm khả năng xuất khẩu, từ đó làm giảm thu ngoại tệ, ảnh hưởng tới khả năng nhập khẩu, tiếp đó làm giảm sản lượng, dẫn đến thiếu công ăn việc làm và thu nhập. Khi tình hình chính trị không ổn định, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không đầu tư hoặc giảm đầu tư.

 

Ngược lại, sức mạnh bảo vệ tổ quốc sẽ được tăng cường trên nền tảng của sự phát triển kinh tế xã hội. Trong bối cảnh thế giới ngày nay, khi cuộc chạy đua kinh tế nổi lên hàng đầu và đã diễn ra quyết liệt, thì sự tụt hậu xa hơn về kinh tế dễ dẫn đến mất ổn định chính trị, xã hội, hạn chế khả năng củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia. Vì thế, điều quyết định sự bền vững của chế độ, đảm bảo cho đất nước phát triển theo định hướng XHCN, làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại là phải phát triển kinh tế xã hội với nhịp độ nhanh và vững chắc. Hiện nay, các nước đều ưu tiên cho phát triển kinh tế, coi phát triển kinh tế có ý nghĩa quyết định đối với việc tăng cường sức mạnh quốc gia, tham gia ngày càng nhiều vào liên kết khu vực, liên kết kinh tế, thương mại và các lĩnh vực khác. Suy cho cùng, sự ổn định và phát triển mọi mặt của đời sống xã hội là nền tảng của quốc phòng an ninh. Nếu không có an ninh thì không thể ổn định để phát triển kinh tế, ngược lại không có phát triển kinh tế vững chắc thì không có cơ sở vật chất để đảm bảo an ninh quốc gia. An ninh và phát triển là hai vấn đề hệ trọng có quan hệ khăng khít với nhau, không tách rời nhau, con đường cơ bản nhất là thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Kinh tế đất nước phát triển thì nhiều vấn đề an ninh sẽ được giải quyết.

 

Tương tự như vậy, biên giới, lãnh thổ có mối quan hệ tương tác, biện chứng với phát triển kinh tế. Làm tốt công tác biên giới là trực tiếp bảo vệ lợi ích kinh tế của đất nước bao gồm đất đai, vùng trời, vùng nước, lòng đất, với tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, môi trường, nguồn nước… Làm tốt công tác biên giới, giải quyết tốt các vấn đề biên giới, quản lý tốt biên giới sẽ tác động thuận lợi tới việc phát triển kinh tế của đất nước, của địa phương khu vực biên giới và quan hệ kinh tế với các nước láng giềng. Trong giai đoạn mở cửa nền kinh tế, Việt Nam chủ trương tăng cường hợp tác, mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới. Thực tế nhu cầu qua lại và giao lưu kinh tế qua biên giới là một quy luật tất yếu và cũng là điều kiện rất cơ bản để xây dựng phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của nhân dân trong khu vực biên giới.

 

Ngược lại, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống cho người dân biên giới lại là một biện pháp hiệu quả nhất để giữ gìn trật tự, an ninh trong khu vực biên giới và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Kinh tế đất nước phát triển, quan hệ kinh tế với các nước láng giềng, nhất là quan hệ kinh tế giữa các địa phương phát triển cũng góp phần ổn định biên giới và thúc đẩy công tác biên giới. Thực hiện chính sách mở cửa, hợp tác hữu nghị, mở rộng quan hệ kinh tế biên giới, liên doanh phát triển kinh tế biên giới sẽ tạo thế từ xa để giữ vững an ninh, ổn định lâu dài biên giới quốc gia. Trong những năm qua, giao lưu kinh tế với các nước qua cửa khẩu ngày càng nhộn nhịp, không những góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của hai bên, mà còn khôi phục, củng cố môi trường hòa bình, tạo điều kiện phát triển các hoạt động đối ngoại của các tổ chức đoàn thể nhân dân... làm tăng thêm tình hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Cũng từ đó tạo môi trường ổn định thúc đẩy công tác bảo vệ trật tự, an ninh biên giới, góp phần tích cực bảo đảm công tác quốc phòng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

 

Chính từ mối quan hệ biện chứng giữa an ninh và phát triển nói trên, mà ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8 năm 1990, Đảng ta đã quán triệt tư tưởng chỉ đạo “kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực vừa phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế vừa phục vụ quốc phòng, an ninh”.[6] Nghị quyết Trung ương 8 khoá 9 khẳng định phải ổn định biên giới để phát triển kinh tế.

 

Biên giới quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa

 Toàn cầu hóa là một hiện tượng không thể tránh khỏi trong lịch sử loài người. Trong suốt vài thập kỷ qua, tốc độ hội nhập toàn cầu đã trở nên ngày càng sâu sắc do có những tiến bộ chưa từng thấy trong công nghệ, truyền thông, khoa học, giao thông vận tải và công nghiệp. Kết quả là, việc trao đổi hàng hóa và các sản phẩm, nguồn vốn, thông tin, kiến thức và văn hóa giữa các nước đã vượt qua mọi hạn chế của không gian và thời gian, đem lại những hiệu quả tích cực đối với sự phát triển của các nền kinh tế và đối với đời sống nhân dân tại nhiều nơi trên thế giới. Quá trình toàn cầu hóa hiện nay đang tác động vào nhiều mặt của đời sống quốc tế, kể cả đường biên giới quốc gia. Toàn cầu hóa là sự mở rộng thị trường ra ngoài biên giới quốc gia, là một xu hướng thị trường ngày càng ít bị ràng buộc bởi địa lý lãnh thổ.
 

Tuy nhiên, các nước phương Tây đã đưa ra những luận thuyết rằng trong thời đại toàn cầu hóa, các quốc gia chỉ còn «chủ quyền tương đối» và đường biên giới giữa các quốc gia không còn quan trọng, không còn có ý nghĩa trong việc ngăn chặn những hoạt động ngoại lai từ các cộng đồng khác, vì các công ty đa quốc gia có thể dễ dàng xuyên thủng các biên giới để đạt được mục đích của họ. Một số học giả phương Tây thậm chí còn đi xa hơn, cho rằng biên giới là vật cản đối với toàn cầu hóa, cũng như mối quan hệ kinh tế giữa các nước; biên giới làm tăng chi phí kinh doanh vì làm tăng khoảng cách vận chuyển, cắt đứt mạng lưới thị trường và làm hạn chế tính cạnh tranh của thị trường. Họ đưa ra dẫn chứng về sự hình thành Liên minh châu Âu, khối Schengen (đi lại không cần visa nội khối). Tại Đại học Havard tháng 11/2001, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã nói: “Các bạn đang sống trong thời đại phụ thuộc lẫn nhau. Biên giới không còn quan trọng, không thể ngăn chặn được nữa, dù điều tốt hay xấu”.[7]

 

Tuy nhiên, đây chỉ là những luận thuyết nhằm bào chữa cho sự can thiệp của phương Tây vào chủ quyền lãnh thổ và xâm phạm lợi ích kinh tế của các nước khác. Thực tế cho thấy chính toàn cầu hóa làm cho biên giới quốc gia càng trở nên quan trọng trong việc ngăn chặn những tác động tiêu cực về nhiều mặt của toàn cầu hóa đối với an ninh, kinh tế, văn hóa của các quốc gia. Chính quá trình toàn cầu hóa hiện nay đòi hỏi các quốc gia phải tiến hành xây dựng một đường biên giới hòa bình hữu nghị, để bảo vệ nhân dân mình khỏi những mối đe doạ từ bên ngoài. Mặt khác, toàn cầu hóa cũng đặt ra yêu cầu phải xây dựng và quản lý đường biên giới như thế nào để vừa bảo vệ được an ninh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia vừa tạo thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế với các nước láng giềng.

 

Hơn nữa, nhân loại đang đứng trước những vấn đề mang tính chất toàn cầu, có ý nghĩa sống còn như bảo vệ môi trường, chống đại dịch lan tràn, chống nghèo nàn lạc hậu... mà không một nước nào có thể độc lập giải quyết được. Tất cả các nước, không phân biệt giàu nghèo, mạnh yếu, lớn nhỏ, chế độ chính trị xã hội... phải hợp tác chặt chẽ với nhau vì lợi ích chung của toàn nhân loại. Cho nên, trong quan niệm về biên giới, về cách xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, cũng phải có sự đổi mới để làm sao biên giới quốc gia vừa là phên dậu, là pháp lý bảo vệ chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc, bảo đảm cuộc sống bình yên, độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc; đồng thời, vừa là nơi hợp tác, giao lưu trên nhiều lĩnh vực của nước ta với tất cả các nước, đặc biệt là các nước láng giềng, mở rộng hội nhập tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Trong bối cảnh như trên, chức năng của đường biên giới cũng đã có những biến đổi. Biên giới quốc gia không chỉ có “chức năng phân chia phạm vi lãnh thổ”, mà còn có “chức năng hợp tác”. Hai chức năng này của biên giới luôn song song tồn tại và không mâu thuẫn nhau.

 

Cùng với ý nghĩa phân chia phạm vi lãnh thổ, đường biên giới cũng đồng thời có chức năng phân cách phạm vi thực thi chủ quyền giữa các quốc gia. Có thể nói, biên giới được coi là “phên dậu”, là “hàng rào” ngoại vi phân định chủ quyền giữa các quốc gia liên quan. Phên dậu, hàng rào vững chắc thì chủ quyền lãnh thổ, an ninh đất nước cũng ổn định và bền vững. Biên giới còn là xuất phát điểm của các cuộc đột kích, xâm nhập của các lực lượng thù địch bên ngoài, là bàn đạp để chúng lợi dụng phá hoại an ninh quốc gia và gây mất ổn định trong nước.

 

Biên giới là bộ mặt của mỗi quốc gia, là cửa ngõ để mở rộng giao lưu kinh tế với các nước láng giềng. Biên giới là nơi diễn ra sự giao thoa đa dạng về văn hóa giữa các dân tộc láng giềng, là nơi biểu hiện các quan hệ hợp tác phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng đại diện của các quốc gia liên quan, thực hiện các điều ước quốc tế giữa các quốc gia với nhau.

 

Biên giới nước ta với chiều dài trên đất liền là 4.510 km và trên biển là 3.260 km. Vùng biển nước ta rộng trên 1 triệu km2. Biên giới không chỉ là ranh giới pháp lý quốc tế, là “phên dậu” xác định không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam, mà còn là không gian hợp tác, mở rộng giao lưu giữa nước ta với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước láng giềng về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh...[8]

 

Đảng ta đã khẳng định, trong khi tập trung phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta không được lơ là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, củng cố quốc phòng, an ninh, trong đó có việc thực hiện tốt xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo quốc gia. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, như Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, các nghị định của Chính phủ... Tất cả đã được cụ thể hóa bằng các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới, biển đảo và với nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Đồng thời, từ nhiều năm nay, Việt Nam đã thực hiện chính sách mở cửa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế với phương châm: Việt Nam là bạn với tất cả các nước. Đặc biệt, từ khi Việt Nam gia nhập WTO đến nay, tốc độ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng tạo ra nhiều điều kiện để đất nước phát triển nhanh. Đồng hành với tiến trình này, chúng ta đã xóa bỏ nhiều rào cản ở biên giới để sự giao lưu, buôn bán hàng hóa giữa nước ta và các nước thuận tiện hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân các quốc gia qua lại biên giới nhiều hơn, khách du lịch đến khu vực biên giới nhiều hơn; cộng đồng dân cư ở khu vực biên giới được mở rộng giao lưu, có thêm điều kiện thuận lợi nâng cao dân trí...[9]

 

Thực tế cho thấy, cùng với quá trình giải quyết biên giới với các nước láng giềng, hoạt động kinh tế qua biên giới cũng diễn ra rất sôi động. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền tăng mạnh qua các năm. Năm 2007 đã đạt 6,5 tỷ USD, tăng 80,1% so với năm 2006, cả năm 2008 đạt 8 tỷ USD, tăng khoảng 23,4% so với năm 2007 (xem bảng). Các cửa khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, An Giang, Tây Ninh.[10]

 

Bảng 1: Kim ngạch xuất nhập khẩu biên mậu của Việt Nam
năm 2006 - 2008

 Đơn vị: triệu USD
 


Năm

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Nước

KN

%

KN

%

KN

%

Trung Quốc

2.690,55

-

 

5.467,9

103,2

6.538,93

19,6

Lào

259,4

-

312,3

20,4

465

48,9

Cam-pu-chia

688,46

-

772,06

12,1

1.082,25

40,2

Tổng KN

3.638,41

-

6.552,26

80,1

8.086,18

23,4

(Nguồn: Báo cáo của các Sở Công Thương)

 

Tóm lại, công tác biên giới ngày nay gắn chặt với công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Người làm công tác biên giới cũng như những người làm các công việc liên quan tới biên giới phải xử lý tốt mối quan hệ giữa công tác biên giới và phát triển kinh tế, kết hợp nhuần nhuyễn hài hòa giữa hai nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giải quyết các vấn đề biên giới với các nước láng giềng với việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phải khắc phục cả hai loại quan điểm cực đoan: quan điểm dân tộc hẹp hòi, đóng cửa đường biên giới, kìm hãm sự phát triển giao lưu kinh tế giữa các nước láng giềng và quan điểm mở đường biên giới một cách tối đa, vì lợi nhuận, không quan tâm tới những hậu quả về an ninh quốc gia.

 

Tôn Sinh Thành, Vụ trưởng, Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao. 

 


[1]  Francois Dobelle, Héi th¶o LuËt quèc tÕ vÒ biªn giíi vµ l·nh thæ quèc gia, tr. 18, Nhµ Ph¸p luËt ViÖt - Ph¸p, 1997.

[2] Chandran Kukathas, “The Theory and Practice of Open Borders”, bài trình bày tại hội thảo “Citizenship, Borders and Human Needs”, Đại học Pennsylvania, ngày 9/5/2008, c.kukathas@lse.ac.uk

[3] Sđd, Chandran Kukathas, 2008

[4] Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Quan hệ tương tác giữa công tác biên giới và phát triển kinh tế: Kinh nghiệm tuyến biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Cam-pu-chia”, Ủy ban Biên giới quốc gia, ngày 14 / 8 / 2009.

[5] Phom Pênh Post, ngày 10/9/2009.

[6] Báo cáo BCH Trung ương khoá VII về các văn kiện trình đại hội VIII. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8. Nxb. Chính trị quốc gia Hà nội, 1996, trang 3.

[7] Kỷ yếu hội thảo “Phân giới cắm mốc và quản lý biên giới”, 13-16/9/2009, Trung tâm nghiên cứu quốc tế về biên giới, Đại học Durham, Vương Quốc Anh.

[8] Tổng thuật Hội thảo khoa học, chủ đề: "Đổi mới công tác xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế", Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức, ngày 25/12/2008.

[9] Tổng thuật Hội thảo khoa học, chủ đề: "Đổi mới công tác xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế", Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 25/12/2008.

[10] Theo số liệu báo cáo của các Sở Công Thương.