Đây là một chuyện vừa cũ lại vừa mới. “Mới” ở chỗ đến Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng, “Chiến lược biển, đảo Việt Nam đến năm 2020 mới được chính thức đề ra. Còn “cũ” là ở chỗ tự ngàn xưa, tổ tiên ta đã sớm xem biển Đông như một nửa cơ ngơi của dân tộc.

Dưới đây xin nêu một vài dẫn chứng.

Như sử sách đã chép, bố Lạc Long và mẹ Âu Cơ sau khi sinh hạ được 100 người con, đã cho một nửa theo cha về miền biển và một nửa theo mẹ về miền đồng bằng cũng như trung du để làm ăn sinh sống. Long Quân nói : “Nay phải chia ly, ta sẽ mang năm mươi con trai về Thuỷ phủ, chia trị các nơi ; còn năm mươi đứa sẽ theo mẹ ở trên đất, chia nước ra mà cai trị. Những lúc lên non xuống nước, có xảy ra việc gì, phải cùng chia sẻ, đừng bỏ nhau” (Lĩnh Nam chích quái, Hồng Bàng Thị truyện).

Riêng số người Việt sống về nghề biển hồi này, cũng theo sử chép, đã phải buộc tóc (hoặc cắt tóc ngắn), xăm hoa văn trên người, để phòng các loài vật sống ở biển gây hại : “Thời bấy giờ, dân ở miền núi (có thể hiểu là sống trên đất liền) xuống đánh cá ở dưới nước thường bị loài giao xà gây thương tổn, bèn tỏ bày việc ấy với vua (đây chỉ vua Hùng). Vua nói : “Giống sơn man khác với giống thuỷ tộc ; giống thuỷ tộc vốn ưa những cái giống mình và ghét những cái khác mình, cho nên chúng ta bị chúng gây hại”. Bèn ra lệnh cho ai nấy lấy mực xăm vào người thành hình thuỷ quái, từ đó không còn lo xà long cắn bị thương nữa. Tục vẽ mình (văn thân) của dân Bách Việt bắt đầu từ đấy” (Hồng Bàng Thị truyện). Nhiều sách cổ của Trung Quốc như Cốc Lương truyện (Ai Công thập tam niên) hay Lễ ký (soạn vào thời Tây Hán) cũng có chép việc này. Chẳng hạn Lễ ký (Vương chế) viết : “Đông phương viết Di, bị phát văn thân = người ở phía Đông gọi là Di, có tục buộc tóc, vẽ mình”. Khổng Dĩnh Đạt (đời Đường) chú thích : “Người Việt cắt tóc, vẽ mình để cho loài giao long ở biển khỏi làm hại”.

Ngoài việc cung cấp các nguồn lợi về thuỷ sản, biển Đông còn là đường giao thông tiện ích, tạo điều kiện cho người Việt cổ vươn ra buôn bán và giao lưu văn hoá với nước ngoài. Theo truyện Chằm Dạ Trạch thì vào thời Hùng Vương, Công chúa Tiên Dung sau khi lấy Chử Đồng Tử, đã bảo chàng theo thương nhân ra nước ngoài buôn bán để mở rộng việc làm ăn. Đồng Tử từ đó thường lênh đênh trên biển Đông. Một hôm các thương nhân ghé thuyền vào núi Quỳnh Vi để lấy nước, Đồng Tử cũng theo lên núi dạo chơi. Trên núi có am cỏ. Một vị sư ở am tên là Phật Quang đã truyền phép Phật cho Đồng Tử” (Lĩnh Nam chích quái. Nhất Dạ Trạch truyện).

Còn với các đảo khác ở biển Đông thì sao? Về vấn đề này, Truyện dưa hấu đã cung cấp cho ta một thông tin quan trọng : “Xưa, vào đời Hùng Vương có viên quan Mai An Tiêm vốn là người ngoại quốc, bảy tám tuổi đã theo thuyền buôn đến nước ta, được vua mua về làm nô bộc. Tới khi trưởng thành, diện mạo chững chạc, hiểu biết rộng rãi, được vua ban cho họ là Mai, tên là Yển, hiệu là An Tiêm ; lại ban cho một người thiếp, sinh được một trai, một gái. Vua rất tin yêu, giao cho công việc, An Tiêm dần dần trở nên giàu sang, ai nấy đều nể trọng. Quà cáp vào nhà không thứ gì là không có. An Tiêm từ đó sinh kiêu căng, ngạo mạn, thường nói rằng sở dĩ được như ngày nay là do số kiếp, chứ chẳng phải ơn huệ gì ở vua Hùng”. Thấy An Tiêm kiêu mạn, vua bèn đuổi Mai Yển ra bãi cát ngoài cửa biển Thán Sơn, nơi bốn bề không người qua lại để thử thách. Nhờ dựa vào lao động, hai vợ chồng An Tiêm đã phát triển được nghề trồng dưa hấu trên đảo để sống. Tinh thần tự lập của Mai Yển đã khiến vua Hùng cảm động, nhà vua bèn triệu An Tiêm về và giao cho công việc như cũ, đặt tên bãi cát (sa châu) mà An Tiêm đã khai phá là “bãi  An Tiêm”.

Những câu chuyện trên đây dù ít nhiều còn mang tính huyền thoại, vẫn ẩn náu một sự thật : tổ tiên ta từ xa xưa đã nuôi chí khai thác biển Đông. Nhiệm vụ của chúng ta ngày nay là phát huy truyền thống đó để thực hiện tốt “Chiến lược biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” !

II.    Việt Nam với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Trước khi đi vào vấn đề này, tôi muốn trở lại một chút về cuộc Hội thảo khoa học quốc gia về “Lịch sử bản đồ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 500 năm tập bản đồ Hồng Đức” do Hội Trắc địa – Bản đồ – Viễn thám Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào năm 1990 mà tôi có tham gia.

Phát biểu nhiều nhất trong Hội thảo là hai vấn đề sau đây :

1.  Các bản đồ cổ Việt Nam dưới thời Trung đại.

2.  Bản đồ Hồng Đức, cùng các dị bản và tục bản của nó.

Về vấn đề thứ nhất, có khoảng 7 bản báo cáo, chủ yếu xoay quanh các nội dung như thống kê, phân loại và tìm hiểu đặc điểm chung của các bản đồ Việt Nam thời Trung đại. Tham luận của tôi trong Hội thảo lần đó là Bản đồ cổ Việt Nam (hiện đã đưa lên Website của Viện Nghiên cứu Hán Nôm www.HANOM.ORG.VN), tập trung giới thiệu 49 tập bản đồ (atlas) mà tôi được biết tới, trong đó có 41 tập hiện có tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, và 8 tập hiện tàng trữ tại một số Thư viện lớn ở Paris, Pháp (xem Kỷ yếu Hôi thảo khoa học quốc gia về Lịch sử bản đồ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 500 năm tập bản đồ Hồng Đức, Hà Nội 1990, tr. 148 – 159).

Về nội dung thứ hai – Bản đồ Hồng Đức, có 6 bản báo cáo tất cả. Đáng chú ý là trong những tham luận này, có một số trực tiếp đề cập đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, như tham luận của Vũ Phi Hoàng với tiêu đề Về một bộ bản đồ Việt Nam cổ thế kỷ XV ; tham luận của Phạm Hân với tiêu đề Bản đồ cổ Việt Nam và cương giới lãnh thổ nước ta từ thế kỷ XV đến XIX v.v. Cả 2 bản tham luận vừa nêu đều nhắc tới công trình nghiên cứu công phu của G.M. Dumoutier, một phái viên của Bộ giáo dục Pháp làm việc tại Hà Nội vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Công trình của Dumoutier được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Paris, mang ký hiệu 922, năm 1897. Trong tập nghiên cứu về “Hồng Đức bản đồ” của một tập thể tác giả do Bộ Quốc gia giáo dục Sài Gòn xuất bản năm 1962, phần Lời giới thiệu cũng có đề cập đến công trình nghiên cứu của Dumoutier, nhưng vì “chưa tiếp xúc được” với phần tư liệu bản đồ in kèm theo công trình của nhà nghiên cứu người Pháp, nên các tác giả phỏng đoán phần tư liệu bản đồ này đại khái cũng giống như các bản đồ ở Q. 1 của bộ Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư ...

Sở dĩ các nhà nghiên cứu của ta đặc biệt chú ý đến công trình của Dumoutier , là vì ở công trình này, Dumoutier  có nói đến một số ghi chép trên tập bản đồ mà ông có dịp tiếp cận chứng tỏ Hoàng Sa, Trường Sa từ đời Lê đã được người Việt Nam khai thác. Một câu hỏi tự nó đặt ra : Vậy thì tập bản đồ mà Dumoutier dùng để nghiên cứu, rốt cục là bản đồ nào ? Năm 1996, nhân đi công tác tại Pháp, tôi có dành ra một ít thì giờ để tìm hiểu về vấn đề này. ở Thư viện Quốc gia Paris, tôi thấy có cuốn Bản đồ các hải cảng (Portulan)do người nước ngoài vẽ, nhưng thật đáng tiếc, về công trình nghiên cứu của Dumoutier lưu trữ tại đây thì chưa tìm được. ở Thư viện Học viện Viễn đông Pháp, tôi thấy có cuốn Tiền Lê Nam Việt bản đồ mô bản. Cuốn này ở Việt Nam chưa có, tôi bèn sao chụp lại và mang về. ở Thư viện Hiệp hội Châu á có các cuốn như Bắc sứ đồ tập, Giao Châu chí, Sứ trình đồ hoạ, Toản tập Thiên Nam lộ đồ thư (4 cuốn này đều do gia đình H. Maspéro hiến tặng), Đại Nam cương giới vựng biên, Thuỷ lục trình đồ. Trong số sách vừa nêu, cuốn Toản tập Thiên Nam lộ đồ thư ở Việt Namcũng chưa có, nhưng một lần nữa thật đáng tiếc là tôi cũng chưa sao chụp được.

Hai cuốn sách mà ở Việt Nam chưa có vừa nói, mang một số đặc điểm đáng chú ý như sau :

1.  Toản tập Thiên Nam lộ đồ thư : sách được chép lại vào năm Cảnh Hưng 2 (1741), 1 bản viết tay, 107 trang, khổ 30,4 x 16,2 cm. Ký hiệu SA. HM. 2241. Nội dung gồm bản đồ Tuyên Quang, Hưng Hoá Sơn Tây, Sơn Nam, Thanh Hoa, Nghệ An, Thuận Hoá, Quảng Nam ... Có ghi hành trình bằng đường sông, đường biển và đường bộ từ Kinh thành Thăng Long đến các địa phương trong cả nước. Có thơ vịnh cảnh của các vua. Sách cũ nát, một số trang đã được bồi vá lại.

2.  Tiền Lê Nam Việt bản đồ mô bản : gồm 58 trang, khổ 32 x19 cm, vẽ bằng bút màu, ký hiệu EFEO. VIET/A/Géo 4. Đây là tập bản đồ nước ta thời Lê, gồm bản đồ Thăng Long, bản đồ 13 thừa tuyên và 2 bản đồ toàn quốc, do Phạm Đình Hổ theo lệnh vua vẽ xong vào ngày 1 tháng 8 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), trước khi ông mất 1 năm (Chữ “mô bản” trong tiêu đề sách có nghĩa là dựa vào bản gốc mà đồ ra thành bản thứ 2, cũng như bây giờ ta nói vẽ căn ke vậy).

Đáng chú ý là 2 bản đồ toàn quốc trong tập atlas này, một bản vẽ theo lối cũ, địa lý nước ta ở đây chỉ vào tới Quảng Nam (đến Thạch Bi), và tiếp theo đó là Chiêm Thành. Còn bản thứ hai thì vẽ theo lối mới : nước ta được vẽ theo hình chữ S, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, có kèm theo các nước Lào, Căm pu chia nữa. Nói ngắn gọn, bản đồ thứ nhất là vẽ địa hình nước ta vào thời Lê theo lối vẽ truyền thống, còn bản đồ thứ hai là vẽ địa hình nước ta vào thời Minh Mạng theo lối vẽ đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của Khoa địa lý học phương Tây. Trên vùng biển của tấm bản đồ thứ hai này có vẽ một số quần đảo mà tôi chưa kịp nghiên cứu, việc này xin để tìm hiểu sau.

Xin nói thêm rằng Phạm Đình Hổ có soạn cuốn Càn khôn nhất lãm dày 244 trang, trong đó có địa lý Việt Nam và địa lý một số nước lân cận. Về phần địa lý Việt Nam, có cả bản đồ Thăng Long và bản đồ 13 thừa tuyên thời Hồng Đức, cùng đường giao thông thuỷ, bộ v.v. mà chúng ta cần nghiên cứu. Sách này Viện Hán Nôm đang có.

Về vấn đề chủ quyền Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thời cổ gọi là “Bãi cát vàng Đại Hoàng Sa - Đại Trường Sa”), ngoài những ghi chú trên các tập bản đồ triều Lê như Hồng Đức bản đồ, Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ v.v.  mà nhiều tham luận trong Hội thảo quốc gia về “Lịch sử bản đồ Việt Nam” cách đây 20 năm đã nhắc tới, ta còn thấy có những ghi chép tương ứng trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn hay Đại Nam thực lục của các sử gia triều Nguyễn.

Phủ biên tạp lục cung cấp một số thông tin về hoạt động của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải liên quan đến ngư dân Quảng Ngãi dưới thời các chúa Nguyễn. Hồi bấy giờ, theo ghi chép của Lê Quý Đôn, Hoàng Sa lệ thuộc vào sự cai quản của phủ Quảng Nghĩa. Hàng năm chúa Nguyễn lập đội Hoàng Sa gồm 70 người, là các dân binh lấy từ ngư dân hai xã An Hải và An Vĩnh thuộc huyện Bình Sơn (nay An Hải thuộc huyện Bình Sơn, An Vĩnh thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), sau đó là người phường An Hải và phường An Vĩnh thuộc đảo Lý Sơn (cù lao Ré) đi thuyền đến Hoàng Sa để tuần phòng và khai thác đồi mồi, ba ba, hải sâm, san hô, đôi khi họ còn nhặt được cả báu vật nữa. “Từ tháng giêng, họ đi nhận quyết định cử làm sai dịch và bắt đầu xuất phát. Mỗi người được cấp 6 tháng lương. Họ chèo năm chiếc thuyền câu nhỏ, sau đó ba ngày ba đêm thì đến đảo. Họ tha hồ lượm nhặt các thứ đồ vật và bắt chim bắt cá để làm thức ăn. Họ được các đồ vật như gươm và ngựa đúc bằng đồng, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì đen, súng ống, ngà voi, sáp ong vàng, đồ len dạ, đồ sứ ... Họ còn nhặt được vỏ đồi mồi, hải sâm và vô số vỏ ốc vằn. Đến tháng tám thì đội Hoàng Sa ấy mới về. Họ đến thành Phú Xuân trình nộp các thứ đã lấy được. Người ta cân, kiểm tra, phân loại và biên nhận các đồ vật, riêng khoản ốc vằn, ba ba, hải sâm thì cho phép đội được tự ý đem bán lấy tiền” (Phủ biên tạp lục, Q.2).

Đến đời Minh Mạng, các chỉ thị của triều đình về việc đo vẽ các đảo Hoàng Sa lại càng thêm cụ thể. Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, Q.165 chép : “Năm Minh Mạng 17 (1836), Bộ Công tâu : “Hoàng Sa thuộc cương vực mặt biển nước ta, rất hiểm yếu, từng sai vẽ bản đồ nhưng vì hình thế xa rộng nên mới chỉ vẽ được một nơi. Lại cũng chưa biết rõ nên làm thế nào. Hàng năm thường phái người đi xem xét cho khắp để thông thuộc đường biển. Xem từ năm nay về sau, mỗi khi đến hạn tuần tháng giêng, chọn phái thuỷ quân biền binh và giám thành đáp một chiếc thuyền ô nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, giao cho hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân hướng dẫn ra xứ Hoàng Sa. Không cứ là đảo nào, bãi cát nào, phàm khi thuyền đến một nơi tức thì chiếu chỗ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn chung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở hay bình dị thế nào phải xem xét đo đạc rõ ràng, vẽ thành bản đồ. Lại chiếu ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến nơi ấy, căn cứ vào thuỷ trình đã qua, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ biển, đối thẳng là vào tỉnh hạt nào, phương hướng nào, ước lượng cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm đều nhất nhất phải nói rõ, lần lượt đem về dâng trình”. Vua chuẩn y lời tâu và năm đó cử suất đội thuỷ quân Phạm Hữu Nhật đưa quân ra Hoàng Sa”.

Có thể thấy Hoàng Sa, Trường Sa từ lâu đã trở thành một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam và các triều đại phong kiến nước ta từ Lê đến Nguyễn đã liên tục tổ chức việc khai thác các nguồn lợi ở vùng biển đảo này, đó là điều không còn nghi ngờ gì nữa.

                    Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2009.
           GS.Trần Nghĩa, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm.