_______________

 

Trong những tháng đầu năm 2009, biển Đông đã có những dấu hiệu “dậy sóng” với hàng loạt những động thái mới của các bên tranh chấp. Một trong những động thái đó là việc Tổng thống Phi-líp-pin thông qua Luật đường cơ sở mới của nước này vào tháng 3/2009. Để thông qua Luật này, nội bộ Phi-líp-pin đã phải trải qua quá trình đấu tranh và tranh cãi nội bộ gay gắt và phức tạp. Bài viết này tập trung phân tích những tác động của chính trị nội bộ đến việc hoạch định chính sách của Phi-líp-pin trong tranh chấp Trường Sa - là nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Hai trường hợp nghiên cứu tình huống là Thỏa thuận thăm dò địa chấn chung giữa Việt Nam - Trung Quốc - Phi-líp-pin năm 2004/2005 và Luật đường cơ sở của Phi-líp-pin năm 2009.

 

Nội bộ Phi-líp-pin liên quan đến tranh chấp Trường Sa

Yêu sách của Phi-líp-pin đối với quần đảo Trường Sa đưa ra khá muộn và yếu về pháp lý. Lập luận của Phi-líp-pin về chủ quyền đối với Trường Sa chủ yếu dựa trên hai lý do: (i) Chính phủ Phi-líp-pin coi Trường Sa là những đảo thuộc chế độ giám hộ của các quốc gia đồng minh nên công dân Phi-líp-pin có quyền khai thác, lập nghiệp; (ii) Các đảo này kề cận với Phi-líp-pin, có nhiều liên quan đến an ninh, quốc phòng của Phi-líp-pin.[1] Tuy nhiên, những lập luận này thiếu cơ sở pháp lý vững chắc do phạm vi lãnh thổ của Phi-líp-pin theo Hiệp định Mỹ - Tây Ban Nha năm 1898 và 1900 không quy thuộc quần đảo Trường Sa nằm trong giới hạn chủ quyền của nước này. Sau thế chiến thứ Hai, Phi-líp-pin kêu gọi Nhật Bản trả lại lãnh thổ nhưng cũng không đề cập tới Trường Sa…[2] Đồng thời, trong Hiến pháp và các văn bản khác của Phi-líp-pin trong những năm 1930 và những năm 1970 cũng không đề cập tới chủ quyền của Phi-líp-pin đối với Trường Sa.

Môi trường an ninh, chính trị, xã hội nước này luôn ở trong tình trạng bất ổn định, chia rẽ nội bộ và mâu thuẫn gay gắt khi các phe phái luôn tìm cách tranh giành quyền lực, đấu đá và chỉ trích lẫn nhau. Vì vậy, đối với nhiều vấn đề, do bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, cục bộ mà nội bộ Phi-líp-pin có những quan điểm và chính sách khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.

Đối với tranh chấp Trường Sa, nội bộ Phi-líp-pin cũng có nhiều quan điểm khác nhau trong việc tiếp cận và xử lý vấn đề. Bộ Ngoại giao Phi-líp-pin nghiêng về coi trọng quan hệ với các nước ASEAN, mọi sáng kiến liên quan đến vấn đề biển Đông đều muốn trao đổi với ASEAN trước khi thảo luận với Trung Quốc. Trong lúc đó, Tổng thống Arroyo, cùng với cựu Chủ tịch Hạ viện De Venecia, rất muốn thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc để cải thiện tình hình kinh tế yếu kém trong nước và cân bằng quan hệ của Phi-líp-pin với Trung Quốc và với Mỹ

Ngoài ra, luật pháp của Phi-líp-pin cũng tạo khả năng cho nhiều phe phái trong nội bộ nước này tham gia vào vấn đề Trường sa. Về thăm dò và khai thác dầu khí, luật của Phi-líp-pin không cho phép các công ty nước ngoài thăm dò và khai thác dầu khí ở Phi-líp-pin với mức góp vốn quá 1/3. Bên cạnh đó, Hiến pháp Phi-líp-pin quy định ít nhất 60% lợi nhuận trong các hoạt động thăm dò, tìm kiếm, khai thác các nguồn tài nguyên của Phi-líp-pin phải thuộc về Phi-líp-pin. Đồng thời, tất cả các thoả thuận liên quan đến các tập đoàn nước ngoài phải được báo cáo Quốc hội trong vòng 30 ngày. [3]

Về cơ quan phụ trách, trong năm 2007 Tổng thống Arroyo thành lập Ủy ban các vấn đề biển và đại dương (CMOA) trực thuộc Phủ Tổng thống để tăng cường và thống nhất chỉ đạo công tác biển đảo. Cơ quan này thay thế Trung tâm Biển và Đại dương (MOAC) do Tổng thống Arroyo thành lập năm 2001 vì MOAC hoạt động không hiệu quả. Ủy ban các vấn đề biển và đại dương do Bộ trưởng Nội các làm Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch là Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ Ngoại giao làm Ban thư ký cho CMOA. Thành phần của Ủy ban gồm có đại diện của Bộ Quốc phòng, Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Du lịch, Công thương, Năng lượng, Cục bản đồ và thông tin quốc gia… CMOA định hướng việc hoạch định các chính sách, thực hiện và phối hợp với các Bộ ngành, bao gồm các chuyên gia trong nước và ngoài nước về các vấn đề liên quan đến biển đảo.

Cuối cùng, vốn là đồng minh truyền thống của Mỹ, nhưng trong những năm gần đây, Phi-líp-pin đang trở thành địa bàn tranh giành ảnh hưởng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc đang ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Phi-líp-pin với những dự án đầu tư và viện trợ của mình. Sự cạnh tranh đó đã tác động đáng kể đến việc hoạch định chính sách của Phi-líp-pin và khiến cho mâu thuẫn và chia rẽ nội bộ của nước này càng thêm phức tạp và khó lường.

Thỏa thuận thăm dò địa chấn chung giữa Trung Quốc - Phi-líp-pin - Việt Nam tại Trường Sa (JMSU)

Ngày 1/9/2004, hai công ty dầu khí quốc gia là CNOOC của Trung Quốc và PNOC của Phi-líp-pin đã ký Thỏa thuận thăm dò địa chấn chung tại quần đảo Trường Sa. Với sự đấu tranh của Việt Nam, tháng 3/2005, ba nước Trung Quốc - Phi-lip-pin - Việt Nam đã ký Thỏa Thuận thăm dò địa chấn chung tại khu vực Trường Sa.[4] Khu vực thăm dò rộng 142.886 km2, ngoài khơi quần đảo Palawan của Phi-líp-pin. Trung Quốc phụ trách thu thập dữ liệu, sau đó giao cho Việt Nam xử lý và Phi-líp-pin đảm nhiệm phần lý giải. Công tác khảo sát được chia làm hai giai đoạn (từ tháng 7/2005 - tháng 1/2007 và từ tháng 1/2007 - tháng 6/2008). Sau đó, các bên sẽ chuyển sang giai đoạn hợp tác cùng khai thác. Kết quả ban đầu cho thấy triển vọng dầu khí đang nằm ở vùng biển gần về phía Phi-líp-pin. Do JMSU hết hạn ngày 1/7/2008, nên ba bên nhất trí sẽ trình chính phủ các nước gia hạn Thỏa thuận thêm 01 năm (đến tháng 6/2009) để hoàn thành giai đoạn khảo sát.[5]

 

Tuy nhiên, từ đầu năm 2008, phe đối lập tại Phi-líp-pin đã dấy lên làn sóng chỉ trích và yêu cầu điều tra tính hợp Hiến của Thỏa thuận JMSU. Tháng 2/2008, Thượng nghị sĩ Trillanes đưa dự thảo Nghị quyết 309 yêu cầu điều tra JMSU vì cho rằng chính phủ đã phần nào công nhận “đòi hỏi lịch sử” chiếm hầu hết biển Đông của Trung Quốc và làm vừa lòng Trung Quốc bằng việc hy sinh đoàn kết chính trị trong ASEAN. Tiếp đó, ông Trillanes cho rằng Tổng thống Arroyo có thể đã phạm tội phản quốc nếu ký JMSU để đổi lấy các khoản vay với những khoản đút lót và hối lộ thông qua các dự án ODA và các dự án đầu tư hàng trăm triệu USD của Trung Quốc (điển hình là dự án Băng thông rộng 329 triệu USD.)[6] Ông này còn cho biết thêm, ngày 2/4/2006, tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC International Limited đã ký một thoả thuận thăm dò với Philippine National Oil Exploration Corp, qua đó CNOOC International Limited được hưởng 51% lợi nhuận trên khu vực 7.200 km2 quanh nhóm đảo Calamian Islands của Palawan. Thoả thuận này rõ ràng vi phạm Hiến pháp Phi-líp-pin vì Hiến pháp quy định mọi hoạt động thăm dò, tìm kiếm, khai thác các nguồn tài nguyên của Phi-líp-pin thì ít nhất là 60% lợi nhuận thu được thuộc về người Phi-líp-pin. Ngoài ra, tất cả các thoả thuận liên quan đến các tập đoàn nước ngoài phải được báo cáo Quốc hội trong vòng 30 ngày. Ngày 27/2/2008, Thượng viện Phi-líp-pin đã phải giao ba Ủy ban điều trần công khai về vụ việc này.

 

Tại Hạ viện, Hạ nghị sĩ Abraham cũng tiến hành điều tra 31 Thỏa thuận ký giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc (từ tháng 1/2007) nhằm xác định liệu các thỏa thuận này có liên quan đến JMSU cho phép Trung Quốc thăm dò khai thác vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin hay không. Vì Hiến pháp Phi-líp-pin quy định vấn đề thăm dò, khai thác và phát triển các nguồn lợi thiên nhiên của Phi-líp-pin phải do công dân Phi-líp-pin thực hiện chứ không có bất kỳ sự tham gia của bên đối tác nước ngoài nào (mục 2 điều XII). Ba Ủy ban của Hạ viện Phi-líp-pin là Ủy ban Đối ngoại, Quốc phòng và Năng lượng đã phải vào cuộc điều tra. Chủ tịch Hạ viện Prospero Nograles thì cho rằng sẽ mạo hiểm nếu điều tra JMSU mà không có sự đồng ý từ Trung Quốc và Việt Nam.

Các chỉ trích khác cho rằng việc chính phủ tham gia JMSU là vi phạm Hiến pháp vì đã cho phép nước ngoài khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin tại khu vực Trường Sa, qua đó làm suy yếu lập trường của Phi-líp-pin trong tranh chấp Trường Sa. Tuy nhiên, phe chỉ trích còn chỉ ra rằng Thỏa thuận này cho phép Trung Quốc và Việt Nam thăm dò cả những khu vực thuộc chủ quyền của Phi-líp-pin mà hai nước trên không tuyên bố chủ quyền (24.000 km2 là lãnh thổ của Phi-líp-pin và không có tranh chấp). Bài viết của tác giả Barry Wain, thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á, đăng trên tạp chí Kinh tế Viễn đông số tháng 1-2/2008 với nhan đề "Việc làm cẩu thả của Manila tại biển Đông", cho rằng điều nguy hiểm là Manila đã có một thoả hiệp đáng kể với Bắc Kinh, vì khoảng 1/6 khu vực dành cho khảo sát địa chấn trong dự án là nằm trong vùng nước của Phi-líp-pin, bên ngoài khu vực đòi hỏi chủ quyền của cả Trung Quốc và Việt Nam.[7]

Những chỉ trích và yêu cầu điều tra của phe đối lập đã dẫn tới việc một số nhân vật có quan hệ gần gũi với chính phủ của bà Arroyo phải từ chức. Chủ tịch Hạ viện De Venecia, một nhân vật thân cận và có nhiều công lao giúp Tổng thống Arroyo tại vị như hiện nay, đã bị hất khỏi ghế Chủ tịch Hạ viện vào tháng 2/2008. Ông Manuel Villar đã từ chức Chủ tịch Thượng viện tháng 11/2008. Ngày 22/9/2007, Tổng Thống Arroyo đã phải quyết định ngưng dự án Băng thông rộng (NBN) trị giá 329 triệu USD với Trung Quốc.

Phản ứng trước những chỉ trích và cáo buộc trên, Bộ Ngoại giao Phi-líp-pin ra tuyên bố ngắn gọn cho rằng việc Phi-líp-pin, Trung Quốc và Việt Nam ký JMSU là phù hợp với các điều khoản của DOC; JMSU là sự cam kết chính trị của ba nước nhằm tiến tới giải quyết tranh chấp ở biển Đông một cách hòa bình và xây dựng; JMSU là một biện pháp xây dựng lòng tin; JMSU nhằm đánh giá tài nguyên biển ở khu vực tranh chấp và chỉ giới hạn trong việc điều tra có tính khoa học.[8] Cựu Bộ trưởng Năng lượng Vincent Perez và Cựu Tổng Giám đốc Công ty dầu khí Quốc gia Phi-líp-pin (PNOC) Manalac, người ký JMSU, đều khẳng định JMSU không liên quan đến chính trị mà chỉ là hoạt động khoa học, không ảnh hưởng đến việc đòi hỏi chủ quyền của Phi-líp-pin.[9] Cựu Chủ tịch Hạ viện De Venecia cho biết JMSU không liên quan đến các khoản vay của Trung Quốc và không từ bỏ bất cứ đòi hỏi chủ quyền của Phi-líp-pin.[10]

Mặc dù vậy, ngày 10/7/2008, Bộ trưởng Năng lượng Angelo Reyes đã phải tuyên bố “Thỏa thuận hết hạn hôm 1/7/2008 và không được gia hạn thêm”. Quá trình hợp tác JMSU tạm thời rơi vào bế tắc. Có thông tin cho biết chính phủ Phi-líp-pin đang xem xét khả năng thúc đẩy JMSU theo hướng một “hợp đồng thương mại giữa Phi-líp-pin, Trung Quốc và Việt Nam”.[11]

Luật Đường cơ sở mới của Phi-líp-pin

Phi-líp-pin phải nộp báo cáo về thềm lục địa lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) của Liên Hợp Quốc trước thời hạn 13/5/2009 để đưa ra yêu sách của mình đối với thềm lục địa mở rộng. Trong nỗ lực đó, ngày 10/3/2009, Tổng thống Phi-líp-pin Arroyo đã ký ban hành Luật Cộng hòa số 9522 (Republic Act 9522) về đường cơ sở mới (đường cơ sở cũ năm 1968), qua đó quản lý quần đảo Trường Sa và bãi cạn Hoàng Nham theo “quy chế đảo”.

Dự luật đường cơ sở đã gây ra tranh cãi và mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ Phi-líp-pin ngay từ quá trình xem xét dự luật. Trong năm 2007, Hạ nghị sĩ Atonio Cuenco, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện, đã đưa ra dự luật HB 3216 về đường cơ sở mới của Phi-líp-pin, trong đó quy thuộc Trường Sa và bãi cạn Hoàng Nham vào trong đường cơ sở của Phi-líp-pin. Với dự luật này, Phi-líp-pin sẽ tuyên bố tối đa chủ quyền của mình tại Trường Sa. Dự luật này đã thông qua hai lần đọc tại Hạ viện và lần đọc thứ ba (lần cuối) dự kiến diễn ra vào tháng 4/2008. Tuy nhiên, do chưa thống nhất được trong nội bộ và trước phản ứng từ bên ngoài (Trung Quốc phản đối mạnh và Việt Nam có ý kiến) nên ngày 21/4/2008 dự luật này đã buộc phải tạm hoãn để nghiên cứu thêm. Ngày 8/5/2008, Hạ viện Phi-líp-pin đã thành lập Ủy ban Quốc hội về lãnh thổ quốc gia để nghiên cứu các yêu sách lãnh thổ của Phi-líp-pin tại quần đảo Trường Sa.

 

Tiếp diễn biến trên, ngày 28/1/2009, Thượng viện Phi-líp-pin thông qua dự luật SB 2699 với tỷ lệ phiếu tuyệt đối 15/0, trong đó không gộp quần đảo Trường Sa và bãi cạn Hoàng Nham vào trong đường cơ sở, mà quản lý theo “quy chế đảo”. Ngày 2/2/2009, Hạ viện Phi-líp-pin thông qua dự luật HB 3216 với số phiếu áp đảo 171/3, gộp quần đảo Trường Sa và bãi cạn Hoàng Nham vào hệ thống đường cơ sở của Phi-líp-pin. Theo đó, vùng nước quần đảo của Phi-líp-pin sẽ được mở rộng tối đa, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Phi-líp-pin lấn sâu vào vùng biển của các nước xung quanh. Do có sự khác nhau trong hai phiên bản dự luật trên nên sau khi nhóm họp, ngày 17/2/2009 lưỡng viện Phi-líp-pin đã thông qua dự thảo quản lý Trường Sa và Hoàng Nham theo “quy chế đảo” rổi trình lên Tổng thống ký ban hành luật.[12] Ngày 10/3/2009, Tổng thống Arroyo đã ký Luật cộng hoà RA 9522 xác định đường cơ sở mới của Phi-líp-pin và quản lý Trường Sa và bãi cạn Hoàng Nham theo “quy chế đảo” (phiên bản của Thượng viện).

Để đạt được dự luật trên, nội bộ và các phe phái Phi-líp-pin đã trải qua quá trình đấu tranh và mâu thuẫn gay gắt. Sau khi Hạ viện thông qua dự luật HB 3216 vào ngày 2/2/2009, Thượng Nghị sỹ Santiago đã cho rằng đó là một “sai lầm chí tử”, có thể dẫn đến “một thảm hoạ về ngoại giao” và có thể “dẫn đến chiến tranh”. Bà lý giải việc đưa Trường Sa và Hoàng Nham vào trong đường cơ sở là không phù hợp với Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc. Bên cạnh đó, các đảo quy định trong dự luật đã bị các nước Đông Nam Á và Trung Quốc chiếm giữ.[13]

Thượng nghị sĩ Zubiri thì cho rằng phiên bản dự luật quản lý theo “quy chế đảo” là phù hợp với UNCLOS nhưng vẫn bảo đảm chủ quyền của Phi-líp-pin. Ngày 6/2/2009, Bộ trưởng Môi trường Phi-líp-pines Jose Atienza Jr. đã bảo vệ quyết định của chính phủ trong việc không đưa các đảo ở Trường Sa vào đường cơ sở mới của Phi-líp-pin.[14] Ông nói việc này không có nghĩa là từ bỏ chủ quyền đối với khu vực đó mà chỉ đơn thuần là một “chiến lược” nhằm tránh xung đột quốc tế. Ủy ban Ngoại giao và Ủy ban Vụ Biển và Đại Dương Phi-líp-pin cũng ủng hộ dự luật của Thượng viện.

Dư luận Phi-líp-pin cũng còn nhiều ý kiến không đồng tình với dự luật đường cơ sở mà Tổng thống Arroyo vừa thông qua. Ngày 1/4/2009, một nhóm cựu quan chức, giáo viên, và sinh viên luật tại thủ đô Manila do Hạ nghị sĩ Risa Hontiveros dẫn đầu đã đệ đơn lên Tòa án tối cao Phi-líp-pin yêu cầu hủy bỏ Luật đường cơ sở vì Luật này vi phạm Hiến pháp Phi-líp-pin với một số lập luận sau: (1) Vi phạm Điều 1 Hiến pháp vì đưa ra ngoài đường cơ sở rất nhiều vùng nước mà trước kia thuộc chủ quyền của Phi-líp-pin được xác định theo Hiệp ước Paris 1898 (Phi-líp-pin mất khoảng 15.000 hải lý vuông thuộc vùng nước chủ quyền và đặc quyền kinh tế); (2) Vi phạm khoản 7 và 8 Điều 2 của Hiến pháp về xác định vùng nước tiếp giáp và vùng nội thủy của Phi-líp-pin. Theo luật RA 9522, thuyền quốc tế có thể qua lại các vùng biển của Phi-líp-pin, trong đó có cả tàu chở vũ khí hạt nhân, mặc dù Phi-líp-pin thực hiện chính sách phi vũ khí hạt nhân; (3) Luật 9522 làm suy yếu tuyên bố chủ quyền của Phi-líp-pin và sẽ ảnh hưởng tới tuyên bố chủ quyền của Phi-líp-pin tại đảo Sabah (khu vực đang tranh chấp giữa Phi-líp-pin và Malaysia).[15]

Luật cộng hoà RA 9522 cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các bên tranh chấp trong khu vực. Ngay chiều 11/3/2009, Đại sứ quán Trung Quốc tại Phi-líp-pin đã ra tuyên bố kịch liệt phản đối. Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Hồ Chính Dượt đã khẩn cấp triệu Đại sứ Phi-líp-pin tại Bắc Kinh. Đại sứ Trung Quốc tại Phi-líp-pin Lưu Kiến Siêu đã có ý kiến với Bộ trưởng Ngoại giao Phi-líp-pin. Ngày 13/3/2009, Đài Loan cũng lên tiếng phản đối việc Phi-líp-pin thông qua luật đường cơ sở [16]

Việt Nam đã nhiều lần phản đối Phi-líp-pin từ khi Hạ viện Phi-líp-pin đang trong quá trình xem xét dự luật đường cơ sở. Từ tháng 01/2008, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Phi-líp-pin ở Hà Nội và Manila nhằm khẳng định lập trường của Việt Nam ở biển Đông và yêu cầu phía Phi-líp-pin không thông qua dự luật. Sau khi Hạ viện Phi-líp-pin thông qua luật đường cơ sở ngày 2/2/2009, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói rõ dự luật của Hạ viện Phi-líp-pin không phù hợp với Công ước luật biển 1982 và DOC, có thể làm phức tạp thêm tình hình, đồng thời khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi sâu hơn với Phi-líp-pin về vấn đề này.[17] Ngay sau khi Tổng thống Phi-líp-pin ký ban hành Luật RA 9522 ngày 10/3/2009, ngày 12/3/2009, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định lại lập trường của Việt Nam, nêu rõ việc "Tổng thống Phi-líp-pin Gloria Arroyo ký ban hành Luật đường cơ sở mới của Phi-líp-pin, trong đó quy thuộc các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào lãnh thổ của Phi-líp-pin đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, làm phức tạp thêm tình hình, không phù hợp với tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông, đi ngược lại với xu thế hợp tác trong khu vực".[18]

Trước sự đấu tranh gay gắt và quyết liệt trong nội bộ và phản ứng của Việt Nam (và của Trung Quốc), Quốc hội và Tổng thống Phi-líp-pin đã phải thông qua dự luật đường cơ sở theo phương án của Thượng Viện, theo đó quản lý quần đảo Trường Sa và bãi cạn Hoàng Nham theo “quy chế đảo”, có nghĩa là các đảo và bãi đá ở Trường Sa và Hoàng Nham của Phi-líp-pin chỉ có vùng biển rộng 12 hải lý. Đây là phương án thấp hơn trong hai dự luật đường cơ sở.

Tóm lại, những tranh cãi và mâu thuẫn trong nội bộ và chính giới Phi-líp-pin chủ yếu xoay quanh việc có hay không bao gồm Truờng Sa và bãi cạn Hoàng Nham vào trong đường cơ sở mới của nước này. Một số nguyên nhân của việc Hạ viện Phi-líp-pin nhanh chóng thay đổi lập trường theo hướng của Thượng viện có thể là: (i) Lực lượng không quân và hải quân của Phi-líp-pin yếu, không có khả năng giữ được biển đảo tại Trường Sa trong trường hợp có chiến tranh; (ii) Có thể Trung Quốc vận động và gây sức ép mạnh qua đường chính thức cũng như không chính thức; (iii) Phi-líp-pin không muốn làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc và Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc, nhà cung cấp ODA và nhà tài trợ lớn, còn Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn nhất của Phi-líp-pin.

Thay lời kết

Tình hình tranh chấp chủ quyền tại khu vực biển Đông vốn đã tạm lắng xuống trong những năm đầu của thế kỷ 21 đã bị “hâm nóng” sau khi Phi-líp-pin thỏa hiệp với chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc bằng việc ký Thỏa thuận thăm dò địa chấn chung. Động thái này của Phi-líp-pin đã làm phức tạp thêm tình hình tranh chấp biển đảo trong khu vực. Thêm vào đó, quyết định thông qua đường cơ sở của Phi-líp-pin tháng 3/2009 đã ảnh hưởng đến chủ quyền của các bên liên quan, trong đó có Việt Nam. Hàng loạt các cuộc đấu tranh ngoại giao của các bên sau đó đã làm cho biển Đông “dậy sóng” thời gian gần đây.

Trong nội bộ Phi-líp-pin, những “người chơi” có vai trò quyết định trong chính sách đối với biển đảo là Tổng thống (chính phủ) và Quốc hội. Tổng thống Arroyo và Chủ tịch Hạ viện thời gian đó là ông De Venecia chủ trương thúc đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc, do đó đã tiến tới ký Thỏa thuận hai bên. Tuy nhiên, đối với trường hợp thông qua đường cơ sở năm 2009, Quốc Hội Phi-líp-pin là những người có tiếng nói quyết định đến phiên bản được lựa chọn. Chính phủ của bà Arroyo tuy nghiêng theo hướng phiên bản của Thượng viện song quyền quyết định vẫn thuộc về các nghị sĩ Quốc hội.

Tóm lại, phức tạp trong nội bộ Phi-líp-pin đã ảnh hưởng nhiều đến quá trình nước này xây dựng chính sách biển đảo và triển khai hợp tác/đấu tranh với các nước liên quan,

Trần Thanh Tùng, Chương trình Nghiên cứu Biển Đông

  Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu quốc tế số tháng 9 năm 2009
 
www.nghiencuubiendong.vn

[1] Chủ quyền của Phi-líp-pin tại biển Đông, Tài liệu ở Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương.

[2] Chủ quyền của Phi-líp-pin tại biển Đông, Tài liệu ở Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương.

[3] Khoản 2, Điều 7, Hiến pháp Phi-líp-pin năm 1987.

[4] Ngay sau khi Trung Quốc và Phi-líp-pin ký Thỏa thuận, Việt Nam đã liên tục đấu tranh với cả Trung Quốc và Phi-líp-pin ở nhiều cấp, kể cả cấp Nhà nước trên nhiều diễn đàn song phương và đa phương. Ngày 3/9/2004, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố phê phán việc làm trên, yêu cầu hủy bỏ Thỏa thuận và thực hiện nghiêm túc DOC. Việt Nam cũng đã cử nhiều đoàn đi Trung Quốc, Phi-líp-pin đấu tranh trực tiếp và sử dụng các diễn đàn của ASEAN, các cuộc đàm phán về vấn đề trên biển để đấu tranh, yêu cầu Trung Quốc và Phi-líp-pin không phê duyệt, triển khai Thỏa thuận. Trước tình hình này, phái coi trọng quan hệ với ASEAN trong nội bộ Phi-líp-pin đã có thêm lập luận để đòi sửa đổi nội dung Thỏa thuận, đặt nó trong khung cảnh quan hệ quốc tế rộng hơn. Kết quả là trong đàm phán tại Hà Nội vào tháng 3/2005, Việt Nam đã đạt được yêu cầu là ba nước sẽ ký một Thỏa thuận mới ba bên thay thế cho Thỏa thuận hai bên giữa Trung Quốc và Phi-líp-pin.

[5]  Báo Inquirer

[6] Probe Gloria Treason, “Sellout of sovereignty seen for dirty Chinese loan”, Báo Malaya ngày 29/02/2008.

[7] Tin tham khảo đặc biệt TTXVN ngày 24/5/2008.

[8] Palace says agreement with China not a sellout of RP sovereignty http://www.pia.gov.ph/default.asp?m=12&fi=p080308.htm&no=26

[9] JMSU not a treaty; does not violat RP’s Constitution – Perez, Manalac

http://www.gov.ph/index2.php?option=com_content&do_pdf=1&id=6101

[10] De Venecia denies Spratly pact tied to loans from China

http://newsinfo.inquirer.net/breakingnews/nation/view/20080307-123298/De-Venecia-denies-Spratly-pact-tied-to-loans-from-China

[11] Tin Tham khảo TTXVN, ngày 24/12/2008

[12] “Baseline bill OK’d at bicam”, Báo Inquirer, ngày 9/2/2009.

[13]House baselines bill ‘fatally flawed”, http://newsinfo.inquirer.net/breakingnews/nation/view/20090203-187204/House-baselines-bill-fatally-flawed, ngày 4/2/2009.

[14] “DENR defends exclusion of Kalayaan Islands from baselines”, http://www.gmanews.tv/story/147717/denr-defends-exclusion-of-kalayaan-islands-from-baselines, GMA News ngày 7/2/2009.

[15]“Cha-cha on as House OKs Nograles resolution” tại http://www.tribune.net.ph/20090204/headlines/20090204hed3.html

[16] “Manila flexes its muscles in South China Sea dispute”, http://www.taiwantoday.tw/ct.asp?xItem=49115&CtNode=427

[17] Họp báo thường kỳ của người phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 5/2/2009 tại  http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns090205174108

[18] Phản ứng của Việt Nam về việc Tổng thống Phi-líp-pin ký ban hành luật đường cơ sở mới  tại http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns090312184402