Trong bài viết “Tách biệt giữa sự thực và điều hư cấu trong vấn đề nan giải ở Biển Đông”[1], Tiến sỹ Mark Valencia đã bác bỏ “một loạt các tuyên bố chính phủ, những lời tuyên truyền và những phân tích thiên vị” cũng như sự nhập nhằng giữa thông tin đúng và sai. Ông cho rằng cần phải “tách biệt giữa sự thực và những điều hư cấu khi đề cập tới một số tuyên bố thường thấy”. Không may thay, bài viết này của TS Mark Valencia có một số thiếu sót khiến ông vấp phải chính vấn đề mà ông đang cố giải quyết.

Chiến lược xoay trục của Mỹ

Một trong những tuyên bố thường thấy mà TS. Valencia bác bỏ đó là: “Chiến lược xoay trục hay tái cân bằng của Mỹ đến Châu Á đang củng cố an ninh và ổn định của khu vực”. Trên thực tế, không một chính phủ hay một nhà phân tích nghiêm túc nào lại đưa ra một tuyên bố như vậy, và tuyên bố này cũng không được đưa ra trên phương tiện truyền thông. Trong bất cứ trường hợp nào, việc Mỹ xoay trục hay tái cân bằng không phải là việc làm đã qua, và thậm chí ngay cả những người đề xướng hay ủng hộ nhiệt thành nhất đối với chiến lược này cũng không dám khẳng định chiến lược xoay trục hay tái cân bằng của Mỹ đang củng cố an ninh và ổn định của khu vực. Tuy nhiên, dường như Valencia sử dụng tuyên bố này như là một lời mở đầu để đưa ra quan điểm rằng chiến lược xoay trục của Mỹ đã tạo nên tình trạng bất ổn cho khu vực và quan điểm này của Valencia rất đáng để phân tích thêm.

Valencia lập luận rằng:

Trung Quốc tin rằng Mỹ đang cố gắng lôi kéo ASEAN hoặc một số thành viên của ASEAN cùng với Úc, Nhật và Hàn Quốc vào một liên minh mềm (soft alliance) để kiềm chế nếu không phải là để bao vây Trung Quốc. Trung Quốc buộc tội rằng chính sự ủng hộ ngầm của Mỹ đã khuyến khích Philippines và Việt Nam thách thức các yêu sách và hành động của Trung Quốc.

Dù nhận định trên đúng hay sai, các quan điểm trái ngược nhau đã làm tăng thêm sự cạnh tranh và căng thẳng ở khu vực. Có một sự khác biệt quan điểm rõ ràng về việc ai đang đáp trả ai và ai có “quyền” hay “bổn phận” được chủ động tại đây.

           Mặc dù vậy, việc Mỹ xoay trục đang gây bất ổn cho khu vực là không phải nghi ngờ.

Thực tế là ổn định và an ninh của khu vực đã bắt đầu suy giảm vào năm 2007 khi Trung Quốc gây áp lực với BP buộc công ty này phải rút ra khỏi các dự án dầu khí với Việt Nam ở Bể Nam Côn Sơn gần cực Nam của Biển Đông, cách rất xa quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Và sau đó trong cùng năm, nước này đã thảo luận về việc thành lập Thành phố Tam Sa (Sansha), bao gồm đảo Pratas và hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đang tranh chấp. Tình hình trở nên xấu đi vào năm 2008 khi Trung Quốc tiếp tục gây áp lực với Exxon Mobile để buộc công ty này rút khỏi một dự án dầu khí khác với Việt Nam, và đạt đến đỉnh điểm vào năm 2009 khi Trung Quốc chạm trán với tàu thăm dò Impeccable của lực lượng Hải quân Mỹ, đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, và đệ trình bản đồ đường chín đoạn lên Ủy ban Ranh giới ngoài Thềm lục địa của Liên hợp quốc. Một loạt va chạm đã xảy ra trong các năm sau đó, bao gồm:

Nhiều vụ việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại ngư dân Việt Nam,

+ Tháng 3/2011, một tàu hải giám Trung Quốc đe dọa đâm thủng tàu khảo sát địa chấn đại diện cho Philippines đang hoạt động ở khu vực Bãi Cỏ Rong,

+ Tháng 6/2011, các tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị khảo sát địa chấn được kéo bởi tàu Bình Minh 2 của Việt Nam, và các tàu cá Trung Quốc cố thực hiện hành vi tương tự với tàu khảo sát địa chất Viking 2 tại một địa điểm khác, cả hai trường hợp đều diễn ra trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ bờ biển gắn với đất liền của Việt Nam.

Do vậy, có thể thấy, các căng thẳng nghiêm trọng và bất ổn tại khu vực đã tồn tại trước khi Mỹ xoay trục từ Afghanistan và Iraq sang Châu Á - Thái Bình Dương - chiến lược được công bố bởi Ngoại trưởng Hillary Clinton vào tháng 10/2011.[2] Do vậy, quan điểm của Trung Quốc cho rằng sự “cứng rắn” của mình là một phản ứng trước việc Mỹ xoay trục - không thể là một quan điểm chính đáng như Valencia khẳng định. Matt Taylor Fravel, một chuyên gia về Trung Quốc, đưa ra một quan điểm chính xác hơn:

Trong vòng 4 năm qua, chính sách của Mỹ đối với Biển Đông đã thay đổi để ứng phó trước tình trạng căng thẳng gia tăng trong các tranh chấp và đặc biệt là đối với các hành xử của Trung Quốc. Mặc dù Mỹ không đưa ra lập trường liên quan đến các tuyên bố chủ quyền, nhưng Mỹ đã tăng cường sự dính líu của mình trong tranh chấp, nhấn mạnh vào việc quản lý hòa bình các yêu sách và cuối cùng tiến tới giải quyết hòa bình các tranh chấp. Do Trung Quốc là bên có năng lực biển lớn mạnh nhất trong các bên yêu sách, lại yêu sách tất cả các thực thể đất liền ở Biển Đông (cùng với Việt Nam và Đài Loan), đồng thời giữ thái độ mập mờ đối với ý nghĩa và cơ sở pháp lý của “đường chín đoạn”, nên chính sách của Mỹ là nhằm để phản ứng lại với các hành động của Trung Quốc hơn là với bất cứ bên yêu sách nào khác.”[3]

Rõ ràng chiến lược xoay trục của Mỹ đã không tạo nên bất ổn cho khu vực trước tháng 10/2011. Liệu Mỹ có thể tạo bất ổn gì sau thời điểm đó không? Câu trả lời cho câu hỏi này có thể mang tính chủ quan. Trung Quốc, với mong muốn kiểm soát ít nhất là phần lớn các khu vực nằm trong đường chín đoạn chống lại các nước nhỏ hơn, dễ hiểu sẽ coi sự hiện diện của Mỹ là nhân tố gây bất ổn. Các nước khác,  những nước muốn chống lại ý đồ của Trung Quốc, có thể xem sự hiện diện của Mỹ là đóng góp cho ổn định của khu vực. Cần phải nói rõ rằng, không một quốc gia nào, ngoại trừ Trung Quốc, lên tiếng phản đối chiến lược xoay trục của Mỹ. Có thể khi chiến lược xoay trục của Mỹ phát triển, nó sẽ tạo nên sự ổn định ở một số lĩnh vực nhưng có thể gây ra bất ổn ở một số lĩnh vực khác, tuy nhiên để cân đong đo đếm giữa các mặt này là không hề đơn giản; và cũng còn quá sớm để khẳng định một cách khách quan là Mỹ đã hay sẽ tạo nên sự ổn định hay bất ổn cho khu vực. Dù câu trả lời là như thế nào, cần phải ghi nhớ một điều rằng, sự ổn định theo kiểu nước nhỏ phải chấp nhận sự cưỡng ép của nước lớn không phải là một kết quả đáng mong chờ.

Sự quyết đoán của Trung Quốc

Bằng việc khiến các bên yêu sách khác cũng trở nên xấu xa như Trung Quốc, Valencia đang cố gắng bác bỏ tuyên bố cho rằng: “Sự cứng rắn của Trung Quốc trong các yêu sách biển đã gây ra bất ổn”:

Đã có các án lệ từ Tòa công lý Quốc tế không khuyến khích việc các bên tranh chấp thực hiện những hành vi đơn phương làm thay đổi bản chất của khu vực tranh chấp.

Một điều khoản khác của DOC yêu cầu các bên giải quyết bất đồng của họ thông qua “tham vấn và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia chủ quyền có liên quan trực tiếp”.

Trung Quốc thực sự trở nên ngày càng hung hăng trong việc thực hiện các yêu sách của mình. Tuy nhiên các bên yêu sách khác cũng thực hiện các hành vi đơn phương trên các thực thể, và trong các vùng biển Trung Quốc yêu sách. Trung Quốc cho rằng Philippines đã vi phạm cả hai điều khoản của DOC và Việt Nam cũng sắp sửa vi phạm các điều khoản này.

Tất cả các bên yêu sách đều đã góp phần tạo nên bất ổn.

Nhưng Valencia đã bỏ qua luận điểm pháp lý quan trọng nằm ở trọng tâm của vấn đề liên quan đến các căng thẳng ở Biển Đông. Lập trường của Trung Quốc là các nước Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và thậm chí có thể là Indonesia đang đơn phương tiến hành các hoạt động dầu khí trong khu vực mà Trung Quốc yêu sách, do vậy các nước này đã vi phạm Điều 74 và 83 UNCLOS - các điều khoản được diễn giải là yêu cầu các bên yêu sách kiềm chế thực hiện hành động như vậy tại khu vực tranh chấp. Trung Quốc cho rằng những hành động này là lí do gây căng thẳng và hành động cứng rắn của Trung Quốc là phản ứng chính đáng. Các quốc gia khác lại cho rằng hoạt động dầu khí của họ diễn ra tại khu vực không có tranh chấp pháp lý, nghĩa là yêu cầu của Điều 74 và 83 UNCLOS không được áp dụng trong trường hợp này, do vậy hành động cứng rắn của Trung Quốc là không phù hợp và là nguyên nhân gây ra căng thẳng. Sự khác biệt dễ thấy trong quan điểm ở đây không phải là câu hỏi “cái gì thuộc về ai”, mà là “cái gì đang bị tranh chấp”, và đây cũng là căn nguyên của hầu hết các va chạm trên biển.

Yêu cầu của Điều 74 và 83 rõ ràng là hợp lý khi quy định các bên yêu sách kiềm chế các hoạt động dầu khí đơn phương tại các khu vực tranh chấp. Nếu không có quy định này, một bên yêu sách có thể khai thác dầu khí, nguồn tài nguyên mà có thể sau này được chứng minh là thuộc về một nước khác. Vì vậy, nhìn bề ngoài, có vẻ như lập trường của Trung Quốc là có lý. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận sâu sắc hơn sẽ thấy lập luận của Trung Quốc là sai. Thử tượng tượng một kịch bản trong đó một quốc gia kiên quyết yêu sách một khu vực mà ít hoặc hoàn toàn không có khả năng tòa ra sẽ ra phán quyết là thuộc về họ. Chiến lược của quốc gia trên khi đưa ra yêu sách như vậy là nhằm tạo ra tranh chấp trong khu vực đó và sử dụng chiến lược này để ngăn cản các bên yêu sách khác tiến hành khai thác dầu khí ở đấy, thậm chí ngay cả khi họ ít hoặc không có cơ hội thắng kiện tại tòa. Giả sử chiến lược này được đẩy mạnh hơn bằng cách không trao cho bất kỳ một tòa án quốc tế nào thẩm quyền xét xử các vấn đề liên quan đến phân định biển, để không ai có quyền phân xử hoặc làm trọng tài. Yêu cầu của Điều 74 và 83 - qui định các bên yêu sách kiềm chế hành động dầu khí đơn phương tại các khu vực tranh chấp - có nên được áp dụng đối với khu vực trên? Nếu được áp dụng, thì yêu cầu của Điều 74 và 83, vốn để đảm bảo sự công bằng, sẽ biến thành giấy phép để làm lợi từ việc đưa ra các yêu sách quá đáng. Dù bản thân yêu cầu trên là công bằng nhưng việc áp dụng vào một khu vực cụ thể chỉ công bằng nếu như khu vực đó đã được xác định một cách khách quan là đối tượng của một tranh chấp pháp lý. Nếu các bên yêu sách không đồng tình về việc liệu một khu vực có phải là đối tượng tranh chấp pháp lý không - giống như tình hình hiện nay ở Biển Đông, thì chỉ tòa án và tòa trọng tài quốc tế mới có quyền khách quan quyết định việc này.

Thật không may, ở Biển Đông, chiến lược mà Trung Quốc đang áp dụng lại là chiến lược bất cần đạo lý được miêu tả ở trên: Trung Quốc đang đưa ra những yêu sách biển tùy ý và quá mức, đồng thời phủ nhận vai trò của tòa án và tòa trọng tài - các cơ chế cần thiết để quyết định xem khu vực nào là khu vực tranh chấp hợp pháp. Bằng cách này, Trung Quốc cố gắng buộc tội các quốc gia khác thực hiện các hoạt động dầu khí đơn phương tại “các khu vực tranh chấp”, và tạo cớ để Trung Quốc biện minh cho các hành vi chống lại các bên yêu sách khác. Thật là mỉa mai khi Trung Quốc sử dụng chính các quy định của Điều 74 và 83 UNCLOS để thực hiện chiến lược của mình bởi Trung Quốc là bên yêu sách duy nhất phủ nhận thẩm quyền của tòa trọng tài UNCLOS trong diễn giải và áp dụng các điều khoản trên có liên quan tới việc phân định ranh giới biển. Nếu Trung Quốc trao cho tòa trọng tài thẩm quyền cần thiết, tòa trọng tài đó có thể phán quyết rằng hoạt động dầu khí của các quốc gia khác hoàn toàn không diễn ra ở các khu vực có tranh chấp pháp lý - thì khẳng định của Valencia cho rằng “tất cả các bên yêu sách đã góp phần làm gia tăng sự bất ổn” sẽ bị chứng minh là sai.

Các yêu sách của Trung Quốc

Valencia bác bỏ uyên bố cho rằng: “Các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông là bất hợp pháp và thậm chí là vô lý” bằng cách xem xét tuyên bố này trong hai bối cảnh khác nhau của các tranh chấp chủ quyền đối với các đảo và các tranh chấp quyền tài phán đối với không gian biển. Vậy chúng ta sẽ phân tích hai bối cảnh này một cách riêng biệt.

Về các tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, tuyên bố của Valencia cho rằng “Các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc có thể có hiệu lực hoặc không có hiệu lực cũng giống các bên yêu sách khác” là có lý nhưng không cần thiết. Thực tế là các chính phủ thuộc bên thứ ba không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền các đảo. Ví dụ, Mỹ đã nhiều lần tuyên bố là Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền và một vài nhà phân tích đến từ các quốc gia thứ ba cho là yêu sách bất kỳ của bên nào về chủ quyền đối với các đảo là không hợp pháp và vô lý.

Về các tranh chấp liên quan tới quyền tài phán biển, lập luận của Valencia là “Trung Quốc chưa bao giờ chỉ rõ Trung Quốc yêu sách điều gì hay làm rõ ý nghĩa yêu sách của mình trong cái gọi là đường chín đoạn” nên không thể nói rằng các yêu sách của Trung Quốc là bất hợp pháp hay vô lý. Lập luận này của Valencia không phản ánh được toàn bộ câu chuyện. Trong khi Trung Quốc đang duy trì sự mơ hồ chiến lược đối với yêu sách đường chín đoạn, nước này cũng đã thực hiện những hành động chống lại các bên yêu sách khác ở nhiều địa điểm bên trong đường chín đoạn, ví dụ như:

● Trung Quốc đơn phương sử dụng vũ lực đối với ngư dân Việt Nam và cố gắng áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá mỗi năm bao trùm lên một khu vực rộng lớn ở Biển Đông.

● Trung Quốc cố gắng đuổi các công ty dầu khí Anh, Mỹ và Ấn Độ hợp tác với Việt Nam trong Bể Nam Côn Sơn, Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) và tại các lô 127 và 128 dọc theo bờ biển miền trung của Việt Nam, và làm gián đoạn các hoạt động dầu khí của Việt Nam tại các khu vực trên bằng cách cắt thiết bị địa chấn được kéo bởi tàu khảo sát, cũng như mời thầu các lô dầu khí tại đó.

● Trung Quốc tuyên bố rằng ngư dân của mình có quyền đánh cá truyền thống trong vùng EEZ của Indonesia. Trong một va chạm, một tàu hải giám Trung Quốc đã nhắm súng vào tàu bảo vệ bờ biển của Indonesia, khiến tàu này sau đó phải rút lui.

● Trung Quốc yêu sách Bãi ngầm James (James Shoal).

 ● Trung Quốc gây khó dễ cho các hoạt động dầu khí của Philippines ở khu vực khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) bằng việc đe dọa đâm tàu địa chất hoạt động đại diện cho Philippines.

Bản đồ 1: Các địa điểm liên quan tới các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. X là vị trí xảy ra việc tàu Bình Minh 2 bị cắt cáp. Y là vị trí tàu Viking II bị cắt cáp. Z là vị trí dự án Mộc Tĩnh và Hải Thạch của BP. 127 và 128 là các lô mà Việt Nam cho Tổng công ty Dầu khí Ấn Độ (ONGC Videsh) thầu.


Bất chấp sự mập mờ của Trung Quốc đối với đường chín đoạn, các hành động trên tương đương với việc yêu sách quyền đối với các nguồn tài nguyên sinh vật và khoáng sản tại các khu vực rộng lớn nằm trong đường chín đoạn. Những hành động này là bất hợp pháp và vô lý như được minh chứng trong phần viết dưới đây.

Ngay cả khi một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được hưởng Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), thì việc yêu sách Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho các đảo này cũng không phù hợp với các tiền lệ phân định biển trước đó và với quy định của UNCLOS - vốn yêu cầu sự phân định công bằng giữa các Vùng EEZ chồng lấn. Việc yêu sách Vùng EEZ mở rộng như đường chín đoạn là hành động thái quá. Một số hành động của Trung Quốc diễn ra gần các lãnh thổ rộng lớn và không có tranh chấp của quốc gia khác hơn là gần với các đảo đang tranh chấp. Trong luật phân định biển, điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc tuyên bố hơn 100% hiệu lực đối với các đảo nhỏ, một điều rất vô lý. Nó cũng cho thấy lập trường của Trung Quốc thể hiện qua các hành động nói trên rõ ràng là phi lý.

Cũng cần nhớ rằng, quần đảo Hoàng Sa và Trường là đối tượng của các tranh chấp chủ quyền khó giải quyết được trong tương lai gần. Điều này có nghĩa là các tranh chấp đối với bất kỳ Vùng EEZ phát sinh từ các đảo này cũng khó có thể được giải quyết trong tương lai gần. Trong tình hình trên, bất cứ quốc gia nào cố gắng yêu sách đầy đủ Vùng EEZ cho các đảo, từ đó tạo ra tranh chấp quyền tài phán khó giải quyết đối với hầu hết Biển Đông đều là hành động thiếu thiện chí. Việc thổi phồng đến mức tối đa các khu vực tranh chấp đã làm suy giảm nghiêm trọng sự ổn định và an ninh của khu vực. Để so sánh, hãy thử tưởng tượng tình hình ở Biển Hoa Đông và Thái Bình Dương sẽ xấu đi như thế nào nếu như Nhật cũng yêu sách đầy đủ 200 hải lý Vùng EEZ cho quần đảo nhỏ và đang tranh chấp là Điếu Ngư/Senkaku, yêu cầu Trung Quốc và Đài Loan chia sẻ nguồn tài nguyên biển ngoài khơi bờ biển Chiết Giang (Zhejiang) của Trung Quốc và dọc theo bờ biển phía đông của Đài Loan, cũng như thực hiện các hành vi đe dọa hoạt động kinh tế của Trung Quốc và Đài Loan ở các khu vực nói trên. Rõ ràng, việc giảm thiểu ảnh hưởng của các tranh chấp chủ quyền khó giải quyết đối với các đảo bằng cách thu nhỏ yêu sách Vùng EEZ đối với các đảo là hành động thiện chí và chắc chắn có lợi cho cả an ninh và ổn định của khu vực.

Bản đồ 2 Các đường xanh lá và đen lần lượt là các đường cách đều và “đường ¼” từ các đảo tranh chấp có thể được hưởng Vùng EEZ. Các đường xanh dương là các Vùng EEZ 200 hải lý cách các lãnh thổ không bị tranh chấp.


Bản đồ thứ hai miêu tả các yêu sách biển của Trung Quốc là bất hợp pháp, vô lý và gây tổn hại đến an ninh khu vực như thế nào. Trong phán quyết năm 2012 của Tòa án Công lý Quốc tế về tranh chấp giữa Nicaragua và Colombia, các đảo của Colombia được trao một Vùng EEZ mở rộng ¼ khoảng cách đến các đảo ven bờ của Nicaragua. Các đảo có liên quan Colombia có diện tích lớn gấp tới 13 đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa và 50 lần quần đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa. Nếu quy định “khoảng cách ¼” được áp dụng cho 4 thực thể lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa và 4 thực thể lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa, các Vùng EEZ sẽ chỉ mở ra xa nhất tới các đường màu đen trên bản đồ. Vì quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ tranh chấp, chúng sẽ làm nảy sinh các Vùng EEZ tranh chấp được bao quanh bởi các đường vẽ màu đen. Các tranh chấp lãnh thổ đối với các đảo và tranh chấp quyền tài phán biển do đó sẽ chỉ diễn ra tại các khu vực nhỏ và xác định ở Biển Đông. Điều này sẽ mang lại hai lợi ích to lớn với an ninh khu vực. Đầu tiên, tranh chấp quyền tài phán biển xuất phát từ tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ không ảnh hưởng tới phần rộng lớn hơn của Biển Đông nằm ngoài đường màu đen. Các đường “khoảng cách ¼” màu đen giống như bức tường lửa ngăn chặn các tác động bất lợi từ tranh chấp. Thứ hai, một khi các tranh chấp được kiểm soát trong các vùng được xác định rõ và tương đối nhỏ thì các bên yêu sách sẽ có cơ hội tốt hơn để thống nhất về các biện pháp quản lý căng thẳng và thúc đẩy hợp tác tại các khu vực trên.

Thật không may, thay vì cố gắng kiềm chế các tranh chấp tài phán theo cách này, Trung Quốc đang cố gắng thổi phồng chúng lên để kiểm soát Biển Đông càng nhiều càng tốt. Mặc dù Trung Quốc chưa từng tuyên bố cụ thể rằng Trung Quốc yêu sách Vùng EEZ mở rộng ra đến đường chín đoạn, nhưng Trung Quốc đang hành xử chống lại các nước khác như thể Trung Quốc đang yêu sách quyền tài phán biển đối với các khu vực rộng lớn bên trong đường chín đoạn và ở một số chỗ là đến tận cùng ranh giới của đường này.

Để thấy được việc Trung Quốc thổi phồng các khu vực tranh chấp là vô lý đến mức nào hãy xem xét giả thuyết: bốn thực thể lớn nhất ở quần đảo Hoàng Sa và bốn thực thể lớn nhất ở quần đảo Trường Sa được trao hiệu lực ngang với phần lục địa rộng lớn trong phân định biển - điều đó sẽ khiến Vùng EEZ của các đảo mở rộng đến đường màu xanh trong bản đồ. Cần phải khẳng định rằng, giả thuyết này là hào phóng một cách phi lý đối với cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa bởi trong các tiền lệ pháp lý và thực tiễn quốc tế về phân định biển thì những đảo nhỏ như vậy được trao hiệu lực ít hơn nhiều so với các lục địa rộng lớn. Kể cả là như vậy thì các Vùng EEZ theo giả định này cũng nhỏ hơn rất nhiều so với đường chín đoạn. Mặc dù Trung Quốc không giải thích đầy đủ Trung Quốc yêu sách điều gì ở đường chín đoạn nhưng những hành động nêu trên của Trung Quốc đã thể hiện nước này đang khẳng định các quyền chủ quyền đối với vùng biển nằm trong đường chín đoạn thậm chí còn vượt xa các yêu sách vô lý nhất về Vùng EEZ của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trung Quốc cũng đưa ra hai yêu sách khác có thể xem là vô lý. Nước này yêu sách Bãi ngầm Macclesfield (Macclesfield Bank) và Bãi cạn James (James Shoal) với tư cách là các đảo, trước khi chế độ Vùng EEZ ra đời. Yêu sách này vô lý bởi các thực thể này chìm dưới mặt nước, có nghĩa là chúng không thể bị chiếm hữu. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ các yêu sách này.

Mặc dù Valencia có thể đúng khi viết rằng Trung Quốc có thể “tạo ra các yêu sách tài phán phù hợp với UNCLOS”, nhưng đó mới chỉ là một nửa câu chuyện. Nửa còn lại đó là, theo luật lệ về phân định biển, các yêu sách trên không thể mở rộng một cách hợp pháp ra xa như đường chín đoạn, hoặc tới các vị trí mà Trung Quốc đang hành động chống lại các nước khác.

UNCLOS không thể phát huy hiệu quả nếu bị cô lập với phần còn lại của luật pháp quốc tế, và không có thiện chí của các bên. Lập luận rằng việc yêu sách 200 hải lý Vùng EEZ đối với các đảo là phù hợp với UNCLOS, trong khi bỏ qua nguyên tắc công bằng mà Công ước và luật pháp quốc tế nói chung quy định, bỏ qua luật lệ về phân định biển, đó là hành vi chọn tuân thủ luật pháp quốc tế theo những gì có lợi cho mình và là dấu hiệu của sự thiếu thiện chí. Một điều quan trọng cần lưu ý là Điều 300 UNCLOS quy định rằng “Các quốc gia thành viên phải có thiện chí hoàn thành các nghĩa vụ đã đảm nhận theo nội dung Công ước, và thực hiện các quyền, thẩm quyền và các tự do đã được thừa nhận trong Công ước, sao cho không để xảy ra tình trạng lạm quyền”.

Sự trung lập của Mỹ

Trong nỗ lực bác bỏ tuyên bố “Mỹ trung lập với các yêu sách biển tại Biển Đông”, Valencia lập luận rằng:

Mặc dù Mỹ vẫn chưa phê chuẩn UNCLOS 1982, và không bị ràng buộc bởi Công ước này nhưng Mỹ khăng khăng rằng Trung Quốc cần phải đưa các yêu sách dựa hoàn toàn vào Công ước này. Mỹ cũng nhấn mạnh rằng bất cứ yêu sách nào về quyền tài phán biển ở Biển Đông đều phải xuất phát từ đất liền. Điều này ám chỉ bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối với quyền tài phán nằm trong đường chín đoạn đều không có giá trị.  

Mỹ cũng khăng khăng rằng Trung Quốc nên đàm phán đa phương các vấn đề trên với một nhóm nước yêu sách - ASEAN - bao gồm cả các nước không có yêu sách, và Trung Quốc cần dừng các hành động hung hăng tại đây. Mỹ có thể giữ thái độ trung lập đối với các yêu sách chủ quyền nhưng rõ ràng không hề trung lập với các yêu sách tài phán.

Thực chất lập trường của Mỹ là:

+ Yêu sách đối với vùng biển phải xuất phát từ các yêu sách đối với đất liền và các thực thể đảo.

+ Các tranh chấp liên quan tới yêu sách lãnh thổ và biển cần được giải quyết mà không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng chế.

+ Ủng hộ việc đạt được Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông đầy đủ.

Mặc dù Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS nhưng Mỹ có quan điểm đúng đắn khi cho rằng một số điều khoản nhất định của UNCLOS là sự pháp điển hóa của luật tập quán quốc tế. Cụ thể, việc Mỹ nhấn mạnh rằng bất kỳ yêu sách quyền tài phán biển nào ở Biển Đông phải bắt nguồn từ đất liền và từ lãnh thổ đảo, đơn giản chính là quy tắc “đất thống trị biển” của luật tập quán quốc tế. Thực tế việc Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS không có nghĩa là Mỹ không có quyền về luật pháp và đạo lý để nhấn mạnh nguyên tắc này. Thêm vào đó, sự nhấn mạnh của Mỹ phải để ám chỉ “bất kỳ yêu sách quyền tài phán của Trung Quốc nằm trong đường chín đoạn đều không có giá trị” như Valencia tuyên bố. Nó đơn giản có nghĩa là bất kỳ yêu sách quyền tài phán biển nào tại Biển Đông, bởi bất kỳ quốc gia nào không xuất phát từ đất liền (bao gồm cả các lãnh thổ đảo) đều là vô giá trị. Lập trường này trung lập và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nếu Trung Quốc không có ý định yêu sách vùng biển và giải quyết các tranh chấp bằng vũ lực và cưỡng chế, thì chẳng có lý do gì để xem lập trường của Mỹ là thiên vị nhằm chống lại Trung Quốc.

Hơn nữa, lập trường của Mỹ không đưa ra bất cứ khẳng định nào cho rằng việc Trung Quốc cần đàm phán yêu sách tài phán trên biển với các bên không có yêu sách hay với ASEAN trên tư cách là một khối.

Đúng là việc ký kết được Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông sẽ liên quan tới việc đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN, tuy nhiên Mỹ chỉ thể hiện sự ủng hộ cho điều đó, chứ không nhấn mạnh hai bên phải đàm phán để đạt được thỏa thuận. Thêm vào đó, Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông có phạm vi rộng hơn so với các tranh chấp lãnh thổ và trên biển, do vậy việc các nước ASEAN không phải là bên tranh chấp thuộc ASEAN tham gia vào đàm phán là hợp lý.

Mối đe dọa đối với qua lại hàng hải

Lập luận của Valencia về chủ đề này đã được phân tích bởi Robert Beckman, một chuyên gia luật quốc tế về tranh chấp Biển Đông trong bài viết: “Biển Đông: Các quan điểm khác nhau giữa Mỹ và Trung Quốc.”[4] Ở đây chỉ cần dẫn lại câu nói của Tommy Koh, chủ tịch Hội nghị UNCLOS III về vấn đề hoạt động quân sự trong Vùng EEZ là đủ:

Giải pháp tại quy định của Công ước rất phức tạp. Công ước không hề tuyên bố rõ ràng liệu một quốc gia thứ ba có thể hay không thể được thực hiện các hoạt động quân sự tại Vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển hay không. Tuy nhiên, nhận thức chung đó là các quy định mà chúng tôi đã đàm phán và thống nhất cho phép các hoạt động quân sự được tiến hành. [5]

Đoàn kết ASEAN

Valencia bác bỏ tuyên bố: “ASEAN hoặc các bên yêu sách trong ASEAN đang đoàn kết chống Trung Quốc”, tuy nhiên, sự bác bỏ này là không cần thiết: các phân tích và quan sát nói chung đều biết rằng ASEAN không đoàn kết nhằm chống lại Trung Quốc. Có vẻ như Valencia mong muốn đẩy mạnh quan điểm cho rằng các vấn đề an ninh liên quan tới Trung Quốc không nghiêm trọng bằng các vấn đề an ninh giữa các bên yêu sách trong ASEAN. Trong lập luận của mình, Valencia cho rằng:

Các bên yêu sách trong ASEAN như Malaysia, Philippines và Việt Nam thậm chí không thể dàn xếp các tranh chấp của họ với nhau, một vài trong số các tranh chấp này có liên quan tới cả các tranh chấp về yêu sách chủ quyền và quyền tài phán trên biển, như giữa Malaysia và Phillipines đối với đảo Sabah và các yêu sách biển xuất phát từ đảo này.

Các vấn đề an ninh trên cũng nghiêm trọng như tranh chấp chủ quyền và quyền tài phán giữa Việt Nam và Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa.

Ở đây, Valencia lầm lẫn giữa tranh chấp với các vấn đề an ninh. Tranh chấp là một thực tế cuộc sống, điều quan trọng là các nhân vật chính tiếp cận thực tế này như thế nào. Họ có thể hành xử theo cách tạo ra hoặc không tạo ra căng thẳng hoặc các vấn đề an ninh, và chính sự khác biệt đó mới là vấn đề lớn.

Tuy Việt Nam, Philippines và Malaysia có các tranh chấp với nhau nhưng họ không giải quyết vấn đề theo cách tạo ra căng thẳng và các vấn đề an ninh. Điều này khác với Trung Quốc. Từ năm 2007, các va chạm căng thẳng và các vấn đề an ninh ở Biển Đông đều liên quan tới Trung Quốc và một bên yêu sách khác. Mọi người cần tự hỏi là tại sao lại có thực tế này.

Đối với tranh chấp biển, cần lưu ý là Việt Nam, Philippines và Malaysia đều chấp nhận thủ tục giải quyết tranh chấp theo UNCLOS, có nghĩa là bất cứ ai trong số các quốc gia trên đều có thể kiện nước còn lại lên tòa án và tòa trọng tài quốc tế để xem xét các vấn đề có liên quan tới UNCLOS. Đây vừa là sự khuyến khích đối với các quốc gia nhằm tránh tạo ra căng thẳng và các vấn đề an ninh; vừa là một chiếc lưới an toàn khi tình hình trở nên xấu đi.

Trái lại, Trung Quốc từ chối các thủ tục giải quyết tranh chấp theo UNCLOS ở mức độ tối đa có thể, vì vậy trong các vấn đề liên quan tới ranh giới Vùng EEZ, việc trông cậy vào biện pháp pháp lý là điều không thể. Và Trung Quốc có thể, và đang thực hiện các hành xử thiếu thiện chí mà không bị trừng phạt, làm gia tăng căng thẳng và gây ra các vấn đề an ninh như chúng ta đang chứng kiến.

Quan hệ Mỹ - Trung kiểu mới

Trong chủ đề này, Valencia thảo luận mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc và vai trò của quan hệ này đối với sự ổn định và bất ổn tại Biển Đông. Lập luận của Valencia giải thích rõ hơn quan điểm của Trung Quốc cho rằng Mỹ là nguyên nhân lớn gây ra bất ổn. Thật dễ dàng để hiểu tại sao Trung Quốc lại lựa chọn cách nói này về Mỹ bởi thiếu đi sự hỗ trợ của Mỹ, các bên yêu sách khác sẽ khó có thể chống lại Trung Quốc.

Tuy nhiên, phân tích của Valencia đã bỏ qua một nguyên nhân cơ bản và nổi trội nhất của các vấn đề an ninh ở Biển Đông. Nguyên nhân này không phải là sự cạnh tranh Mỹ - Trung như Valencia đưa ra, mà đó là mong muốn của Trung Quốc trong việc khẳng định quyền tài phán với một vùng rộng lớn tại Biển Đông. Khu vực này gần như là khu vực nằm trong đường chín đoạn của Trung Quốc. Việc Trung Quốc không làm rõ ý nghĩa của đường chín đoạn không phải là vấn đề lớn, vấn đề quan trọng hơn cả đối với an ninh khu vực là quyết tâm của Trung Quốc khẳng định quyền tài phán đối với khu vực nằm trong đường chín đoạn. Thậm chí nếu không có cạnh tranh Mỹ - Trung, không có sự ủng hộ của Mỹ đối với các bên yêu sách, hay ngay cả khi Mỹ ủng hộ Trung Quốc, một vấn đề an ninh nghiêm trọng vẫn sẽ tồn tại, ít nhất đối với các quốc gia phải hứng chịu sự dồn ép của Trung Quốc.

Thật là sai lầm và trịnh thượng khi cho rằng sự hiện diện của Mỹ đã thúc giục Việt Nam và Philippines chống lại Trung Quốc. Các nước luôn luôn cố gắng bảo vệ những gì họ cho là quyền lợi của họ. Họ không cần ai xúi giục để làm điều này. Ví dụ, các quốc gia Đông Nam Á đã bảo vệ những gì họ cho là quyền lợi của mình chống lại Trung Quốc và đế chế Mông Cổ thậm chí trước khi Christopher Columbus đặt chân đến Châu Mỹ. Hơn nữa, các quốc gia này cũng không ngốc nghếch đến nỗi bị xúi giục bởi các quốc gia khác. Đặc biệt là Việt Nam và Philippines, các nước này biết rất rõ Mỹ đã không làm gì khi Trung Quốc chiếm các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Bãi cạn Scarborough.

Tất nhiên, Trung Quốc và những ai ủng hộ nước này có thể nói rằng Trung Quốc đang bảo vệ những gì Trung Quốc coi là quyền lợi của họ. Vậy bên nào mới là đúng?

Để đánh giá câu hỏi hóc búa này, các học giả pháp lý như Tiến sỹ Valencia có vị trí lợi thế để đánh giá. Kiến thức về luật lệ và thực tiễn quốc tế trong phân định biển cho phép họ so sánh giá trị pháp lý tương đối của các hoạt động dầu khí của Việt Nam tại Bể Nam Côn Sơn, hay các hoạt động thăm dò dầu khí của Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Rong, và hành động đáp trả của Trung Quốc đối với các hoạt động trên. Những học giả pháp lý đều đã biết rằng hầu hết các quy định của UNCLOS phụ thuộc vào sự diễn giải; và thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS là một cách để giúp diễn giải nó một cách công bằng, tránh việc một quốc gia nào đó hiểu sai Công ước. Họ cũng đều biết rằng Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia đều chấp nhận thủ tục giải quyết tranh chấp trong khi Trung Quốc từ chối thủ tục này ở mức tối đa có thể, khiến cho việc diễn giải và áp dụng khách quan các điều khoản liên quan của UNCLOS về tranh chấp biển là điều không thể.

Chính vì vậy, đối với các tranh chấp về quyền tài phán biển, các học giả pháp lý cần đưa ra quan điểm hợp lý bằng cách đánh giá khách quan giá trị pháp lý của các hành động mâu thuẫn trên biển, bất chấp việc Trung Quốc có thể nêu rõ ý nghĩa yêu sách đường chín đoạn hay không. Họ cũng có thể khuyến khích các bên yêu sách cố gắng hoặc ít nhất là chấp nhận cách diễn giải có giá trị nhất có thể - được đưa ra bởi các tòa án hoặc tòa trọng tài quốc tế phù hợp.

Về vấn đề tranh chấp các đảo, các học giả pháp lý có thể kêu gọi các quốc gia có liên quan giải quyết tranh chấp chủ quyền tại tòa. Cần lưu ý rằng Đông Nam Á không “xa lạ” gì đối với cách thức giải quyết tranh chấp này: Thái Lan và Campuchia đã tới tòa hai lần trong tranh chấp Đền Preah Vihear và các khu vực xung quanh; Malaysia và Indonesia đã tới tòa về vấn đề các đảo Ligitan và Sipadan; Singapore và Malaysia tới tòa về tranh chấp các đảo Pedra Branca, Middle Rock và South Ledge.

Nếu các học giả pháp lý như TS. Valencia không cố gắng đưa ra các phân tích khách quan và chính xác nhất có thể, và không kêu gọi các bên yêu sách giải quyết tranh chấp tại tòa, thì ai có thể làm điều này? Hơn nữa, nếu một quốc gia viện dẫn luật quốc tế để biện hộ cho lập trường của mình, trong khi lại tránh né việc đưa lập trường đó ra phân xử tại tòa thì việc sử dụng luật pháp quốc tế như vậy chỉ là lời nói, không xứng đáng có được sự ủng hộ từ phía các học giả.

Tác giả Dương Danh Huy xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới những đóng góp quý báu của hai học giả Phạm Tuấn và Vũ Đăng.

Người dịch: Hà My

Hiệu đính: Minh Ngọc

 



[3] “U.S. Policy Towards the Disputes in the South China Sea Since 1995”, Fravel, http://taylorfravel.com/documents/research/fravel.2014.RSIS.us.policy.scs.pdf

[5] Trích dẫn tại [5] Quoted in “Military ships and planes operating in the Exclusive Economic Zone of another country”, Van Dyke, http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0308597X03001258