1.            Đặc điểm

Trên thế giới có hàng chục vụ tranh chấp biển đảo. So với các cuộc tranh chấp biển đảo trên thế giới hiện nay, cuộc tranh chấp biển Đông có một số đặc điểm nổi bật sau:

- Một là, đây là cuộc tranh chấp mất cân bằng rất lớn về tương quan thực lực giữa các bên tranh chấp: Trung Quốc lớn, lại rất hung hăng bất chấp luật pháp quốc tế, sẵn sàng gây hấn đối với các nước nhỏ yếu hơn mình; phía đối diện (với Trung Quốc) là các nước có thực lực không lớn, lại thiếu đoàn kết.

Đây là điểm khác biệt lớn giữa tranh chấp biển Đông với các cuộc tranh chấp Nhật – Nga, Trung - Nhật và Nhật – Hàn ở Đông Bắc Á.

- Hai là, tranh chấp biển Đông liên quan trực tiếp, gián tiếp đến lợi ích của hầu hết các cường quốc, các nước phát triển trên thế giới.

Tranh chấp biển Đông là tranh chấp trực tiếp giữa Trung Quốc và 4 nước ASEAN (Việt Nam, Philipine, Malaysia, Brunei), nhưng cuộc tranh chấp này có liên quan trực tiếp, gián tiếp đến lợi ích kinh tế, lợi ích an ninh của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Oxtraylia, các nước EU, các nước thuộc Bắc Mỹ, Nam Mỹ, các nước ASEAN, châu Phi và Nam Á… Bởi lẽ, biển Đông nằm trên đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới với một phần ba hàng hoá, dịch vụ và hơn 40% lượng dầu mỏ thương mại đi qua đây.

- Ba là, về mặt địa lý, biển Đông nằm ở phía Nam của Đông Á – Tây Thái Bình Dương, nhưng tranh chấp biển Đông là điểm nút (trọng tâm) của an ninh Đông Á và nằm trên lối ra Thái Bình Dương mà châu Á – Thái Bình Dương là địa bàn diễn ra cuộc tranh giành chiến lược giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Mỹ.

Vì thế, có thể nói, tranh chấp biển Đông và quá trình giải quyết tranh chấp biển Đông trực tiếp tác động đến việc hình thành, phát triển của cục diện chính trị thế giới trong nửa đầu thế kỷ XXI.

2.         Xu thế.

Từ nay đến 2020, trên biển Đông sẽ diễn ra những sự kiện, sự cố lớn nào về an ninh, quân sự, kinh tế?

Không ai biết và không một người nào dám khẳng định điều gì, chỉ có thể dự báo về các khả năng có thể.

a. Các bên liên quan đều lùi về “phao số 0” tức là thực hiện nghiêm chỉnh Hiến Chương Liên Hợp Quốc, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), DOC, cùng nhau xây dựng COC và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc những điều mình đã ký kết, cam kết trong các mối quan hệ song phương, đa phương, quốc tế.

Nếu diễn ra kịch bản này thì biển Đông sẽ bình yên, mọi quốc gia dân tộc đều được hưởng lợi và phù hợp với xu thế chủ đạo của thời đại là hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Rất tiếc, xác suất xảy ra kịch bản này là rất thấp, chỉ khoảng dưới 10%.

b. Tranh chấp biển Đông sẽ diễn ra ngày càng phức tạp, căng thẳng với nhiều sự cố khó đoán định do Trung Quốc gây hấn, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, quyền và lợi ích hợp  pháp của các quốc gia trong khu vực.

Có thể, Trung Quốc sẽ gia tăng các hành động gây hấn để hiện thực hoá cái gọi là chủ quyền (phi pháp) của họ đối với vùng biển được bao chiếm trong đường chữ U. Trung Quốc sẽ thăm dò, khai thác dầu khí và các nguồn lợi thuỷ sản trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Philipine và các nước, sẽ cản trở, xua đuổi, phá hoại các hoạt động kinh tế, quân sự hợp pháp của các nước trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ dùng lực lượng hải quân nhỏ đánh chiếm một số đảo, địa vật của Việt Nam và Philipine ở Trường Sa.

Trong quá trình sử dụng phương thức dùng “biển người” để “tràn ngập lãnh thổ” trên biển, áp đảo các nước và gây hấn, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các lợi ích hợp pháp của các nước, chủ yếu đối với Việt Nam và Philipine, Trung Quốc cam kết với Mỹ là bảo đảm an toàn lưu thông hàng hải qua biển Đông, đồng thời xâm nhập sâu vào Lào, Campuchia, thúc đẩy quan hệ mọi mặt với Indonesia, Malaysia, Sinhgapo, Thái Lan, Mianma.

Trung Quốc đã và đang hành xử theo phương án trên.

Đây là kịch bản có xác suất xảy ra lớn nhất, khoảng 80%.

c. Xung đột quân sự lớn: Trung Quốc dùng hải quân, không quân, tên lửa để phát động cuộc chiến tranh trên biển Đông để thâu tóm, độc chiếm biển Đông.

Việc này Trung Quốc làm được, nhưng từ nay đến 2020, có lẽ, chưa phải lúc Trung Quốc hành động. Bởi lẽ:

1. Phát động hải chiến để xâm chiếm biển, đảo của các nước trên biển Đông thì cái mặt nạ “Trung Quốc phát triển Hoà Bình” sẽ rơi xuống, lộ nguyên hình một kẻ hiếu chiến, bành trướng. Một cường quốc đơn độc, lại bị cộng đồng quốc tế lên án, tẩy chay, thì làm thế nào mà Trung Quốc thực hiện được mộng bá vương thống trị thế giới?

2. Việc Trung Quốc dùng vũ lực độc chiếm biển Đông sẽ tạo ra cơ hội thuận lợi để củng cố quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn, Mỹ - Oxtraylia, thiết lập quan hệ thân thiết (trên bạn bè dưới đồng minh) Mỹ - Ấn Độ, Nhật - Ấn Độ, và Nga, Hàn Quốc và các nước ASEAN, kể cả EU, châu Phi, Mỹ Latinh sẽ cảnh giác hơn với Trung Quốc.

Tính chung lại, việc dùng vũ lực thâu tóm biển Đông, Trung Quốc được 1 nhưng sẽ mất 10, thậm chí 100. Có lẽ, Trung Nam Hải cũng nhẩm tính tương tự. Nên xác suất xảy ra kịch bản này là khá thấp, khoảng 10%.

Lưu ý: đối với Trung Quốc, cái gì cũng có thể làm, không được chủ quan, mất cảnh giác.

3.            Giải pháp.

Hơn một chục năm nay, nhất là từ 2010 đến nay, các học giả trong và ngoài nước đã hiến kế nhiều giải pháp mà Việt Nam cần thực hiện để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các lợi ích hợp pháp trên biển Đông. Tôi kính nể sự tâm huyết và đánh giá cao về hàm lượng trí tuệ thể hiện trong các kiến nghị, khuyến cáo đối với Nhà nước Việt Nam.

Để bớt trùng lặp với những điều đã được đưa ra, trong phần kiến nghị các giải pháp, tôi tập trung vào vấn đề nhận thức với quan niệm: nhận thức là điểm xuất phát, là cơ sở để ứng xử trong gia đình, trong cộng đồng, trong quốc gia và trong quan hệ quốc tế. Mọi giải pháp phải dựa trên nhận thức đúng.

Các giải pháp bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển Đông phải xuất phát từ việc có nhận thức đúng đắn, nhất quán, thống nhất về một số vấn đề lớn sau đây:

a. Nhận thức về thế, lực và vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. Nôm na, trong trời đất này, phải biết mình (Việt Nam) là ai?

Một đất nước mà “Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội”[1] và “tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hoá giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe doạ sự ổn định, phát triển của đất nước”[2] thì không thể nói là nước mạnh, nếu không muốn nói là đang suy.

Quan điểm “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại” là đúng. Nhưng chỉ có dân tộc mạnh, đất nước mạnh mới có thể tiếp nhận, “tiêu hoá” được sức mạnh của thời đại và làm cho sức mạnh dân tộc “cộng hưởng” với sức mạnh thời đại.

Lực của đất nước là yếu.

Thế của đất nước khá chênh vênh. Chênh vênh vì liên tục trong một thời gian dài (vài thập kỷ) chúng ta chưa có nhận thức đúng về xu thế vận động của thế giới đương đại, chưa thiết lập được quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ với các nước lớn, các nước trong khu vực, một cách ổn định, vững chắc.

Việc phải làm, không thể không làm, là khắc phục yếu kém của bộ máy, tha hoá của quan chức, công chức; đồng thời phải đổi mới tư duy về thời đại, về xu thế vận động của thế giới và cấu trúc lại chính sách đối ngoại để nâng cao thế và lực của đất nước.

b. Việt Nam cần có nhận thức đúng âm mưu và ý đồ chiến lược của Trung Quốc.

Từ sau 30.4.1975 đến nay và trong tương lai thấy được, những  người lãnh đạo Trung Quốc đối sử với Việt Nam theo tư tưởng bành trướng, đại Hán, sô vanh nước lớn, họ luôn tìm mọi cách, từ nhiều hướng gây khó khăn cho Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực đối nội, đối ngoại nhằm mục đích kìm hãm sự phát triển của Việt Nam, làm Việt Nam suy yếu phải phụ thuộc vào Trung Quốc, họ cũng rất sợ Việt Nam đi theo Mỹ.

Để đạt được mục tiêu trên, những người lãnh đạo Trung Quốc không từ một thủ đoạn xảo quyệt đê hèn nào đối với Việt Nam, những thủ đoạn bẩn thỉu, đê hèn, xảo trá mà Mỹ, các cường quốc EU và Nhật Bản không sử dụng đối với Việt Nam[3].

Lẽ nào chúng ta vẫn tin vào những lời đường mật của lãnh đạo Trung Quốc: nào là “chúng ta cùng CNXH, cùng do đảng cộng sản lãnh đạo, cùng phải đối phó với diễn biến của Mỹ và các thế lực thù địch, chúng ta phải nhìn ở tầm cao chiến lược”…?!

N.Khoushop đã nói : chỉ những người ngu mới tin lãnh đạo Trung Quốc.

Khoushop nói đúng nhưng chưa đủ. Trên thế giới có 3 loại người tỏ ra tin lãnh đạo Trung Quốc: 1. Những người trí tuệ thiểu năng; 2. Những người không ngu nhưng nhận tiền của Trung Quốc hoặc được Trung Quốc biệt đãi; 3. Những kẻ làm tay sai cho Trung Quốc.

Căn cứ vào hành sử của những người cầm quyền Trung Quốc đối với các nước, nhất là đối với Việt Nam, giới tinh hoa của Hoa Kỳ đã đưa ra những nhận xét đúng đắn, thuyết phục:

“Sau khi từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, Đảng cộng sản (Trung Quốc) đã dùng chủ nghĩa dân tộc làm chất gắn kết Trung Quốc lại … Và khi Trung Quốc tiến bộ về mặt kinh tế, chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc chỉ càng thêm mãnh liệt”[4].

“Một trong những di sản chính của Đặng là cương quyết đưa đất nước đến chủ nghĩa tư bản”[5] và “nói chính xác hơn “CPP” (Đảng CSTQ) có nghĩa là Đảng Tư bản Trung Quốc” (Chinese  Capitalist Party)[6].

Hơn chục năm trước, người Đức cũng đã có nhận xét hết sức đúng đắn: “ Trung Quốc từ nay đã quay trở lại với chủ nghĩa tư bản”[7].

Đảng cầm quyển ở Trung Quốc hiện nay đội lốt là đảng cộng sản để thực hiện đường lối của một đảng dân tộc chủ nghĩa với tư tưởng sô vanh bành trướng đại Hán.

Việt Nam phải tỉnh táo và nhanh chóng thoát ra khỏi cái “lưới cộng sản”, “lưới chủ nghĩa xã hội” mà những người cầm quyền Trung Quốc giăng ra để thâu tóm và khống chế chúng ta.

Lợi ích quốc gia và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam là tối thượng, là trường tồn vĩnh viễn, là “dĩ bất biến”; còn “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” chỉ là “ứng vạn biến” là chính sách trước mắt, mà chính sách này lãnh đạo Trung Quốc cũng không thực hiện. Tuyệt đối không được vì “ứng vạn biến” mà hi sinh “ dĩ bất biến”.

Nếu vì 16 chữ “ứng vạn biến” mà để đất nước mất độc lập và bị nước ngoài xâm phạm chủ quyền, thống nhất , toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thì sẽ có tội với dân tộc và xẽ bị dư luận hiện nay và lịch sử sau lên án.

Mọi người Việt Nam, trước trước hết là những người có trọng trách với đất nước, đang ở trong nước hay sinh sống ở nước ngoài, không được quên di huấn của Lê Thánh Tông:

“Ta phải giữ gìn cho cẩn thận , đừng để ai lấy mất một phần núi, một tấc sông do vua Thái Tổ để lại”

“ Kẻ nào làm mất một tấc đất của Tổ quốc kẻ đó đáng bị chu di tam tộc”.

*   *   *

Tranh chấp biển Đông là vấn đề cực lớn thường xuyên trực tiếp đe doạ đến an nguy và phát triển của đất nước hiện nay và ngày mai.

Theo điều 69 Hiến pháp 1992 (sửa 2001), Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo cho công dân “có quyền được thông tin” kịp thời, đầy đủ, đúng đắn về diễn biến tranh chấp biển Đông. Cơ quan hoạch định và chỉ đạo thực hiện quyết sách quốc gia (chính sách đối nội, chính sách đối ngoại) cần mở hết cỡ cánh cửa đón nhận mọi ý kiến tâm huyết đối với sự thịnh suy, an nguy của đất nước. Bộ Chính trị phải trực tiếp chỉ đạo thực hiện những vấn đề đã được quyết định tại các kỳ Đại hội Đảng: “Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”[8], và “xây dựng các quy chế và biện pháp thực hiện sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Đảng, Nhà nước và cán bộ, Đảng viên”[9].

Đó là cội nguồn sức mạnh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Hà Nội, tháng 8/2012.

GS. Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an.



[1] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội ĐBTQ LT XI. Nxb CTQG, HN, 2011, tr.172 – 173

[2] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội ĐBTQ LT XI. Nxb CTQG, HN, 2011, tr.172 – 173

[3] Trung Quốc cho thương lái sang Việt Nam hướng dẫn người Việt Nam trộn bột đá và bùn vào chè rồi mua giá cao (gấp 3 – 4 lần) đem về Trung Quốc họp báo tố cáo Việt Nam xuất khẩu chè bẩn. Trung Quốc cho thương lái sang Việt Nam mua móng châu, rễ quế, tuồn hàng nhiễm độc sang Việt Nam…

[4] Fareed Zakaria: “Tương lai có thuộc về Trung Quốc?” T/c Newsweak ra tháng 7.2005.

[5] Tạp chí Foreign Affairs số 9 – 10.2005.

[6] Tạp chí Foreign Affairs số 9 – 10.2005.

[7] Báo “Toàn cảnh Phrampluốc” (Đức) 26.8.2002.

[8] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội ĐBTQLT X. Nxb CTQG, HN, 2006, tr.126 và 281.

[9] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội ĐBTQLT X.  Nxb CTQG, HN, 2006, tr.126 và 281.