Từ gần một năm nay tình hình thế giới và Trung Quốc đã thay đổi, đặc biệt gần đây Trung Quốc đối đầu với Mỹ trong rất nhiều vấn đề, phương châm chiến lược “giấu mình chờ thời” một lần nữa trở thành tiêu điểm được dư luận quan tâm. Có người cho rằng giấu mình chờ thời là phương châm chiến lược do Đặng Tiểu Bình đề ra cách đây 20 năm đã lỗi thời, nay cần phải tìm phương châm chính sách mới để thay thế. Thậm chí có người còn quả quyết Chính phủ Trung Quốc có thái độ cứng rắn trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, vấn đề Biển Đông, Hoàng Hải v.v. như vậy cũng giống như không còn “giấu mình chờ thời”. Nếu thế, cần phải xem xét chiến lược “giấu mình chờ thời” như thế nào? Trung Quốc có còn phải “giấu mình chờ thời” nữa hay không? Nếu cần thì phải “giấu mình chờ thời” như thế nào?


Muốn trả lời những câu hỏi nói trên, trước hết phải làm rõ thực chất tinh thần của chiến lược “giấu mình chờ thời” được đề ra từ cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 thế kỷ trước, khi đó 7 nước phương Tây liên minh chế tài Trung Quốc, các nước Đông Âu dồn dập thay cờ đổi hiệu, nền chính trị Liên Xô rối ren cực độ, đang ở vào đêm trước của sự tan rã. Phương Tây cao giọng hò hét “không đánh mà thắng”, “Chủ nghĩa Cộng sản thất bại nặng nề”, “lịch sử kết thúc”, đồng thời có mưu đồ thừa “thắng” tiến công khiến cho xung đột ở Liên Xô và các nước (xã hội chủ nghĩa) Đông Âu nhanh chóng lan ra cả thế giới, thực hiện “tự do dân chủ hóa” khắp hoàn cầu. Trung Quốc lúc đó đứng trước hoàn cảnh “thôi thúc thay đổi chính trị bằng sức ép” nghiêm trọng của phương Tây. Trước tình thế như vậy, một số đồng chí ở trong nước và trong đảng mất phương hướng, có người còn đề xuất Trung Quốc phải nắm giữ ngọn cờ lãnh tụ của phong trào cộng sản quốc tế, thay thế Liên Xô trở thành trung tâm của phong trào cộng sản quốc tế, tiến hành cuộc đấu tranh trực diện với phương Tây. Thậm chí, có người còn chủ trương rằng Trung Quốc phải trở lại đề xướng cuộc đấu tranh giai cấp như là cương lĩnh cơ bản, ít nhất cũng phải coi trọng cả đấu tranh giai cấp và xây dựng kinh tế là “hai nhiệm vụ chiến lược” cùng phải thực hiện đồng thời. Có thể giả định rằng nếu cứ theo hướng đó thì cuối cùng sẽ đi đến kết cục kiểu gì. Trong bối cảnh hệ trọng như vậy, Đặng Tiểu Bình đã đề xuất phương châm chiến lược “giấu mình chờ thời” với ý nghĩa “giấu kín ý thức hệ”, trong bóng tối tạo điều kiện xây dựng kinh tế chờ thời. 


Nhiện vụ quan trọng hàng đầu khi đó là tiếp tục cải cách mở cửa, phát triển kinh tế, nhanh chóng hiện đại hóa, phải giữ quan hệ tốt với thế giới, nhất là với các nước phát triển phương Tây. Nếu gây đối kháng về ý thức hệ, chắc chắn sẽ làm xấu đi quan hệ với phương Tây và xấu đi môi trường bên ngoài đang rất cần thiết để Trung Quốc cải cách mở cửa. Hơn nữa, nếu tiến hành cuộc đấu tranh ý thức hệ với phương Tây trong tình thế ta yếu Tây mạnh, chắc chắn sẽ không thể đi đến được kết quả gì. 


Khi Đặng Tiểu Bình đề ra chiến lược “giấu mình chờ thời”, còn có một số từ ngữ liên quan như “lặng lẽ quan sát, giữ vững trận địa, bình tĩnh ứng phó, giỏi về phòng thủ, quyết không đi đầu”. Muốn lý giải về “giấu mình chờ thời” phải gắn với những từ ngữ nói trên. Với tư cách là một phương châm chiến lược, thực chất của tinh thần “giấu mình chờ thời” là: Tập trung sức lực và trí tuệ thực hiện mục tiêu đã định, nhìn về lợi ích cốt lõi và lâu dài, không để những lợi ích thứ yếu gây rối rắm, ảnh hưởng lợi ích trung tâm, không vì cuộc đấu tranh vì những mục tiêu thứ yếu mà ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu chủ yếu, vì thế Trung Quốc không gây đối đầu về ý thức hệ với phương Tây, giữ tư thế vừa phải, không đi đầu, không tranh bá, không xưng bá trong các công việc quốc tế. Trong tư thế như vậy, Trung Quốc phải có được “một phần kết quả” trong các công việc của thế giới. 


Ở đây, cần phải nhấn mạnh yếu tố “giỏi về phòng thủ”. Yếu tố này là đặt dưới tiền đề “giấu mình chờ thời” nên chỉ có thể giữ ở mức hạn chế, hành động có lựa chọn, không thể hành dộng tùy ý hay hành động một cách toàn diện, tất nhiên như vậy cũng không phải là không có triển vọng. Trong hoàn cảnh “Tây mạnh ta yếu” như vậy, Trung Quốc rất khó có nhiều hành động trên vũ đài quốc tế, hơn nữa xu thế “Tây mạnh ta yếu” lại không phải trong chốc lát, đồng thời tiến trình hiện đại hóa của Trung Quốc cũng lâu dài, vì thế “giấu mình chờ thời” chính là phương châm cần phải thực hiện lâu dài để chỉ đạo chiến lược quốc tế của Trung Quốc . 


Từ 20 năm nay Trung Quốc vẫn luôn giữ phương châm chiến lược “giấu mình chờ thời”. Cần phải nói rằng đó là chủ trương đúng đắn và thành công, nhưng khi thực lực của Trung Quốc tăng lên, lại luôn có người thắc mắc, nghi ngờ chiến lược “giấu mình chờ thời”. Đặc biệt mấy năm gần đây, trong quá trình đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc tỏ ra có hiệu quả, đi đôi với hiện thực đó là so sánh thực lực giữa Trung Quốc với các nước phát triển phương Tây ngày càng rút ngắn, hơn nữa tổng lượng GDP ngày một tăng, đứng thứ hai thế giới. Những thành công này dường như đã cung cấp thêm luận cứ mạnh mẽ cho những người thắc mắc chiến lược giấu mình chờ thời. Đồng thời “Thuyết về mô hình Trung Quốc thách thức một mất một còn với mô hình phương Tây”, “Thuyết cải cách mở cửa đã đến đường cùng” cũng xôn xao khắp chốn. 


Tác giả bài viết cho rằng mặc dù Trung Quốc phát triển thành công lớn, mô hình Trung Quốc cũng rất thành công, khoảng cách thực lực giữa Trung Quốc và phương Tây thu hẹp rõ rệt, nhưng hoàn toàn vẫn chưa đến lúc có thể từ bỏ phương châm chiến lược “giấu mình chờ thời”. Đó là chưa nói đến thực lực của Trung Quốc trên thực tế vẫn còn cách phương Tây rất xa. Cứ lấy ví dụ như nước Mỹ, trong rất nhiều phương diện như kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ, ảnh hưởng quốc tế v.v., Trung Quốc đều có khoảng cách lớn. Chỉ riêng về kinh tế, dù tổng lượng GDP của Trung Quốc đứng thứ hai thế giới nhưng cũng chỉ bằng khoảng 1/3 GDP của Mỹ. 


Về lĩnh vực chính trị, mô hình Trung Quốc thành công được cả thế giới công nhận nhưng không phải tất cả các nước đang phát triển đều muốn học theo. Cách đây không lâu, tác giả bài viết có dịp đi thăm một số nước vùng Caribê, qua đó đã cảm nhận sâu sắc được rằng những nước đó chỉ sẵn sàng hợp tác kinh tế với Trung Quốc chứ không muốn bàn về chính trị. Các nước này đều khẳng định và thỏa mãn với mô hình phát triển và chế độ chính trị mà họ đã và đang áp dụng. Trong các nước đang phát triển tương đối thành công, một số nước tỏ ra thống nhất với phương Tây về ý thức hệ và quan niệm giá trị. 

 

Đương nhiên “giấu mình chờ thời” không phải là bài xích thái độ và tư thế chủ động hơn, tích cực hơn mà Trung Quốc vận dụng với đà thay đổi thực lực và lợi ích đã mở rộng. Trên thực tế, Chính phủ Trung Quốc đang làm như thế nhưng đó là việc hoàn toàn khác với từ bỏ chiến lược “giấu mình chờ thời”. Trung Quốc có thể “có hành động nhiều hơn” hoặc “có hành động tích cực hơn” nhưng không thể từ bỏ “giấu mình chờ thời” như một tiền đề lớn./. 


Nguồn : Hoàn Cầu; TTXVN