Phát hiện lớn về địa lý và văn minh biển 



 

Mác và Ăng ghen từng nói, lịch sử xã hội loài người đã trải qua “sự biến đổi từ lịch sử sang lịch sử thế giới”. Bắt đầu từ khoảng năm 1500, lịch sử loài người biến đổi từ tình trạng phát triển phân tán trước đây sang phát triển tổng thể, “lịch sử cũng ngày càng trở thành lịch sử thế giới”. Quá trình này khởi đầu từ khoảng năm 1500 khi Châu Âu bắt đầu chinh phục, tìm tòi, phát hiện thế giới. Hoàn thành cục diện lớn này, thế giới đã trải qua gần 500 năm. Đến giao thời thế kỷ 19 - 20, thế giới cuối cùng đã trở thành một chỉnh thể không thể tách rời. Đối với tác giả, phát hiện lớn về địa lý không chỉ là công việc của thế hệ các nhà hàng hải như Christopher Colombus và Magellan, mà còn là quá trình lịch sử liên tục dài gần 500 năm. Trong thời kỳ lịch sử dài như vậy, con người cuối cùng đã hoàn thành quá trình phát hiện biển, đồng thời làm cho biển trở thành chiếc cầu nối liền các lục địa và hoàn thành việc phát hiện tất cả các lục địa. 

 


Đương nhiên, “phát hiện” là khái niệm của người Phương Tây. Trên thực tế, đại lục có người sinh sống vốn dĩ không tồn tại vấn đề phát hiện. Nơi ấy vốn đã có người sinh sống, trong đó có những đại lục trong lịch sử mấy nghìn năm đã sáng tạo ra nền văn minh hết sức xán lạn, hoàn toàn không cần “phát hiện” lần nữa. Bản thân từ “phát hiện” đã mang đậm mầu sắc thực dân. Nhưng rốt cuộc thế giới Phương Tây đã dùng thời gian trên dưới 500 năm, phát hiện toàn bộ các vùng biển, eo biển, đảo, bán đảo, tiểu lục địa và các tuyến hàng hải quốc tế trọng yếu trên thế giới, đặt tên xong xuôi, khai thông các tuyến hàng hải định kỳ, làm cho trái đất thật sự biến thành một chỉnh thể, và đã vẽ được bản đồ thế giới hoàn chỉnh. 


 

Tham gia toàn bộ tiến trình lịch sử vĩ đại đó là các quốc gia Phương Tây. Ngay cả nước Đức và nước Nga mang đặc trưng lục địa cũng đều có những đóng góp của mình trong việc phát hiện vùng biển Phương Bắc gần Bắc Cực. Nước cuối cùng tham gia tiến trình này là Nhật Bản, họ cũng đã góp phần phát hiện vùng biển phía Bắc của Tây Thái Bình Dương. Đương nhiên, sự phát hiện này đều mang đậm mầu sắc Phương Tây và mầu sắc chủ nghĩa thực dân, mà cho đến tận ngày nay cũng chưa hoàn toàn xóa bỏ được dấu tích lịch sử đó. Tuy nhiên, trong 100 năm qua, đặc biệt là 60 năm gần đây, cộng đồng quốc tế đã làm không ít việc để làm phai nhạt màu sắc đó, như sửa đổi một số địa danh mang đậm màu sắc thực dân, chẳng hạn đổi quần đảo Đông Ấn Độ thành quần đảo Inđônêxia, đổi bán đảo Đông Dương thành bán đảo Trung Nam... Nhưng khi mở bản đồ thế giới ra chúng ta vẫn có thể thấy khắp nơi một số địa danh đặt theo tên người vẫn tiếp tục được sử dụng, như tên một số thành viên Vương thất hoặc các nhà thám hiểm. Những dấu tích lịch sử đó cho thấy, hệ thống biển và trật tự biển quốc tế hiện nay do Phương Tây chủ đạo, ngoài việc Nhật Bản tham gia ở một chừng mực nhất định, những quốc gia ngoài phương Tây, kể cả Trung Quốc đều chưa tích cực tham gia tiến trình này. 


 

Đương nhiên, chỉ phát hiện biển, phát hiện đại lục mới, không phải là toàn bộ vấn đề. Điều quan trọng hơn là thiết lập mậu dịch trên biển và xây dựng cường quyền quân sự trên biển. Thiết lập tuyến hàng hải định kỳ trên biển, cũng chính là triển khai toàn diện mậu dịch trên biển, đánh dấu bước tiến lớn của văn minh vật chất. Quá trình đó đã trải qua hai giai đoạn phát triển: giai đoạn máy hơi nước và giai đoạn động cơ đốt trong. Hai hình thức văn minh công nghiệp mới này lại tạo điều kiện vật chất để xây dựng bá quyền quân sự trên biển. Thông qua mậu dịch và bá quyền quân sự trên biển, toàn bộ thế giới đã được liên kết hoàn chỉnh với nhau, mối liên kết này đã xây dựng nên cục diện quốc tế do Phương Tây chủ đạo cho đến nay vẫn có hiệu lực. Cũng có nghĩa là thế giới ngày nay vẫn là thế giới do văn minh biển chi phối, hơn nữa trong tương lai gần mô hình cơ bản này cũng không có thay đổi lớn. Ngoài ra, một số sự vật xuất hiện sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc khiến cục diện này càng được tăng cường: một là vũ khí hạt nhân, nó làm cho quốc gia biển theo ý nghĩa truyền thống đã rút lui khỏi cuộc cạnh tranh nước lớn thế giới, khiến điều kiện để trở thành nước lớn hàng đầu thế giới càng khắc nghiệt hơn. Hai là kỹ thuật điện tử và thế giới mạng ngày nay. Ba là việc chấn chỉnh và hoàn thiện hệ thống tài chính thế giới cùng hệ thống thương mại thế giới kiện toàn do WTO là đại diện. 

 

Cũng có người đặt câu hỏi: sự xuất hiện của một số sự vật mới đó liệu có tạo ra những thách thức đối với văn minh biển chi phối thế giới? Không hẳn là như vậy. Trong thế giới ngày nay, cường quyền quân sự và cường quyền chính trị càng dựa nhiều hơn vào sức mạnh điều động chiến lược. Mà một số ít nước lớn đang dựa vào ưu thế quân sự tổng hợp, như bầu trời trên biển, đáy biển, khoảng không vũ trụ và lục địa, đã nắm vững khả năng điều động chiến lược siêu mạnh, từ đó nâng cao hơn nữa xác suất giành chiến thắng trong chiến tranh cục bộ. Giống như vậy, buôn bán giữa các nước hiện nay cũng dựa vào biển nhiều hơn. 

 

Trung Quốc có phải là quốc gia biển? 



Câu hỏi đầu tiên là Trung Quốc có phải là quốc gia biển? Tính chất đặc trưng văn minh của Trung Quốc là gì? Trung Quốc có động cơ lịch sử và xung động lịch sử trong việc mở rộng, khai thác và phát triển trên biển hay không? Câu trả lời là không. Thứ hai, Trung Quốc có lợi ích hiện thực trên biển hay không? Về điều này , câu trả lời là có, nhưng ở mức giới hạn. Lợi ích hiện nay củaTrung Quốc là bảo vệ lãnh thổ biển và lợi ích biển của mình, chia sẻ lợi ích chung đối với vùng biển quốc tế, mở rộng và hiện đại hoá sức mạnh thương mại và sức mạnh quân sự trên biển. 


 

Hiện nay mọi người có đôi chút mù quáng khi thảo luận một số vấn đề như việc mở rộng lực lượng hải quân. Làm cho lực lượng hải quân Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, điều đó không có vấn đề gì về lôgíc và động cơ căn bản. Trung Quốc đang phát triển và ngày càng len chân vào câu lạc bộ nước lớn, mặc dù vấn đề Trung Quốc có phải là cường quốc hàng đầu thế giới hay không còn có những đánh giá khác nhau, song chí ít tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, khu vực Đông Á, Trung Quốc chắc chắn là một thế lực rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu so với các nước lớn khác, người ta vẫn dễ dàng nhận ra chỗ yếu của Trung Quốc. Chưa có tàu sân bay không phải là đặc trưng quan trọng nhất, lãnh thổ không toàn vẹn mới là điều nhức nhối nhất của Trung Quốc. Trong các nước lớn trên thế giới hiện nay, chỉ có Trung Quốc vẫn tồn tại vấn đề toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ vô cùng nặng nề. Trên đất liền, Trung Quốc đã hoàn thành phân định biên giới với một số nước như Nga, Việt Nam.v.v., vấn đề lớn nhất hiện nay là biên giới Trung - Ấn vẫn chưa được phân định, lãnh thổ biển tại Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) vẫn tồn tại những tranh chấp nghiêm trọng, và một phần đáng kể biển Hoa Đông cũng tồn tại tranh chấp. Ngoài ra, Trung Quốc còn có vấn đề thống nhất hai bờ Eo biển Đài Loan. Tôi cho rằng mục tiêu chiến lược của Trung Quốc hiện nay trước hết là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, chứ không phải là toàn tâm toàn ý muốn vươn ra ngoài, vươn thật xa. 

 

Trong thời đại toàn cầu hoá, phương thức tư duy tranh bá của các nước lớn truyền thống đã lỗi thời. Trong thế kỷ 19, để bảo vệ hoạt động thương mại toàn cầu của mình, Anh đã xây dựng hạm đội toàn cầu Đại Anh Quốc. Nhưng thế giới ngày nay ngày càng coi trọng sự cân bằng và phối hợp giữa các nước lớn. Chỉ cần giữa các nước lớn không xảy ra chiến tranh và xung đột quân sự, lợi ích giữa các bên sẽ có thể đồng thời được bảo vệ. Vì vậy, các nước đồng minh Phương Tây do Mỹ cầm đầu, một mặt biểu hiện một cục diện chính trị đã định sẵn sau chiến tranh, phát triển từ Chiến tranh Lạnh và hình thành trong thời kỳ đối kháng hai cực, hoặc quan hệ đồng minh, mặt khác sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, cục diện chính trị này phần lớn bày tỏ đòi hỏi về an ninh tập thể. Ví dụ mức độ dựa vào biển của Nhật Bản rất lớn, nhưng Nhật Bản ngày nay không cần xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh nữa, vì Liên minh Mỹ - Nhật và các nước đồng minh Phương Tây đang bảo vệ tổng thể an ninh các tuyến đường trên biển. Trung Quốc cũng vậy. Với thị phần và dấu chân các đội tàu hàng của Trung Quốc trong thương mại thế giới hiện nay, nếu theo phương thức tư duy truyền thống, Trung Quốc không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc xây dựng một lực lượng hải quân toàn cầu, cũng giống như hạm đội toàn cầu của Anh trong thế kỷ 19, tranh bá với các nước lớn trong phạm vi thế giới, phân chia phạm vi ảnh hưởng trên biển. Nhưng trên thực tế là không thể, về mặt chiến lược cũng hết sức nguy hiểm. Vì vậy, thiết kế chiến lược biển của Trung Quốc, thứ nhất phải cụ thể. Việc Trung Quốc cần làm đầu tiên là bảo vệ lãnh hải và sự toàn vẹn chủ quyền, tiếp đó mới là từng bước ổn định cục diện khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và khu vực Đông-Tây Thái Bình Dương, hơn nữa có những đóng góp cho hoà bình và an ninh toàn thế giới. Thứ hai, điều quan trọng hơn có lẽ còn phải có phương thức tư duy của thế kỷ mới, tức thông qua phối hợp cân bằng quan hệ nước lớn, hoặc cặp quan hệ song phương quan trọng nhất để tìm kiếm môi trường an ninh bên ngoài lớn nhất, có những đóng góp cho toàn bộ cục diện quốc tế và sự ổn định an ninh quốc tế. 


 

Về căn bản, tính chất đặc trưng của văn minh Trung Hoa không phải là văn minh biển, nó không có động lực lịch sử bành trướng vũ lực và mở rộng trên phạm vi trên toàn cầu. Nhưng Trung Quốc ngày nay cần gánh vác trách nhiệm trên hai ý nghĩa: thứ nhất là một thành viên quan trọng trong cộng đồng quốc tế, có quyền phân chia tài nguyên và các quyền lợi khác trên vùng biển quốc tế, đồng thời cũng cần gánh vác trách nhiệm và nghĩa vụ; thứ hai, là một nước lớn, Trung Quốc có nghĩa vụ trở thành người bảo vệ an ninh trên biển thế giới, đồng thời tích cực tham gia xây dựng các quy chế và quy tắc biển quốc tế; thúc đẩy phát triển năng lực tổng hợp về tàu thuyền, bao gồm kỹ thuật quân sự liên quan, kỹ thuật tàu thuyền trên biển, thậm chí cả kỹ thuật không gian. 


 

Quốc gia biển hoàn toàn không lấy độ dài của đường bờ biển làm tiêu chuẩn 



 

Bao năm qua Trung Quốc có một sai lầm trong nhận thức về quốc gia biển, tức lấy độ dài của bờ biển đất nước làm tiêu chuẩn. Nhận thức này là không đúng. Lấy nước Đức và Nga làm ví dụ. Đường bờ biển của hai nước này đều rất dài, đặc biệt là Nga. Trong thời kỳ lịch sử tương đối dài trước đây, hai nước đều có khả năng kiểm soát rất mạnh đối với vùng Biển Bắc của đại lục Âu Á mà họ từng đối mặt, như Nga kiểm soát Biển Đen, Biển Bantíc, Đức kiểm soát Biển Bắc. Nhưng hình mẫu văn minh của hai nước này vẫn là tính lục địa, vượt xa tính biển. Cụ thể có hai nguyên nhân sau. Một là, cho đến nay, quân chủng hàng đầu của quân đội hai nước này đều là lục quân, mà một đặc trưng lớn của cường quốc biển là quân chủng hàng đầu phải là hải quân. Trong số các nước như Anh, Mỹ.v.v. khi nói tới gia nhập quân đội, đầu tiên mọi người đều chọn hải quân. Người Mỹ cho rằng lực lượng lính thuỷ đánh bộ của mình là tuyệt vời. Hoàng tử nước Anh đi quân dịch cũng theo Hải quân Hoàng gia Anh. Thứ hai, trong thời gian một trăm năm qua thậm chí dài hơn thế, Đức và Nga đều có tìm cách vượt ra khỏi vùng biển gần, tham gia cuộc cạnh tranh biển toàn cầu, nhưng đều thất bại. Như nước Đức, trong hai cuộc đại chiến thế giới đều muốn vượt ra khỏi Biển Bắc, trong Chiến thế giới thứ I chạm trán với hạm đội của Anh, trong Chiến thế giới thứ II tranh giành với Mỹ, cả hai lần đều thất bại. Thất bại trên biển cuối cùng đã dẫn tới thất bại trên đất liền. Từ thời Nga Sa hoàng, Nga tranh giành cửa đi ra Biển Bắc và Biển Đen, đầu thế kỷ 20 lại triển khai tranh giành vùng biển Viễn Đông nhằm tiến xuống phía Nam tìm kiếm những cảng không đóng băng, hành động này đã dẫn tới cuộc chiến tranh Nhật - Nga. Thập niên 70 thế kỷ 20, Nga cũng giành giật bá quyền trên biển với Mỹ trên phạm vi toàn cầu, cuối cùng tất cả đều thất bại. Về nguyên nhân, tôi cho rằng không phải do kỹ thuật, cũng không phải do GDP của hai nước này khi đó không đủ mạnh, càng không phải do năng lực đóng tàu không tiên tiến, mà do nguyên nhân văn hoá và lịch sử. 


 

Nhìn ngược lại có thể thấy rằng,  Trung Quốc là quốc gia có đường bờ biển kéo dài, nhưng đặc trưng văn hoá và đặc trưng văn minh tổng thể của Trung Quốc là hoàng thổ, là đất liền. Cho dù trong bối cảnh giao thông hiện đại tương đối phát triển, Trung Quốc vẫn mang tính khép kín tương đối đặc biệt. Ngoài ra, điều cần nhấn mạnh là một quốc gia, hoàn toàn không phải cứ đối diện với biển liền được coi là quốc gia biển, mà còn phải có một môi trường mở cửa. Ví dụ Ấn Độ nằm ở tiểu lục địa Nam Á, ba mặt được bao bọc bởi Ấn Độ Dương, đại dương này dường như trở thành nội hải của Ấn Độ. Thực tế đó đã quyết định tính khép kín tương đối của Ấn Độ, một khi có việc, trước tiên nước này sẽ chạy ra Ấn Độ Dương. Trung Quốc cũng trong tình trạng giống như vậy, phía Bắc biển Java, phía Đông eo biển Malắcca, phía Tây chuỗi đảo thứ nhất, vùng biển phía Nam Hoa lục bị khoá chặt bởi eo biển Malắcca, các quần đảo và bán đảo Đông Á, nó vừa là lá chắn an ninh, vừa trở thành yết hầu ra vào của Trung Quốc. 


 

Nhìn lại lịch sử,Trung Quốc từ xưa đến nay chưa từng có lịch sử chinh phục và mở rộng ra bên ngoài. Có người cho rằng chuyến đi ra biển Tây Dương của Trịnh Hòa là một lần khai phá, mở rộng ra bên ngoài. Điều này là không đúng vì đó chỉ là một dạng hành vi lôi kéo, vỗ về các nước chư hầu. Hiện nay, nhìn nhận về chuyến đi ra biển Tây Dương của Trịnh Hòa vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Chỉ cần làm một so sánh đơn giản giữa chuyến đi này với phát hiện lớn về địa lý của Phương Tây sau đó, thì có thể phát hiện hai việc hoàn toàn khác nhau. Thuyền của Trịnh Hòa rất lớn, nhưng không đi xa bờ, trong khi thuyền của người Châu Âu (như người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha) thời kỳ đầu mặc dù không lớn, nhưng lại có thể vượt đại dương. Ngoài ra, việc đi biển không chỉ dựa vào sự phát triển của kỹ thuật đóng tàu và kỹ thuật hàng hải, mà còn có sự phát triển về kỹ thuật thiên văn, thuỷ văn và khí tượng, là một lĩnh vực khoa học tổng hợp. Người Trung Quốc vì sao không tham gia? Hoàn toàn không phải do người Trung Quốc không thông minh, càng không phải do kỹ thuật đóng tàu của ta lạc hậu, mà do Trung Quốc không có nhu cầu và động lực nội tại. Nhìn từ lịch sử Trung Quốc, tính chất đặc trưng của văn minh Trung Hoa chính là đất liền, biển không có ý nghĩa mà chỉ là bức bình phòng che chắn. Vì vậy, từ xưa đến nay chúng ta hình thành khái niệm địa lý “coi thường vùng ven bờ lục địa”, phía Đông tới biển lớn đã là tận cùng của lãnh thổ, hoàn toàn không có khái niệm biển. Điều ngày nay chúng ta nhìn thấy là thành công của Vasco da Gama , Magellan và Chiristopher Colombus, nhưng trên thực tế, trong quá trình phát hiện lớn về địa lý kéo dài mấy trăm năm đó, có vô số người trở về tay không, vô số người vùi thây dưới đáy biển, nhưng chính nhờ tinh thần bất khuất của lớp người này đến lớp người khác, người sau tiếp bước người trước, mới đem lại phát hiện lớn cuối cùng về toàn bộ thế giới. 

 

Cuối thế kỷ 19, hai vị đại thần triều Thanh là Tả Tông Đường và Lý Hồng Chương đã có cuộc tranh luận kéo dài 20 năm về phòng thủ đất liền hay phòng thủ trên biển. Trong khi Tả Tông Đường bình định Tân Cương, Lý Hồng Chương đã xây dựng một hạm đội mạnh nhất khu vực Châu Á khi đó - Hạm đội Bắc Dương. Tuy nhiên, trong ván cờ chính trị cuối cùng, quan niệm phòng vệ trên đất liền đã chiếm thế thượng phong, chiến thắng phái phòng vệ trên biển. Hạm đội Bắc Dương đã bị thất bại trong cuộc đọ sức với Hạm đội Nhật Bản - hạm đội đứng hàng thứ hai ở Châu Á. Quan sát chi tiết cuộc chiến tranh Giáp Ngọ, có thể thấy rằng nguyên nhân thất bại không phải là quân sự mà là chính trị và ngoại giao. Hải quân hùng mạnh cuối triều Thanh hoàn toàn chưa thể hiện được quyền lực biển mạnh, đó là do Chính phủ cuối triều Thanh mục nát gây ra, không thể quy tội cho hải quân. Lục quân Nhật Bản đổ bộ lên bờ, phá huỷ tàu thuyền chủ yếu của Hạm đội Bắc Dương, chiếm lĩnh pháo đài các nơi. Xuất hiện tình hình đó dĩ nhiên có liên quan tới tình hình quốc tế mà Trung Quốc cận đại từng đối mặt, nhưng nếu nhìn từ góc độ lịch sử, còn là do quan niệm cố thủ đất liền. Từ sau năm 1840, hầu như những cuộc xâm lược của Phương Tây đối với Trung Quốc đều đến từ biển, tuy nhiên, Trung Quốc vẫn coi trọng đất liền và không coi trọng biển. 

 

Khuynh hướng văn hoá tổng thể và tình thế chiến lược của Trung Quốc là hướng nội, có thể coi đây là một dạng động lực nội tại của văn hoá lịch sử Trung Hoa. Vị trí của một nước và vai trò của nước đó trên vũ đài thế giới, trên ý nghĩa nào đó là đã định. Trong không gian khép kín của lịch sử, Trung Quốc là anh cả tại khu vực Đông Á, xung quanh là man di, phụ thuộc; trong thế giới mở cửa, vai diễn của Trung Quốc cũng là đã định, Trung Quốc luôn là lực lượng duy trì hoà bình của cộng đồng quốc tế, mà không phải lực lượng phá hoại. Bước thứ nhất trong mục tiêu phát triển của Hải quân Trung Quốc là bảo vệ hữu hiệu lãnh thổ biển, bảo vệ chủ quyền của mình. Trong tranh chấp quốc tế, sức mạnh vẫn là vô cùng quan trọng. Đi ra khỏi đất nước là đọ sức với các nước lớn, còn đứng trước cửa ngõ nhà mình thì cần dựa vào sức mạnh. Giống như Ấn Độ tại Ấn Độ Dương, không một quốc gia nào dám đối kháng họ./. 


 

Bài đăng trên Tạp chí “Ngoại giao Trung Quốc”, 2009