Hỏi : “Giấu mình chờ thời” là đặc điểm lớn nhất của phương châm ngoại giao Trung Quốc lâu nay. Cùng với sự thay đổi của tình hình quốc tế, phương châm ngoại giao Trung Quốc cũng có sự điều chỉnh theo. Ông cho rằng hiện nay phương châm ngoại giao Trung Quốc có đặc điểm gì?

 

Trả lời:

- Ông Lưu Học Thành, Phó Chủ nhiệm thường trực Trung tâm nghiên cứu quan hệ Trung - Mỹ, Sở nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng: Từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, “giấu mình chờ thời và làm nên công trạng” là phương châm ngoại giao mà Trung Quốc luôn kiên trì. Phương châm này vẫn cần tiếp tục kiên trì trong một thời kỳ tương đối dài từ nay về sau. Mối quan hệ biện chứng giữa hòa bình và phát triển đòi hỏi ngoại giao Trung Quốc không cường quyền xưng bá, không thực hiện chính trị tập đoàn, vứt bỏ tư duy chiến tranh Lạnh “Zero Sum”, dốc sức cho hợp tác đa phương và cùng có lợi, cùng thắng. Giới truyền thông nước ngoài xuyên tạc lập trường rõ ràng mà Chính phủ Trung Quốc kiên định, xuyên tạc các hành động quyết đoán mà Chính phủ Trung Quốc áp dụng trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, bảo vệ lợi ích cốt lõi và quyền lợi phát triển quốc gia, cho rằng đó là “ngạo mạn”, “phản ứng quá đáng” và “ức hiếp người”. Đây là sự xuyên tạc hoang đường đối với ngoại giao Trung Quốc. Do đó, phương châm ngoại giao “giấu mình chờ thời, làm nên công trạng” là phương châm “hòa bình, phát triển và hợp tác”, là kiên trì phương châm “5 nguyên tắc chung sống hòa bình”, là phương châm “người không động đến ta, ta không động đến người, nếu người phạm đến ta, ta tất phải phạm đến người”.

 

- Ông Thẩm Ký Như, nghiên cứu viên Sở nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới Viện KHXH Trung Quốc nói rằng: “Giấu mình chờ thời” và “Làm nên công trạng” là có quan hệ với nhau. Trước kia, chúng ta nói cần “xây dựng trật tự chính trị, kinh tế thế giới mới”, hiện nay chúng ta nói rằng cần cùng với các nước nỗ lực, “đưa trật tự quốc tế phát triển theo hướng công bằng, hợp lý”. Tại Hội nghị ngoại giao Trung Quốc lần thứ 10, CT Hồ Cẩm Đào đưa ra “4 bố cục” của ngoại giao Trung Quốc, tức “nước lớn là then chốt, xung quanh là quan trọng đầu tiên, các nước đang phát triển là cơ sở, đa phương là vũ đài quan trọng”. Trong phát biểu, CT Hồ Cẩm Đào lần đầu tiên đưa ra “lĩnh vực ngoại giao” một cách rõ ràng, tức nhắm vào các vấn đề và lĩnh vực mang tính toàn cầu tạo ra do toàn cầu hóa, như an ninh tiền tệ, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, tích cực tham gia vào hợp tác đa phương và quản lý toàn cầu, không ngừng tăng cường quyền phát ngôn của Trung Quốc. Những chủ trương mới, biện pháp mới và chính sách mới này đều là sự vận dụng và phát triển đầy đủ của phương châm “giấu mình chờ thời, làm nên công trạng” trong tình hình mới.

 

Hỏi: Quan hệ giữa Trung Quốc với các nước xung quanh không thể xem nhẹ. Để trở thành một cộng đồng chung hữu nghị hợp tác cùng có lợi cùng thắng với các nước xung quanh, Trung Quốc cần chú ý những gì?

 

Trả lời:

- Thẩm Ký Như: Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, Việt Nam, Philipine, Malayxia, đặc biệt là Nhật Bản, không những coi đảo Điếu Ngư với những chứng cứ rõ ràng thuộc về Trung Quốc là lãnh thổ của mình, mà còn khuyếch trương các loại “thuyết đe dọa từ Trung Quốc”, mưu đồ lợi dụng Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Một số nước ASEAN hy vọng mời Mỹ vào Biển Đông nhằm “phòng ngừa Trung Quốc”, giúp họ chiếm hữu các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Do vậy, Trung Quốc cần cùng với các nước xung quanh hình thành chỗ dựa chiến lược địa duyên của nhau, điều này đòi hỏi sự nỗ lực gian khổ của cả hai bên. Chính sách mục lân, thiện lân, phú lân của Trung Quốc đã cho thấy rõ thành ý và nhẫn nại của Trung Quốc. Nếu các nước xung quanh vẫn còn lo lắng Trung Quốc xâm phạm lợi ích của họ mà lôi kéo các nước khác vào, thì người chịu thiệt thòi vẫn chính là bản thân các nước đó.

 

- Lý Quần Anh, Chủ nhiệm khoa chính trị quốc tế Đại học Chính pháp Trung Quốc: Gần đây, do nhiều nguyên nhân, mức độ coi trọng của Trung Quốc đối với các nước xung quanh đang xuống thấp, cọ sát và mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các nước xung quanh không ngừng xuất hiện, dường như đồng thời quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á rơi vào cục diện không tốt, quan hệ Trung-Ấn cũng không có gì đột biến lớn, ngay cả trọng điểm ngoại giao của Nga cũng bắt đầu chuyển sang phương Tây từ năm 2010, điều này đã tạo điều kiện cho Mỹ tham gia vào công việc của các nước xung quanh Trung Quốc. Trung Quốc cần phải coi trọng các nước xung quanh, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các nước xung quanh, tránh việc Mỹ can dự vào công việc của khu vực.

 

Hỏi: Trong phạm vi thế giới, tầm quan trọng của quan hệ giữa các nước lớn là rõ ràng và dễ nhận thấy, để tạo ra một môi trường quốc tế có lợi cho mình, Trung Quốc cần phải chú ý những gì trong xử lý mối quan hệ với các nước lớn khác?

 

Trả lời:

- Ngô Hồng Anh, Trưởng Phòng nghiên cứu Mỹ Latinh Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc cho rằng: Trung Quốc là nước lớn mới nổi, quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ, Âu, Nhật, Nga chặt chẽ chưa từng có, lợi ích giao thoa chưa từng có, bất đồng cọ sát cũng ngày càng phức tạp. Quan hệ giữa Trung Quốc với các nước lớn khác đang trải qua sự điều chỉnh và cọ sát chưa từng có. Cùng với “sự trưởng thành ban đầu” của Trung Quốc, một mặt, các nước lớn phương Tây yêu cầu Trung Quốc gánh vác trách nhiệm “G2”; mặt khác trong hệ thống quyết sách thế giới Trung Quốc đôi lúc cũng bị coi là “thằng bồi”, thậm chí có khi còn ảnh hưởng đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Trung Quốc và các nước lớn khác cần nhìn nhận nhau bằng ánh mắt phát triển, cùng tìm cách thích nghi, tìm kiếm con đường chung sống mới, mở rộng lợi ích chung, thực hiện cùng tiến bộ.

 

- Lưu Học Thành: Các nước lớn phát triển tiếp tục duy trì địa vị ưu thế của họ trong chính trị kinh tế thế giới, các nước lớn mới nổi đang phát triển với tốc độ nhanh bằng khí thế không thể ngăn cản, đang thay đổi cục diện và so sánh lực lượng thế giới hiện hành. Trong bối cảnh đó đã xuất hiện cục diện lực lượng 3 chiều, đó là các nước phát triển sắp trở thành nước lớn, nước lớn đang trỗi dậy và tập đoàn khu vực đang hình thành. Do vậy, những vận dụng thành công của ngoại giao Trung Quốc cần phải cân bằng với 3 lực lượng này. Trung Quốc vừa cần phải phát triển và duy trì quan hệ ổn định và mang tính xây dựng với các nước phát triển sắp trở thành nước lớn, vừa cần phải tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước lớn đang phát triển khác, còn cần phải nhận thức được mối quan hệ giữa tập đoàn khu vực với hai loại nước lớn trên./.

Theo Nhân dân

Hoàng Loan ( cộng tác viên tại Trung Quốc)

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)