Tàu Coconut Princess chuyên chở khách du lịch Tam Á, Hải Nam, ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Xinhua

 

Chính sách “tằm ăn dâu”

Tàu Trung Quốc mang tên Coconut Princess đã khởi hành lúc 16.30, mở đầu chuyến du lịch 4 ngày 3 đêm tới các đảo nhóm Lưỡi Liềm, mang theo hơn 200 hành khách. Tân Hoa Xã đưa ra nhận định rằng chương trình này sẽ giúp giảm thiểu các “chuyến đi trái phép và tiềm tàng nguy hiểm” tại vùng biển này.[1] Tuy nhiên, đây không chỉ là hoạt động mang ý nghĩa kinh tế thuần túy như báo đài nước này đăng tải.

Trước đó không lâu, ngày 15/7, công ty cổ phần dịch vụ mỏ dầu Trung Hải của Trung Quốc cho biết giàn khoan Hải Dương-981 đã “hoàn thành tác nghiệp” và rút khỏi vùng biển gần đảo Tri Tôn, thuộc Hoàng Sa sau hơn 2 tháng hoạt động.[2] Ngày 23/7, truyền thông nước này đưa tin hoạt động nạo vét kênh quanh đảo Duy Mộng (Hoàng Sa) nhằm cải thiện “điều kiện sống cho người dân trên đảo” đã được tiến hành.[3] Trong tháng 6, chính quyền “Tam Sa” cũng đã đầu tư khoảng 5.7 triệu USD để khởi công xây dựng trường học Vĩnh Hưng trên đảo Phú Lâm.[4] Đặt trong bối cảnh này, chuyến tàu du lịch có thể được xem như một động thái đơn phương nữa từ phía Trung Quốc nhằm đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền (phi pháp) bằng các biện pháp dân sự.

Sahnnon Tiezzi của tờ The Diplomat cũng nhận định Trung Quốc có thể củng cố kiểm soát hành chính bất hợp pháp của mình trên đảo Hoàng Sa nhờ việc đưa một số lượng lớn người dân ra các đảo mà không cần xây dựng cơ sở hạ tầng đủ lớn để cư trú. Các hành khách lên tàu được yêu cầu có hộ chiếu TQ lục địa và hầu hết được cho là các quan chức chính phủ chứ không phải khách du lịch thông thường.[5] Tàu du lịch này cũng có thể được sử dụng để tuần tra khu vực tranh chấp mà không cần viện tới tàu quân sự. Đây cũng là biện pháp được TQ ưa chuộng trong thời gian gần đây: sử dụng các tàu dân sự để thực hiện các mục đích chính trị, vừa thuận tiện vừa tránh mang tiếng.

Cũng cần chú ý rằng hoạt động du lịch này đã được tính toán từ lâu. Thông tin về hoạt động đã được Nhân dân Nhật báo đăng tải từ cuối Tháng 8. Đáng nói hơn, báo cũng đưa tin trước về hai chuyến du lịch tương tự vào ngày 13 và 27/9. TQ đã tuyên bố từ năm 2009 rằng Hải Nam, bao gồm Hoàng Sa, sẽ được khai thác để trở thành một điểm đến du lịch.[6] Năm 2012, sau một chuyến đi ngắn của tàu CP tới Hoàng Sa, Huang Peng, quan chức tại đảo Hải Nam, đã tuyên bố với Tân Hoa Xã rằng tỉnh sẽ cho xây dựng “những chiếc tàu lớn hơn” đem đến dịch vụ du lịch chất lượng tốt nhất bởi du lịch chính là “lời tuyên bố chủ quyền tại đảo.”[7] Năm 2013, tại Diễn đàn Bác Ngao, Phó tỉnh trưởng Hải Nam cũng nêu ra kế hoạch đóng thêm tàu để phát triển du lịch tại Tam Sa.[8]

Ảnh hưởng tới quan hệ trong khu vực

Chương trình du lịch được đưa ra ngay sau khi Việt Nam và Trung Quốc vừa đạt được ba nguyên tắc chỉ đạo phát triển quan hệ Việt – Trung trong chuyến thăm TQ của Đặc phái viên Tổng bí thư Lê Hồng Anh (27/8), trong đó khẳng định hai nước sẽ tuân thủ “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển” cũng như “không có hành động làm phức tạp” tranh chấp Biển Đông.[9] Trước đó, tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN được tổ chức tại Nay Pyi Taw, Myanmar, Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc đã tuyên bố Bắc Kinh đang chờ đợi việc ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), mong muốn COC sẽ ngăn chặn sự leo thang căng thẳng ở vùng biển này – một tín hiệu được cho là đáng mừng để giải quyết tranh chấp. Như vậy, sự mâu thuẫn giữa cam kết tại các diễn đàn song và đa phương và hành động trên thực tế của TQ không chỉ có nguy cơ làm tổn hại nỗ lực khôi phục quan hệ Việt – Trung sau sự việc giàn khoan mà còn khiến cộng đồng quốc tế không thể không đặt dấu hỏi trước thiện chí và thực tâm của nước này trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Nhìn rộng hơn, hành động của TQ còn có thể có tác động trái chiều tới chính các nỗ lực của nước này nhằm mở rộng ảnh hưởng, gia tăng sức mạnh mềm thông qua các sáng kiến đa phương khu vực nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ và phương Tây. Trong năm 2014, TQ đã chính thức đưa ra ý tưởng về việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) với TQ đóng vai trò chủ đạo, kêu gọi các nước Châu Á tham gia và đóng góp tài chính. Bên cạnh đó, TQ cũng đang thúc đẩy Con đường Tơ lụa trên biển – sáng kiến được Tập Cận Bình đưa ra nhằm thúc đẩy thương mại giữa các nước trong tuyến đường nối TQ với Ấn Độ thông qua Malacca và Biển Đông, đồng thời xây dựng lòng tin và giảm thiểu căng thẳng khu vực về tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, các sáng kiến của TQ, cho đến thời điểm này, còn vấp phải nhiều nghi ngại từ các quốc gia khác. Chính các hành động như mở chuyến du lịch Hoàng Sa lại càng khiến các nước láng giềng nghi ngại, liệu con đường tơ lụa trên biển có giúp xây dựng lòng tin, giúp phục vụ lợi ích chung các nước trong khu vực, hay số các chuyến du lịch (trái phép) như vậy sẽ ngày một tăng lên?

Một điều chắc chắn rằng, các chuyến du lịch như vậy sẽ khiến các nước tiếp tục quan ngại sâu sắc về mục tiêu và ý đồ của TQ ở Biển Đông và phải tiếp tục suy nghĩ kỹ về tính chân thành cũng như các hệ lụy và tác động của các sáng kiến lớn của TQ đối với các nước láng giềng.

Hoàng Đỗ

[1]http://www.wantchinatimes.com/news-subclass-cnt.aspx?id=20140904000033&cid=1102&MainCatID=11

[2]http://dantri.com.vn/the-gioi/tau-du-lich-trung-quoc-cho-216-du-khach-toi-hoang-sa-vao-sang-nay-938496.htm

[3]http://dantri.com.vn/the-gioi/trung-quoc-nao-vet-trai-phep-kenh-tai-hoang-sa-905241.htm

[4]http://www.bbc.com/news/world-asia-27856082

[5]http://thediplomat.com/2014/09/china-revamps-south-china-sea-cruise-line/

[6]http://www.wantchinatimes.com/news-subclass-cnt.aspx?id=20140904000033&cid=1102&MainCatID=11

[7]http://www.reuters.com/article/2012/04/10/us-china-seas-tourism-idUSBRE8390DN20120410

[8]http://globalnation.inquirer.net/71403/china-to-open-disputed-islands-to-tourism-official

[9]http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/08/140827_le_hong_anh_china_meeting.shtml