Phải chăng những chính sách và quản lý sai lầm đứng đằng sau tình trạng hạn hán nghiêm trọng đang tàn phá các tỉnh thành Tây Nam Trung Quốc? Câu hỏi tương tự cũng đặt ra về những cơn bão cát khốc liệt khác thường đã bao trùm miền Bắc và miền Đông Trung Quốc mới đây? Sự suy giảm về môi trường sinh thái của quốc gia này đang gây hậu quả nặng nề toàn cầu. Tình trạng hạn hán ở Vân Nam, tỉnh mà thượng nguồn sông Mê Công chảy qua, bị chỉ trích là nguyên nhân làm khô kiệt nguồn nước có ý nghĩa sống còn cho 65 triệu người dân ở các nước hạ lưu là Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam. Và khi cát bụi từ miền Bắc Trung Quốc lan khắp Đài Loan, Hàn Quốc cùng Nhật Bản, nếu Chính phủ Trung Quốc không bảo đảm được với các nước láng giềng rằng họ sẽ có những biện pháp hiệu quả để cải thiện môi trường, giả thuyết về “mối đe dọa Trung Quốc” sẽ mang một sắc thái mới đáng lo ngại.


Hạn hán ở 5 khu vực Tây Nam là Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Tứ Xuyên và Trùng Khánh đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 50 triệu nông dân. Thiệt hại mùa màng và gia súc đã vượt 24 tỷ nhân dân tệ (tương đương 3,51 tỷ USD). Khoảng 23 triệu người đang thiếu thốn cả nước uống. Cũng đã có những dấu hiệu về tình trạng khô cằn đang lan sang cả Hồ
Nam , Quảng Đông và những tỉnh khác thuộc miền Trung và miền Đông. Cho đến giờ, nhà cầm quyền Trung Quốc đang cố trấn an dư luận trên một số phương diện.


Đầu tiên, các quan chức khí tượng khẳng định rằng hạn hán có nguyên nhân duy nhất bởi các hình thái khí hậu bất thường bao gồm Trái Đất nóng lên và hiệu ứng El Nino. Gần đây, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương trong việc cứu trợ người dân ở những khu vực bị thiệt hại nặng nề. Ngoài ra, hạn hán được cho là dù ảnh hưởng tới 111 triệu mẫu đất (tương đương 7,4 triệu hécta) thì diện tích này cũng chỉ chiếm 6% tổng diện tích đất canh tác của Trung Quốc. Vì thế, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDRC) lặp lại nhận định thiếu thốn lương thực sẽ không trầm trọng và khó có khả năng làm tăng đáng kể tỷ lệ lạm phát.


Tuy nhiên, các chuyên gia độc lập cũng như nhiều nhà bình luận đang nhằm vào cái họ gọi là “những thảm họa do con người gây ra” đằng sau tai ương thiên nhiên này. Trong hai thập kỷ qua, một loạt những sai lầm trong chính sách đã làm đảo lộn cân bằng sinh thái học mong manh ở Tây Nam Trung Quốc, nơi mà đến thập niên 1980 vẫn có những khu rừng tươi tốt, giàu tính đa dạng sinh học nhất trên toàn quốc gia. Nhà nghiên cứu nguồn nước khá nổi tiếng ở Trung Quốc, Ma Jun, cho rằng “những yếu tố do con người đã góp phần gây ra hạn hán… Lấy ví dụ, phá rừng gây xói mòn đất nghiêm trọng còn ô nhiễm thì hủy hoại các nguồn nước sạch vốn chỉ có giới hạn”.


Các nhà bảo vệ môi trường chỉ trích rằng để đối phó với việc giá nhiên liệu tăng, các tập đoàn nhà nước cùng lợi thế quan hệ chính trị của họ đã tranh giành xây các con đập ở Vân Nam và những tỉnh lân cận để khai thác thủy điện. Những dự án khổng lồ này làm trầm trọng thêm tình trạng phá rừng và dẫn đến những thay đổi khí hậu ở các khu vực gần đó. Chuyên gia sinh thái học và bảo tồn Wang Weiluo cho rằng càng nhiều nước dự trữ chủ yếu cho mục đích thủy điện thì càng ít nước dành cho đồng ruộng của nông dân. Đó là một lý do tại sao mực nước ở các khu vực Tây
Nam đang xuống đến mức báo động. Ở những vùng khác của Vân Nam và Quý Châu, phải đào sâu hơn 70 m phần đất khô cằn mới tìm thấy được nước.


Tiếp đến, kể từ cuối thập niên 1990, giới chức tỉnh Vân
Nam đã yêu cầu nông dân chặt phá cây cối để dọn đường cho các đồn điền cao su và bạch đàn nhiều lợi ích kinh tế hơn. Nhưng cao su, bạch đàn và các cây trồng kết hợp khác lại tốn nhiều nước hơn là lúa và lúa mì. Viết trên tờ “Bưu điện Bắc Kinh mới”, nhà hoạt động môi trường Wang Yongchen gọi các đồn điền cao su và bạch đàn là những “cỗ máy hút nước và hút độ ẩm siêu hiệu quả”. Theo ông, những cây trồng này kết hợp với quá trình công nghiệp hóa quá nhanh đã làm đảo lộn mối quan hệ giữa con người với tự nhiên ở Tây Nam Trung Quốc. Một báo cáo gần đây trên tờ “Bưu điện Tân Dân buổi tối” ở Thượng Hải dẫn lời các quan chức cơ quan bảo tồn nguồn nước của tỉnh Vân Nam nói rằng “trong một giai đoạn dài đã không có công việc duy trì nào với những cơ sở tích trữ nước, hồ nhân tạo quy mô nhỏ”. Cũng giống như đồng nghiệp ở khắp nơi, các quan chức tại những khu vực Tây Nam thường lấy ngân sách phân bổ cho các dự án nước đem đầu tư vào sản xuất, bất động sản và thậm chí là thị trường chứng khoán.


Tình trạng khô hạn đã làm nghiêm trọng thêm vấn nạn sa mạc hóa, vốn bị xem là cướp đi một triệu mẫu đất mỗi năm. 1/3 đất đai Trung Quốc đang chịu nạn sa mạc hóa ở những mức độ nhất định, tăng mạnh kể từ mức 27% hồi năm 2004. Trận bão cát mới đây ảnh hưởng tới 16 tỉnh thành và 20% dân số làm đảo ngược tuyên bố của các quan chức rằng tỷ lệ sa mạc hóa đã chậm đáng kể tính từ năm 2000. Theo Han Tongling, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học địa chất Trung Quốc, nguyên nhân tức thì gây bão cát là gió mạnh cuốn theo cát và bụi từ những hồ nước mặn khô cạn ở Nội Mông và những vùng gần đó. Chuyên gia này cho rằng thiên tai trên đã làm dấy lên nghi ngờ về tính hiệu quả của 100 tỷ NDT (tương đương 14,64 tỷ USD) mà chính quyền trung ương Trung Quốc đã chi trong một thập kỷ qua cho những chương trình ngăn chặn sa mạc hóa. Han cùng các nhà khoa học khác cũng chỉ trích sự hợp tác kém cỏi giữa các Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Tài nguyên nước, Bảo vệ môi trường dẫn đến thiếu tính chỉ đạo tầm quốc gia trong cuộc chiến chống thiên tai bão cát.


Có những dấu hiệu rằng trong một thế giới dễ biến động hiện nay, các vấn đề sinh thái của Trung Quốc đang làm căng thẳng những quan hệ của quốc gia này với láng giềng. Khi những mực nước trên con sông Mê Công dài 4.350 km giảm xuống mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua, bốn quốc gia ven sông là Thái Lan, Lào, Việt
Nam và Campuchia đã kêu gọi Bắc Kinh nhanh chóng có biện pháp cứu “con sông Mẹ”. Các quan chức cấp cao của 4 nước đều là thành viên Ủy hội sông Mê Công (MRC), nhóm họp ngày 3/4 tại Hua Hin (Thái Lan). Các nhà sinh thái học tại các quốc gia MRC cho rằng ba đập thủy điện khổng lồ ở Vân Nam đã gây ảnh hưởng nặng nề đến sông Mê Công. Họ yêu cầu Chính quyền Trung Quốc xả nước từ các đập, đồng thời ngừng 8 dự án thủy điện mới. Trong khi đồng ý cử một phái đoàn đến hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất của MRC tại Hua Hin, Bắc Kinh vẫn khăng khăng rằng các con đập của họ không liên quan gì đến tình trạng mực nước sông Mê Công giảm mạnh. Hơn thế, quan chức ở Bắc Kinh và tỉnh Vân Nam còn đánh giá rằng sông Lan Thương (tên gọi của Trung Quốc cho phần thượng nguồn Mê Công) chỉ chiếm 13,5% lưu lượng con sông này. Trong một cố gắng bào chữa trách nhiệm, gần đây Trung Quốc đồng ý cung cấp cho MRC số liệu thủy văn hàng ngày từ các trạm quan sát ở hai đập lớn Cảnh Hồng và Mạn Loan trên thượng nguồn.


Tranh cãi căng thẳng xung quanh sông Mê Công đang làm tăng thêm nguy cơ “những cuộc chiến về nước” có thể xảy ra giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Các sông băng từ vùng cao nguyên Tây Tạng tạo nên nguồn nước cho 10 con sông chảy vào 11 quốc gia. Trong 2 năm qua, Bắc Kinh và Niu Đêli đã bất hòa xung quanh những kế hoạch của Chính phủ Trung Quốc chuyển hướng nguồn nước từ sông Yarlung Tsangpo đổ vào các con kênh thiết kế phục vụ những tỉnh miền Bắc và miền Trung Trung Quốc. Sau khi vượt qua biên giới Trung-Ấn, con sông Yarlung Tsangpo dài 2.057 km trở thành sông Brahmaputra, nguồn nước chính cho các bang Bắc Ấn Độ là Arunachal Pradesh và Assam cũng như cho Bănglađét. Dự án chuyển hướng sông nói trên cộng thêm các kế hoạch xây dựng một trong những con đập lớn nhất thế giới tại Yarlung Tsangpo có thể làm khô kiệt
Brahmaputra . Trong bối cảnh Trung-Ấn tranh chấp lãnh thổ liên quan đến bang Arunachal Pradesh, một thỏa thuận dàn xếp song phương về nguồn nước này khó mà đạt được, ít nhất trong tương lai gần.


Bề ngoài, ảnh hưởng quốc tế của trận bão cát (tác động đến Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc ngày 21/3) dường như không rầm rộ cho dù thực tế hàng chục nghìn người dân ở các thành phố bao gồm cả Xơun, Tôkyô phải đeo khẩu trang. Sáu chuyến bay nội địa ở thành phố
Kobe (Nhật Bản) bị hủy. Trong khi Tôkyô lẫn Xơun không công khai nêu vấn đề với Bắc Kinh, nhiều trang web phổ biến của Nhật Bản và Hàn Quốc đầy ắp những chỉ trích Trung Quốc quản lý sai lầm về sinh thái. Họ cũng nêu thêm các trận mưa axít có nguyên nhân từ Trung Quốc thi thoảng trút xuống hai nước láng giềng này.


Ở thời điểm khi giới lãnh đạo Trung Quốc đang nỗ lực tô điểm cho hình ảnh và mở rộng quyền lực mềm của quốc gia này trên khắp thế giới, chính sách môi trường vô trách nhiệm có thể sẽ làm trầm trọng thêm giả thuyết “mối đe dọa Trung Quốc”./.

(Đọc bài liên quan: Hai gương mặt Trung Quốc )