042309_china_navy2_800(1).jpg

Các báo cáo mới đây cho thấy ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với năm 1989, dẫn tới chi phí quốc phòng hàng năm tăng gấp đôi kể từ năm 2008. Con số này tương đương khoảng 1/6 mức chi tiêu quốc phòng hàng năm của Mỹ. Theo báo cáo của Quốc hội Mỹ, sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc về số lượng các tàu khu trục mới, tàu chiến đổ bộ, máy bay chiến đấu tàng hình và vũ khí tầm xa đang nhanh chóng tăng khả năng đe dọa Mỹ và mở rộng các hoạt động quân sự viễn chinh trên phạm vi toàn cầu. Báo cáo năm 2016 cùng với thông tin chi tiết về quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc trong một báo cáo trước năm 2014 đã cho thấy Trung Quốc đặt ra kế hoạch tập trung mạnh mẽ và chi tiết nhằm cải tiến và xây dựng lực lượng tàu biển, vũ khí và máy bay. Mặc dù đã có nhiều phát triển nhưng Trung Quốc sẽ cần phải duy trì tốc độ tăng cường quân sự trong nhiều năm tới để đối đầu với chiến lược và tầm nhìn toàn cầu của quân đội Mỹ. Báo cáo đó nhấn mạnh: "Để hỗ trợ, duy trì và bảo vệ các hoạt động lâu dài, quân đội Trung Quốc phải tiếp tục phát triển hoặc mua sắm các tàu đổ bộ lớn, máy bay hiện đại và khả năng hỗ trợ hậu cần, cũng như tiếp tục nâng cao khả năng chỉ huy và điều khiển quân sự".

Mặc dù hiện nay tiềm lực và công nghệ của Hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể còn thua kém Mỹ, nhưng tình hình có thể thay đổi nhiều trong vài thập kỷ tới vì Bắc Kinh đang tiến hành đổi mới tàu chiến, vũ khí và hệ thống Hải quân thế hệ mới. Theo báo cáo của Quốc hội, Trung Quốc có kế hoạch tăng cường tàu Hải quân lên con số 351 tàu vào năm 2020 trong kế hoạch tiếp tục phát triển khả năng quân sự để tấn công các mục tiêu toàn cầu. Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung năm 2014 đã khuyến nghị Quốc hội rằng Hải quân Mỹ cần đáp trả bằng cách phát triển nhiều tàu hơn và tăng cường hiện diện của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chiến lược mà quân đội Mỹ đã tiến hành. Những người phản đối chiến lược này nói rằng Mỹ có 11 tàu sân bay, Trung Quốc chỉ có 1 tàu sân bay và tàu sân bay này của Trung Quốc vẫn thiếu nhiều máy bay chiến đấu có khả năng hoạt động tầm xa. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành đóng mới một số tàu sân bay và hiện tại Trung Quốc có 1 tàu sân bay mang tên “Liêu Ninh” được mua từ Ukraine.

Báo cáo của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung năm 2016 cho biết trong tương lai, các tàu sân bay mới của Trung Quốc có thể là những chiếc tàu phẳng, như các tàu sân bay của Mỹ, sử dụng năng lượng thông thường, cho phép Hải quân nước này sử dụng máy bay chiến đấu có vũ khí nặng hơn để tấn công trên biển hoặc thực hiện các nhiệm vụ tấn công trên đất liền trong phạm vi rộng lớn. Theo Ủy ban đánh giá trên, Bắc Kinh có thể xây dựng 5 tàu sân bay trong vòng 15 năm tới, nâng số lượng tàu sân bay của lực lượng Hải quân Trung Quốc lên 6 tàu. Ủy ban này cũng viện dẫn các nền tảng và hệ thống vũ khí mà Trung Quốc đang phát triển. Điều này có thể sẽ thay đổi các tính toán chiến lược của Mỹ về việc các tàu sân bay và tàu ngầm của Mỹ nên hoạt động như thế nào trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai.

Trong số các tàu này có tàu “Lữ Dương III”, một loại tàu khu trục mới của Trung Quốc dự kiến sẽ gia nhập đội tàu trong năm nay. Những con tàu này đang được chế tạo với tên lửa hành trình chống tàu tầm xa. Tàu khu trục mới này sẽ mang tên lửa đất đối không HHQ-9 cùng nhiều loại vũ khí khác. Về tác động của các tàu khu trục này, báo cáo trên chỉ ra rằng những tàu khu trục mới đa chức năng này có thể hình thành các tàu hộ tống chiến hạm cho các tàu sân bay của Trung Quốc, tương tự như việc Hải quân Mỹ bảo vệ các tàu sân bay của mình bằng các tàu khu trục trong “nhóm tác chiến tàu sân bay". Về các tàu đổ bộ, Trung Quốc đang lên kế hoạch bổ sung thêm một số tàu đổ bộ lớp “Ngọc Chiêu” có thể mang theo 800 binh sĩ, 4 máy bay trực thăng và 20 xe bọc thép. Bộ Quốc phòng Trung Quốc ghi nhận tàu “Ngọc Chiêu” có thể cung cấp một năng lực lớn hơn và linh hoạt hơn cho các hoạt động "ngoài khơi" so với các tàu đổ bộ cũ của PLA.

Bắc Kinh cũng có những kế hoạch đầy tham vọng trong tương lai để sản xuất các tàu chiến đổ bộ thế hệ mới. Theo báo cáo trên, "Trung Quốc đang nghiên cứu một loại tàu chiến đổ bộ lớn hơn lớp 'Ngọc Chiêu', bao gồm 1 sân bay để thực hiện các hoạt động trực thăng. Trung Quốc có thể sẽ sản xuất từ 4 đến 6 tàu loại 081 có khả năng vận chuyển 500 binh sĩ và được thiết kế để có thể sử dụng máy bay trực thăng tấn công". Một số nhà quan sát đã đưa ra câu hỏi liệu loại tàu đổ bộ mới này của Trung Quốc có thể đối đầu với các tàu chiến đổ bộ công nghệ cao của lực lượng Hải quân Mỹ hay không? Hiện PLA cũng đang nghiên cứu phát triển loại tàu tuần dương mới loại 055 được trang bị tên lửa tấn công trên đất liền, điều khiển laser và vũ khí điện từ.

Hạm đội trên bề mặt của Trung Quốc cũng được củng cố nhờ việc sản xuất ít nhất 60 chiếc tàu tuần tra tên lửa dẫn đường lớp “Hồ Bắc” và đang trong quá trình bàn giao các tàu hộ tống "Thanh Đảo” được trang bị ngư lôi và tên lửa hành trình chống tàu. Ủy ban cũng nói rằng kế hoạch hiện đại hóa của Trung Quốc nhằm tăng cường các tàu ngầm tấn công và tàu ngầm hạt nhân hay còn gọi là SSBN. Các tàu SSBN của Trung Quốc hiện có thể tuần tra bằng các tên lửa JL-2 có trang bị vũ khí hạt nhân và có thể tấn công mục tiêu cách xa hơn 4.500 hải lý. Hiện nay, nhiều thành viên của Quốc hội Mỹ, bao gồm cả cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Randy Forbes, đều ủng hộ việc xây dựng lực lượng Hải quân Mỹ lớn mạnh hơn và giữ thái độ mạnh mẽ hơn đối với các hành vi của Trung Quốc trong khu vực.

Tác giả Kris Osborn là chuyên gia quân sự Mỹ. Bài viết đăng trên trang “National Interest”.

Nhật Linh (gt)