Vừa qua TƯ Đảng cộng sản Trung Quốc (CPC) tuyên bố rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ( PLA) bắt đầu thực hiện một điều lệ sửa đổi ban hành ngày 13/9 nhằm “tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội”. Điều lệ sửa đổi đã trân trọng những ý kiến của Hồ Cẩm Đào về xây dựng quân đội và bảo vệ tổ quốc, và Chủ tịch Quân ủy TƯ. Bản điều lệ đó cũng mở rộng các chỉ thị cho các chính ủy quân đội về nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, trong đó nhấn mạnh quân đội cần phải rèn luyện các khả năng để đánh thắng ba cuộc chiến tranh: “Chiến tranh báo chí, chiến tranh tâm lý và chiến tranh luật”.

 

Công bố mới này cho thấy tầm quan trọng của quân đội Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay và những diễn biến sắp tới, nhất là vấn đề thay đổi nhân sự chủ chốt sắp tới trong Đảng và quân đội tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18 trong năm 2012. Quan hệ giữa Đảng và quân đội Trung Quốc đã có một số điều chỉnh sau khi người hùng Đặng Tiểu Bình mất năm 1997, đó là quân đội đã trở thành phía xác định quyền lực ở cấp cao nhất đối với các vấn đề chính trị và nhân sự của Đảng.

 

Cả Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân với cương vị là Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy TƯ, hầu như đều phải mua chuộc sự hậu thuẫn và trung thành của quân đội. Cả hai đều phải nhượng bộ đối với một số đòi hỏi không chỉ về hiện đại hóa mà cả các vấn đề về nhà nước và chính sách đối ngoại. Hiện đại hóa quân đội đi đôi với kinh tế phát triển và ảnh hưởng quốc tế lớn hơn. Nhưng những tuyên bố và phản ứng quá mức của quân đội trong hai năm qua cho thấy lãnh đạo cấp cao của Đảng nhận ra rằng giới quân đội đã trở nên quá quyết đoán và hung hăng về các vấn đề chủ quyền lãnh thổ với các nước láng giềng và với Mỹ.

 

Những chỉ thị mới còn mang một ý nghĩa chính trị rộng lớn hơn: Hồ Cẩm Đào phải để lại được một di sản đáng được trân trọng trong nghị quyết Đảng năm 2012, giống như các người tiền nhiệm của ông. Tuy nhiên ông lại không có tầm nhìn rộng như Mao hay Đặng. May chăng ông chỉ để lại một di sản giống như ông Giang và “các chỉ thị quan trọng về xây dựng quân đội” của ông ta. Ông Hồ Cẩm Đào đã thử nghiệm di sản chính trị về “sự trỗi dậy của Trung Quốc”, nhưng sau phải đổi thành “sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc” do nhận thức sai trong các nước láng giềng. Ông cũng sáng tạo ra học thuyết “phát triển khoa học” nhưng cũng không đủ mạnh và được coi là một quyết định tập thể như thuyết “Ba đại diện” của ông Giang. Giờ đây ông đang cố thử đóng góp cá nhân cho triết lý chiến lược quân sự. Khác với ông Giang, ông Hồ được Đặng chọn làm nhà lãnh đạo thế hệ 4, còn ông Giang được cả ông Đặng và các lão thành cách mạng chọn sau sự kiện Thiên An Môn, nhưng ông Giang đã tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quân ủy thêm hai năm sau khi ông thôi các chức vụ khác vào năm 2002 - 2003. Điều này cho thấy tầm quan trọng của chức Chủ tịch Quân ủy và do vậy mà rất có thể ông Hồ cũng sẽ cố giữ lại chức này càng lâu càng tốt, vì cho đến nay chức vụ này không bị hạn chế về tuổi tác hay nhiệm kỳ. Ông Hồ vẫn chưa thể đưa được người do ông nâng đỡ là Li Keqiang  (Lý Khắc Cường) vào chức Tổng Bí thư. Chức này sẽ thuộc về Xi Jinping (Tập Cận Bình), người thân cận với phe Giang và thuộc đội ngũ “thiên tử”. Bố ông Tập nguyên là phó Thủ tướng.

 

Sách trắng quốc phòng 2008 chịu khá nhiều ảnh hưởng quan điểm chiến lược của Hồ về sự tồn tại của “rất nhiều nhân tố bất ổn trong an ninh châu Á – Thái Bình Dương” do tác động của những vấn đề kinh tế, thay đổi chính trị, lãnh thổ, quyền hàng hải và nhiều “điểm nóng” khu vực. Chỉ đạo chiến lược của ông là “thực hiện các sứ mạng lịch sử” và hiện đại hóa quân đội bằng mọi cách có thể; ông ủng hộ phát triển nhảy vọt về quân sự, hỗ trợ xây dựng kinh tế và các hoạt động quân sự trừ chiến tranh (MOOTW). Chính vì vậy ta thấy Hải quân Trung Quốc tham gia chống hải tặc tại vịnh Ba Tư, đến thăm các cảng mới ở Myanmar, quyết đoán về tranh chấp chủ quyền trên biển Biển Đông (vòng cung thứ nhất) và Đông Hải. Trung Quốc đang dọa sẽ thiết lập quyền kiểm soát vòng cung đảo thứ hai kéo đến tận đảo Guam.

 

Đánh thắng 3 cuộc chiến tranh không phải là học thuyết mới (người Trung Quốc gọi là San Zhong Zhanfa) nhằm (i) triệt phá khả năng tiến hành chiến tranh tâm lý của kẻ thù; (ii) sử dụng báo chí để tác động vào công luận trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ cho hành động tiêu diệt kẻ thù của Trung Quốc; và (iii) sử dụng luật pháp quốc gia và quốc tế theo cách của Trung Quốc để giành được hỗ trợ quốc tế, chí ít là hạn chế những tác động chính trị do hành động quân sự của Trung Quốc gây ra. Nhấn mạnh học thuyết “3 cuộc chiến tranh” vào thời điểm này có ý nghĩa sâu sắc khi các sự kiện căng thẳng diễn ra quanh Trung Quốc như vụ tàu chiến Hàn Quốc bị đánh chìm, tăng yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông, đẩy căng thăng ở vùng Đông Hải với Nhật do va chạm giữa tầu tuần tra Nhật và thuyền cá Trung Quốc…Trong khi tham vọng của Trung Quốc rất rõ ràng, câu hỏi đặt ra là phải chăng các vụ xô sát này gắn liền với chính trị nội bộ của Hồ Cẩm Đào?

 

Hồ Cẩm Đào có thể sẽ đi vào lịch sử như là kiến trúc sư của việc triển khai sức mạnh của Trung Quốc./.

 

 

Trần Nhật (gt)

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)