Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ XIX sẽ thúc đẩy chính trị “người hùng” và thu hẹp các lựa chọn phát triển của Trung Quốc.

 

Các phát hiện và kết luận chính

•Đại hội ĐCSTQ lần thứ XIX, được dự kiến diễn ra vào cuối mùa Thu năm nay, có ý nghĩa chính trị lớn: Đại hội sẽ không chỉ đưa Tập Cận Bình quay trở lại với nhiệm kỳ thứ 2 trên cương vị Tổng Bí thư, mà sẽ còn tiết lộ liệu đảng đã lựa chọn một “người kế cận được tập dượt tốt” có thể tiếp quản Tập Cận Bình vào năm 2022 hay chưa.

•Tại Đại hội đảng XVIII năm 2012, giới tinh hoa trong đảng đã ủy quyền cho Tập Cận Bình tập trung hóa việc ra quyết định chính trị và củng cố kỷ luật tổ chức xuyên suốt ĐCSTQ. Nếu Tập Cận Bình thành công trong việc chỉ đưa những đồng minh được tin tưởng vào Bộ chính trị tại Đại hội sắp tới, đó sẽ là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy sự kiểm soát quyền lực của ông chặt chẽ đến mức ông không còn cần tới sự đồng thuận của giới tinh hoa trong đảng nữa.

•Các sáng kiến và chiến dịch đầy tham vọng của Tập Cận Bình cũng là “gót chân Asin” của ông. Mặc dù không có sự chống đối có tổ chức trong nội bộ đảng, nhưng có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy đường lối chính trị của ông vẫn chưa đến mức không cần phải tranh cãi. Các chiến lược né tránh từ bên trong bộ máy nhà nước vẫn hiện diện. Ông phải thực hiện được các mục tiêu được đặt ra là củng cố ĐCSTQ với tư cách một tổ chức cũng như củng cố nền kinh tế Trung Quốc. Một loạt thất bại chính sách có thể làm dấy lên sự chỉ trích nội bộ và có thể là cả công khai đối với phong cách lãnh đạo và đường lối chính trị của Tập Cận Bình.

•Báo cáo chính trị sẽ được Tập Cận Bình trình bày tại Đại hội là tuyên ngôn chính trị của ĐCSTQ. Nội dung của nó sẽ cho phép rút ra các kết luận về việc Tập Cận Bình có nền tảng ủng hộ rộng lớn trong giới tinh hoa của đảng hay không. Nếu ông có được sự tán thành trọn vẹn, thì các dự án chính trị của ông như việc kiểm soát chặt chẽ tư tưởng, việc tận dụng công nghệ thông tin để củng cố sự kiểm soát của đảng đối với đất nước và cách tiếp cận quyết đoán hơn trong chính sách đối ngoại sẽ được nêu bật trong báo cáo.

•Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) đã trở thành dự án đặc trưng của Tập Cận Bình nhằm thiết lập Trung Quốc như một cường quốc toàn cầu ngày càng nổi bật. Sự tán thành trọn vẹn một nghị trình chính sách đối ngoại đầy tham vọng tại Đại hội đảng không phải là một kết quả được dự đoán. Trong nhiệm kỳ thứ hai, Tập Cận Bình thậm chí có thể phải kìm hãm những tham vọng quốc tế của mình và hướng sự chú ý tới các vấn đề cấp bách hơn trong nước.

•Các đại biểu dự Đại hội đảng cũng sẽ phải quyết định về những sửa đổi trong điều lệ đảng. Thẩm quyền tư tưởng và chính trị của Tập Cận Bình sẽ được thúc đẩy hơn nữa nếu những cách diễn đạt như “tư duy Tập Cận Bình” hay “học thuyết Tập Cận Bình” được kết hợp vào điều lệ đảng.

1. Giới thiệu

Các quyết định được trình bày tại Đại hội đảng lần thứ XIX sẽ xác định con đường tương lai của Trung Quốc. Khi nhóm họp ở Bắc Kinh vào cuối mùa Thu 2017, 2.300 đại biểu sẽ phải hoàn thành 2 nhiệm vụ then chốt: Họ sẽ xác nhận báo cáo chính trị bao gồm các mục tiêu chiến lược của ĐCSTQ trong thời gian đến năm 2022 và sẽ bầu ra một Ban chấp hành Trung ương mới. Quan trọng hơn nữa đối với chính trị cường quyền ở trung tâm, thành phần của Ban thường vụ Bộ chính trị sẽ thay đổi do kết quả của Đại hội đảng và một “người kế cận được tập dượt tốt” có thể được đưa lên vị trí hàng đầu để có thể tiếp quản cho Tập Cận Bình vào năm 2022.

Do đó, Đại hội đảng sẽ là một dịp để đánh giá tình trạng của hệ thống chính trị Trung Quốc. Trước thềm sự kiện quan trọng nhất trong lịch công tác chính trị 5 năm của Trung Quốc, Tập Cận Bình dường như đang đứng trên đỉnh cao quyền lực. Nhưng quyền lực này sẽ vươn xa tới đâu? Các quyết định nhân sự sắp tới trong và sau Đại hội đảng cũng như nội dung của báo cáo chính trị sẽ đưa ra những gợi ý về mức độ thật sự của quyền lực Tập Cận Bình và khả năng của ông định hình nghị trình chính trị của Trung Quốc trong 5 năm tới và xa hơn nữa.

2. “Thiết kế cấp cao” theo ủy nhiệm: Kết quả lẫn lộn của việc tập trung quyền lực

Có những chỉ báo mạnh mẽ cho thấy việc củng cố quyền lực của Tập Cận Bình sắp hoàn thành. Ông tỏ ra là nhà lãnh đạo không bị tranh chấp và không bị thách thức của ĐCSTQ. Quyền lực của ông nhanh chóng được củng cố phần lớn nhờ Đại hội đảng XVIII tháng 11/2012. Khi đó, một quyết định tập thể đã được đưa ra nhằm củng cố vị thế của Tổng Bí thư và giảm bớt quyền lực của Quốc vụ viện (bộ máy chính phủ trung ương) và các tỉnh để tập trung thẩm quyền vào trung ương đảng. Tại thời điểm đó, giới tinh hoa trong đảng quyết tâm ngăn chặn sự sa sút về kỷ luật tổ chức trong các cán bộ đảng. Do đó, họ đã nhất trí cho phép tổng bí thư mới khôi phục tính quyết đoán của đảng, và giải quyết sự tan vỡ của hệ thống thứ bậc mà trước đó đã có thể nhận thấy. Ban lãnh đạo đảng tin rằng một trung ương đảng mạnh mẽ có vị thế tốt nhất để vượt qua các nhóm lợi ích bất di bất dịch và thúc đẩy các cải cách cứng rắn. Quân đội là một ví dụ thích đáng: Các kế hoạch tái cấu trúc Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đã tồn tại từ những năm 1990, nhưng không có người tiền nhiệm nào của Tập Cận Bình đưa được chúng vào thực tiễn.

Sau Đại hội XVIII, quyền ra quyết định trong các lĩnh vực chính sách then chốt được chuyển từ các bộ thuộc Quốc vụ viện sang các Tiểu ban lãnh đạo trung ương và các ủy ban mới được thành lập, mà phần lớn do Tập Cận Bình đứng đầu. Chẳng hạn, “Tiểu ban lãnh đạo trung ương đi sâu cải cách toàn diện”, được thành lập đầu năm 2014, đã trở thành cơ quan ra quyết định then chốt để đưa vào thực tiễn nghị trình cải cách đầy tham vọng được quyết định tại phiên họp toàn thể thứ ba của Ban chấp hành Trung ương khóa XVIII năm 2013. “Ủy ban an ninh quốc gia” điều phối một phạm vi rộng lớn các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. “Tiểu ban lãnh đạo trung ương về an ninh mạng và thông tin hóa” vạch ra chiến lược không gian mạng. Gần đây, “Ủy ban hòa nhập quân-dân sự” đã được thành lập. Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ đã được chỉ định là giám đốc văn phòng thường trực của ủy ban mới này để chứng tỏ sự ưu tiên cao mà ban lãnh đạo dành cho lĩnh vực này. Theo truyền thống, các tiểu ban lãnh đạo trung ương được giao nhiệm vụ xác định các chiến lược rộng lớn (chẳng hạn các mục tiêu phát triển dài hạn) và điều phối chính sách về các vấn đề được xác định cụ thể (chẳng hạn việc xóa đói giảm nghèo), nhưng giờ đây các tiểu ban này tham gia ra quyết định và giám sát các chính sách riêng lẻ được ưu tiên hàng đầu.

Tập Cận Bình đã tìm cách tập trung quyền lực và thúc đẩy việc thông qua nghị trình được vạch ra trong báo cáo chính trị của Đại hội đảng năm 2012, điều này chứng minh quyền lực chính trị phi thường của ông. Sau 5 năm giữ chức, Tập Cận Bình kiểm soát các cấp độ quyền lực quan trọng nhất trong hệ thống chính trị của Trung Quốc. Ông đã thực hiện những cải cách quân sự cơ bản nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua và đã trở thành gương mặt của chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán của Trung Quốc. Ông chi phối tin tức Trung Quốc, xuất hiện trong các mẩu truyện tranh tuyên truyền và thậm chí còn được nhắc tới trong các bài hát rap. Theo quan điểm của trung ương đảng, Tập Cận Bình là người phù hợp vào thời điểm phù hợp. Ông đồng cảm mạnh mẽ với mục tiêu bao trùm là đem lại sức sống mới cho niềm tin vào bản thân của đảng và niềm tin của đất nước vào quyền lãnh đạo của đảng. Nhấn mạnh những thành tích của ông, giới tinh hoa trong đảng đã quyết định gọi Tập Cận Bình là “cốt lõi” của Ban chấp hành Trung ương tại phiên họp toàn thể thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương khóa XVIII vào tháng 10/2016. Động thái này cũng nhắm tới việc củng cố hơn nữa vị thế của ông và cho ông nhiều quyền tự do hơn để thực hiện các chính sách của mình.

Tập Cận Bình không chỉ sử dụng quyền được ủy thác của mình để tái cấu trúc các tiến trình ra quyết định, ông còn lãnh đạo các chiến dịch quyết liệt, tập trung vào cuộc chiến chống tham nhũng và một học thuyết tư tưởng được tăng cường. Cùng với nhau, các chiến dịch này đã tái xác nhận thẩm quyền của đảng trên khắp các cấp và tăng cường quyền lực của Tập Cận Bình. Nhìn lại Đại hội XVIII, đảng dường như đoàn kết, có kỷ luật và tự tin hơn so với năm 2012. Hướng tới Đại hội đảng XIX, Tập Cận Bình dường như đang ở đỉnh cao quyền lực. Ông đang ở vị trí thuận lợi nhất để định hình một cách quyết đoán nghị trình của Đại hội đảng cũng như tiến trình lựa chọn các vị trí cán bộ cao nhất. Ông thậm chí có thể chứng kiến tên mình được trang trọng ghi trong Điều lệ ĐCSTQ như một trong những “nhà tư tưởng lớn của chủ nghĩa xã hội”.

Tuy vậy, phong cách lãnh đạo của Tập Cận Bình có những mặt trái của nó và một số sáng kiến của ông vẫn gây tranh cãi. Cái giá của việc củng cố quyền lực và các chiến dịch do trung ương kiểm soát là không nhỏ: Động lực địa phương từng tạo ra phép màu kinh tế Trung Quốc đã trở nên trì trệ. Dữ liệu của Trung Quốc về đổi mới chính sách chỉ ra sự sụt giảm mạnh số lượng dự án thí điểm địa phương sau năm 2012. Sự thiếu mong muốn thử nghiệm này bắt nguồn từ không khí lo sợ bao trùm lên các quan chức đang ngày càng sợ bị kết tội tham nhũng. Đảng đã nhận ra vấn đề này và hối thúc các cán bộ tỏ ra chủ động trong việc thực thi các quyết định chính sách. Tháng 3/2017, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã chỉ trích sự “lười biếng” và “thụ động” của các quan chức địa phương, gọi tình trạng này là “một kiểu tham nhũng”. Sau bài phát biểu của ông, một vài thành phố bắt đầu đưa ra đường lối chỉ đạo để xác định và trừng phạt các cán bộ “lười biếng”. Tháng 5, thành phố Thiên Tân trực thuộc trung ương đã giáng chức một quan chức cấp cao nổi bật vì xao lãng nhiệm vụ.

Việc gia tăng sức ép lên các cán bộ đã không gợi lại được tinh thần thử nghiệm của họ: Trên thực tế, hệ thống chính trị của Trung Quốc đã mất đi những điều kiện tiên quyết then chốt cho các sáng kiến từ dưới lên và những năng lực giải quyết vấn đề của địa phương để hấp thu các cú sốc đột ngột trong hoặc ngoài nước, nếu những cú sốc này vượt quá hoặc làm suy yếu sự kiểm soát của trung ương đảng. Việc kiềm chế hơn nữa quyền tự quyết của chính quyền địa phương thông qua sự giám sát liên tục và các hình phạt sẽ không giúp khắc phục tình trạng tê liệt ở địa phương. Trong khi đó, các vấn đề cấp bách vẫn chưa được giải quyết: Nợ công ở địa phương đang gia tăng, việc cải cách các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước (SOE) trì trệ, tình trạng thừa năng lực trong ngành than và ngành thép ngày càng nghiêm trọng. Theo các bài viết trên các phương tiện truyền thông của đảng và nhà nước cũng như báo cáo của các nhóm chuyên gia tư vấn, sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan thuộc Quốc vụ viện và sự ì trệ của chính quyền địa phương là nguyên nhân gây ra sự chồng chất các thách thức kinh tế này.

Cuối cùng, Đại hội đảng sẽ cung cấp thêm thông tin về những sự kiềm chế còn tồn tại đối với quyền lực của Tập Cận Bình và về ảnh hưởng còn sót lại của các “nguyên lão” trong đảng như Giang Trạch Dân. Thành phần của Bộ chính trị mới sẽ là chỉ báo đầu tiên về quyền lực của Tập Cận Bình đối với các quyết định về nhân sự trong đảng: Liệu toàn bộ ghế trống có được lấp đầy bởi các môn đệ trung thành của Tập Cận Bình không, hay chúng ta sẽ chứng kiến các quyết định nhân sự bất ngờ cho thấy các thế lực khác vẫn đang trong cuộc chơi? Ngoài ra, những thay đổi về thành phần và trọng tâm của báo cáo chính trị có thể cung cấp thông tin về việc liệu đường lối chính trị trong nhiệm kỳ đầu tiên và những ý tưởng cho nhiệm kỳ thứ hai của Tập Cận Bình có được tán thành trọn vẹn hay không.

3. Các quy tắc của việc lựa chọn ban lãnh đạo: Không gì là chắc chắn

Tại Đại hội đảng XIX, các đại biểu sẽ bầu ra các thành viên Ban chấp hành Trung ương mới – cả ủy viên chính thức lẫn dự khuyết. Họ cũng sẽ thông qua danh sách ứng cử viên cuối cùng cho các vị trí trong Bộ chính trị. Ngay sau đại hội, Ban chấp hành Trung ương khóa XIX sẽ triệu tập phiên họp toàn thể đầu tiên và bầu ra Bộ chính trị mới và Ban thường vụ Bộ chính trị mới. Có nhiều suy đoán xoay quanh thành phần của cơ quan quyền lực nhất này của ĐCSTQ và các ứng cử viên “kế cận được tập dượt tốt” có thể thay thế Tập Cận Bình vào năm 2022. Về các đại hội đảng trước đây, các học giả đã nêu bật vai trò của sự cân bằng quyền lực giữa các phe phái khác nhau trong đảng như một nhân tố giải thích cho những sự bổ nhiệm nào đó. Do sự thể hiện tình đoàn kết hiện tại, những cân nhắc về phe phái có thể không đóng vai trò chủ yếu nào trong việc quyết định nhân sự cấp cao nhất trong đại hội sắp tới.

Một trọng tâm khác là tiền lệ và các thể chế lâu đời. Liên quan đến các nguyên tắc chung của việc đề bạt cán bộ trong đảng, một thay đổi chủ yếu được đưa ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tập Cận Bình có thể tác động tới việc lựa chọn các ứng cử viên ban lãnh đạo cấp cao nhất tại đại hội. Năm 2007, truyền thông đảng và nhà nước Trung Quốc đã đưa tin về một cuộc họp cấp cao mà tại đó các ứng cử viên Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương khóa XVII đã được chọn lựa trước. Theo thông tin được đưa ra, người tiền nhiệm của Tập Cận Bình là Hồ Cẩm Đào đã chủ trì cuộc họp gồm 400 đảng viên lão thành. Tại cuộc họp, một danh sách sơ tuyển các ứng cử viên đã được lập nên dựa trên nguyên tắc của “tiến cử dân chủ”. Nguyên tắc này quy định rằng cơ sở đảng cần chỉ định các ứng cử viên phù hợp cho các vị trí trống. Tuy nhiên, năm 2014, đảng đã sửa đổi trọng tâm này của hệ thống thăng tiến bằng việc giới hạn phạm vi lựa chọn mở và hạ thấp vai trò của “tiến cử dân chủ”.

Ngày nay, ban lãnh đạo đảng có động thái đầu tiên bằng việc đưa ra danh sách các ứng cử viên được đảng ưu tiên. Hơn nữa, các quy tắc cho việc đề bạt bất thường trong các quy định sửa đổi đem lại cho tổng bí thư thêm quyền tự do để đưa các môn đệ trung thành vào các vị trí lãnh đạo ở cấp trung ương và cấp tỉnh. Việc bổ nhiệm đồng minh thân cận của Tập Cận Bình là Thái Kỳ vào vị trí Bí thư Thành ủy Bắc Kinh gần đây là một ví dụ rõ ràng về việc Tập Cận Bình cố gắng đưa các đồng minh của mình vào vị trí ngay từ trước khi đại hội đảng bắt đầu. Mặc dù Thái Kỳ thậm chí không phải là một ủy viên dự khuyết của Ban chấp hành Trung ương khóa XVIII, giờ đây rất có khả năng ông sẽ được bổ nhiệm vào Bộ chính trị trong đại hội sắp tới vì bí thư thành ủy Bắc Kinh luôn được bầu vào cơ quan ra quyết định. Như vậy, Tập Cận Bình đã phá bỏ chuẩn mực rằng các ủy viên Bộ chính trị tương lai phải được lựa chọn từ nhóm các ủy viên đương nhiệm của Ban chấp hành Trung ương.

Về lý thuyết, có những tiêu chí xác định số lượng ghế trống trong Bộ chính trị và Ban thường vụ của nó. Quy định về nghỉ hưu đặt ra giới hạn 68 tuổi đối với các ủy viên Bộ chính trị, nhưng quy định này không tuyệt đối. Tổng số ghế ở cả 2 cơ quan đã được thay đổi vài lần kể từ Đại hội đảng XIV. Nếu các thông số hiện tại vẫn không đổi, 11 trong số 25 ghế trong Bộ chính trị và 5 trong số 7 ghế trong Ban thường vụ Bộ chính trị sẽ được để trống cho tất cả tại đại hội năm nay. Tuy nhiên, không có thông tin nào về việc liệu các quy tắc hiện tại có thể bị thay đổi hay không hay liệu những sự sửa đổi như vậy có đòi hỏi một thủ tục cụ thể hoặc số lượng đại biểu biểu quyết nhất định trong ĐCSTQ hay không. Thậm chí còn có suy đoán rằng Tập Cận Bình có thể làm suy yếu vai trò của Ban thường vụ Bộ chính trị hoặc hủy bỏ nó hoàn toàn.

Chưa biết liệu chúng ta có chứng kiến những thay đổi tương tự trong nhóm các ứng cử viên “kế cận được tập dượt tốt” cho Tập Cận Bình hay không. Trong quá khứ, các ứng cử viên cho Ban thường vụ Bộ chính trị chỉ được chọn trong nhóm các ủy viên Bộ chính trị, với ngoại lệ là các vị trí người kế cận được tập dượt tốt cho tổng bí thư và thủ tướng. Theo tiền lệ, người kế nhiệm đương nhiên cho vị trí tổng bí thư phải đáp ứng 3 tiêu chí: Người này phải là ủy viên Ban chấp hành Trung ương sắp mãn nhiệm, phải từng đảm nhiệm chức bí thư đảng ủy cấp tỉnh và phải chưa đến 58 tuổi khi được lựa chọn vào vị trí này. Theo các tiêu chí trên, tính đến giữa tháng 7/2017, có 3 cá nhân đủ điều kiện trở thành lãnh đạo kế cận thay cho Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, nhóm ứng cử viên trên thực tế có thể rộng hơn và đồng thời các ứng cử viên đầy hứa hẹn có thể bị loại khỏi cuộc đua. Những cái tên mới có thể được bổ sung vào danh sách do việc đề bạt vào phút cuối chỉ vài tháng hoặc vài tuần trước đại hội, hoặc một trong những tiêu chí được nhắc tới trên đây có thể không còn được áp dụng nữa.

Còn đối với các ứng cử viên cá nhân, sự sụp đổ của Tôn Chính Tài, ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh vào giữa tháng 7 là một ví dụ nói lên nhiều điều: Có thông tin rò rỉ cho rằng ông là một trong những nhân vật then chốt của thế hệ lãnh đạo thứ 6, Tôn Chính Tài đã bị tước bỏ chức vụ trong đảng vào ngày 16/7. Dù gì chăng nữa, các ứng cử viên được đề bạt vào Bộ chính trị cũng sẽ không được chính thức giới thiệu là người kế nhiệm đương nhiên, và họ cũng không thể chắc chắn có được chức vụ hàng đầu vào năm 2022. Đấu thủ cuối cùng sẽ có được các vị trí then chốt mà sẽ xác nhận vị thế người kế nhiệm đương nhiên của người này trên cơ sở dần dần: Bước đầu, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc sẽ bầu chọn người này làm Phó Chủ tịch nước vào tháng 3/2018 và người này sẽ được cử làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương trong vòng 2 năm tiếp theo.

Việc lựa chọn các ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị sẽ đưa ra những gợi ý về cách thức Tập Cận Bình hình dung về tương lai chính trị của ông: Nếu không có ứng cử viên nào sinh năm 1959 hoặc sau năm này được lựa chọn, tức là Tập Cận Bình có ý định tiếp tục sau nhiệm kỳ thứ hai của mình. Việc Tập Cận Bình lựa chọn nhiệm kỳ thứ ba sau năm 2022 sẽ là một bước đi rất khác thường và sẽ phá vỡ các quy tắc lâu đời về việc kế nhiệm lãnh đạo, thậm chí gây nghi ngờ về nguyên tắc lãnh đạo tập thể của ĐCSTQ.

Tuy vậy, ngay cả nếu một người kế nhiệm đương nhiên được chuẩn bị để kế nhiệm Tập Cận Bình và ngay cả nếu ứng cử viên này thực sự tiếp quản vào năm 2022, điều này vẫn sẽ không đảm bảo rằng Tập Cận Bình sẽ rút khỏi chính trường. Tập Cận Bình có thể theo gương Giang Trạch Dân và những người tiền nhiệm khác và vẫn giữ các vị trí then chốt như Chủ tịch Quân ủy Trung ương, thậm chí có thể trong nhiều năm sau khi chính thức rút khỏi ban lãnh đạo đảng. Tương tự, ông cũng có thể đi theo bước chân của Đặng Tiểu Bình bằng cách rút khỏi tất cả các vị trí chính thức và chỉ đạo các quyết định chính sách từ hậu trường. Tập Cận Bình cũng có thể đi con đường riêng và củng cố nền tảng của mình trong trung ương đảng bằng cách đưa các môn đệ trung thành vào các vị trí then chốt. Nếu chiến lược này tỏ ra thành công, các quyết định về nhân sự then chốt và những thay đổi trong nghị trình chính trị của đảng sẽ vẫn là đặc quyền của riêng Tập Cận Bình ngay cả sau khi rút khỏi tất cả các vị trí chính thức.

4. Báo cáo chính trị: Bản tuyên ngôn cho nhiệm kỳ dài hơn

Một tâm điểm của đại hội đảng là báo cáo chính trị, một trong những văn kiện không được đánh giá đúng mức nhất trong giới quan sát phương Tây về chính trị Trung Quốc. Tập Cận Bình sẽ đọc báo cáo chính trị này tại đại hội đảng. Văn kiện này sẽ cung cấp những hiểu biết sâu sắc liên quan đến các ưu tiên của nhiệm kỳ thứ hai của ông, cũng như đánh giá về hoạt động của ĐCSTQ trong 5 năm qua. Báo cáo phản ánh một sự đồng thuận cơ bản của giới tinh hoa trong đảng, tập hợp sự ủng hộ của những người bình thường đằng sau một nghị trình chung. Việc soạn thảo báo cáo là một quá trình tập thể kéo dài gần 1 năm. Dưới sự giám sát của Tổng Bí thư ĐCSTQ là sự tham gia của hàng nghìn cán bộ: ở cấp trung ương và cấp tỉnh, trong các tổ chức đảng và chính quyền, trong các thể chế dân sự và quân sự.

Một đánh giá có hệ thống nội dung và cấu trúc của các báo cáo chính trị của 5 đại hội đảng gần đây nhất cho thấy cách thức phát triển về mặt lịch sử của văn kiện này. Báo cáo đem lại một câu chuyện kể về tiến trình cải cách các cấu trúc kinh tế-xã hội của quốc gia và về cách thức biến Trung Quốc thành một đất nước hùng mạnh. Đó là một cương lĩnh chính trị thay vì một kế hoạch chi tiết cho việc phát động các chính sách cụ thể. Về mặt này, tiêu đề của các báo cáo nói lên rất nhiều điều. Mục tiêu của ban lãnh đạo ĐCSTQ thiết lập “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc” được khắc họa đậm nét trong mọi báo cáo. Mục tiêu cuối cùng là thiết lập một hệ thống vượt trội hơn các trật tự chính trị, kinh tế và xã hội khác. Những thay đổi cấp tiến hay thậm chí việc xóa bỏ nguyên cả các đoạn trong văn kiện là không có khả năng xảy ra. Các đoạn về một số vấn đề phần lớn vẫn giống nhau qua các năm. Các đoạn khác thay đổi dựa trên các lĩnh vực làm việc then chốt của mỗi tổng bí thư và chính quyền của họ. Do đó, các khái niệm hoặc các phần mới được bổ sung liên quan đến các vấn đề cấp bách khi đó.

Chẳng hạn, vào năm 2002, sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính Đông Á phơi bày tính dễ bị tổn thương của các mô hình phát triển tập trung phiến diện vào tăng trưởng kinh tế, một phần riêng biệt đã được bổ sung dành riêng cho mục tiêu thiết lập một “xã hội khá giả”. Ban lãnh đạo Trung Quốc đã công nhận rằng sự bất bình đẳng về thu nhập đã trở thành một vấn đề chủ yếu và bắt đầu thăm dò các chương trình chính sách xã hội công. Năm 2007, dưới sự chỉ đạo của Hồ Cẩm Đào, việc quản lý xã hội và sinh kế của người dân đã được đề cập trong một phần mới được bổ sung. Chính quyền đã nhận thấy sự cần thiết phải mở rộng hệ thống an sinh xã hội trong thời kỳ xã hội đang già hóa. Đồng thời, ban lãnh đạo đi theo quan điểm thiết kế xã hội về cách thức cải thiện và định hướng xã hội Trung Quốc nói chung. Sự gia tăng các cuộc biểu tình công khai và việc truyền thông đưa tin chỉ trích tình trạng ô nhiễm môi trường đã dẫn tới việc tạo ra một phần riêng mới về sự cần thiết của sự tiến bộ về môi trường sinh thái tại Đại hội đảng XVIII năm 2012.

ĐCSTQ liên tục tìm cách thể hiện tính liên tục và cố kết của nghị trình chính trị của họ. Một ví dụ khác cũng nói lên nhiều điều là cái gọi là “Chiến lược 5 trong 1” được đưa ra tại Đại hội năm 2012. Chiến lược này xác định sự tiến bộ trong 5 vấn đề lĩnh vực là cốt yếu đối với việc thiết lập “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”. Bắt đầu với trọng tâm về sự tiến bộ về kinh tế và văn hóa tại Đại hội đảng XII năm 1992, các phần về sự tiến bộ chính trị và pháp lý dần được bổ sung vào các báo cáo. Tập Cận Bình có thể bổ sung một vấn đề khác mà ông coi là sống còn: chính sách đối ngoại. Dưới sự lãnh đạo của ông, Trung Quốc đã củng cố các nỗ lực của nước này để trở thành một bên tham gia toàn cầu có ảnh hưởng về cả kinh tế lẫn chính trị.

Hơn nữa, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy một khuôn khổ tư tưởng được gán riêng cho Tập Cận Bình – có thể được gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình” – có thể có một vị trí rất nổi bật trong báo cáo hoặc trong điều lệ đảng. ĐCSTQ đã góp nhặt nhiều xuất bản phẩm khác nhau để đưa ra một “tuyển tập các bài phát biểu của Tập Cận Bình”. Nếu được Đại hội đảng và những người tham gia soạn thảo nhất trí, bước đi này sẽ mang lại cho Tập Cận Bình danh hiệu “nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa lớn” trong cuộc đời ông và sẽ khiến đường lối chính trị của ông không còn là vấn đề tranh cãi.

5. Các ưu tiên đối với nhiệm kỳ thứ hai của Tập Cận Bình

Trong nhiệm kỳ thứ nhất của mình, Tập Cận Bình đã tỏ ra quyết đoán trong việc tạo ra các kết quả chính sách rõ ràng. Tập Cận Bình đã thúc đẩy một số sáng kiến được thông báo trong báo cáo tại Đại hội đảng XVIII, chẳng hạn như chiến dịch chống tham nhũng. Một mặt, Tập Cận Bình tiếp tục một số dự án mà những người tiền nhiệm của ông đã khởi xướng để đạt được các mục tiêu dài hạn của đảng. Mặt khác, ông đã khởi động các sáng kiến mở rộng trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, đặc biệt là thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Tập Cận Bình cũng đã đưa mục tiêu làm cho ĐCSTQ phù hợp với thời đại kỹ thuật số vào trung tâm chiến lược chính trị của ông. Các kế hoạch toàn diện mới được đưa ra như “Made in China 2025” hoặc “Healthy China 2030”, và việc thiết lập một “Hệ thống tín dụng xã hội” toàn diện (ấn định cho các công ty, cá nhân và các đơn vị chính phủ một số điểm thể hiện độ đáng tin cậy) xác nhận niềm tin của ông vào các lợi ích của việc số hóa. Tập Cận Bình và các phụ tá của ông nhắm mục tiêu vào việc liên kết các chiến lược phát triển trong tất cả các lĩnh vực chính sách với các ứng dụng công nghệ thông tin. Họ muốn ĐCSTQ trở thành chủ thể đi tiên phong trong việc tận dụng các giải pháp công nghệ thông tin cho phép xử lý dữ liệu lớn để đạt được sứ mệnh chính trị của mình, bằng việc kết hợp các đặc trưng tổ chức mang màu sắc chủ nghĩa Lenin của đảng với các công cụ kỹ thuật số mới cho việc điều phối và giám sát trong một kiểu “chủ nghĩa Lenin kỹ thuật số” mới cho thế kỷ 21.

Trong bối cảnh như vậy, chúng ta có thể trông đợi điều gì trong nhiệm kỳ thứ hai của Tập Cận Bình? Tại Đại hội đảng XIX, giới tinh hoa trong đảng sẽ thảo luận và cuối cùng thông qua báo cáo chính trị, trong đó có nghị trình của Tập Cận Bình trong 5 năm tới. Nhưng sẽ có những ưu tiên chính sách nào trong báo cáo? Với việc năm 2021 đánh dấu sinh nhật lần thứ 100 của ĐCSTQ, Tập Cận Bình sẽ phải thực hiện được lời hứa tạo ra một “xã hội khá giả” ở Trung Quốc. Đồng thời, Tập Cận Bình cũng đang xây dựng di sản của mình với tư cách một chính trị gia hàng đầu: Các sáng kiến của ông sẽ được khắc họa một cách nổi bật đến đâu trong báo cáo sẽ là một câu hỏi then chốt về mặt này.

Đồng thời, Tập Cận Bình phải xử lý các vấn đề đang gây ra sự bất mãn trong giới doanh nhân, công chúng hay thậm chí giới viên chức Trung Quốc. Trong số các vấn đề nan giải này là những câu hỏi về quyền sở hữu và sự đối xử ưu tiên đối với các SOE trong nền kinh tế Trung Quốc. Báo cáo chính trị rất có khả năng sẽ gợi ý về những sự sửa đổi tiến trình chính trị về các vấn đề này. Một số vấn đề có các tác động rộng lớn hơn đối với tương lai của đảng và Trung Quốc nói chung:

Hệ tư tưởng: Kiểm soát tình cảm và tư tưởng trong một xã hội ngày càng cá nhân chủ nghĩa

Trong những thời kỳ tăng trưởng kinh tế trì trệ, ĐCSTQ hơn bao giờ hết cần tận dụng một nguồn tính hợp pháp thay thế cho sự lãnh đạo của đảng. ĐCSTQ dưới thời Tập Cận Bình đã can dự vào một nỗ lực được phối hợp – không có tiền lệ cả về quy mô lẫn phạm vi kể từ năm 1978 – để hạn chế tác động của những tư tưởng “phương Tây” đồng thời đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực tạo ra một tiêu chuẩn tư tưởng thống nhất.

Những nỗ lực được tăng cường của Tập Cận Bình nhằm truyền bá một hệ tư tưởng thống nhất vươn xa vượt ra bên ngoài các cơ quan của ĐCSTQ. Nhiều đơn vị truyền thông khác nhau của đảng-nhà nước, với sự trợ giúp của các công ty quan hệ công chúng, đã đẩy mạnh những nỗ lực truyền tải các khái niệm như “các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi” tới công chúng rộng lớn hơn, đặc biệt nhắm tới thế hệ trẻ hơn và cả người nước ngoài với các sản phẩm thông tin đồ họa, những bài hát rap và những đoạn video. Mọi kiểu phương tiện truyền thông, đặc biệt là các nền tảng trực tuyến và truyền thông xã hội, đã và đang là mục tiêu của việc thắt chặt các quy định liên quan đến sự lan truyền “năng lượng tiêu cực”.

Tổ chức đảng: Củng cố sự hiện diện thường trực của ĐCSTQ

Phần then chốt trong chiến lược của Tập Cận Bình khẳng định lại vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ ở Trung Quốc là củng cố và mở rộng tầm với của các cấu trúc tổ chức đảng. Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, số lượng các cấu trúc đảng mới được thành lập tại các đơn vị phi chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân đã gia tăng đáng kể. Đảng đang tiếp tục các nỗ lực của mình vươn tới và tập hợp các bên tham gia kinh tế và xã hội. Đảng muốn đưa những người ủng hộ trung thành vào tất cả các kiểu tổ chức và qua đó có được ảnh hưởng đòn bẩy để tác động đến các quyết định chiến lược hoặc nhân sự.

Xã hội: Chiến đấu chống đói nghèo và xử lý các vấn đề cấp bách

Về phát triển xã hội, 2021 là một năm then chốt đối với ban lãnh đạo đảng. Họ đã hứa hẹn hoàn thành mục tiêu thế kỷ đầu tiên – thiết lập một xã hội khá giả – vào thời gian đó. Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 bao gồm các cam kết tăng gấp đôi mức thu nhập của năm 2010 vào năm 2020 và loại bỏ đói nghèo. Nhưng Tập Cận Bình muốn tiến xa hơn việc chỉ cải thiện sinh kế của người dân. Ông nhắm tới tạo ra “xã hội văn minh hóa” mà đảng đã đặt ra thông qua tuyên truyền và phát triển các công cụ để định hướng và giám sát xã hội tốt hơn.

Trong thời gian này, người dân trông đợi đảng sẽ thực hiện được cam kết về 2 vấn đề cấp bách: bảo vệ của cải của họ và chống ô nhiễm thành công. Chính 2 vấn đề này có tiềm năng lớn nhất gây ra tình trạng náo động lớn. Do đó, báo cáo rất có khả năng sẽ đề cao sự cần thiết phải làm rõ hơn vấn đề quyền sở hữu. Tuy vậy, nó sẽ không đạt tới việc đưa ra giải pháp cho vấn đề về cách thức kết hợp quyền sở hữu cá nhân với tư tưởng của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ 21.

Kinh tế: Sự phát triển được thúc đẩy bởi sự đổi mới

Năm 2014, Tập Cận Bình lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “bình thường mới” một cách nổi bật trong một bài diễn văn. Thuật ngữ này được đặt ra nhằm trình bày tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn của nền kinh tế Trung Quốc theo cách tích cực. Một khẩu hiệu khác trong các văn kiện của đảng mô tả các đặc điểm gần đây của cải cách kinh tế là thuật ngữ “phát triển thúc đẩy bởi đổi mới”: Trung Quốc sẽ leo lên phía trên chuỗi giá trị và trở thành một quốc gia chế tạo hùng mạnh. Phần về cải cách kinh tế trong báo cáo sẽ nhấn mạnh sự cần thiết của một sự chuyển đổi nhanh sang mô hình tăng trưởng mới, một sự đẩy mạnh hơn nữa khu vực dịch vụ và việc số hóa ngành chế tạo. Nó cũng sẽ cung cấp những hiểu biết sâu sắc về các vòng cải cách trong tương lai của các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước mà cho đến giờ tỏ ra tương đối không thành công. Đối với những nhà quan sát bên ngoài, đặc biệt là ở châu Âu và Bắc Mỹ, phần này có thể đưa ra những manh mối về lập trường của giới tinh hoa trong đảng về 2 vấn đề: việc đầu tư ngoài nước của các công ty Trung Quốc và quyền tiếp cận thị trường của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc.

Chính sách đối ngoại: Thúc đẩy tầm với toàn cầu của Trung Quốc

Tập Cận Bình đã dành rất nhiều thời gian hơn cho việc ra nước ngoài và đã dành nhiều sự chú ý hơn cho nghị trình toàn cầu của Trung Quốc so với những người tiền nhiệm của ông. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” lần đầu tiên được công bố năm 2013 đã trở thành dự án đặc trưng của Tập Cận Bình. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2017 ở Davos, trong bài phát biểu của mình, Tập Cận Bình đã nhắc tới vai trò của Trung Quốc như một bên bảo vệ toàn cầu hóa và thương mại tự do. Những thay đổi đáng kể về cách diễn đạt và về cách thức Trung Quốc hành xử với tư cách một bên tham gia toàn cầu đã và đang được tiến hành, và đã có một sự thay đổi lập trường rõ ràng về vai trò của nước này với tư cách một bên tham gia an ninh toàn cầu.

Đa số người dân Trung Quốc hoan nghênh vai trò then chốt mới này của quốc gia họ trong chính trị quốc tế. Nó khiến họ tự hào khi thấy chủ tịch của họ trên trường quốc tế. Tuy nhiên, những tiếng nói chỉ trích đặt câu hỏi về cái giá mà quốc gia này phải trả cho vai trò mới của mình đang trở nên mạnh mẽ hơn. Hoạt động đầu tư dễ gặp rủi ro của Trung Quốc ở nước ngoài và sự hiện diện của các công dân Trung Quốc ở các quốc gia bất ổn về chính trị đều đang gia tăng. Không có một sự đánh giá rủi ro thích hợp, BRI có thể biến thành “gót chân Asin” của Tập Cận Bình. Trong số những nhân vật có ảnh hưởng nhất công khai lên tiếng chỉ trích có Thời Ân Hoằng. Hoạt động với tư cách cố vấn cho Quốc vụ viện, học giả về quan hệ quốc tế này đã công khai cảnh báo về việc “bội chi chiến lược” trong các cam kết kinh tế liên đới và nguy cơ bị lôi kéo vào các xung đột quân sự.

Những trở ngại lớn liên tiếp nhau làm suy yếu độ tin cậy của sáng kiến này cuối cùng có thể lấy đi của Tập Cận Bình sự ủng hộ không bị tranh cãi mà ông cần cho các vấn đề cải cách trong nước đầy tham vọng mà ông muốn theo đuổi. Như vậy, một sự thông qua trọn vẹn nghị trình chính sách đối ngoại đầy tham vọng tại đại hội đảng không phải là một kết quả được dự tính. Tập Cận Bình thậm chí có thể phải kìm hãm những tham vọng quốc tế của mình trong nhiệm kỳ thứ hai để giải quyết các vấn đề cấp bách hơn trong nước.

6. Kết luận

Đại hội đảng lần thứ XIX vào mùa Thu này sẽ đưa ra những gợi ý liên quan đến phạm vi thực sự của quyền lực Tập Cận Bình và khả năng của ông định hình nghị trình của đảng trong 5 năm tới hay thậm chí hơn thế nữa. Nhiệm kỳ đầu tiên của Tập Cận Bình (2012-2017) đã được xác định bởi một sự chuyển hướng rõ ràng sang chính trị “người hùng”, tập trung hóa việc ra quyết định và việc áp đặt kỷ luật tổ chức và tư tưởng trong đảng cầm quyền. Vị thế của Tập Cận Bình sẽ được củng cố hơn nữa tại đại hội đảng nếu các đồng minh được tin cậy của ông được lựa chọn vào các vị trí then chốt và nếu các yếu tố xác định của nhiệm kỳ đầu tiên của ông được mở rộng thông qua các báo cáo và nghị quyết được thông qua trong Đại hội.

Cách tiếp cận tập trung và cá nhân hóa của Tập Cận Bình đối với ban lãnh đạo Đảng Cộng sản khác biệt đáng kể so với các nhà lãnh đạo hậu Mao Trạch Đông khác. Dưới thời những người tiền nhiệm của Tập Cận Bình ở cương vị cầm lái ĐCSTQ – Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào – hệ thống chính trị của Trung Quốc mang lại nhiều không gian hơn cho sự tiến triển mang tính thích ứng. Sáng kiến về hành chính và kinh doanh từ dưới lên đã là một sự thúc đẩy then chốt cho việc đổi mới chính sách và động lực kinh tế từ năm 1978 đến 2012.

Trái lại, thẩm quyền chính trị cá nhân hóa và việc hoạch định chính sách tập trung hóa được theo đuổi dưới thời Tập Cận Bình trên thực tế đang thu hẹp chiều hướng phát triển của Trung Quốc. Trong một kịch bản có thể diễn ra, sự cứng rắn hơn có thể trở nên quá cứng nhắc về mặt hành chính, hoặc quá liều lĩnh về mặt tài chính, để duy trì tái cấu trúc kinh tế liên tục. Và thẩm quyền cá nhân của Tập Cận Bình và ban lãnh đạo từ trên xuống có thể bị tổn hại do những thất bại chính sách rõ ràng hoặc sức khỏe suy yếu. Trong những kịch bản như vậy, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những hoạt động chính trị kiểu cầu may và không có một lựa chọn đáng tin cậy nào cho một sự chuyển tiếp mang tính tiến triển, không gây rối loạn sang một chính thể linh hoạt và cởi mở hơn.

Tuy nhiên, ngược lại, nếu tầm nhìn của Tập Cận Bình về một kiểu lãnh đạo của Đảng Cộng sản với kỷ luật chặt chẽ, được hậu thuẫn bởi công nghệ thông tin và chú trọng vào an ninh hóa ra là có hiệu quả về chính trị và kinh tế, hệ thống chính trị của Trung Quốc sẽ trở thành một hình mẫu toàn cầu về việc liên kết tiềm năng mang tính biến đổi của công nghệ dữ liệu lớn với cách tiếp cận cứng rắn đối với việc lãnh đạo.

Các quyết định chính trị được đại hội đảng thông qua sẽ đưa ra các gợi ý không chỉ về sự phát triển trong nước của Trung Quốc mà còn về ảnh hưởng toàn cầu mà chúng ta có thể trông đợi trong những năm sắp tới trong thời gian Tập Cận Bình nắm quyền. Nhìn chung, nếu cách tiếp cận quyết đoán của Tập Cận Bình đối với chính sách đối ngoại được đại hội đảng đẩy mạnh hơn nữa, những căng thẳng trong ngoại giao quốc tế, thương mại và an ninh xoay quanh các lập trường và hành động của Trung Quốc có thể tiến tới gia tăng trong tương lai gần.

Matthias Stepan, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chính sách Công Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, Đức. Bài viết được đăng trên Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator.

Trần Quang (gt)