Từ cuối tháng 10/2010, hoạt động ngoại giao cấp cao mà từ trước đến nay Trung Quốc hết sức coi trọng, đã đi vào một thời kỳ sôi nổi chưa từng có, đồng thời đã đẩy “ngoại giao quy mô lớn” của Trung Quốc ở thế kỷ mới lên một cao trào mới. Trước hết là vào cuối tháng 10, Ủy viên trưởng Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội) Ngô Bang Quốc và Thủ tướng Quốc vụ viện Ôn Gia Bảo hội kiến Tổng thống Italia Giorgio Napolitano đến thăm Trung Quốc tại Bắc Kinh, Thủ tướng Ôn Gia Bảo hội kiến các nhà lãnh đạo chủ chốt trong khối ASEAN và hội kiến các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc trong thời gian dự Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 5. Kế đó Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hội kiến Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tại Bắc Kinh, Thủ tướng Ôn Gia Bảo hội kiến nhà lãnh đạo các nước Nêpan và Xri Lanca đến tham gia Diễn đàn cấp cao Hội chợ triển lãm quốc tế Thượng Hải; Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân toàn quốc Giả Khánh Lâm lên đường đi thăm Xyri, Ba Lan. Mới đây, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lại đi thăm Pháp và Bồ Đào Nha ở châu Âu, sau đó hội kiến các nhà lãnh đạo chủ chốt tham gia Hội nghị thượng đỉnh G.20 và APEC như Tổng thống Mỹ Obama v.v.. Đồng thời Thủ tướng Anh và các nhà lãnh đạo của một số nước quan trọng khác cũng đến thăm Trung Quốc.


Lý giải về đợt ngoại giao cấp cao nói trên, không thể không xét đến hai bối cảnh chiến lược quan trọng dưới đây:


Thứ nhất, môi trường chiến lược của Trung Quốc hiện nay bước vào một thời kỳ có nhiều thay đổi phức tạp.


Trên bình diện láng giềng, Nhật Bản bắt giữ tàu cá Trung Quốc đang tác nghiệp, bắt giữ ngư dân và thuyền trưởng trong nhiều ngày, có ý khới lên vụ tranh chấp đảo Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc, làm cho quan hệ Trung-Nhật xấu đi; Vụ tàu Cheonan của Hàn Quốc bị bắn chìm và quá trình xử lý sau đó, vụ tàu sân bay USS Washington của Mỹ có đi vào Hoàng Hải tham gia tập trận quân sự Mỹ-Hàn hay không, những vụ việc như vậy làm cho Trung Quốc đứng trước sức ép chiến lược mới ở hướng Đông Bắc Á; Vụ tranh chấp ở Biển Đông và việc các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ và một số nước khác lên tiếng can thiệp khiến chủ trương chính sách “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” của Trung Quốc ở Biển Đông gặp thách thức nghiêm trọng hơn. Đồng thời quan hệ giữa Trung Quốc với Ấn Độ và Trung Quốc - Mông Cổ có nhiều mâu thuẫn thiếu hài hòa không có lợi cho Trung Quốc. Tình hình ở Pakixtan, Ápganixtan và ở Trung Á cũng rối ren không dứt.


Trên bình diện toàn cầu, kinh tế thế giới phục hồi khó khăn, các thực thể kinh tế chủ yếu của phương Tây như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều không thể thực hiện mục tiêu phục hồi, triển vọng của nền kinh tế thế giới không sáng sủa, va chạm thương mại, va chạm đầu tư, tranh cãi trong vấn đề tỉ giá tiền tệ, “cuộc chiến ngầm” từng đợt đẩy đến cao trào mới, “thuyết về chiến tranh tiền tệ” phủ lên triển vọng của nền kinh tế thế giới lớp mây mù ảm đạm; Chính phủ của Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố rút quân chiến đấu khỏi Irắc, lại tuyên bố mở rộng nỗ lực trong cuộc chiến ở Ápganixtan, công khai tuyên bố tăng cường bố trí quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là ở khu vực quân sự tiền duyên xung quanh Trung Quốc, lại lớn tiếng tuyên bố “trở lại” Đông Nam Á, can thiệp vấn đề Biển Đông và trong tranh chấp đảo Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản, làm tăng biến số mới trong quan hệ Trung-Mỹ; Trung tâm địa-chính trị thế giới tăng nhanh nhịp độ chuyển sang châu Á-Thái Bình Dương, sức mạnh chiến lược toàn cầu và quan hệ chiến lược toàn cầu đi vào một chu kỳ điều chỉnh mới, “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc” và “thuyết (Trung Quốc) ngạo mạn” một lần nữa lại nóng lên.


Thứ hai, trong quý 2 năm 2010 tổng lượng kinh tế Trung Quốc tính theo tiêu chuẩn tỉ giá hối đoái đã vượt Nhật Bản đứng hàng thứ hai thế giới, các nước nói chung cũng cho rằng Trung Quốc đã trở thành thực thể kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời cũng căn cứ theo đó để theo dõi chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đề xuất tiêu chuẩn mới đối với chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Uy tín quốc tế và ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế tăng lên mạnh, “thuyết trách nhiệm của Tung Quốc” cũng nóng lên tương ứng.


Hai bối cảnh chiến lược nói trên, tức tình trạng phức tạp hóa trong môi trường chiến lược của Trung Quốc và thực lực cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên, “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc” và “thuyết trách nhiệm của Trung Quốc” cũng đồng thời nổi cộm lên, tạo ra thách thức mới đối với đường lối ngoại giao của Trung Quốc và cũng đem lại không gian hoạt động rộng lớn hơn cho Trung Quốc. Đợt ngoại giao cấp cao lần này của Trung Quốc đã diễn ra phù hợp với hai bối cảnh chiến lược lớn nói trên, là sự hồi đáp tích cực trước những cơ hội và thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt trong môi trường chiến lược mới.


Trong bối cảnh đó, đường lối ngoại giao của Trung Quốc càng phải nắm vững yếu tố cân bằng trong quá trình thúc đẩy tích cực.


Trước hết, về tư duy ngoại giao, cần phải làm một nước lớn khiêm tốn, chú trọng yếu tố cân bằng giữa giấu mình chờ thời và phải có hành động. Đương nhiên giấu mình chờ thời không có nghĩa là bị động tiêu cực, khi tình huống liên quan đến lợi ích căn bản của quốc gia, nếu cần chủ động phải chủ động, cần ra tay phải ra tay, cần “có trách nhiệm” phải có trách nhiệm.


Thứ hai, về định hướng lợi ích ngoại giao, cần chú trọng cân bằng giữa bảo vệ lợi ích phát triển và bảo vệ những lợi ích khác, cân bằng giữa lợi ích trước mắt với lợi ích trung hạn và dài hạn. Từ khi cải cách mở cửa, đường lối ngoại giao của Trung Quốc vẫn luôn hướng tới mục tiêu trung tâm là phục vụ xây dựng hiện đại hóa, trong đó đặc biệt thúc đẩy lợi ích kinh tế thương mại. Tuy nhiên một nền ngoại giao chỉ đơn lẻ coi phát triển lợi ích là định hướng phục vụ, “tất cả phục tùng phát triển” thì đường lối ngoại giao đó chỉ có tính giai đoạn, không toàn diện. Trong khi Trung Quốc phát triển nhanh và sức mạnh quốc gia tổng hợp tăng lên, các lĩnh vực và khu vực liên quan tới lợi ích quốc gia của Trung Quốc cũng không ngừng mở rộng, các lợi ích khác như thể hiện uy tín về chính trị, văn hóa và ưu thế về chế độ của Trung Quốc, bảo vệ lợi ích của công dân, kiều dân hải ngoại và an ninh lãnh thổ lãnh hải, quan tâm hòa bình, ổn định, an ninh trong phạm vi thế giới và công bằng quốc tế, tất cả những lợi ích đó cũng không thể không đưa nhiều hơn vào phạm trù ngoại giao của Trung Quốc.


Thứ ba, về định hướng không gian ngoại giao, cần chú trọng cân bằng giữa ngoại giao láng giềng và ngoại giao toàn cục. Trong thời kỳ tương đối dài tới đây, ngoại giao Trung Quốc cũng vẫn phải xác định trọng tâm là môi trường láng giềng xung quanh, ra sức tạo dựng khu vực xung quanh thành chỗ dựa tin cậy ổn định. Nhưng khi tiến đến vị trí của nước lớn thế giới thì phạm vi lợi ích của Trung Quốc cũng phải mở rộng ra toàn thế giới, thuộc tính nước lớn thế giới của Trung Quốc cũng tất yếu không ngừng tăng lên. Đợt ngoại giao cấp cao lần này chính là thể hiện sự thống nhất giữa ngoại giao láng giềng và ngoại giao toàn cục như vậy.


Cuối cùng, về hình thức ngoại giao, cần chú trọng cân bằng giữa ngoại giao cấp cao với ngoại giao ở các cấp độ khác. Ngoại giao cấp cao thường do thực hiện ở cấp bậc cao, quy mô lớn, có thể trực tiếp quyết định nên được coi trọng. 60 năm từ khi thành lập nước đến nay, công lao của ngoại giao cấp cao trong việc mở ra cục diện ngoại giao mới cho ngành ngoại giao Trung Quốc là không thể phủ nhận. Tuy nhiên trong khi mở rộng họat động ngoại giao cấp cao, hình thức ngoại giao ở những cấp bậc khác như ngoại giao nhân dân, ngoại giao tuyến hai v.v. cũng cần phải được kịp thời huy động, quán triệt thực hiện và cụ thể hóa các thành quả của ngoại giao cấp cao./.

 

Nguồn: Tạp chí " Liêu Vọng" số 22-2010; TTXVN