thediplomat_2014-06-11_14-46-53-386x270.jpg

Các mối quan hệ của Trung Quốc và quy tắc toàn cầu

Các nhà tư tưởng Trung Quốc đang ngày càng tập trung vào “quản trị toàn cầu” và làm cách nào Trung Quốc, một cường quốc trên thế giới, phải chuyển vai trò địa chính trị ngày càng tăng của nước này thành các vấn đề quản trị vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Với việc Chủ tịch Tập Cận Bình có thể lãnh đạo Trung Quốc trong vòng 10-15 năm tới (trừ vấn đề về sức khỏe) thì khả năng sẽ có các mối quan hệ quốc tế lớn hơn và mô hình lãnh đạo quốc tế mà nước này đưa ra.

Trong 2 năm qua, Tập Cận Bình đã cho thấy Trung Quốc đóng vai trò chủ động hơn trong các vấn đề toàn cầu, từ biến đổi khí hậu, mở cửa kinh tế và thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Tuy nhiên, cũng có nhiều người không tin vào ý định lâu dài của Trung Quốc bởi họ nhận thức Trung Quốc chỉ hành động vì lợi ích riêng của mình mà không quan tâm tới các quốc gia khác. Điều này đặc biệt được xem xét trong hai vấn đề: Biển Đông và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Các tranh chấp tại Biển Đông

Các tranh chấp tại Biển Đông đang phủ bóng lên mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Trong khi các nhà ngoại giao Trung Quốc và ASEAN đã nỗ lực trong năm qua để đảm bảo rằng những mâu thuẫn trong vấn đề Biển Đông sẽ không leo thang, các tranh chấp tại đây còn rất lâu mới được giải quyết (dù hai bên đang làm việc để đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông - COC).

Một vấn đề cơ bản nằm ở cách thức thực hiện các quy tắc của quan hệ quốc tế và ngoại giao vốn đầy phức tạp. Giáo sư William Callahan tại Trường Kinh tế London (Anh) cho rằng Liên hợp quốc hay ASEAN là mô hình tốt, có thể giúp Trung Quốc chuyển đổi mô hình quan hệ quốc tế của mình.

Tuy nhiên, sự không ổn định của các xu thế chủ đạo trong nội tại Trung Quốc giữa một bên là các học giả Trung Quốc với tư tưởng cởi mở và một bên là các quan chức có xu hướng truyền thống cho thấy sự chuyển đổi của Trung Quốc có thể diễn ra theo các cách thức khác nhau: một là xã hội hóa lẫn nhau hoặc một Trung Quốc lớn mạnh sẽ chuyển đổi phần còn lại của thế giới theo mô hình chính trị của mình. Về mặt này, các yếu tố liên quan không chỉ là sự kiểm soát nguồn lực kinh tế hay dân số mà là vấn đề của các quy tắc, luật chơi do Trung Quốc đặt ra.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, các học giả và nhà hoạch định chính sách Indonesia, Việt Nam đều cho rằng Trung Quốc đang cố gắng viết lại hệ thống luật lệ quốc tế theo hướng có lợi cho mình mà không quan tâm tới các quốc gia mà nước này có quan hệ. Sự ưa thích tiếp cận song phương của Trung Quốc trong việc giải quyết các tranh chấp cho thấy nước này vẫn thận trọng trong việc tiếp nhận ý kiến của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc tin rằng việc làm này sẽ giúp ngăn cản các lợi ích và ưu tiên của phương Tây trong các tranh chấp. Tuy nhiên, niềm tin này sẽ không giúp Bắc kinh nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp với các nước ASEAN.

Phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên

Triển vọng về việc Trung Quốc khẳng định ảnh hưởng mạnh mẽ tại bán đảo Triều Tiên vẫn chưa chắc chắn bất chấp chuyến thăm Bắc Kinh gần đây của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un. Mặc dù Trung Quốc thường được coi là đồng minh quan trọng của Triều Tiên, đặc biệt trong mối quan hệ với phương Tây, nhưng mối quan hệ Trung - Triều vẫn còn rất nhiều phức tạp. Đúng như học giả Kim Heungkyu thuộc viện Asan chỉ ra rằng Trung Quốc đang rất lúng túng trong khủng hoảng hạt nhân tại đây và nước này cũng không hiệu quả trong việc kiềm chế Triều Tiên.

Quan điểm của Trung Quốc đối với bán đảo Triều Tiên là “không có chiến tranh, không bất ổn và không hạt nhân”. Trong suốt thời gian căng thẳng tại bán đảo trong năm 2017, Trung Quốc đã rất tích cực hợp tác với chính quyền Trump nhằm gây áp lực kinh tế đối với Triều Tiên (mặc dù rất hạn chế). Các cuộc tiếp xúc song phương gần đây giữa hai miền Triều Tiên và cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim sắp tới được nhiều tiếng nói tại Trung Quốc hoan nghênh, coi đó như là một giải pháp chính xác của Trung Quốc.

Tuy nhiên, thượng đỉnh Kim-Trump lại có thể đẩy Trung Quốc ra ngoài cuộc chơi cũng như làm suy yếu những lợi ích của Trung Quốc. Một số nhà phân tích chính trị Trung Quốc đánh giá rằng Trung Quốc mắc sai lầm chiến lược khi hợp tác với chính quyền Trump trong vấn đề Triều Tiên. Dù Trung Quốc tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên nhưng nước này nhận được rất ít tán dương trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục là mục tiêu trừng phạt của Mỹ. Trong suy nghĩ của các nhà phân tích này thì Trung Quốc đang làm thay đổi hiện trạng và tính ổn định của Triều Tiên mà có khả năng ảnh hưởng tới Trung Quốc trong khi không nhận lại được gì từ chính quyền Trump, thậm chí còn có nguy cơ bị Mỹ lôi kéo vào một cuộc chiến thương mại.

Từ sức mạnh quốc gia tới hình ảnh quốc tế

Sức mạnh quốc gia của Trung Quốc hiện nay là điều không bàn cãi. Tuy nhiên hình ảnh, uy tín quốc tế của Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề. Mối quan hệ của Trung Quốc đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương rất quan trọng đối với hình ảnh, uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Nếu Trung Quốc muốn xây dựng hình ảnh và uy tín đối với quốc tế, nước này phải có cách tiếp cận đối với quản trị toàn cầu phản ánh các tiêu chuẩn và quy tắc quốc tế. Do vậy, để hình ảnh của Trung Quốc tốt lên trong mắt quốc tế, nước này cần phải có cách tiếp cận theo hướng ít đặt mình vào vị trí trung tâm của thế giới, đặc biệt là trong mối quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng. Nếu Bắc Kinh là một nhà lãnh đạo toàn cầu thì nước này phải thuyết phục được cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc là một nước lớn có trách nhiệm trong mọi vấn đề quốc tế, từ vấn đề Biển Đông tới vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Tác giả là Phó giáo sư Benjamin Ho, thuộc chương trình nghiên cứu Trung Quốc thuộc RSIS và Hoo Chiew-Ping, giảng viên cao cấp tại Đại học quốc gia Malaysia. Bài viết đăng trên “RSIS.”

Vũ Hiền (gt)