Nội dung bản “Kiến nghị của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 phát triển kinh tế - xã hội” được thông qua tại Hội nghị toàn thể trung ương lần thứ 5 khóa 17 mới đây đã chỉ rõ “phải xây dựng và thực thi Chiến lược phát triển biển”. Để quán triệt tinh thần của Hội nghị trung ương lần thứ 5, ngày 25/11 mới đây Viện nghiên cứu chiến lược phát triển biển thuộc Cục hải dương quốc gia Trung Quốc đã tổ chức Diễn đàn cao cấp về chiến lược phát triển biển tại Bắc Kinh. Dưới đây là tóm lược nội dung ý kiến phát biểu của một số chuyên gia, học giả tại diễn đàn nói trên, đăng trên báo “Hải dương Trung Quốc” số ra ngày 30/11/2010.


Nam Chấn Trung, Phó chủ nhiệm Ủy ban ngoại vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 11:


Trong cuốn sách có tên “Bàn về quyền lực biển”, Alfred Thayer Mahan có câu nói nổi tiếng: “Ai kiểm soát được biển, người đó sẽ kiểm soát được cả thế giới”. Câu nói trên đã được chứng nghiệm qua hai cuộc đại chiến thế giới. Vốn bắt nguồn từ nền văn minh biển, các nước phương Tây ngay từ rất sớm đã coi trọng vai trò quan trọng của biển. Từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, nhà chính trị - quân sự Hy Lạp cổ đại Pericles đã bắt đầu quan tâm vấn đề biển, chủ trương chiến lược căn bản của Aten là: Xác lập địa vị chi phối của mình ở tất cả những vùng biển nào mà mình có thể kiểm soát được. Nhà hải dương học cổ Hy Lạp Themistocles, nhà triết học cổ La Mã Marcus Tullius Cicero cũng từng dự báo “ai kiểm soát được biển người đó sẽ kiểm soát được tất cả”. Từ hơn 2000 năm trước viễn kiến của các nhà triết học, nhà quân sự đã khiến người ta phải kinh ngạc. Trung Quốc vừa là nước lớn đang phát triển trên lục địa, cũng vừa là nước nước lớn phát triển về biển, biển có quan hệ mật thiết với quá trình tồn tại và phát triển của dân tộc Trung Hoa. Chúng ta phải xem xét nghiêm túc việc Trung Quốc cần phải kiên trì chiến lược biển, quản lý các công việc về biển và bảo vệ lợi ích biển như thế nào, phải kiên quyết bảo vệ an ninh biển ra sao, tiến thêm một bước phát triển và sử dụng nguồn tài nguyên biển, góp phần tích cực trong sự nghiệp phục hưng dân tộc Trung Hoa.

 
Phương Khắc Định, Cố vấn Trung tâm thông tin đất đai thuộc Bộ Tài nguyên đất nước:


Biển là không gian lớn, nguồn tài nguyên lớn và đường vận chuyển lớn, xét từ góc độ của cỗ máy điều tiết môi trường sinh thái toàn cầu thì biển là môi trường lớn. Trung Quốc là quốc gia thuộc cả đất liền và biển, nhưng quan hệ giữa lục địa và biển lại không cân bằng, lục địa lớn, biển nhỏ. Chiến lược biển của Trung Quốc gặp nhiều trở ngại về điều kiện tự nhiên và xã hội, chúng ta cần hoạch định chiến lược phát triển biển bằng khái niệm “biển lớn”. “Biển lớn” có thể phân thành 5 cấp độ khác nhau: Một là lãnh hải và nội thủy, nghĩa là lãnh thổ biển; Hai là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, cũng gọi là “tiền” lãnh thổ biển; Ba là vùng biên giới lãnh thổ biển; Bốn là vùng nước sâu chất lượng tốt cho quần thể ngư dân làm nghề đánh bắt cá biển; Năm là biển quốc tế và vùng đáy biển. Chức năng của biển ở 5 cấp độ nói trên không giống nhau. Trung Quốc không đi ra được vùng biển quốc tế là không phải nước lớn về biển, không xây dựng được các ngành nghề ở vùng biển sâu sẽ không thành được cường quốc biển.

 
Trương Đăng Nghĩa, nguyên Cục trưởng Cục hải dương quốc gia:


Hội nghị toàn thể lần thứ 5 khóa 17 của Đảng đã nâng biển lên tầm cao quyết sách chiến lược quốc gia, phát triển sự nghiệp biển đã có được cơ hội lớn. Việc nghiên cứu chiến lược biển phải đứng trên tầm cao của nhiệm vụ bảo vệ lợi ích lâu dài, căn bản của quốc gia, lấy việc phục vụ công tác hoạch định và thực thi chiến lược phát triển biển làm chủ đề, lấy việc cụ thể hóa công tác nghiên cứu vấn đề trọng đại về biển làm trọng tâm, đề xuất tư duy mới, quan điểm mới và ý tưởng mới.


Mục đích chủ yếu trong hoạch định chiến lược biển và thực thi chiến lược biển là phát triển kinh tế biển. Hiện nay, chất lượng và hàm lượng kỹ thuật trong phát triển kinh tế biển chưa cao, nhiệm vụ chuyển đổi phương thức phát triển và điều chỉnh cơ cấu phát triển còn rất nặng nề. Nâng cao hàm lượng kỹ thuật trong phát triển biển và tăng cường sáng tạo khoa học công nghệ về biển là một lối thoát hết sức quan trọng, vấn đề này đang bức xúc đòi hỏi phải mở rộng nghiên cứu khoa học biển và sáng tạo trong phát triển kỹ thuật biển. Trong nghiên cứu chiến lược phát triển biển cần phải thể hiện rõ hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ lợi ích biển, đảm bảo an ninh tuyến vận tải đường biển, đào tạo nhân tài trong lĩnh vực biển, đồng thời phải bám sát và phân tích cụ thể xu thế phát triển mới trong lĩnh vực biển, đi sâu nghiên cứu và nắm bắt chính xác những biểu hiện mới mang tính chiến lược của một số nước lớn về biển.


Tô Kỷ Lan, Viện sĩ Viện khoa học Trung Quốc:


Việc triển khai công tác nghiên cứu biển trên thế giới tuy đã triển khai tương đối sớm nhưng ở Trung Quốc công tác này lâu nay lại không được coi trọng đúng mức, lực lượng nghiên cứu cũng không được chuẩn bị đầy đủ. Thiếu nhân lực và thiết bị, khó thích ứng được với yêu cầu trong tình hình phát triển biển trên thế giới.


Giữa biển và khí hậu có mối quan hệ hết sức mật thiết, Trung Quốc phải tích cực tham gia các dự án nghiên cứu biển quốc tế và biến đổi khí hậu. Các nguồn gen biển, khoáng sản, các hóa chất được tạo nên do kết hợp với nước cũng phải được triển khai nghiên cứu một cách tương ứng. Bố cục nghiên cứu cơ sở biển sâu cần quan tâm mục tiêu lâu dài, kế hoạch triển khai cần theo hướng vượt qua tầm nhìn trước mắt, thúc đẩy khoa học kỹ thuật phát triển. Việc thực thi kế hoạch nghiên cứu cần xem xét quan trắc hiện trường, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học liên ngành và nghiên cứu khoa học kỹ thuật cao, xây dựng mặt bằng thí nghiệm khoa học công nghệ chung về biển sâu, xây dựng kế hoạch quan trắc nghiên cứu biển sâu bền vững lâu dài.

 
Vương Tông Lai, Ủy viên thường trực Hội luật biển Trung Quốc:


Kiến nghị về “Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 đã đề ra mục tiêu xây dựng và thực thi chiến lược phát triển biển”, bước tiếp theo là phải biến mục tiêu trọng đại đó thành bước đi và hành động cụ thể như thế nào. Cần xem xét toàn diện và nhận thức đúng đắn giai đoạn phát triển hiện nay của Trung Quốc và tình hình quốc tế mà Trung Quốc đang phải đối mặt, vừa phải bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển tự thân, vừa phải hội nhập với xu thế “hòa bình, phát triển, hợp tác” hiện nay của thế giới, phải kết hợp cả hai phương diện lớn nói trên trong quá trình phát triển, đồng thời cũng thể hiện sự thống nhất cao độ trong kết quả thực hiện. Hy vọng thông qua việc hoạch định và thực thi chiến lược phát triển biển sẽ thực sự có được ảnh hưởng lớn hơn về chính trị, có sức cạnh tranh mạnh hơn về mặt kinh tế, có được hình ảnh thân thiện hơn và có sức cảm hóa thuyết phục hơn về mặt đạo lý như yêu cầu Trung ương đã đề ra, góp phần lớn hơn trong việc bảo vệ hòa bình thế giới và thúc đẩy cùng phát triển.


Vương Hiệu Hiên, Viện trưởng Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân:


Chiến lược phát triển biển cần chia thành hai mảng lớn là phát triển và an ninh. Hoạch định chiến lược nhất định phải xem xét vấn đề an ninh. Khi tình hình an ninh biển nghiêm trọng, hải quân là lực lượng chủ thể bảo vệ an ninh biển. Những năm gần đây tình hình phát triển hải quân Trung Quốc tuy có nhanh nhưng cũng tồn tại rất nhiều vấn đề, dù về số lượng hay chất lượng cũng đều còn khoảng cách lớn. Chỉ khi nào giải quyết được những vấn đề nói trên thì hải quân mới có thể đảm nhiệm hoàn toàn chức trách bảo vệ an ninh biển của đất nước.

 
Hoàng Thạc Lâm, Phó hiệu trưởng Trường Đại học hải quân Thượng Hải:


Việc nuôi trồng, bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật biển và sử dụng một cách có hiệu quả cao nguồn tài nguyên sinh vật biển sẽ là một trong những cách lựa chọn tốt nhất để đảm bảo an ninh lương thực của thế giới và của Trung Quốc. Tỉ lệ sử dụng nguồn sinh vật biển quốc tế của Trung Quốc đang còn khoảng cách lớn so với hiện thực của một nước lớn về dân số và về ngư nghiệp như Trung Quốc hiện nay. Việc bảo vệ và tranh thủ lợi ích của Trung Quốc trong vùng biển quốc tế như thế nào, vấn đề này cần phải trở thành tiêu điểm quan tâm mật thiết của Trung Quốc hiện nay.


Muốn phát triển nghề cá của Trung Quốc ở vùng biển quốc tế, trước hết phải tăng cường mức độ thể hiện và quyền phát ngôn của Trung Quốc trong các tổ chức ngư nghiệp quốc tế và tổ chức ngư nghiệp khu vực, tích cực tham gia hoạt động trong các tổ chức nói trên, đồng thời tham gia hoạch định các quy tắc, chế độ; Thứ hai phải làm tốt công tác quản lý trong các dự án nghề cá ở biển quốc tế, bao gồm việc đăng ký tàu thuyền, cấp phép tác nghiệp ở biển quốc tế, thống kê số liệu, giám sát hoạt động của tàu cá, xử lý vi phạm v.v., mở rộng thể hiện hình ảnh nước lớn có trách nhiệm của Trung Quốc trong lĩnh vực ngư nghiệp; Thứ ba là tích cực triển khai công tác nghiên cứu tích lũy số liệu kỹ thuật như điều tra tài nguyên nghề cá, thăm dò thu thập dữ liệu v.v.; Thứ tư là phải thành lập trung tâm công trình nghề cá viễn dương của quốc gia, giải quyết vấn đề kỹ thuật then chốt trong nghề cá viễn dương; Năm là tăng cường nghiên cứu nguồn phù du thượng hạng ở Bắc cực, triển khai nghiên cứu trong các lĩnh vực quản lý quy chế quốc tế, đánh bắt các nguồn tài nguyên, công nghệ gia công, phương thức vận động thương mại trên thị trường v.v.

 
Tương Kiến Hải, nguyên Giám đốc Phân viên nghiên cứu hải dương, Viện khoa học Trung Quốc:


Phương pháp xây dựng lộ trình phát triển sớm nhất đã được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp. Việc kết hợp mục tiêu phát triển với lộ trình phát triển là sách lược hết sức quan trọng để chỉ đạo sản xuất, cả trong nước và nước ngoài đều ứng dụng rộng rãi trên một số bình diện về chiến lược và chính sách phát triển. Quy hoạch và chiến lược phát triển từ thời kỳ “Kế hoạch 5 năm lần thứ 12” đến năm 2020 là đều sử dụng phương pháp xây dựng lộ trình để nghiên cứu, lộ trình chiến lược phát triển khoa học công nghệ biển đã hoàn thành, chính là một hình thức thử nghiệm hữu ích.


Lộ trình chiến lược phát triển khoa học công nghệ biển là lộ trình được nghiên cứu theo không gian ba chiều về phát triển kinh tế, vấn đề khoa học và nhu cầu xã hội, cố gắng kết hợp giữa xu thế phát triển khoa học biển và quy luật phát triển khoa học biển, tìm kiếm hướng đi khoa học trong phát triển biển trên cơ sở theo sát mũi nhọn ưu tiên phát triển của quốc gia và nhu cầu cấp bách của quốc gia. Xét từ nhu cầu chiến lược quốc gia thì trong mấy chục năm tới đây, tình hình phát triển kinh tế xã hội sẽ phải đặt ra những đòi hỏi to lớn về biển, có thể học hỏi và kế thừa phương pháp xây dựng lộ trình, triển khai công tác nghiên cứu chiến lược phát triển biển theo góc độ đa chiều.

 
Cao Chi Quốc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược phát triển biển, Cục hải dương quốc gia:


Trung Quốc là nước lớn cả về đất liền và biển. Sau hơn 30 năm cải cách mở cửa,Trung Quốc đã phát triển thành nước lớn kinh tế theo mô hình hướng ngoại có lợi ích biển rộng rãi. Nhu cầu nội tại và áp lực bên ngoài trong việc xây dựng thành cường quốc biển đang cùng tồn tại song song và sẽ còn tiếp tục tăng lên.
Việc “hoạch định và thực thi chiến lược phát triển biển” được đề ra trong Kiến nghị Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 Đảng Cộng sản Trung Quốc là lời hiệu triệu tiến quân toàn diện của Trung ương đảng trong sự nghiệp phát triển biển. Việc nghiên cứu và hoạch định chiến lược phát triển biển là nhiệm vụ hàng đầu trong các nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta hiện nay. Nghiêm túc quán triệt, thực hiện tinh thần của Hội nghị toàn thể trung ương lần thứ 5 khóa 17 là sứ mệnh vinh quang và trách nhiệm thiêng liêng của chúng ta trong quá trình thảo luận, trao đổi, hiến kế về vấn đề trọng đại trong lĩnh vực chiến lược chủ yếu là phát triển biển của Trung Quốc trong thời gian tới.

 
Lưu Nam Lai, Giáo sư Viện nghiên cứu luật học, Học viện khoa học xã hội Trung Quốc:


Việc hoạch định và thực thi chiến lược biển cần tính đến môi trường quốc tế và môi trường trong nước. Xét từ môi trường quốc tế, hiện nay sức mạnh tổng hợp quốc gia của Trung Quốc không ngừng tăng lên, ảnh hưởng chính trị trên thế giới cũng đang lên cao, lợi thế này đã tạo ra động lực mạnh mẽ để xây dựng chiến lược phát triển biển.


Xét môi trường trong nước, muốn nhanh chóng phát triển sẽ phải đặt ra nhiều nhu cầu hơn về tài nguyên biển, sẽ phải có môi trường biển tốt hơn, nhu cầu này sẽ đòi hỏi chúng ta phải biết sử dụng biển một cách hết sức có hiệu quả, đẩy mạnh hoạch định chiến lược biển. Nhưng muốn thực sự nâng vấn đề biển lên tầm cao của chiến lược quốc gia thì vấn đề này vẫn còn phải qua một quá trình. Trình độ phát triển kinh tế và trình độ khoa học công nghệ sẽ có những trở ngại nhất định trong việc thực thi chiến lược biển.

 
Khúc Thám Trụ, Chủ nhiệm văn phòng khảo sát địa cực, Cục hải dương quốc gia:


Hội nghị toàn thể trung ương 5 khóa 17 nhấn mạnh và nêu rõ, trong thời gian tới đây kinh tế xã hội nước ta phát triển cần phải xác định khoa học là chủ đề, cần chú trọng hơn đến phát triển toàn diện, đồng bộ và bền vững. Một cường quốc biển không thể tự đóng chặt cửa, không chỉ thể hiện là cường quốc về quân sự, kinh tế mà cũng phải đi đầu trong tất cả các lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, khoa học công nghệ, văn hóa, ý thức biển của toàn dân v.v.. Muốn xây dựng thành cường quốc biển phải thăng hoa lên đến đỉnh cao chiến lược của quốc gia để nhận thức và triển khai. Là nước lớn đang phát triển có trách nhiệm, Trung Quốc cần phải nhìn nhận quyền và lợi ích của mình từ góc nhìn toàn cầu, nhưng cũng phải thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế, đó cũng là một chỉ tiêu quan trọng để trở thành cường quốc biển. Xây dựng thành cường quốc biển là vấn đề chiến lược phát triển lâu dài, phải tính đến hai cục diện lớn trong nước và quốc tế. Chúng ta đã ngày càng nhận thức được tầm quan trọng và đóng góp của biển trong nền kinh tế quốc dân. Trong tiến trình phát triển sự nghiệp biển và xây dựng cường quốc biển, cần nghiên cứu đầy đủ và coi trọng vị trí và vai trò của Nam cực và Bắc cực.

 
Kim Kiến Tài, Chủ nhiệm văn phòng Hiệp hội nghiên cứu phát triển tài nguyên khoáng sản biển Trung Quốc:


“Đề cương quy hoạch phát triển sự nghiệp biển quốc gia” do Quốc vụ viện công bố đã xác lập mục tiêu phát triển cường quốc biển. Muốn xây dựng cường quốc biển phải đi ra biển, một nước không có khả năng đi ra biển cũng không thể gọi là cường quốc biển. Muốn có được ảnh hưởng và chủ đạo các công việc ở vùng biển quốc tế, cần phải đi đầu phát triển khoa học công nghệ biển sâu. Xây dựng xã hội khá giả sẽ thể hiện vai trò quan trọng về địa vị chiến lược ở khu vực biển quốc tế. Cách đây 10 năm chúng ta đã đề ra nhiệm vụ là phải xác định địa vị chiến lược biển của chúng ta từ góc độ chiến lược toàn cầu, chiến lược phát triển và chiến lược nước lớn. Nay chúng ta định vị chiến lược biển từ góc độ “chiến lược cường quốc”. Từ đó mục tiêu xác định về chiến lược biển cần phải bao quát được cả bốn phương diện là: Nâng cao dự trữ tài nguyên chiến lược quốc gia; Mở rộng không gian phát triển chiến lược quốc gia; Đẩy mạnh khoa học công nghệ biển sâu, đạt trình độ tiên tiến thế giới; Xác lập địa vị cường quốc trong các công việc ở vùng biển quốc tế.

 
Dương Kim Sâm, nghiên cứu viên, Nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược phát triển biển, Cục hải dương quốc gia:


Muốn phát triển sự nghiệp biển cần phải có chiến lược quốc gia. “Đề cương kế hoạch phát triển kinh tế biển toàn quốc” do Quốc vụ viện công bố năm 2003 đã đề ra mục tiêu chiến lược xây dựng cường quốc biển. Hội nghị toàn thể trung ương lần thứ 5 khóa 17 đã đề ra nhiệm vụ “xây dựng và thực thi chiến lược phát triển biển”, điều này cho thấy vấn đề về chiến lược biển đã được đưa vào trong nghị trình quyết sách của trung ương, cũng là căn cứ quan trọng để nghiên cứu, hoạch định chiến lược phát triển biển.


Trung Quốc hiện đang ở thời cơ chiến lược để xây dựng cường quốc biển, cần phải đi sâu nghiên cứu chiến lược biển bằng tư duy sáng tạo mới. Xét từ phương pháp nghiên cứu, có thể kế thừa phương pháp xây dựng lộ trình chiến lược phát triển khoa học công nghệ của “Kế hoạch 5 năm lần thứ 12”, mở rộng nghiên cứu lộ trình chiến lược phát triển biển của Trung Quốc, xác định một số mục tiêu thuộc các giai đoạn khác nhau, tham khảo các mục tiêu then chốt trong quy hoạch các lĩnh vực của “Kế hoạch 5 năm lần thứ 12”, xuất phát từ tình hình phát triển biển quốc tế, triển khai nghiên cứu theo hướng chuyên sâu về địa vị và vai trò chiến lược biển trong tình hình mới, dự báo triển vọng chiến lược xây dựng cường quốc biển, xây dựng lộ trình chiến lược cường quốc biển đến năm 2020./.

Nguồn: Báo "Hải dương Trung Quốc