Mao Trạch Đông tới Vũ Hán, Lâm Bưu đến Tô Châu còn Bộ tham mưu chuyển về một hầm ngầm chống bom nguyên tử ở các ngọn đồi phía Tây bên ngoài Bắc Kinh. Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc phân tán xung quanh miền Bắc, các tuyến đường đến những sân bay chính bị phong tỏa và công nhân được trang bị vũ khí để bắn các phi công Liên Xô khi họ nhảy dù xuống. 


Đó là tháng 10/1969: Trung Quốc đang chuẩn bị chống lại một cuộc tấn công hạt nhân từ Liên Xô. Lâm Bưu, nhân vật số 2 sau Mao Trạch Đông, hạ lệnh điều 940.000 binh lính, 4.000 máy bay và 600 tàu rời khỏi các căn cứ đồng thời vận chuyển nhiều trang thiết bị quan trọng từ Bắc Kinh đến Tây Bắc. 


Sau đó, Tổng thống Mỹ Richard Nixon can thiệp. Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nói với đại sứ Liên Xô tại Oasinhtơn rằng ngay sau khi Liên Xô bắn tên lửa đầu tiên vào Trung Quốc, Mỹ cũng sẽ bắn các tên lửa hạt nhân nhằm vào 130 thành phố của Liên Xô. 


Đó là một mô tả kịch tính trên một tạp chí chính thức về lần mà Trung Quốc suýt rơi vào chiến tranh hạt nhân. Số “Lịch sử tham khảo” mới đây của tờ “Nhân dân nhật báo”, cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã mô tả chi tiết 5 lần trong giai đoạn sau năm 1949 mà Trung Quốc bị đe dọa bởi tấn công hạt nhân. 


Đó là một mô tả hiếm hoi của một cơ quan truyền thông chính thống về những thời khắc nguy hiểm nhất mà Trung Quốc từng phải đối mặt. Nó rất khác với hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân hồi giữa tháng 4 tại Oasinhtơn, nơi mà Chủ tịch Hồ Cẩm Đào được đón tiếp như là một vị khách danh dự đồng thời là một người đối thoại chủ chốt. 


Trong 5 lần đe dọa hạt nhân mà “Lịch sử tham khảo” thuật lại thì 4 lần là từ Mỹ và 1 lần từ Liên Xô. Lần nghiêm trọng nhất vào năm 1969, sau những đụng độ quân sự tháng 3 năm đó tại đảo Trần Bảo (Liên Xô gọi là Damansky) trên sông Ussuri, Hắc Long Giang – biên giới Đông Bắc của Trung Quốc. Ngày 2/3, quân Trung Quốc phục kích lính biên phòng Liên Xô. Liên Xô trả đũa ngày 15/3 bằng việc oanh tạc những điểm tập trung quân sự của Trung Quốc và tấn công đảo trên. Theo số liệu của Trung Quốc, 58 lính Liên Xô thiệt mạng và 97 người bị thương. 


Xung đột đó châm ngòi cho phản ứng giận dữ công khai từ cả hai bên. Ở Trung Quốc, khoảng 150 triệu binh lính và dân thường tham gia các cuộc biểu tình chống Liên Xô, truyền thông chính thống thì gọi “đã đến lúc đánh bại Sa hoàng mới” và chuẩn bị tâm lý cho dư luận về một cuộc chiến tranh (bao gồm cả những vũ khí hạt nhân), đe dọa rằng “sẽ giết bất cứ binh lính nước ngoài nào xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc”. 


Chính quyền Liên Xô cũng tổ chức những cuộc biểu tình lớn chống Trung Quốc ở Mátxcơva. Những người tham dự bao vây đại sứ quán Trung Quốc, đốt xe cộ phía trước tòa nhà. Liên Xô điều hàng nghìn quân đến vùng Viễn Đông và chuẩn bị tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân. Mátxcơva nói với các đồng minh của họ ở Đông Âu rằng Liên Xô dự định thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân “để quét sạch mối đe dọa Trung Quốc và loại bỏ kẻ gian hùng hiện đại này”. 


Ngày 20/8/1969, đại sứ Liên Xô tại Oasinhtơn thông báo với Kissinger về các kế hoạch của họ và yêu cầu Mỹ giữ trung lập. Mong muốn chặn cuộc tấn công này, Nhà Trắng để lộ câu chuyện cho tờ “Bưu điện Oasinhtơn”. Số ra ngày 28/8 của tờ này đưa tin Liên Xô dự định phóng các tên lửa mang hàng trăm tấn nguyên liệu hạt nhân nhằm vào Bắc Kinh, Trường Xuân, Yên Sơn và các trung tâm phóng tên lửa của Trung Quốc như Tây Xương, Lop Nor. 


Cuối tháng 9 và trong tháng 10 năm đó, cơn sốt chiến tranh ở Trung Quốc lên đến đỉnh điểm. Lâm Bưu hạ lệnh cho quân đội rời khỏi các căn cứ còn người dân ở các thành phố lớn đào hầm trú ẩn, tích trữ lương thực.

 
Trong bước đi cuối trước cuộc tấn công, Mátxcơva hỏi ý kiến của Oasinhtơn. Nixon coi Liên Xô là mối đe dọa chính của ông ta và muốn một Trung Quốc mạnh hơn để chống lại; đồng thời vị Tổng thống Mỹ này cũng lo ngại ảnh hưởng của một cuộc chiến tranh hạt nhân tới 250.000 lính Mỹ đóng ở châu Á-Thái Bình Dương. Ngày 15/10/1969, Kissinger nói với đại sứ Liên Xô ở Oasinhtơn rằng Mỹ sẽ không trung lập và sẽ tấn công các thành phố Liên Xô để trả đũa.

 
Dù đó là cảnh báo thực sự hay chỉ dọa suông, nó vẫn hiệu quả. Đại sứ Liên Xô tuyên bố: “Người Mỹ phản lại chúng ta”. Họ hủy bỏ cuộc tấn công và bắt đầu đàm phán với Trung Quốc tại Bắc Kinh. Cuộc khủng hoảng chấm dứt. 


Việc Mỹ phản đối là một phần để “báo thù” lại những gì xảy ra 5 năm trước, khi Liên Xô từ chối tham gia một cuộc tấn công mà Oasinhtơn muốn phát động nhằm vào chương trình hạt nhân mới bắt đầu của Trung Quốc. Tháng 1/1955, Mao Trạch Đông quyết định phát triển bom hạt nhân đầu tiên của quốc gia này. Việc đó đòi hỏi phải có một sự đầu tư khổng lồ tiền bạc, nguyên vật liệu và công nghệ đối với một nước vẫn chỉ đang trong quá trình hồi phục sau gần 20 năm chiến tranh. 


Bắc Kinh chọn Lop Nor ở vùng sa mạc phía Đông Nam Tân Cương là trung tâm cho chương trình hạt nhân của mình, chủ yếu vì địa điểm này hẻo lánh và cách xa các căn cứ không quân của Mỹ và Đài Loan tại Thái Bình Dương. 


Các máy bay do thám U-2 từ Đài Loan chụp được các hình ảnh về Lop Nor và những cơ sở hạt nhân khác. Tháng 1/1961, Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nói rằng Trung Quốc sẽ kích nổ thiết bị hạt nhân đầu tiên của mình vào cuối năm 1962 và sau đó đến 1965 là có thể thử bom hạt nhân. 


Tháng 10/1961, Tổng thống Mỹ John Kennedy nhận xét rằng nếu trang bị thêm vũ khí hạt nhân, Trung Quốc sẽ “nuốt chửng” Đông Nam Á. Mỹ muốn tấn công các cơ sở hạt nhân Trung Quốc trước khi họ phát triển được bom hạt nhân và xem việc quan hệ Xô-Trung chia rẽ trong năm 1961 là cơ hội hoàn hảo cho một chiến dịch chung. 


Ngày 14/7/1963, một phái viên Mỹ tại Mátxcơva đưa ra một giới thiệu chi tiết về chương trình hạt nhân của Trung Quốc đồng thời đề xuất một chiến dịch chung Mỹ-Liên Xô nhằm ngăn chặn tham vọng trên. Nhưng Nikita Khruschev nói rằng chương trình đó không gây đe dọa gì. 


Oasinhtơn cũng xem xét những giải pháp khác như tấn công bằng lính Mỹ và Đài Loan, nhảy dù đổ bộ, ném bom thông thường hoặc bom hạt nhân. Tháng 8/1964, Oasinhtơn dự đoán Trung Quốc sẽ kích nổ quả bom đầu tiên vào năm sau đó. Nhưng chưa đầy 2 tháng sau, ngày 16/10/1964, Trung Quốc đã thử thành công quả bom hạt nhân đầu tiên của mình. Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson gọi đó là “ngày bi kịch và đen tối nhất cho thế giới tự do”. 


Ba mối đe dọa hạt nhân trước đó đối với Trung Quốc đều đến từ Mỹ. Lần đầu tiên là trong Chiến tranh Triều Tiên. Trước khi Trung Quốc can thiệp vào cuộc chiến, tháng 10/1950, Mỹ và quân đội Nam Triều Tiên đang di chuyển thoải mái hướng về biên giới Trung Quốc và binh lính còn hy vọng về nhà kịp Giáng sinh. Nhưng sự can thiệp của Trung Quốc, với cái giá khủng khiếp về con người, đã đẩy lùi Mỹ. Cuối tháng 11 năm đó, Quốc hội Mỹ đề xuất xem xét mở các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Bắc Triều Tiên, Đông Bắc Trung Quốc và các thành phố khác. Đề xuất đó được quân đội Mỹ ủng hộ. Ngày 30/11, Tổng thống Mỹ Harry Truman nói rằng ông đang xem xét giải pháp sử dụng hạt nhân. 
Kế hoạch này gây giận dữ ở nhiều thủ đô phương Tây. Anh bực bội vì không được tham khảo ý kiến đồng thời lo ngại rằng quân Mỹ đóng trên đất Anh sẽ trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công trả đũa từ Liên Xô. Luân Đôn và Pari dẫn đầu trong việc phản đối kế hoạch trên. Trong khi đó, không quân Mỹ thực hiện một cuộc diễn tập giả định tấn công hạt nhân nhằm vào Bình Nhưỡng. 


Tháng 3/1951, Truman điều 9 máy bay B-29 trang bị vũ khí hạt nhân đến đảo Guam . Đầu tháng 4, các máy bay trinh thám Mỹ bay qua Đông Bắc Trung Quốc và tỉnh Sơn Đông để lựa chọn những mục tiêu. Tuy nhiên, cuối cùng, Truman đổi ý cho rằng sử dụng vũ khí hạt nhân là quá nguy hiểm và cuối tháng 6 năm đó, những máy bay B-29 được triệu tập trở lại. 


Hai mối đe dọa hạt nhân còn lại là hậu quả từ những xung đột quân sự giữa Trung Quốc với Đài Loan. Chúng diễn ra sau khi Oasinhtơn và Đài Bắc ký một hiệp ước phòng thủ chung vào tháng 12/1954. 


Trong tháng Giêng và tháng 2/1955, Quân Giải phóng nhân dân (PLA) chiếm 3 đảo ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến. Với sự trợ giúp của hải quân Mỹ, quân đội Đài Loan sơ tán 25.000 lính và 15.000 dân trên các đảo này về Đài Loan và tập trung phòng thủ ở các đảo Quemoy và Matsu. 


Ngày 6/3, Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles nói rằng nếu PLA buộc Quemoy và Matsu phải sơ tán nữa, đó sẽ là một thảm họa cho phòng thủ của Đài Loan và các nơi khác ở châu Á. Dulles cho biết Mỹ sẽ xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ các đảo này. Đến cuối tháng 3, các máy bay B-36 ở Guam được trang bị vũ khí hạt nhân và sẵn sàng hành động. Nhưng, cũng như 4 năm trước, lời đe dọa đó vấp phải chỉ trích rộng rãi trên thế giới rằng việc bảo vệ hai hòn đảo nhỏ không đáng phải sử dụng vũ khí hạt nhân. Mỹ bỏ ý tưởng đó và tổ chức các cuộc đàm phán cấp đại sứ với Trung Quốc ở Giơnevơ trong tháng 8 năm đó. 


Mối đe dọa cuối được điểm lại là vào năm 1958, sau các vụ không kích của PLA vào Quemoy ngày 23/8 năm đó (trong 2 tiếng đồng hồ buổi tối, đã có 45.000 đạn pháo bắn vào hòn đảo này). Ngày kế tiếp, các tàu PLA tấn công những tàu rời đảo hướng về Đài Loan và bao vây Quemoy . 


Từ các căn cứ ở Guam và Nhật Bản, không quân Mỹ thực hiện hỗ trợ quân sự và dân sự cho Quemoy . Quân đội Mỹ đề xuất sử dụng bom hạt nhân đánh Trung Quốc. Đã có 5 máy bay B-47 ở Guam được đặt trong tình trạng sẵn sàng chờ lệnh ném bom xuống sân bay Hạ Môn với khả năng công phá không khác gì những trái bom nhằm vào Hiroshima hồi tháng 8/1945. 


Nhưng cũng như người tiền nhiệm Truman, Tổng thống Mỹ lúc đó Dwight Eisenhower quyết định rằng rủi ro là quá cao. Mỹ sẽ chỉ giúp Đài Loan bảo vệ Quemoy và Matsu bằng những vũ khí thông thường, và Trung Quốc một lần nữa thoát khỏi nguy cơ bị tấn công hạt nhân./.