05/09/2019
Với thoả thuận khai thác dầu và khí chung, Trung Quốc được chia lợi nhuận và có chỗ đứng ở Bãi Cỏ Rong trong khi công nhận chủ quyền của Philippines.
Các văn bản quan trọng nhất được trao đổi giữa Philippines và Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Duterte không được ghi trong danh sách các thỏa thuận được ký kết mà Điện Malacañang công bố với báo chí.
Một trong các văn bản đó là danh sách các nhân vật được bổ nhiệm vào ủy ban điều phối liên chính phủ để giám sát hoạt động khai thác chung giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông.
CNN Philippines đã có được văn bản đó từ Trung Quốc. CNN Philippines cho biết: “Một nguồn tin cấp cao đã trao cho CNN Philippines văn bản gồm 7 thành viên phía Trung Quốc, dẫn đầu là Thứ trưởng Ngoại giao La Chiếu Huy với tư cách đồng chủ tịch và Phó cục trưởng Cục Năng lượng quốc gia Lý Phàm Vinh với tư cách đồng phó chủ tịch”. Các thành viên khác gồm:
- Hong Liang, Vụ trưởng Vụ các vấn đề Biên giới và Đại dương, Bộ Ngoại giao
- Shen Minjuan, Phó vụ trưởng Vụ các vấn đề châu Á, Bộ Ngoại giao
- Gou Haibo, Cố vấn của Vụ Hiệp ước và Luật, Bộ Ngoại giao
- Liang Jinzhe, Phó chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc
- Liu Hong, Phó vụ trưởng Vụ Dầu và Khí, Cục Năng lượng Quốc gia
CNN Philippines cũng cho biết “phái đoàn Philippines có 8 quan chức - gồm đồng chủ tịch, đồng phó chủ tịch và 3 thành viên khác từ Bộ Ngoại giao, cùng 1 thành viên tới từ Bộ Năng lượng, 1 từ Bộ Tư pháp và 1 từ Cơ quan Bản đồ và Thông tin Tài nguyên Quốc gia”.
Việc bổ nhiệm các thành viên vào Ủy ban Điều phối là để nhằm thúc đẩy Biên bản Ghi nhớ (MOU) về Hợp tác Phát triển Dầu và Khí được Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ký kết hồi tháng 11/2018 trong chuyến thăm Manila của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau đó, ông Locsin và ông Vương Nghị đã ký kết Điều khoản Tham chiếu (TOR) hồi tháng 8/2019.
Theo MOU, hai chính phủ sẽ thiết lập một ủy ban điều phối liên chính phủ và một hoặc nhiều Nhóm công tác liên doanh nghiệp mà sẽ bao gồm đại diện từ các doanh nghiệp được hai chính phủ ủy quyền.
TOR - văn bản hướng dẫn thực thi MOU - ghi rõ rằng một nhóm công tác sẽ được thành lập ngay khi Trung Quốc nhận được và xác nhận thông báo chỉ định (các) doanh nghiệp Philippines tham gia nhóm công tác.
Theo TOR, nhóm này sẽ có thẩm quyền đầy đủ để ngay lập tức triệu tập các cuộc thảo luận và đàm phán về các thỏa thuận thương mại và kỹ thuật liên doanh nghiệp mà ủy ban nhất trí.
Trung Quốc đã chỉ định Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc là đại diện của họ trong tất cả các nhóm công tác. Philippines sẽ chỉ định doanh nghiệp vốn đang có hợp đồng dịch vụ với chính quyền trong khu vực sẽ được khai thác. TOR ghi rõ rằng nếu không có doanh nghiệp nào đáp ứng điều này, thì Công ty Dầu khí Quốc gia Philipppines sẽ đại diện cho nước này.
Thẩm phán Antonio T. Carpio, người chỉ trích quan điểm “thuận theo” Trung Quốc của chính phủ Duterte đối với các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông nhưng lại ủng hộ MOU về việc cùng khai thác, phát biểu quan điểm với việc thành lập nhóm công tác rằng: “Tôi cho rằng chúng ta đang ở giai đoạn thứ 3 của tranh chấp Biển Đông”.
Trong các phát biểu trước đây, ông Carpio cho rằng cuộc tranh chấp của Philippines với Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với 85% vùng biển, được chia làm 3 giai đoạn.
Theo ông Carpio, trong giai đoạn đầu tiên, Trung Quốc khẳng định “chủ quyền không thể bàn cãi với Biển Đông”.
Trong giai đoạn 2 sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết có lợi cho Philippines hồi năm 2016, Trung Quốc đã bày tỏ sự sẵn sàng “thỏa hiệp”.
Theo ông Carpio, với MOU, hai bên đang tiến vào giai đoạn 3, khi mà Trung Quốc sẽ nói rằng: “Các bạn có chủ quyền nhưng hãy cho chúng tôi một nửa thu nhập”.
TOR không nêu rõ khu vực cụ thể sẽ được khai thác nhưng ông Duterte và các quan chức khác đã nhắc tới việc chia sẻ theo tỷ lệ 60-40 nghiêng về Philippines trong việc khai thác ở Bãi Cỏ Rong.
Bãi Cỏ Rong nằm liền kề mỏ khí Malampaya, vốn chiếm 20% nguồn cung năng lượng của Philippines nhưng được cho là sẽ cạn kiệt trong 10 năm tới.
Năm 2010, chính phủ Tổng thống Benigno Aquino III, thông qua Bộ Năng lượng, đã cho phép Công ty cổ phần hữu hạn Forum Energy (FEP) khai thác ở Bãi Cỏ Rong.
Công ty Forum Energy đã bắt đầu khai thác từ năm 2010 nhưng đã phải dừng lại sau khi các tàu hải giám Trung Quốc quấy rối các tàu của họ. Lệnh tạm ngừng khai thác ở Bãi Cỏ Rong cũng được chính phủ Philippines thực thi khi chính phủ Aquino đệ trình đơn kiện lên Tòa Trọng tài ở La Hay. Lệnh đình chỉ này vẫn chưa được gỡ bỏ.
Như vậy Trung Quốc sẽ nhận được gì từ việc cùng khai thác này sau tất cả những tuyên bố “chủ quyền” với gần như toàn bộ Biển Đông và những lời phủ nhận phán quyết của tòa?
Họ sẽ nhận được 40% từ những gì được sản xuất trong dự án chung và quan trọng nhất là họ có chỗ đứng ở Bãi Cỏ Rong, vốn chỉ cách đảo Palawan 85 hải lý (157 km).
Với Philippines, điều quan trọng nhất là sự công nhận chủ quyền của họ ở khu vực này.
Ông Carpio nói rằng tất cả các Hợp đồng Dịch vụ của Bộ Năng lượng đều ghi rằng Philippines có đặc quyền với dầu và khí trong khu vực được trao cho nhà thầu dịch vụ.
Ông Carpio nhấn mạnh: “Nhà thầu dịch vụ thừa nhận rằng chúng ta sở hữu các nguồn tài nguyên”.
Với việc tham gia hợp đồng khai thác ở Bãi Cỏ Rong, Trung Quốc trên thực tế thừa nhận chủ quyền của Philippines với khu vực này theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và tuân thủ theo phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài./.
Ellen T. Tordesillas là nhà báo Philippines. Bài viết được đăng trên trang tin ABS – CBN News.
Ngọc Tú (gt)
Trong hai ngày 16-17/11/2022, Học viện Ngoại giao đã tổ chức các Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 về chủ đề “Biển hoà bình – Phục hồi bền vững”.
Sáng ngày 16/11/2022, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 do Học viện Ngoại giao, phối hợp tổ chức cùng các đối tác đồng bảo trợ trong và ngoài nước, đã khai mạc tại Đà Nẵng với chủ đề “Biển Hòa Bình – Phục hồi bền vững”.
Ngày 12-13/9/2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức Khóa học Nâng cao Năng lực Biển lần thứ hai thuộc khuôn khổ Trung tâm Ngoại giao Biển (MDC).
Ngày 23/9, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến An ninh biển và Luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Ngày 19/8/2021, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Anh và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS), Đức tại Hà Nội tổ chức Đối thoại Biển lần thứ 7 (trực tuyến) với chủ đề “Đánh giá các vấn đề biển đang nổi lên từ góc độ luật pháp quốc tế”.
Thông cáo báo chí: Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Robert Ben Lobban Wallace thăm và thảo luận tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, ngày 22/7/2021)