Đó là sự lăng nhục nghiêm trọng. Sự việc đích thân ông chủ Lầu Năm Góc bị Trung Quốc từ chối cấp thị thực nhập cảnh đã khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên. Hồi giữa tháng 6/2010, khi Robert Gates dự kiến tới Bắc Kinh nhân chuyến đi thăm châu Á của ông, chính quyền Trung Quốc đã thông báo lại rằng thời điểm đó chưa thích hợp. Nhiều cuộc gặp gỡ dự kiến trong khuôn khổ hợp tác quân sự đã bị hoãn lại, theo ý của Trung Quốc, kể từ khi tái diễn tình hình căng thẳng liên quan tới những hoạt động buôn bán vũ khí mới của Mỹ cho Đài Loan. Đầu tháng 7, được phỏng vấn về vấn đề này, Tướng Mã Hiểu Thiên, nhân vật số hai của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã trả lời rằng Robert Gates “sẽ được đón tiếp ở Trung Quốc vào thời điểm thích hợp đối với đôi bên”. 


Sự từ chối thẳng thừng đó rõ ràng là biểu hiện của một hiện tượng đã bộc lộ trong suốt 12 tháng qua: đó là sự “khẳng định” nổi tiếng của Trung Quốc - một chính sách đối ngoại ngày càng khép kín và không loại trừ xảy ra xung đột. Kiêu ngạo với nước này, tỏ rõ sức mạnh tự nhiên đối với nước khác, dù thể nào điều đó cũng là vấn đề lớn của thời điểm này. Cơ quan Theo dõi ngôn ngữ toàn cầu của Mỹ đã nghiên cứu trên mạng Internet, gồm các trang bloc và hơn 50 000 trang thông tin thế giới, và đi đến kết luận rằng sự nổi lên của Trung Quốc là vấn đề số một của thập kỷ qua. Nó vượt qua - với số điểm cao hơn bốn lần - các vấn đề cũng nóng bỏng như chiến tranh ở Irắc, đứng vị trí thứ hai trên mạng Internet, các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, việc Barack Obama đắc cử Tổng thống, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hoặc cái chết của Michael Jackson… 

 
Sự thăng tiến đầy sức lôi cuốn của Trung Quốc 


Chuyển biến - nếu không nói là sự đổ vỡ - là đương nhiên và có thể được nhận thấy rõ ràng qua các hội nghị cấp cao G20. Có một vấn đề chủ đạo, mà người ta nghe thấy từ nhiều tháng qua, nhấn mạnh rằng Trung Quốc không còn nhận “bất cứ bài học nào” đặc biệt từ Mỹ và nói chung từ phương Tây. Không chút nghi ngờ là sự chuyển hướng đó diễn ra vào mùa Thu năm 2008, với sự bùng nổ cuộc đại khủng hoảng tài chính và kinh tế. Vào thời điểm đó, cần phải lắng nghe từ Diễn đàn kinh tế thế giới Thiên Tân để thấy các nhà điều hành chính sách đại kinh tế của Trung Quốc chế giễu các “giáo sư” Mỹ, những người mà từ nay có khả năng phải lắng nghe những lời khuyên của Trung Quốc! Kể từ đó, cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề Google hoặc Đài Loan, diễn ra trong năm 2010, đã minh hoạ cho sự bực tức gia tăng của Trung Quốc đối với “những lưu ý” của Mỹ. Khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chỉ trích Trung Quốc có những cản trở đối với tự do trên mạng, Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ bằng cách khẳng định rằng “Trung Quốc không cần những bài học của Mỹ về việc nên làm gì và không nên làm gì”. Và Trung Quốc còn bổ sung rằng họ không thể chấp nhận những điều kiện có thể làm ảnh hưởng tới “an ninh quốc gia” hoặc “ổn định xã hội” của họ. Cũng như vậy, khi Oasinhtơn bật đèn xanh cho việc bán một lô vũ khí mới cho Đài Loan trị giá 6,4 tỷ USD, thì những ý kiến chống Mỹ đã tăng gấp đôi trên báo chí chính thức của Trung Quốc, các báo này không ngừng lên án “sự kiêu ngạo” và “đạo đức giả” của Mỹ và kêu gọi các biện pháp trừng phạt thương mại để Mỹ phải “trả giá” cho sự giúp đỡ của họ đối với hòn đảo nổi loạn đó. Trong một bài viết đăng trên tờ “Nhân dân nhật báo”, giáo sư Ye Halin, thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, cảnh báo rằng Bắc Kinh có các “vũ khí” khác chống lại Oasinhtơn, đồng thời bày tỏ tư thế ngoại giao của họ đối với các cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên và nhất là đối với cuộc khủng hoảng Iran. 


Trung Quốc đòi giữ những vai trò hàng đầu nhưng lại sợ những trách nhiệm nặng nề mà một quy chế kiểu đó áp đặt. Thái độ nước đôi đó đặc biệt được nhận thấy tại hội nghị cấp cao Côpenhaghen, khi nhiều bài xã luận lên án “cái bẫy” mà các nước phương Tây giương ra đối với Trung Quốc. Các nước này bị nghi ngờ đã gán cho Trung Quốc một vai trò quan trọng với mục đích để họ phải gánh vác một phần gánh nặng quốc tế và làm chuyển hướng các nỗ lực phát triển của họ. Đáp lại những lưỡng lự đó là những tín hiệu đôi khi không rõ ràng và mâu thuẫn mà các nhà chiến lược Bắc Kinh gửi tới – chính họ là những người chịu trách nhiệm định ra học thuyết của Trung Quốc mới và làm cho nó thích ứng với công cụ quân sự của Trung Quốc. Và, đằng sau một sự bảo đảm bề ngoài là những do dự trên đường đi tới. 

 
Sức mạnh quân sự, để làm gì? 


Câu hỏi về sức mạnh quân sự Trung Quốc tất nhiên chứa đựng những nỗi sợ và ảo tưởng trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Ở châu Á, những vụ tranh cãi lịch sử, những tranh chấp biên giới hàng hải và các trung tâm khủng hoảng tiềm tàng vẫn còn tồn tại dai dẳng tới mức việc hiện đại hóa PLA bị Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các nước ở ven biển Đông coi là một mối đe dọa. Một cách rộng hơn, chủ đề này là lý do va chạm truyền thống với Mỹ. Nhận thức rõ những cảm giác đó, tuy nhiên Trung Quốc vẫn tự cho phép khẳng định ngày càng bớt mặc cảm rằng chiến lược không thay đổi của họ về “quyền lực mềm” không phải không tương hợp với một cuộc tìm kiếm tự nguyện các biện pháp truyền thống về sức mạnh; và họ làm điều đó để xua đi những lo sợ nào đó và khẳng định lại rằng những nỗ lực phòng thủ của Trung Quốc về mặt chính thức vẫn được ghi nhận trong bối cảnh của “xã hội hài hòa” và “phát triển hòa bình (hoặc khoa học)”- đó là hai khẩu hiệu lớn của kỷ nguyên Hồ Cẩm Đào… 


Nếu như học thuyết phòng thủ cũng như công cụ quân sự của Trung Quốc tỏ ra bí hiểm nhất, thì thứ bậc những ưu tiên chiến lược lại rõ ràng: những thứ bậc đó tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương và giải quyết mâu thuẫn Trung-Mỹ. Trên thực tế, Mỹ được nhìn nhận như là đối tác lớn nhưng cũng là đối thủ cạnh tranh chính, trở ngại quan trọng cho sự toả sáng của Trung Quốc ở châu Á. Người ta nhận thấy trong nhiều bài viết có nỗi lo sợ về sự bao vây do Oasinhtơn tổ chức, với việc triển khai quân ở phía Đông, ở Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên và cả ở phía Tây, với sự ủng hộ của NATO và các lực lượng của Mỹ ở Trung Á cho cuộc xung đột Ápganixtan. 


Bất chấp sự ấm lên về chính trị giữa hai bờ eo biển Đài Loan, vấn đề Đài Loan vẫn là một điểm tập trung, ít nhất là có tính tượng trưng, những căng thẳng trong khu vực. Những mâu thuẫn Trung-Mỹ xung quanh “hòn đảo nổi loạn” rốt cuộc phản ánh một sự giải quyết hình thức, nhưng chúng được Bắc Kinh khai thác rất khôn khéo để biện bạch cho nỗ lực phòng thủ của họ. Về việc bán vũ khí, báo chí chính thức của Trung Quốc ra sức khẳng định rằng hành động đó “buộc” Trung Quốc phải phát triển quân đội của họ với lý do nó “đe dọa các lợi ích sống còn của họ”. Mùa Xuân năm 2010, một cuốn sách do đại tá Lưu Minh Phúc công bố khi đó đã gây một tiếng vang lớn ở Bắc Kinh: tác giả kêu gọi xây dựng một quân đội có khả năng “thế chỗ quân đội Mỹ”. Còn về phần mình, Mỹ đã đá trả quả bóng sang phía Trung Quốc: trong báo cáo thường niên đọc tại Quốc hội, công bố ngày 17/8/2010, Bộ Quốc phòng Mỹ giải thích rằng Bắc Kinh “ tiếp tục không mệt mỏi” củng cố về mặt quân sự nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột với Đài Loan và tăng cường bước tiến hướng tới hòn đảo này bất chấp sự xích lại gần về chính trị giữa hai kẻ thù. Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh phát triển khả năng tấn công của họ ở châu Á và “đã quan tâm tới các mục tiêu nằm ở bên ngoài Đài Loan”. Trước đây, phạm vi ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc ở phía Đông giới hạn ở đảo Okinawa của Nhật Bản, và phía Nam hướng tới tận biển Đông. Vẫn theo Lầu Năm Góc, học thuyết truyền thống này đã lỗi thời: Ban tham mưu Trung Quốc đã đề ra mục tiêu là vươn tới đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương, hoặc đảo Honshu, hòn đảo lớn nhất của quần đảo Nhật Bản, kể cả Philíppin. Nhân dịp đó, một lần nữa Tôkyô đã bày tỏ sự lo ngại của họ, một người phát ngôn Bộ Quốc phòng nước này đã cam đoan rằng Nhật Bản sẽ “tiếp tục quan tâm theo dõi sự phát triển quân sự của Trung Quốc, bởi điều đó sẽ gây ảnh hưởng quan trọng tới an ninh của khu vực”. Tất nhiên, Trung Quốc lên án báo cáo mới này đã dựng lên một bức tranh “ghê sợ một cách phi lý” về sự tăng cường quân sự thực ra là bình thường của họ và thổi phồng “cái gọi là mối đe dọa quân sự” đối với Đài Loan. 


Nhưng vấn đề chiến lược lớn, mà mức độ quan trọng của nó không ngừng tăng, chính là việc an ninh hóa các con đường cung ứng nguyên liệu, tất nhiên đứng đầu là dầu mỏ. Ngoại thương của Trung Quốc phụ thuộc tới 90% vào các con đường hàng hải. Và, trong trường hợp xảy ra xung đột, một hạm đội của Mỹ có thể đóng cửa một cách dễ dàng eo biển Malắcca có tính chất sống còn mà 80% khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển qua đó. Từ sự ghi nhận đó mà từ vài năm nay người ta chú trọng tới việc tái vũ trang hàng hải. Olivier Zajec, thuộc CEIS (Công ty tình báo chiến lược châu Âu), giải thích: “Sách Trắng thứ năm được đưa ra vào năm 2006 đã cụ thể hoá nhận thức về hàng hải của Bắc Kinh, bắt đầu từ những năm 1990. Trật tự ưu tiên chuyển từ lực lượng lục quân có vai trò chi phối theo truyền thống sang hải quân và một lực lượng không quân từ nay được quan tâm hơn”. Các chuyên gia như Li Cheng và Scott W.Harold đã lưu ý rằng BCH trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội đồng quân uỷ trung ương đều “nhuốm màu xanh”, với việc ngày càng có nhiều thành viên là hải quân và phi công. Năm 2007, số này chiếm 27% giới tinh hoa quân sự Trung Quốc, so với 14% năm 1992. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào rõ ràng muốn người ta nhớ tới ông như nhân vật đã đem tới cho Trung Quốc một sức mạnh hải quân ngoài khơi xa. Tiếp theo là các biện pháp và Bắc Kinh ngày càng ít che đậy ý đồ của mình. Ngày 23/12/2008, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lần đầu tiên xác nhận chính thức rằng Trung Quốc có ý định chế tạo một tàu sân bay. Cử chỉ đó không phải là vô hại bởi, cho đến nay, ý đồ của họ vẫn được che đậy để không làm cho các nước láng giềng lo sợ. Trên thực tế, Bắc Kinh dự định trang bị cho mình bốn tàu sân bay, trong đó hai chiếc phải được chế tạo trong thời gian gần nhất để có thể đi vào hoạt động từ năm 2015. Theo các chuyên gia, chúng sẽ có tầm cỡ trung bình. Không có gì cạnh tranh được với 12 tàu sân bay khổng lồ của Mỹ, nhưng đủ để giữ vai trò cường quốc khu vực. 

 
Một quân đội không đông lắm nhưng được huấn luyện tốt 


Ngày 1/10/2009, kỷ niệm lần thứ 60 Quốc khánh Trung Quốc là cơ hội để Bắc Kinh đưa ra một số thông điệp. “Những vũ khí mới của Trung Quốc” đã được quảng cáo rầm rộ trong buổi lễ diễu hành, từ máy bay chiến đấu J-10 tới tên lửa JL-2 Julang và máy bay trực thăng Zhi-10. Tại một trong những cuộc hội đàm hiếm hoi, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã khẳng định rằng PLA đã đạt tới mức độ công nghệ của phương Tây - hoặc gần như vậy - và từ nay họ sẵn sàng vươn ra ngoài biên giới. Một khẳng định đã được lặp lại liên tiếp thông qua nhiều nguồn quân sự khác nhau của Trung Quốc. Rõ ràng PLA không còn là một khối phòng thủ chiến thuật lục quân nặng nề của Trung Quốc mà là một lực lượng hiện đại có khả năng từ căn cứ của mình hướng tới những mục tiêu ở xa. Thực tế, quân đội Trung Quốc vẫn còn phải vượt qua những chặng đường dài khác nhau. Trước hết là về mặt vật chất. Phần lớn các vũ khí của “Trung Quốc” chỉ là một sự Trung Quốc hoá các công nghệ của Liên Xô mặc dù Bắc Kinh rất muốn thoát khỏi sự phụ thuộc đó. Ví dụ máy bay tiêm kích J-10 chỉ bay được nhờ có một động cơ của Nga, động cơ của Trung Quốc vẫn chưa hoàn chỉnh. Các tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa - vẫn chưa đưa vào hoạt động - được các chuyên gia coi như là một “thế hệ nửa vời” so với các tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa của phương Tây hoặc của Nga. 


Nhưng đặc biệt là lĩnh vực hậu cần, giao thông vận tải, thông tin và hệ thống chỉ huy mà quân đội có nỗ lực nhiều nhất. Lần đầu tiên kể từ khi thành lập PLA, một cuộc diễn tập lớn liên quan tới bốn trong số bảy khu quân sự của Trung Quốc đã được tổ chức hồi tháng 8/2009. Các cuộc diễn tập “Kua Yue” (Traversée) gồm 50000 người tham gia. Từng cặp một, các khu quân sự ở các địa điểm cách xa nhau trao đổi quân. Theo một tờ báo của quân đội, “tất cả các phương tiện vận tải đã được sử dụng trên chặng đường có khoảng cách 2000km”. Vụ động đất ở Tứ Xuyên và những sự kiện ở Tây Tạng hoặc Tân Cương đã cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc thấy sự yếu kém trong lĩnh vực này. Một chuyên gia cho biết: “Các quân khu không có các hệ thống thông tin thực sự kết nối với nhau. Tất cả đều thông qua Bắc Kinh và người ta hình dung ra những vấn đề phối hợp và điều đó có thể đặt ra”. Khung cán bộ rất mang tính chính trị của quân đội vẫn là một trở ngại đối với sự linh hoạt và sáng kiến chiến thuật mà cuộc chiến hiện đại đòi hỏi. 


Vì vậy, nhận thức được sự yếu kém đó, Trung Quốc đã quyết thực hiện cải cách công cụ quân sự của họ. Sau các thiết bị và vũ trang là việc tổ chức và huấn luyện binh lính. Sự tinh giản công khai trong quân đội, đúng là quá đông, có nghĩa như một cuộc cách mạng mới mà Trung Quốc đang chuẩn bị. Như thường lệ, kết quả về quy mô gây ra sự ngõ ngàng: PLA sẽ cắt giảm quân số ở mức cao, từ 200 000 đến 300 000 người! Sự thật là việc tinh giản này tác động tới một đội quân khổng lồ gồm hơn hai triệu quân nhân. Trước khi diễn ra cuộc diễu binh ngày 1/10/2009, một nguồn tin quân sự giấu tên của Trung Quốc thậm chí còn đưa ra cho báo chí con số 700 000 người trong ít nhất là 5 năm. Mới đây, chính một quan chức của trường quân đội cấp cao nhất Trung Quốc, “Học viện quốc phòng”, đã xác nhận với kênh truyền hình chính thức CCTV rằng trong những năm tới PLA sẽ phải chịu đựng “một sự xáo trộn thực chất, mở rộng, nhưng có mục tiêu”. Theo ông Âu Kiến Bình, thuộc Học viện quốc phòng, ý định đó nhằm giải phóng tài nguyên bằng cách giảm một cách đặc biệt “sự quan liêu và nhân lực không chiến đấu” nhằm có được một đội quân tác chiến hơn. Đối với nhà phân tích quốc phòng Hồng Công, Ma Dingsheng, bộ chỉ huy tối cao đã khéo léo đưa vào vấn đề là “có một lực lượng lớn binh lính không còn cần thiết nữa”. Một quan sát viên phương Tây nói: “Quân đội Trung Quốc đã thường xuyên cải thiện ‘phần cứng’, nhưng họ nhận thấy rằng từ nay họ phải hiện đại hoá cả ‘phần mềm’. Rõ ràng tiếp theo là vấn đề nhân lực và tổ chức, và những nỗ lực lớn phải được thực hiện trong việc đào tạo, các mạng lưới chỉ huy, thông tin”. Chương trình của các trường quân sự phải được xây dựng lại và nhất là tất cả đều nhằm cải thiện chất lượng lính mới nhập ngũ. Khủng hoảng kinh tế lên tới mức để phục vụ cho tham vọng này, khoảng 6 triệu cử nhân mới hàng năm không thể cùng kiếm được một việc làm như ý. Theo các con số chính thức, 130 000 thanh niên tốt nghiệp đại học sẽ được tuyển vào quân đội trong mùa Đông này. Những số tiền lương rất hấp dẫn 24000 nhân dân tệ (2 400 euro) đã được trao cho các “ứng cử viên”. Số tiền đó dùng để trả cho việc học hành hoặc trả nợ cho sinh viên. Trong những năm qua, lương quân đội của PLA đã được định giá lại, tới mức tăng gấp đôi trong một số cấp bậc. 


Sự đổi mới thường xuyên về mặt quân sự này không phải không gặp khó khăn, như đôi khi chính người Trung Quốc cũng phải thừa nhận điều đó. Tháng 8/2010, tờ “Nhật báo Quân giải phóng nhân dân” đã đăng một bài báo viết: “Do ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng bảo thủ trong văn hoá truyền thống Trung Quốc, nhiệm vụ nhằm đổi mới văn hoá và tư tưởng của quân đội báo hiệu rất gay go”. Trung Quốc “phải dũng cảm rút ra bài học từ kinh nghiệm của các quân đội nước ngoài, bằng cách tỏ ra cởi mở về tinh thần và sáng tạo”. Đi xa hơn, bài báo khuyên các tướng lĩnh Trung Quốc để thực hiện những cải cách của mình cần học tập tấm gương của quân đội Mỹ. Ngoài ra, bài viết còn bày tỏ sự khâm phục đối với “các biện pháp đào tạo và huấn luyện” của quân đội Mỹ - thể hiện rõ sự ưu tiên dành cho việc cải thiện tiềm năng con người của PLA. Bài báo lưu ý rằng quân đội Mỹ tìm kiếm công nghệ của họ trên thị trường mỗi khi có thể - ví dụ những máy móc định vị GPS được sử dụng trong chiến tranh vùng Vịnh - điều đó làm cho họ tiết kiệm được nhiều. Về điểm này, ông Âu Kiến Bình đã ám chỉ một sự cải cách hệ thống ngân sách quân đội. Theo các chuyên gia, đó có thể là thiết lập một kiểu “điều luật lập chương trình” nhằm tăng cường sự phối hợp và sự kế tục các chương trình vũ trang. Cho đến nay, và một cách ngạc nhiên khi ở trong một nước mà người ta yêu thích việc lập kế hoạch, những thành tựu của hệ thống vũ khí đạt được liên tục nhưng không có tầm nhìn dài hạn. Trong chỉ thị đầu tiên của năm 2010, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, với tư cách là chủ tịch Uỷ ban quân uỷ trung ương, đã cổ vũ các tướng lĩnh tăng cường cuộc đấu tranh chống tham nhũng, hiện đang có tỷ lệ đáng báo động trong tổ chức này. Nhưng do thiếu công khai, sự “tự kiểm soát” này ít có cơ hội đem lại những kết quả khả quan. 

 
Hiện đại hoá vũ trang 


Đồng thời, việc hiện đại hóa các phương tiện vũ trang cũng tiếp diễn. Nó đã được bắt đầu sau cú sốc đối với các tướng lĩnh Trung Quốc, thể hiện qua cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Qua vụ đó, họ nhận thấy sự không thích hợp của các vũ khí quân sự của Trung Quốc trong các cuộc xung đột hiện đại và khoảng cách giữa PLA với các quân đội “công nghệ cao”. Việc cải thiện công nghệ và sự thông tin hóa của các lực lượng quân đội đã trở thành một ưu tiên. Từ nay đến năm 2050, Trung Quốc quyết định phát triển một quân đội trong đó sự hoàn thiện công nghệ sẽ có một bước tiến đáng kể. Nhưng RMA (cuộc cách mạng trong các lĩnh vực quân sự) theo kiểu Trung Quốc diễn ra chậm chạp. Chuyên gia Loic Frouart giải thích: “Liên quan tới sự phân chia vai trò giữa con người và máy móc, thì sự đoạn tuyệt hoàn toàn với các lý luận cách mạng không hoặc không còn được tính đến. Sự gò bó về ngân sách (…) và cả những bài học về cuộc chiến tranh Irắc (sự kháng cự có hiệu quả của nhân dân ngay sau một thắng lợi công nghệ nhanh chóng của đối phương) đã khiến Trung Quốc duy trì cho yếu tố cơ khí hóa của PLA một vai trò trong tất cả các lực lượng và ngừng việc từ bỏ lý thuyết về cuộc chiến tranh nhân dân”. Với việc không có khả năng thực hiện theo cách đồng đều việc hiện đại hóa đội quân khổng lồ của mình, Trung Quốc đã lựa chọn thực hiện ở một bộ phận quân đội của họ, 80% trong số đó vẫn còn được trang bị các thiết bị cũ kỹ. 


Về việc giảm bớt khoảng cách công nghệ với các đối thủ tiềm tàng, Bắc Kinh cũng đã chú trọng phát triển những khả năng không đối xứng. Trung Quốc đã ở điểm rất gần với cuộc “chiến tranh ảo” và họ nhanh chóng tiến vào lĩnh vực vũ trụ. Về lĩnh vực này, đề xuất hồi tháng 11/2009 của Tướng Hứa Kỳ Lượng, Tư lệnh Không quân Trung Quốc, cho rằng việc quân sự hoá không phận là một hiện tượng “không thể tránh” về mặt lịch sử, đã gây ra một sự xúc động nhất định. Bởi đúng vào thời điểm đó, một trang web phân tích tình hình quân sự, IMINT và Phân tích, đã giới thiệu hình ảnh vệ tinh của một căn cứ được cho là chứa các vũ khí chống vệ tinh. Một bài diễn văn sau đó của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, nói về chiến lược hòa bình của Trung Quốc trên không, dường như đã không tán thành những tuyên bố của viên Tướng này. Có lẽ điều đó không đúng, vì hai thông điệp đó bổ sung cho nhau một cách hữu ích. Trước sự ngạc nhiên chung, với việc thực hiện một cú bắn nhằm vào vệ tinh nhân tạo hồi tháng 1/2007 (phá huỷ một vệ tinh khí tượng với sự trợ giúp của một tên lửa đạn đạo), Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng họ có khả năng tấn công vào các mạng thông tin mà các quân đội phương Tây mới phụ thuộc vào nó. 


Một ví dụ khác: sự phát triển những khả năng ngăn chặn xâm nhập khu vực (tất nhiên là cấm các lực lượng nước ngoài tuỳ thuộc vào tình huống). Về vấn đề này, thông báo mới đây của Bắc Kinh về một chiến dịch thử tên lửa ở biển Đông đã gây ra những phỏng đoán về việc làm chủ một loại vũ khí, mà theo báo chí Trung Quốc, có thể “thay đổi các nguyên tắc của trò chơi chiến lược”. Người ta biết rằng PLA tìm cách trang bị cho mình một “thứ vũ khí tiêu diệt tàu sân bay”, có khả năng đe doạ sự bành trướng hải quân của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Theo báo cáo mới đây của Lầu Năm Góc hồi tháng 8/2010, Bắc Kinh dự kiến chế tạo các tên lửa tầm xa có khả năng bắn tới các tàu sân bay của Mỹ đậu ở Thái Bình Dương. Đó là một tên lửa đạn đạo chống tàu biển (ASBM) – trong trường hợp đã dự kiến là một phiên bản của tên lửa Dongfeng 21-D. Một loại vũ khí có thể làm cho việc triển khai một tổ hợp hàng không-hàng hải Mỹ ở biển Đông trở nên phức tạp hơn khi xảy ra khủng hoảng xung quanh khu vực Đài Loan. Quả thật, những điều chưa biết vẫn còn, nhất là về mức độ tinh vi hóa của các hệ thống vệ tinh giúp theo đuổi các mục tiêu và điều khiển các tên lửa kiểu đó. Nhưng mới đây, Bắc Kinh đã đưa ra 5 vệ tinh Yaogan mới có thể thực hiện đầy đủ sứ mệnh đó. Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, với một hiệp định chung, Mỹ và Nga đã từ bỏ việc phát triển các tên lửa thuộc loại đó vì lo sợ xảy ra những sai lầm trong tính toán và những nguy cơ sai lệch, vì một phát tên lửa có thể khiến nhầm lẫn với một cuộc tấn công hạt nhân… 

 
Một ngân sách quá cao 


Vấn đề lớn còn lại là những phương tiện tài chính phục vụ cho các tham vọng đó. Hàng năm, vấn đề ngân sách quốc phòng của Trung Quốc gây ra những sự phản đối của Oasinhtơn, do quy mô nỗ lực của Bắc Kinh, họ lo ngại về sự không minh bạch của việc sử dụng kinh phí. Tuy nhiên, năm 2010 đã mang tới một điều ngạc nhiên nho nhỏ. Lần đầu tiên kể từ hai thập kỷ qua, mức tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã trở lại một con số, trong khi tất cả các quan sát viên đều dự tính nó được duy trì ở mức trên 10%. Hồi đầu tháng 3, Bắc Kinh đã thông báo rằng năm 2010 họ “chỉ” tăng 7,5% so với 14,9% năm 2009 và 17,6% năm 2008. Người phát ngôn của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, Lý Triệu Tinh, đã xác nhận rằng ngân sách quốc phòng sẽ là 532,1 tỷ nhân dân tệ, tức là gần 57 tỷ euro. Ông cũng nhấn mạnh tính chất “hợp lý” của chi phí này, chúng không vượt quá 1,4% GDP của Trung Quốc, so với 4% của Mỹ và xung quanh mức 2% của Anh và của Pháp. Theo nhiều nguồn tin, có vẻ như giới quân nhân mong đợi sự giảm bớt đó và, theo gương phương Tây, họ đấu tranh kiên quyết vì việc phân chia số tiền đó giữa các lực lượng quân đội với nhau. 


Tất nhiên, ngân sách quân sự thực sự lớn hơn các con số chính thức. Cho đến nay, các chương trình nghiên cứu và vũ trang, cũng như các hoạt động bên ngoài – như các sứ mệnh đấu tranh chống cướp biển – không được ghi vào chương trình này. Phần lớn các chuyên gia cho rằng số tiền thực sự cao gấp từ 2 đến 2,5 lần. Theo Lầu Năm Góc, như vậy chi phí quân sự của Trung Quốc đã vượt quá 150 tỷ USD trong năm 2009. Nhưng, kể cả tính số tiền không công khai đó, cần tương đối hóa việc “hạch toán” nỗ lực phòng thủ này của Trung Quốc, cũng như mối đe doạ mà Trung Quốc có thể là hiện thân. Số tiền đó không hoàn toàn tỷ lệ đúng với một quân đội có 2,3 triệu người và một tình trạng khởi đầu khá tai ương. Để so sánh, hãy nhớ lại rằng ngân sách quốc phòng của Mỹ - cao nhất thế giới – lên tới khoảng 700 tỷ USD. Các quân nhân Trung Quốc ra sức giải thích rằng ngân sách của họ chủ yếu nhằm cải thiện điều kiện sống của các quân nhân. Thực tế, năm 2007, 80% việc tăng chi phí quân sự được dùng để làm tăng giá trị tiền lương và cung cấp quân phục mới. Trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay và bất chấp mức tăng trưởng đã trở lại, Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng cách nói của họ về việc giảm bớt sự bất bình đẳng giữa nông thôn và thành thị, cũng như ưu tiên đối với những cải cách xã hội, y tế và giáo dục không phải là một khẩu hiệu suông. Về đối ngoại, và nhất là đối với Đài Loan, hẳn là tín hiệu khiến người ta yên lòng hơn. Mặc dù Mỹ và Nhật Bản tiếp tục tỏ ra không hài lòng về việc thiếu sự minh bạch. 

 
Khi Trung Quốc buôn bán vũ khí 


Một tín hiệu khác về sự khẳng định của Trung Quốc trong lĩnh vực quốc phòng: ý định của họ được quảng cáo rõ ràng về việc tham gia câu lạc bộ các nước xuất khẩu vũ khí. Năm 2009, tín hiệu rõ ràng nhất là việc bán 36 máy bay tiêm kích J-10 cho Ixlamabát. Nếu hiệp định đó được cụ thể hóa, Pakixtan, từ lâu vốn từ chối mua máy bay F16 của Mỹ, sẽ trở thành nước đầu tiên có được loại máy bay này của ngành công nghiệp vũ trang Trung Quốc. Hợp đồng của Pakixtan, ở đó pha trộn các lợi ích kinh tế và chiến lược, lên tới 1,4 tỷ USD, chiếm hơn 2/3 số tiền bán vũ khí hàng năm của Trung Quốc. Và người ta còn cho rằng Ixlamabát mong muốn được trang bị, đúng thời hạn, 150 máy bay J-10. Sự thật, Pakixtan là một đối tác chính trị có quan hệ hợp tác quân sự với Trung Quốc từ lâu: Bắc Kinh đã bán cho Pakixtan các máy bay huấn luyện Karakorum K-8 và đã cùng nhau sản xuất máy bay chiến đấu J-17 để xuất sang các thị trường châu Phi và châu Á. Hai nước cũng hợp tác trong các chương trình lục quân và hải quân. Ngoài ra, theo một báo cáo của Jamestown Foundation, “việc bán loại máy bay J-10 này nhằm gửi tới toàn thế giới một thông điệp quan trọng về sự phát triển nhanh chóng các khả năng quốc phòng của Trung Quốc”. Trung Quốc hiện đang triển khai một chiến lược thương mại toàn diện hướng tới châu Phi, với Xuđăng và Aicập - những nước đã được trang bị bằng vũ khí của Trung Quốc, và cả Thổ Nhĩ Kỳ mà họ hy vọng bán cho nước này các hệ thống tên lửa đất đối không. Tuy nhiên, hướng đi chính của ngành công nghiệp vũ trang Trung Quốc vẫn là Iran , nơi Bắc Kinh có khả năng thay thế Mátxcơva. Mới đây, báo chí Nga còn cho biết rằng Têhêran có thể mua các tên lửa đất đối không FD-2000 của Trung Quốc, thay cho các tên lửa S-300 của Nga. Mỹ Latinh cũng không bị bỏ quên: sắp tới Trung Quốc phải cung cấp cho Vênêxuêla 6 máy bay K-8 (trong tổng số 18 chiếc được mua), cũng như các rađa phòng không cho Êcuađo. 


Trước mắt, cuộc cạnh tranh chưa thực sự diễn ra với các nhà xuất khẩu phương Tây lớn, mà sự tiến bộ công nghệ vẫn còn rất thuận lợi. Ở những thị trường này, Trung Quốc đang ở vào thế cạnh tranh đối đầu với Nga. Bởi Bắc Kinh không do dự trong việc thách thức Mátxcơva ở hai nước cộng hòa Xôviết cũ của họ. Cuộc tấn công này được các nhà công nghiệp Nga trong khu vực nhìn nhận là không tốt, nhưng Cremli không muốn làm ảnh hưởng tới quan hệ chính trị giữa hai cường quốc. Việc đại đa số các công nghệ vũ trang “Trung Quốc”’ đều có nguồn gốc từ Nga không giải quyết được gì. Trên thực tế, Trung Quốc đã là bậc thầy trong lĩnh vực “bản xứ hoá” các thiết bị nước ngoài. Giống như họ đã từng làm đối với xe lửa hoặc máy bay dân sự, Trung Quốc đã tái sử dụng các công nghệ nước ngoài, và nếu có thể họ còn cải tiến để vượt qua. 

 
Vị trí nào cho các quân nhân? 


Nỗi sỉ nhục mà Robert Gate phải chịu đựng hồi tháng 6/2010 đã đặt thành câu hỏi về vai trò của giới quân nhân trong các bộ máy quyền lực của Trung Quốc - một câu hỏi càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh nhạy cảm sẽ diễn ra sự thay đổi nhân sự vào năm 2012, năm chứng kiến thế hệ lãnh đạo thứ năm lên cầm quyền. 


Trong chỉ thị đầu tiên của năm 2010, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi tăng cường các mối quan hệ giữa đảng và quân đội. Là Chủ tịch Uỷ ban quân uỷ trung ương, từ vài tháng qua, vị Chủ tịch nước đã có những quyết định lớn thăng cấp cho các tướng lĩnh và bổ nhiệm những vị trí then chốt trong PLA cũng như lực lượng cảnh sát (PAP): những người đứng đầu các bộ phận tham mưu ở Bắc Kinh, các khu vực quân sự và các viên phó của họ cũng như các uỷ viên chính trị. Một uỷ viên chính trị mới thuộc lực lượng “Pháo binh hai”, có nhiệm vụ kiểm soát các lực lượng hạt nhân, đã được bổ nhiệm. Đằng sau những hoạt động này là ý định của Chủ tịch nước muốn trẻ hóa ban lãnh đạo cấp cao vào thời điểm hiện đại hoá các lực lượng quân đội, cũng như đưa người của ông vào bộ máy quân sự. Điều được đặt cược chính là nhằm che đậy cho những cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng giữa phe cánh của Liên đoàn thanh niên cộng sản do Hồ Cẩm Đào đứng đầu và phe cánh của “các con ông cháu cha” mà người đại diện là nhân vật sẽ kế nhiệm theo dự kiến, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình. 


Mặc dù giáo lý về sự lệ thuộc của quân đội vào Đảng vẫn không thay đổi, nhiều hiện tượng đã làm cho quan hệ giữa giới dân sự và giới quân sự trở nên phức tạp hơn. Trước hết, những người lãnh đạo trẻ của năm 2012 hẳn là sẽ không có nhiều quyền lực đương nhiên đối với quân đội như những thế hệ trước, vì những lý do liên quan tới quỹ đạo cá nhân. Không đi tới những nguy cơ “chống đối”, người ta có thể hình dung tới những vấn đề phối hợp tăng lên giữa giới lãnh đạo dân sự và quân sự. Việc không tổ chức các hoạt động cứu trợ khi xảy ra vụ động đất ở Tứ Xuyên năm 2008 đã chứng minh rõ rằng Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã không có bất kỳ tác động nào đối với quân đội. Nếu quân đội hiện diện mạnh mẽ trong Bộ chính trị (các sĩ quan chiếm 18% trong tổng số 370 uỷ viên), thì họ sẽ rất vắng bóng trong cơ quan chính quyền Trung Quốc do Uỷ ban thường vụ Bộ Chính trị và 9 “vị hoàng đế” của nó tạo thành. Trong những năm tới, người ta sẽ biết Trung Quốc muốn ưu tiên công cụ nào để khẳng định sức mạnh của họ: “quyền lực mềm” nổi tiếng hoặc một “quyền lực cứng” không còn bị ức chế, được phục vụ bởi một công cụ quân sự đã hiện đại hoá./.

Theo Tạp chí Politique internationale