Vào ngày 2/5/2014, căng thẳng leo thang nghiêm trọng tại Biển Đông sau khi giàn khoan HD 981 của Trung Quốc bắt đầu quá trình khoan dầu trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Trong khi sự kiện giàn khoan HD 981 đang là tâm điểm của sự chú ý ở Biển Đông hiện nay, một mối đe dọa khác tới hòa bình và ổn định của khu vực đã xuất hiện.

Nhiều nguồn tin cho thấy Trung Quốc đang âm thầm xây dựng trái phép đảo nhân tạo tại bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang có kế hoạch tương tự tại một số bãi đá khác của quần đảo này. Đây thực sự là một mưu đồ nguy hiểm của Bắc Kinh và nhiều khả năng sẽ làm thay đổi cục diện Biển Đông theo hướng có lợi rất lớn cho Trung Quốc. 

Gần 2 tuần sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981, ngày 13/5/2014, Philippin đã công bố những hình ảnh cho thấy người Trung Quốc đang cải tạo đất tại bãi đá Gạc Ma để xây dựng một đường băng. Tiếp đó, ngày 4/6/2014, báo Phil Star của Philippin trích lời của Tổng thống Philippin Benigno Aquino III rằng ông đã nhận được báo cáo về sự chuyển dịch của các tàu vận tải Trung Quốc tại hai bãi đá ngầm Gavin và Châu Viên. Một báo cáo mật của văn phòng Tổng thống Philippin ngày 13/5/2014 cho biết thêm Trung Quốc cũng đang cải tạo đất ở hai bãi Tư Nghĩa và Én Đất.

Thêm vào đó, giáo sư Jin Canrong tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc đã tiết lộ với thời báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng rằng một kế hoạch xây đảo nhân tạo tại Đá Chữ Thập đã được đệ trình lên chính phủ Trung Quốc. Hòn đảo nhân tạo này sẽ có diện tích gấp đôi căn cứ quân sự Diego Garcia rộng 44km2 của Mỹ tại Ấn Độ Dương. Theo báo Phil Star, dự án này giống như việc xây dựng một tàu sân bay quân sự chạy bằng nguyên tử với trọng tải 100.000 tấn và dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 5 tỷ USD của Trung Quốc trong vòng 10 năm.

Mưu đồ xây dựng một chuỗi đảo nhân tạo của Trung Quốc thực sự là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường hiện diện quân sự của nước này tại quần đảo Trường Sa. Kể từ năm 1988, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép ít nhất 9 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa. Trước đây, với mục đích đóng quân đồn trú hoặc với mục đích khác, Trung Quốc đã xây dựng và mở rộng các cấu trúc nhân tạo tại những bãi đá này. Tuy nhiên, phần lớn các cấu trúc là nền móng và pháo đài bê tông bởi diện tích quá nhỏ của những bãi đá này đã khiến Trung Quốc không thể tiến hành xây dựng đường băng hay cảng biển. Chỉ có Đá Chữ Thập là được tính như một đảo bán nhân tạo bởi nó có sở chỉ huy và bãi đáp trực thăng.

Do đó, mặc dù lớn mạnh hơn rất nhiều so với hải quân của các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, hải quân của Quân Giải phóng Nhân Dân Trung Quốc (PLA) vẫn có một số yếu điểm và bất lợi nhất định trong trường hợp xảy ra chiến sự tại Trường Sa. Khoảng cách từ căn cứ hải quân Du Lâm tại đảo Hải Nam tới quần đảo Trường Sa là 580 dặm, khá xa so với khoảng cách tính từ Vịnh Cam Ranh (250 dặm) hay căn cứ quân sự Puerto Princesa của Philippin (310 dặm). Do đó, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn trong việc triển khai và duy trì một lượng lớn tàu và máy bay quân sự tại quần đảo Trường Sa so với tại quần đảo Hoàng Sa. Thêm nữa, khả năng phóng và tiếp nhận máy bay quân sự của tàu sân bay Liêu Ninh vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Đồng thời, tàu sân bay này cũng có yếu điểm trước tàu ngầm, đặc biệt là tàu ngầm Kilo của Việt Nam. Một hòn đảo nhân tạo tại Đá Chữ Thập có thể đóng vai trò tương tự như một tàu sân bay cố định tại vị trí trung tâm của Biển Đông và có hiệu quả hơn.

 Trong buổi họp báo ngày 6/6/2014, phản ứng lại việc Philippin tố cáo Trung Quốc cải tạo đất trái phép ở bãi Gạc Ma, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã tuyên bố rằng những hành động của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa là “không liên quan tới Philippin.” Tuy nhiên, Việt Nam và các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông khác có tất cả các lý do để quan ngại về mưu đồ nguy hiểm này của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc thực hiện thành công kế hoạch này thì đó thực sự sẽ đe dọa nghiêm trọng tới an ninh và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và các quốc gia quanh khu vực Biển Đông. Không chỉ các thực thể tại quần đảo Trường Sa mà chính những quốc gia này cũng sẽ rơi vào tầm ngắm của không quân Trung Quốc.

Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippin Roilo Golez, nếu dựa trên bán kinh 1000 km của Đá Chữ Thập, máy bay quân sự của Trung Quốc có thể dễ dàng vươn tới toàn bộ lãnh thổ Philippin, Việt Nam và một phần của Malaysia. Ngoài ra, một chuỗi đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa sẽ hình thành một “bức tường hàng hải” của Trung Quốc tại vị trí trung tâm Biển Đông. Điều này sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường kiểm soát tại đây và có thể tạo tiền đề cho việc thành lập Vùng Nhận dạng Phòng Không (ADIZ) tại Biển Đông. 

Việc xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa cũng phản ánh tham vọng trở thành cường quốc biển của Trung Quốc. Bắc Kinh không chỉ muốn phô trương sức mạnh hải quân mà còn muốn trình diện thế hệ giàn khoan hiện đại có khả năng khoan dầu tại phần lớn Biển Đông (Trung Quốc cũng đang xây dựng giàn khoan HD 982, 943, 944). Có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ dần dần mang giàn khoan từ vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa tới vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa. Do đó, việc xây dựng đường băng và hải cảng tại đảo nhân tạo ở Trường Sa cùng với việc đóng thêm tàu sân bay quân sự (Trung Quốc đang tiến hành đóng tàu sân bay quân sự thứ hai, dự kiến hoàn thành năm 2018) sẽ khiến cho các nước có tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông không dám đối đầu trên thực địa với Trung Quốc trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển này. Nhờ đó, Bắc Kinh sẽ hoàn toàn tự tin trong việc tiến hành khai thác tài nguyên ở toàn bộ khu vực Biển Đông.

Kể cả Indonesia, một nước vốn không có tranh chấp ở Biển Đông cũng có lý do để lo lắng trước mưu đồ của Trung Quốc. Vào năm 2009, khi đệ trình đường lưỡi bò phi lý của mình lên Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS), Trung Quốc không bao gồm quần đảo Natuna của Indonesia. Tuy nhiên, ngày 18/3/2014, báo Antara trích tuyên bố của Đô đốc Fahru Zaini của hải quân Indonesia rằng bản đồ in trên hộ chiếu mới của Trung Quốc có bao gồm cả quần đảo Natuna. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy tham vọng vươn ra xa hơn từ Trường Sa xuống phía nam của Bắc Kinh, và việc xây dựng đảo nhân tạo chắc chắn sẽ gây quan ngại sâu sắc tới các nhà lãnh đạo Indonesia. Quần đảo Natuna và thậm chí eo biển Malacca đều nằm trong phạm vi 1000 km của Đá Chữ Thập. Bắc Kinh rất muốn kiểm soát quá trình lưu thông hàng hải từ eo biển Malacca tới Biển Đông để giảm thiểu nguy cơ về an ninh năng lượng đường biển của mình.

Từ những điểm trên, có thể thấy rõ tại sao Trung Quốc có tham vọng xây dựng chuỗi đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa. Mặc dù việc xây dựng đường băng và cảng biển tại các đảo nhân tạo này sẽ tạo lợi thế rất lớn cho Trung Quốc trong tranh chấp tại Biển Đông, nó cũng cho thấy sự vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DoC) và sự đơn phương thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định của khu vực. Trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã ra sức thuyết phục thế giới về sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.

Tại Đối thoại Shangri-La vừa qua, tướng Vương Quán Trung đã phát biểu rằng một Trung Quốc đang trỗi dậy không phải là mối họa với thế giới. Tuy nhiên, ý kiến này đã không được cộng đồng quốc tế đón nhận một cách nhiệt tình.

Thay vì tiếp tục biện minh một cách vô lý, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần hiểu rõ tại sao những hành động đơn phương của Bắc Kinh lại tạo ra quan niệm của các nước láng giềng về “mối hiểm họa Trung Quốc”, mà điển hình là sự kiện giàn khoan HD 981 và mưu đồ xây dựng chuỗi đảo nhân tạo ở Trường Sa. Nếu Trung Quốc vẫn thực sự nghiêm túc về thông điệp “trỗi dậy hòa bình” của mình thì điều đó cần phải được chứng minh trong cả lời nói và hành động. 

Theo International Policy Digest

Sơn Nguyễn