Theo chuyên gia Trịnh Vĩnh Niên, trong báo Chiến lược An ninh Quốc gia mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã xác định rõ vị trí chiến lược của Mỹ là “duy trì vị trí lãnh đạo của Mỹ trên toàn thế giới”. Điều này không có gì khó hiểu và cũng không có gì mới. Các đời tổng thống Mỹ, cho dù trong ngôn từ có thay đổi, song chiến lược mà họ thực hiện đều nhằm duy trì vị trí bá quyền hay vị trí lãnh đạo của Mỹ trên thế giới. Lợi ích quốc gia lớn nhất của Mỹ chính là duy trì vị trí lãnh đạo số một, song biện pháp thực hiện của mỗi tổng thống Mỹ có khác nhau. Nếu như chính quyền George W.Bush tiến hành “chủ nghĩa đơn phương” thì chính quyền Obama thực hiện “chủ nghĩa đa phương”. Tuy nhiên, không có sự tuyệt đối trong việc thực thi chiến lược, đơn phương và đa phương luôn cùng tồn tại, chỉ có điều trong mỗi thời điểm khác nhau, sự coi trọng sẽ khác nhau.

 

Trong chiến lược mới của Mỹ, sự thay đổi lớn nhất là việc xác định vị trí mới đối với Trung Quốc, lần đầu tiên Mỹ kêu gọi bắc Kinh gánh vác “vai trò lãnh đạo có trách nhiệm”. Trong nửa cuối thời kỳ chiến tranh Lạnh, Mỹ xác định vị trí của Trung Quốc là đồng minh “chuẩn” để đối phó với Liên Xô cũ. Chiến tranh Lạnh kết thúc, việc xác định vị trí đối với Trung Quốc luôn được Mỹ thay đổi tuỳ theo hoàn cảnh khách quan, từ “kẻ thù”, đến “đối thủ cạnh tranh”, mấy năm gần đây chuyển sang là “đối tác tương quan lợi ích”, “đối tác tương quan lợi ích có trách nhiệm” và nay là “nước lớn có trách nhiệm”.

 
Mô hình G2 không thể thành hiện thực


Mỹ rõ ràng xuất phát từ góc độ lợi ích quốc gia của mình giao phó cho Trung Quốc vai trò mới này. Mỹ ý thức được rằng “gánh nặng trong thế kỷ mới không thể chỉ mình Mỹ gánh vác”. Với nhận thức này, Mỹ cần điều chỉnh mối quan hệ mới với các nước lớn, trong đó bao gồm cả Trung Quốc, đồng thời xác định lại vai trò quốc tế của các nước này. Do đó, báo cáo chiến lược mới của Mỹ đề cập tới việc Mỹ cần xây dựng “mối quan hệ đa cấp ổn định và quan trọng” với Nga , thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ và còn “hoan nghênh các nhà lãnh đạo Brazin”. Đối với Trung Quốc, Obama một mặt mong muốn những bất đồng về nhân quyền giữa hai nước không nên ảnh hưởng tới sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, mặt khác lại tuyên bố sẽ giám sát kế hoạch hiện đại hoá quân sự của Bắc Kinh và chuẩn bị đối phó. Trên thực tế, Mỹ từ trước đã bắt đầu điều chỉnh việc xác định vị trí các nước mới nổi, có thể nhận thấy điều này trong các hội nghị G20 và G8.

 

 Mấy năm gần đây, thay đổi lớn nhất trong quan hệ Trung - Mỹ mà mọi người hay đề cập đến đó là sự hình thành cơ chế G2. Tuy nhiên, về mặt chính thức, phía Trung Quốc chưa thừa nhận G2. Trên thực tế, G2 khổng có khả năng chính thức hoá. Xét về mặt cơ cấu, trong khuôn khổ G2, Trung Quốc chỉ như một trợ thủ, ở vào vị trí bất lợi. Do Mỹ ở vào vị trí trên trong cơ chế này, Trung Quốc trên thực tế chỉ có trách nhiệm mà không có quyền lợi. Mỹ và Trung Quốc cần hợp tác với nhau trong các vấn đề quốc tế, đồng thời trong chính sách của mình, Mỹ cũng ban cho Trung Quốc một ít không gian để thực hiện trách nhiệm quốc tế, ví như việc đề cao quyền hạn của Trung Quốc tại Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế. Tuy nhiên, do có quyền phủ quyết trong rất nhiều lĩnh vực quan trọng, Mỹ có thể đáp ứng hoặc cũng có thể không đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc lại không có sức mạnh ràng buộc thực sự đối với Mỹ.

 

Tình trạng này chủ yếu là do thực lực của Trung Quốc chưa thể sánh với Mỹ. Cho dù thực lực kinh tế đang tăng trưởng, song bản thân Trung Quốc vẫn thiếu các biện pháp thực hiện nhiệm vụ quốc tế, càng không thể nói đến quyền lãnh đạo. Do ở trong cùng một cơ cấu, Trung Quốc vẫn rất cần thông qua thể chế do Mỹ xác lập để thực thi nhiệm vụ quốc tế của mình. Rất khó có thể hình dung được rằng Trung Quốc có thể được hưởng quyền lãnh đạo thế giới trong cơ chế do Mỹ xác lập.

 
Một lý do khác để Trung Quốc không thể chính thức hoá G2 là Trung Quốc nhận thức được việc hai nước lớn Trung - Mỹ không thể quyết định các vấn đề quốc tế, đây không chỉ không phù hợp với mục tiêu “dân chủ hoá nhiệm vụ quốc tế” của Trung Quốc mà còn nếu làm như vậy, Trung Quốc sẽ đối mặt với áp lực quốc tế rất lớn.


G2 là một sản phẩm của sự thay đổi cơ cấu quyền lực quốc tế khách quan, không phải là do ý chí chủ quan của con người. Sự ra đời cơ chế G2 trên thực tế không chỉ là sự phát triển nhanh của Trung Quốc mà còn là kết quả lựa chọn chiến lược của Trung Quốc. Từ khi cải cách mở cửa, Trung Quốc lựa chọn gia nhập hệ thống quốc tế do Mỹ và phương Tây làm chủ đạo, đây là sự bảo đảm mang tính cơ cấu của sự “phát triển hoà bình”, hay cong gọi là sự “trỗi dậy hoà bình” của Trung Quốc. Hệ thống này có rất nhiều thiếu sót, song Trung Quốc không phải là muốn thách thức hệ thống này mà muốn thay đổi nó từ bên trong. Trong hệ thống này, Trung Quốc ngày càng phát huy tác dụng to lớn. Sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc cũng thể hiện sự nâng cao vị trí của nước này trong hệ thống, hình thành cái gọi là cơ chế G2.


Trung Quốc cần xem xét vai trò quốc tế của mình


Bất luận thế nào, G2 vẫn phản ánh sự thay đổi mang tính cơ cấu của tình hình chính trị thế giới. Việc Mỹ xác định lại vị trí của Trung Quốc (cũng như các nước khác) là yêu cầu về một cơ chế mới khách quan. Do đó, Trung Quốc tất phải xem xét lại vai trò quốc tế của mình.


Đầu tiên là vị trí quốc tế của Trung Quốc. Về truyền thống, vị trí quốc tế của Trung Quốc là một nước đang phát triển. Hiện nay, Trung Quốc tất nhiên chưa trở thành một nước phát triển, song cũng không thể xác định mình một cách đơn giản là một nước đang phát triển. Do vị trí của mình trong cơ cấu quyền lực quốc tế, Trung Quốc không thể không gánh vác một số trách nhiệm mang tính toàn cầu. Trung Quốc thừa nhận là một “nước đang phát triển”, không chỉ phản ánh khách quan trình độ phát triển kinh tế xã hội Trung Quốc hiện nay mà còn là sự cân nhắc về mặt chính trị và chiến lược, là nhu cầu đối với an ninh quốc gia và chống chủ nghĩa bá quyền. Cũng như vậy, nay Trung Quốc cần phải xem xét lại sự thừa nhận này, không phải chỉ là do sự phát triển kinh tế xã hội khách quan mà còn do nhu cầu chính trị và chiến lược. Dù năng lực quốc tế như thế nào, xét từ sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, trách nhiệm quốc tế mà Trung Quốc cần gánh vác đã vượt quá khả năng cuả một nước đang phát triển.


Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với các vấn đề mới trong ngoại giao nước lớn. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ngoại giao nước lớn là nhằm cạnh tranh không gian quốc tế. Hiện nay không giống như trước vì Trung Quốc và Mỹ ở cùng trong một hệ thống. Mặc dù sức mạnh của Trung Quốc còn kém xa Mỹ, song hiện là thời điểm Trung Quốc và Mỹ có thể nói là “gần gũi” nhau nhất. Nhật Bản nằm trong hệ thống (quân sự) của Mỹ, trong khi Liên minh châu Âu rốt cuộc cũng không phải là một quốc gia có chủ quyền. Điều này sẽ làm gia tăng tính phức tạp đối với ngoại giao nước lớn của Trung Quốc. Là một nước lớn có trách nhiệm, Trung Quốc phải gánh vác toàn bộ hệ thống, nhưng đứng trên đỉnh của hệ thống lại là Mỹ. Do đó, một số người đã không thể phân định được rằng thực thế Trung Quốc gánh vác hệ thống hay gánh vác nước Mỹ. Giữa hai trách nhiêm trên có sự trùng hợp, do đứng tại vị trí cao trong hệ thống, cho dù là Mỹ hay Trung Quốc cũng đều phải làm sao giữ cho hệ thống ổn định. Tuy nhiên, điều khác biệt ở đây là tính thống nhất giữa lợi ích hệ thống và lợi ích quốc gia. Tính thống nhất giữa lợi ích hệ thống và lợi ích quốc gia của Mỹ cao hơn rất nhiều so với tính thống nhất giữa lợi ích hệ thống và lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Bởi lẽ, hệ thống này được xây dựng dưới sự chủ đạo của Mỹ, lợi ích hệ thống chính là lợi ích quốc gia của Mỹ. Ở trong cùng một hệ thống, song lợi ích quốc gia không giống nhau khiến cho quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vừa có hợp tác vừa có xung đột.

  

Trong cùng một hệ thống xử lý các vấn đề chung, đòi hỏi hai nước Trung Quốc và Mỹ cần có chung quan niệm giá trị và nhận thức chung về cách thức xử lý vấn đề. Nếu không có chút nhận thức chung nào, không chỉ các vấn đề chung rất khó giải quyết mà còn đẩy xung đột trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí còn tồi tệ hơn cả quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô (cũ) thời Chiến tranh Lạnh. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô đều có riêng phe cánh của mình, ngoài sự đe doạ nhau về vũ khí hạt nhân, hai bên khống có quan hệ nào khác mang tính thực chất. Mối quan hệ này rõ ràng là rất nguy hiểm, song sự va chạm giữa Mỹ và Liên Xô không nhiều. Trung Quốc và Mỹ ở trong cùng một hệ thống, va chạm là chuyện thường ngày. Một khi gặp phải vấn đề mang tính toàn cầu cần xử lý, hai nước bắt buộc phải có nhận thức chung nhất định. Trong vấn đề hạt nhân của Iran và Bắc Triều Tiên, Mỹ gần đây ngày càng yêu cầu Trung Quốc có sự nhất chí (có thể dự báo là yêu cầu này của Mỹ sẽ ngày càng nhiều). Cho dù giữa Mỹ và Trung Quốc không thể có chung quan niệm giá trị hoàn toàn (vì không cùng nền văn minh, hình thái ý thức và cơ cấu chính trị), song trong xử lý các vấn đề quốc tế, hai nước không phải không thể có được quan niệm giá trị chung mang tính công cụ. Điều này đòi hỏi hai bên phải tiến hành đối thoại thường xuyên, thông qua đối thoại để đạt được nhận thức chung. Tuy nhiên, thông qua đối thoại để đạt được nhận thức chung, hai bên không được loại bỏ các ý kiến của nước khác, nếu không sẽ hình thành một cơ chế G2 “Mỹ và Trung Quốc cùng thống trị”.


Mức độ dựa vào nhau giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng cao


Sự thay đổi mang tính kết cấu quuền lực quốc tế cũng ảnh hướng đến quan hệ song phương Trung - Mỹ. Đối với quan hệ song phương, Trung Quốc và Mỹ đã dựa vào nhau ở mức độ cao, nhất là trong quan hệ kinh tế. Tuy nhiên, quan hệ song phương Trung - Mỹ ngày càng có tính quốc tế, việc hai nước xử lý mối quan hệ song phương này như thế nào đề sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội quốc tế. Tất cả các mối quan hệ song phương Trung - Mỹ trên các lĩnh vực đầu tư, mậu dịch, ngoại hối, quân sự và ngoại giao… đều có sức ảnh hưởng rất lớn ra bên ngoài. Điều này đòi hỏi hai nước phải đặt những vấn đề trên vào trong bối cảnh quan hệ quốc tế để xử lý, không phải chỉ trong phạm vi quan hệ song phương.


Sự thay đổi mang tính kết cấu này tất nhiên cũng sẽ ảnh hưởng tới tới quan hệ giữa Trung Quốc với các nước phát triển và các nước đang phát triển. Về truyền thống, các nước phát triển đa số về phe với Mỹ, cùng Mỹ thống trị thế giới. Gần đây, các nước này phát hiện thấy đứng trên mình còn có một quốc gia khác rất khác Mỹ, có thể đóng một vai trò quan trọng hơn họ. Trong rất nhiều trường hợp, tác dụng của các nước này ngày càng kém, thậm chí trong một số trường hợp tác dụng của họ đối với các vấn đề quốc tế hầu như không được nhìn nhận. 

 

Quan hệ giữa Trung Quốc với các nước đang phát triển cũng đang có nhiều thay đổi. Trình độ phát triển của các nước đang phát triển so với các nước phát triển còn có khoảng cách lớn, và khoảng cách này tiếp cụ gia tăng, điều này sẽ quyết định những mâu thuẫn và xung đột giữa hai bên. Dù xem xét từ góc độ nào, các nước đang phát triển có nhiều đồng thuận với Trung Quốc hơn là so với Mỹ, điều này không chỉ là do “các nước đang phát triển” là những nước “cùng cảnh ngộ truyền thống” với Trung Quốc, mà xét về mặt lợi ích, Trung Quốc và cá nước đang phát triển gần gũi nhau hơn so với Mỹ. Trong bối cảnh này, nếu Trung Quốc không thận trọng sẽ rất dễ bị “đẩy lên” làm thủ lĩnh các nước đang phát triển. Tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về biến đổi khí hậu tại Copenhagen (Đan Mạch), Trung Quốc đã từng “bị” trở thành thủ lĩnh nhóm các nước đang phát triển, tranh giành “quyền lãnh đạo” với các nước phát triển, dẫn đến sự không hài lòng từ phía các nước phương Tây. Cho nên, có thể nói rằng Trung Quốc không muốn gánh vác những gì không đáng gánh vác và cũng không muốn phải gánh vác trách nhiệm.

 
Như trên đã nói, việc Mỹ xác định lại vị trí của Trung Quốc là xuât phát từ lợi ích của nước Mỹ, Trung Quốc tất nhiên không thể gánh vác quyền lãnh đạo mà nước này không đủ sức gánh vác. Gánh các trách nhiệm hay quyền lãnh đạo thế giới quá sức của mình tất sẽ gây trở ngại cho sự phát triển hơn nữa của Trung Quốc, đồng thời cũng khiến Trung Quốc lực bất tòng tâm trên vũ đài quốc tế. Tuy nhiên, do Trung Quốc đang trỗi dậy trong hệ thống, hệ thống này về mặt khách quan tất nhiên cần kêu gọi trách nhiệm, thậm chí quyền lãnh đạo, của Trung Quốc. Trung Quốc cần phải làm thế nào? Đây chính là vấn đề Trung Quốc cần phải suy xét lâu dài, nó không chỉ liên quan đến sự phát triển của Trung Quốc, các mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc mà còn là vấn đề chiến tranh và hoà bình của thế giới./.