Cho đến nay việc xây dựng các đảo này đã tạo ra 8 triệu mét vuông đất đai giữa biển khơi, vượt trội các hoạt động bồi đắp của các nước khác, và chưa thấy có dấu hiệu giảm tốc. Hàng trăm triệu tấn cát và san hô đã được nạo vét từ đáy biển và đổ lên các rạn san hô mong manh vốn là những thành phần vô cùng thiết yếu của hệ sinh thái biển. Các chuyên gia về hải dương tiên lượng rằng công việc này đã gây ra những tác động khốc liệt và khó đảo ngược lại được lên môi trường.

Các đảo vừa được tạo ra và mở rộng sẽ trở thành cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho Trung Quốc triển khai lực lượng và áp đặt sự kiểm soát trên thực tế không chỉ ở quần đảo Trường Sa còn đang tranh chấp mà còn đối với hầu hết Biển Đông, lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mà theo bất kì cách diễn giải luật quốc tế hợp lí nào về phân giới biển đúng lẽ phải thuộc về các nước khác. Mặc dù các các đảo và các EEZ đã bị tranh chấp từ nhiều thập kỉ, một sự cân bằng bấp bênh đã tồn tại cho tới nay một phần là do cơ sở hạ tầng quân sự gần nhất của Trung Quốc nằm cách xa hàng trăm dặm về phía bắc. Từ nay, các nhà hoạch định quốc phòng của các nước khác trong tranh chấp phải đối mặt với một tương lai đã mất đi sự an toàn có từ khoảng cách đó.

Một quan ngại khác là liệu Trung Quốc có sử dụng các đảo mới được tạo ra hoặc mở rộng để đưa ra các yêu sách biển mới ở Biển Đông hay không. Thứ nhất, Trung Quốc có thể sẽ tuyên bố lãnh hải 12 hải lí hoặc một dạng “vùng báo động quân sự” mơ hồ nào đó quanh Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Đá Xu Bi (Subi Reef). Điều này sẽ xâm phạm quyền tự do đi lại trên biển và trên không của cộng đồng quốc tế vốn đang tồn tại ở các khu vực này. Thứ hai, Trung Quốc có thể tuyên bố lãnh hải xung quanh các đảo mới được tạo ra hoặc mở rộng vốn gần đảo đang do các nước khác đóng quân. Điều này sẽ dẫn đến xung đột trực tiếp với các bên khác trong tranh chấp. Thứ ba, việc tạo ra và mở rộng các đảo mới có thể làm Trung Quốc hung hăng hơn trong việc đòi EEZ cho quần đảo Trường Sa. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm các tranh chấp biển trong khu vực.

Trung Quốc biện minh rằng “Các hoạt động của Trung Quốc trên các đảo và rạn đá hữu quan ở quần đảo Nam Sa  hoàn toàn nằm trong chủ quyền của Trung Quốc và là hoàn toàn chính đáng[1]. Một số nhà phân tích còn lập luận thêm rằng Trung Quốc không vi phạm bất cứ luật biển nào. Tuy nhiên, có thể cho thấy những lập luận này không đúng trên nhiều phương diện.

Thứ nhất, Đá Chữ Thập (Fiery Reef), Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Huy Giơ (Huges Reef) và Đá Gaven (Gaven Reef) đang có tranh chấp chủ quyền. Vì vậy, quả là thiếu thiện chí khi một bên trong tranh chấp thay đổi tính chất địa lý của chúng một cách hoàn toàn và không thể khôi phục lại đuợc. Nếu một ngày nào đó, có tòa án quốc tế được trao thẩm quyền để phân xử tranh chấp và tòa phán quyết rằng các đảo này thuộc về một quốc gia khác không phải Trung Quốc thì sự thiệt hại cho các rạn đá này do hậu quả của việc xây đảo đã làm tổn hại quyền lợi của quốc gia đó một cách không khắc phục được.

Thứ hai, vì Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi trong trạng thái tự nhiên nằm dưới mặt nuớc lúc triều cao và cách xa các đảo khác  hơn 12 hải lí, luật tập quán quốc tế không cho phép quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với chúng. Vì vậy, các hoạt động xây dựng tại đảo tại các rạn đá này không thể nằm trong chủ quyền của Trung Quốc. Hơn nữa, sẽ là bất hợp pháp nếu Trung Quốc hay bất cứ nước nào khi khẳng định chủ quyền đối với các đảo nhân tạo tại các địa điểm này.

Thứ ba, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) không cho phép Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo tại Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi để đòi hỏi lãnh hải 12 hải lí hoặc EEZ bên ngoài: các đảo nhân tạo chỉ được hưởng một vùng an toàn mà có thể mở rộng tối đa là 500 mét.

Thứ tư, Trung Quốc đang vi phạm Điều 192 và 123 của UNCLOS, về bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là trong các vùng biển kín và nửa kín như Biển Đông. Điều 192 quy định rằng "Các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn môi trường biển", trong khi Điều 123 đòi hỏi các quốc gia quanh một biển kín hay nửa kín phải "phối hợp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ đối với việc bảo vệ và bảo tồn môi trường biển" . Dù dĩ nhiên là mỗi bên tranh chấp ở quần đảo Trường Sa sẽ nghĩ rằng họ, và chỉ một mình họ, có quyền xây dựng trên các đảo và các rạn san hô đang bị tranh chấp, nhưng không thể phủ nhận rằng tất cả họ đều có nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn môi trường biển của Biển Đông, một biển nửa kín và dễ bị tổn hại về môi trường.

Trong phán quyết năm 2003 về vụ tranh chấp giữa Malaysia và Singapore về hoạt động bồi đắp của Singapore, Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) đã buộc "Singapore không được tiến hành việc bồi đắp của mình theo những cách có thể gây tổn hại không thể khắc phục tới các quyền lợi của Malaysia hay gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường biển, đặc biệt là phải tính đến các  báo cáo của nhóm chuyên gia độc lập." Singapore đã tuân thủ phán quyết của tòa. Ngược lại, Trung Quốc hoàn toàn không đếm xỉa tới nghĩa vụ của họ với UNCLOS qua việc nạo vét hàng trăm triệu tấn cát và san hô từ đáy biển và đổ lên 8 triệu mét vuông thuộc các rạn san hô vốn là môi trường tối quan trọng cho cá đẻ trứng mà không có bất cứ đánh giá nào của các chuyên gia độc lập, và không có sự phối hợp hoặc thậm chí tham vấn nào với các quốc gia ven biển khác.

Thứ năm, việc khu vực quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp biển đưa chúng ta đến một vi phạm UNCLOS khác của Trung Quốc. Điều 74 và 83 của Công Ước này đòi hỏi rằng trong các khu vực có các yêu sách EEZ hoặc thềm lục địa mở rộng mâu thuẫn nhau thì các bên tranh chấp "trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, sẽ thực hiện mọi nỗ lực để tham gia vào các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và, trong giai đoạn chuyển tiếp này, không gây phương hại cho hay cản trở việc đi đến các thỏa thuận cuối cùng." Trong phán quyết năm 2004 đối với vụ Guyana kiện Suriname, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã giải thích điều khoản này có nghĩa là các bên tranh chấp không được phép đơn phương gây ra thay đổi vĩnh viễn lên các vùng tranh chấp.

Khó chối cãi được Đá Vành Khăn là một khu vực thuộc EEZ đang có tranh chấp, trong khi Đá Xu Bi có thể thuộc EEZ hay thềm lục địa mở rộng đang có tranh chấp, do đó Điều 74 và 83 UNCLOS và phán quyết vụ Guyana-Suriname rõ ràng có thể áp dụng ở đây. Việc xây dựng  đảo trên Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi  rõ ràng vi phạm các điều khoản này.

Không như Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi, các rạn đá Chữ Thập (Fiery Cross), Gạc Ma (Johnson South), Châu Viên (Cuarteron),  Huy Gơ (Hughes) và Ga Ven (Gaven) thì hoặc là có chỗ tự nhiên nằm trên mặt nuớc khi triều cao hoặc nằm trong phạm vi 12 hải lí của các đảo khác.  Theo UNCLOS, các rạn đá này có lãnh hải bao quanh. Vì thế, việc xây dựng đảo  trên chúng diễn ra trong lãnh hải, có nghĩa Điều 74 và 83 của UNCLOS và phán quyết vụ Guyana-Suriname (vốn chỉ áp dụng cho EEZ và thềm lục địa mở rộng) có vẻ không liên quan. Tuy nhiên, nếu nhìn cặn kẽ hơn thì sẽ  thấy khác đi. Ai cũng biết rõ là các rạn san hô là bãi đẻ trứng cá quan trọng của các đại dương và biển, và việc phá hủy chúng sẽ ảnh hưởng đến trữ lượng cá tại những vùng biển cách xa các rạn đá này. Việc xây dựng đảo ồ ạt  trên rạn san hô do đó có thể có ảnh hưởng lâu dài cho vùng EEZ ngoài lãnh hải của các rạn san hô. Trong trường hợp của quần đảo Trường Sa, vùng EEZ đó đang có tranh chấp, do đó Điều 74 và 83 UNCLOS và phán quyết vụ Guyana-Suriname áp dụng đuợc, điều đó có nghĩa là các hành động gây ra những thay đổi vĩnh viễn cho EEZ là bất hợp pháp ngay cả khi chính các hành động đó diễn ra trong lãnh hải.

Tóm lại, việc Trung Quốc xây dựng đảo ồ ạt vừa tạo ra sự thay đổi có tính khiêu khích về tình hình an ninh ở Biển Đông vừa là một tai họa cho môi trường biển. Trong khi đó, việc làm này không thể được biện minh như “hoàn toàn nằm bên trong chủ quyền của Trung Quốc” hoặc không trái với luật biển. Thật ra, nếu  Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền  đối với Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi cùng với các vùng biển dựa trên hai thể địa lí này thì đó sẽ là một nỗ lực táo tợn để viết lại luật quốc tế.

Tác giả bài viết là Dương Danh Huy, bài viết được đăng lần đầu tiên trên trang AMTI CSIS. Người dịch: Phan Văn Song, với sự góp ý của Đặng Quỳnh Liên.