Tiến vào Việt Nam

Trong các nền kinh tế mới nổi, Việt Nam là một ngôi sang đang lên: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) duy trì ở mức 6%-7% trong nhiều năm liên tiếp, quy mô kinh tế và thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng lên. Tầng lớp trung lưu liên tục mở rộng và khách đầu tư ùn ùn kéo đến đã làm phồn vinh thị trường của Việt Nam, khiến giá nhà tăng cao, thị trường bất động sản náo nhiệt hơn. Sự phát triển của Việt Nam ở mức độ rất lớn được lợi từ ngành sản xuất chế tạo phát triển nhanh, sự căng thẳng của tình hình thương mại và sự chuyển dịch của chuỗi ngành nghề toàn cầu dường như đã mang đến nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam, Việt Nam muốn nắm bắt những cơ hội này, muốn nhân cơ hội để nâng cấp ngành nghề, nhưng liệu nước này đã chuẩn bị sẵn sàng?

Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới năm 1986 đến nay, Việt Nam dốc sức cải thiện kinh tế trong nước, tích cực thu hút đầu tư nước ngoài, tốc độ tăng trưởng GDP luôn đứng trong nhóm đầu thế giới, năm 2018 đạt 7,8%, đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất từ năm 2007 đến nay, quy mô kinh tế đạt 240,5 tỷ USD, gấp 1,3 lần năm 2015; thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.600 USD, tăng gần 200 USD so với năm 2017.

Ngành sản xuất chế tạo phát triển nhanh vẫn là động lực kinh tế mạnh mẽ nhất của Việt Nam. Dựa vào việc ký hiệp định thương mại với nhiều nước, sức lao động dồi dào và các chính sách ưu đãi đối với vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư và xây dựng nhà máy, từ quần áo thể thao Nike đến điện thoại thông minh Samsung, Việt Nam đang trở thành một nước sản xuất lớn.

Dưới sự thúc đẩy của ngành sản xuất chế tạo, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2018 đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 428,8 USD, gấp đôi GDP của Việt Nam, đứng thứ hai ở châu Á, sau Singapore.

Các nhân tố khó đoán định trong thương mại toàn cầu năm 2018 tăng lên dường như đã mang đến cho Việt Nam cơ hội phát triển, để tránh rủi ro thương mại, nhiều doanh nghiệp đang đẩy nhanh việc chuyển dịch chuỗi ngành nghề sang các nước ASEAN, nhu cầu đến Việt Nam đầu tư và xây dựng nhà máy đang tăng lên.

Tuy nhiên, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng? Việc Việt Nam muốn ra sức thu hút các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm cao cấp và có công nghệ cao vào nước này có mâu thuẫn với thực tế là chất lượng lao động chưa cao, môi trường pháp lý chưa đủ minh bạch và yêu cầu thẩm tra và giám sát vốn đầu tư nước ngoài rất khắt khe. Trong bối cảnh này, nâng cao trình độ cho nhân tài, phát triển nền kinh tế số, tối ưu hóa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trở thành bố cục lâu dài của Việt Nam để tránh tiếp nhận sự chuyển dịch của các ngành sản xuất chế tạo sử dụng nhiều năng lượng và ô nhiễm cao, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Tại Diễn đàn kinh tế Davos vào tháng 1/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi mô hình sang nền kinh tế đổi mới sáng tạo và kinh tế số.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu dần chậm lại, tình hình thương mại bất ổn, Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh. Từ đầu năm 2019, Việt Nam đã tiếp tục xu thế phát triển nhanh. Theo số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 1/2019 tăng 7,9%, tổng mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,9 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2018.

Ngân hàng thế giới cho rằng việc thực hiện tự do hóa thương mại, mở rộng cửa với nước ngoài và cải thiện môi trường kinh doanh trong nước là những lý do quan trọng khiến Việt Nam giành được thành tựu kinh tế nêu trên. Trong hơn 30 năm đổi mới mở cửa, Việt Nam đã ký hoặc đang đàm phán 16 hiệp định thương mại tự do, tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang 60 nền kinh tế trên thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng liên tục nới lỏng hạn chế cho đầu tư nước ngoài. Năm 1986, Việt Nam ban hành Luật đầu tư nước ngoài, và sửa đổi nhiều lần để giảm bớt thủ tục hành chính. Theo bảng xếp hạng chỉ số môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới, Việt Nam đã tăng từ vị trí 104 năm 2007 lên vị trí 69 năm 2018.

Năm 2019, Việt Nam dự định đẩy nhanh tiến trình cải cách kinh tế xã hội, mở rộng cửa với nước ngoài. Tháng 1/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi tín hiệu tích cực tại Diễn đàn kinh tế Davos: “Trong tình hình sự khó đoán định của toàn cầu tăng lên, tăng trưởng chậm lại, Việt Nam sẽ đẩy mạnh mức độ mở cửa, chuyển đổi mô hình sang nền kinh tế đổi mới sáng tạo, xây dựng quy tắc tiêu chuẩn quốc tế công bằng, minh bạch hơn”. Đồng thời, nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đạt được trong năm 2019 sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam. Cuối tháng 1/2019, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp quốc tế Malaysia Darell Leiking cho rằng tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) đã đi được một nửa chặng đường; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã được ký kết, Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam sẽ xóa bỏ 99% thuế quan cho nhau. Chuyên gia Dane Chamorro của công ty tư vấn rủi ro toàn cầu Control Risks cho rằng “Việt Nam luôn là một trong những nước tích cực tham gia đàm phán hiệp định thương mại tự do nhất, sau khi tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam tiến vào thị trường Nhật Bản thành công, mang đến lợi ích rất lớn”.

Hy vọng thu hút vốn đầu tư của Trung Quốc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam là nơi đầu tư an toàn cho các nhà sản xuất trong thế giới liên tục thay đổi, luôn mở cửa cho các doanh nghiệp, hy vọng rằng các doanh nghiệp mang chuỗi giá trị sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến Việt Nam.

Doanh nghiệp Trung Quốc là một trong những mục tiêu của Việt Nam. Những năm gần đây, do bị hạn chế bởi chính sách cắt giảm năng lực sản suất để bảo vệ môi trường và thúc đẩy sáng kiến “Vành đai và Con đường”, một số doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc hy vọng chuyển dịch ngành nghề sang khu vực Đông Nam Á. Tư liệu do đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cung cấp cho phóng viên tờ Tin tức kinh tế thế kỷ 21 cho thấy tính đến cuối năm 2018, Trung Quốc đại lục đã đầu tư trực tiếp vào 2.149 dự án ở Việt Nam, với tổng mức đầu tư đạt 13,349 tỷ USD, là nhà đầu tư lớn thứ bảy của Việt Nam. Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đang tăng tốc, và trọng tâm đầu tư dần chuyển từ miền Nam sang miền Bắc.

Về lĩnh vực đầu tư, sản xuất truyền thống vẫn là trọng điểm đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất truyền thống như dệt may, giày dép, săm lốp…, đã hình thành một mô hình kinh doanh hoàn thiện ở Việt Nam. Người đứng đầu của một doanh nghiệp đã đầu tư ở Việt Nam nhiều năm nói với phóng viên tờ Tin tức kinh tế thế kỷ 21 rằng “Nhiều năm qua, các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp gia công, sử dụng nhiều sức lao động như sản xuất giày dép, dệt may, tẩy nhuộm và giấy, có ít doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị”.

Chi phí nhân công, đất đai và năng lượng khá thấp là ưu thế chính của Việt Nam. Theo tìm hiểu của phóng viên, mức lương trung bình của người lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam vào khoảng 220 USD/tháng, bằng khoảng 2/3 chi phí nhân công khu vực ven biển phía Đông Trung Quốc; giá đất và thuê theo tháng tại các khu công nghiệp, giá bán lẻ điện cho ngành sản xuất khá thấp, chi phí của yếu tố đầu vào là khá thấp.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam còn giảm, miễn thuế ở các mức khác nhau cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, căn cứ theo ngành nghề đầu tư, quy mô dự án, địa điểm dự án, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp “4 miễn, 9 giảm nửa” (4 năm miễn thuế, 9 năm giảm nửa thuế) hoặc “2 miễn 4 giảm nửa”. Các dự án có quy mô đầu tư lớn, sử dụng nhiều khoa học kỹ thuật cao, sau khi được thủ tướng phê chuẩn, còn có thể được hưởng chính sách ưu đãi giảm nửa thuế đến 30 năm.

Căng thẳng thương mại Trung-Mỹ đã làm nổi bật ưu thế của Việt Nam

Năm 2018, tính khó đoán định của thương mại toàn cầu tăng nhanh, nhu cầu đến các nước Đông Nam Á đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc cũng trở nên cấp bách hơn. Đại diện của nhiều doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc cho biết lý do chính khiến họ đầu tư vào các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là chuyển dịch rủi ro thuế quan, giảm chi phí sản xuất, tăng cường hợp tác phân công quốc tế, hơn nữa Việt Nam có ưu thế khi đã ký hiệp định thương mại tự do với nhiều nước. Họ nói: “ Ở Việt Nam, hàng hóa có thể miễn thuế hoặc thuế suất thấp khi bán sang châu Âu và Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh va chạm thương mại Trung-Mỹ, ưu thế của Việt Nam càng nổi rõ”.

Năm 2018, đầu tư mới của Trung Quốc vào Việt Nam đạt 2,464 tỷ USD, đứng thứ 5 trong số 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, đầu tư cổ phần trở thành điểm sáng mới trong đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, năm 2018 nhà đầu tư Trung Quốc đã mua cổ phần của 1.029 dự án ở Việt Nam, với hơn 800 triệu USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Trong nửa năm qua, rất nhiều nhà đầu tư của Trung Quốc và các nước khác đã đến Việt Nam khảo sát, đầu tư, không ít dự án đã được đầu tư và khởi công xây dựng, khắp nơi đều nhìn thấy thông báo tuyển dụng công nhân, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đang thi công.

Lĩnh vực đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang thay đổi, hiện nay các ngành nghề như sản xuất điện tử, năng lượng mới, công nghệ cao và mới… đang trở thành điểm nóng đầu tư vào Việt Nam. Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu đầu tư quốc tế thuộc Học viện khoa học kỹ thuật Trung Quốc, Trương Minh, cho biết các doanh nghiệp điện tử đến từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… đều đã xây dựng nhà máy có quy mô lớn ở Việt Nam, nhưng số lượng doanh nghiệp Trung Quốc vẫn khá nhỏ. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động của Việt Nam đạt 45 tỷ USD, chiếm 1/10 sản lượng điện thoại thông minh toàn cầu, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang trở thành trung tâm gia công thành phẩm của ngành điện tử thế giới.

Không ít doanh nghiệp sản xuất điện tử Trung Quốc đã đến Việt Nam đầu tư. Khi trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Tin tức kinh tế thế kỷ 21, người đứng đầu của một doanh nghiệp sản xuất điện tử Trung Quốc cho biết họ đang tiến hành những phân tích liên quan đến tình hình đầu tư ở các nước ASEAN, Việt Nam và Thái Lan có ưu thế đầu tư khá rõ rệt. Ông nói: “Ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan có ưu thế nhất định ở Đông Nam Á, Việt Nam có sự phát triển nhất định về điện tử tiêu dùng, là một ngôi sao đang lên. Ngoài ra, vòng tròn kinh tế của Hà Nội rất gần Quảng Tây của Trung Quốc, cũng có ưu thế rất lớn để thu hút đầu tư”.

Rủi ro và hạn chế

Tuy cơ hội ở ngay trước mặt, nhưng liệu Việt Nam có thể nắm bắt được hay không vẫn rất khó nói. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện nay, vẫn chưa có làn sóng doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển đến Việt Nam, kinh tế Việt Nam vẫn đối diện với một số thách thức nghiêm trọng cần phải khắc phục. Dane Chamorro cho biết: “Việc chuyển dịch sản xuất từ nước này sang nước khác đòi hỏi phải có thời gian, do đó vẫn chưa thể khẳng định Việt Nam sẽ được lợi từ vấn đề đó”.

Điều quan trọng hơn là do sự phân công quốc tế ngày càng sâu rộng, rủi ro của việc doanh nghiệp điều chỉnh bố cục sản xuất toàn cầu là không nhỏ. Người đứng đầu một doanh nghiệp sản xuất điện tử của Trung Quốc cho biết: “Mặc dù nhu cầu chuyển dịch chuỗi ngành nghề của doanh nghiệp là rất lớn, nhưng quy mô kinh tế của phần lớn các nước Đông Nam Á đều khá nhỏ, nên chưa hẳn có thể tiếp nhận được. Hơn nữa, trong tình hình toàn cầu hóa sản xuất hiện nay, hệ thống cung ứng không thể nói chuyển dịch là có thể chuyển dịch, logistics, thuế quan… đều sẽ xuất hiện vấn đề, cộng thêm vấn đề chi phí của doanh nghiệp”.

Ngoài ra, luật bảo vệ môi trường và lao động của Việt Nam tương đối nghiêm ngặt, mức phạt vi phạm cao, cũng làm cho doanh nghiệp phải thận trọng. Một người đứng đầu doanh nghiệp đã đầu tư nhiều năm ở Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp gây ô nhiễm hoặc sử dụng nhiều năng lượng không được chào đón ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp đã đánh giá thấp yêu cầu bảo vệ môi trường của Việt Nam, chi phí hoạt động ở Việt Nam chưa hẳn đã thấp hơn ở Trung Quốc”.

Việt Nam cũng phải chịu áp lực lớn khi phải tiếp nhận sự chuyển dịch chuỗi ngành nghề. Theo đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới, một số chỉ số của Việt Nam vẫn lạc hậu, trong đó có chỉ số phá sản, trình tự giải quyết tranh chấp, đăng ký tài sản…

Thiếu công nhân lành nghề và chuyên gia là điểm yếu rõ rệt của Việt Nam. Người đứng đầu một doanh nghiệp đầu tư nhiều năm ở Việt Nam nói thẳng rằng Việt Nam thiếu hụt rất nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao, đa phần đều phải do công ty tự bồi dưỡng. Hơn nữa, do rào cản đầu tư thấp nên doanh nghiệp tiến vào ồ ạt, khiến cạnh tranh về nhân tài trở nên gay gắt hơn”.

Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu năm 2019 cho thấy Việt Nam đứng thứ 92 trong số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ về năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu, tụt 5 bậc so với năm 2018. Chỉ số cạnh trạnh này của Việt Nam đã giảm xuống trong 5 năm liên tiếp. Báo cáo này cho rằng Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, có tinh thần khởi nghiệp, nhưng vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – trí tuệ nhân tạo hoặc công nghệ tự động hóa sẽ giải phóng con người khỏi những công việc lặp đi lặp lại, nhu cầu nhân tài về công nghệ, kỹ năng giao tiếp xã hội và tình cảm sẽ tăng lên nhanh chóng, và Việt Nam vẫn thiếu hụt về phương diện này.

Nền kinh tế sáng tạo bắt đầu tăng tốc

Vì vậy, phát triển nền kinh tế sáng tạo, thu hút các doanh nghiệp có công nghệ cao và mới đến đầu tư, giúp đỡ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để tăng thêm năng lực cạnh tranh của nhân tài, nâng cao chất lượng phát triển kinh tế trở thành biện pháp quan trọng được Việt Nam bố trí trong dài hạn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Năm 2019, Việt Nam sẽ thử nghiệm mạng 5G, và năm 2020 sẽ thương mại hóa công nghệ này, phải làm cho Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu về ứng dụng công nghệ 5G”.

Về phát triển nền kinh tế số, Việt Nam có tiềm năng gì? Ngoài nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam còn có trình độ giáo dục khá cao, chi phí nhân công cũng khá thấp. Khi trả lời phỏng vấn phóng viên tờ Tin tức kinh tế thế kỷ 21, đối tác của Quỹ 500 Startups Việt Nam, Bình Trần, cho biết: “mặc dù gần đây tiền lương ở Việt Nam tăng nhanh, nhưng chi phí nhân công vẫn thấp hơn khoảng 40% so với Trung Quốc và Ấn Độ”.

Năm 2018, nền kinh tế sáng tạo của Việt Nam bắt đầu tăng tốc. Theo bảng xếp hạng chỉ số sáng tạo năm 2019 của Bloomberg, Việt Nam lần đầu tiên được chọn vào 60 nền kinh tế có năng lực sáng tạo nhất thế giới. Doanh nghiệp khởi nghiệp trở thành lực lượng chủ yếu để Việt Nam phát triển nền kinh tế sáng tạo, tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp khởi nghiệp trong năm 2018 đạt 889 triệu USD, gấp gần 3 lần năm 2017, trong đó một nửa đến từ đầu tư nước ngoài. Bình Trần cho biết: “Hiện nay, Việt Nam có khoảng 250.000 kỹ sư, gấp đôi so với số lượng nhân viên kỹ thuật cách đây 3 năm”. Về các ngành nghề, ngành công nghệ tài chính đứng đầu với 8 giao dịch trị giá 117 triệu USD; đứng thứ hai là thương mại điện tử, với 5 giao dịch trị giá 104 triệu USD; các công ty lập nghiệp liên quan đến du lịch đã thu hút đầu tư 64 triệu USD, với 8 giao dịch; đứng thứ 4 là các công ty logistics và công nghệ giáo dục, đã thu hút 50 triệu USD.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn lớn hơn mà Việt Nam phải đối diện là hệ sinh thái thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo của Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện. Bình Trần nói: “Lấy doanh nghiệp khởi nghiệp làm ví dụ, hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore và Malaysia có thể đi trước Việt Nam 5-7 năm, Indonesia có thể đi trước 2-5 năm. Do đó, phần lớn vốn đầu tư mạo hiểm đều chảy sang các công ty khởi nghiệp xuất sắc của Singapore và Indonesia. Tuy nhiên, nguồn vốn tương đối có hạn có nghĩa là các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam phải học cách làm thế nào để quản lý có hiệu quả và phát triển bền vững, về lâu dài, điều này có thể làm cho họ có năng lực cạnh tranh tốt hơn so với nước khác”.

Theo Báo “Tin tức kinh tế thế kỷ 21”, Trung Quốc

Lan Hoàng (gt)