Dù với lí do gì, những thực tế chính trị, kinh tế và chiến lược chống đỡ cho sự nổi lên của Trung Quốc đang bị đặt trong tầm ngắm. Khắp mọi nơi, các điều chỉnh đang được đưa ra khi Trung Quốc xác định những mục tiêu mới của mình, từ mở rộng tập trận quân sự đến thúc đẩy các hợp đồng thương mại.

 

Các nhà phân tích Trung Quốc đang nhìn đầy dò xét về cái mà họ gọi là “cuộc khủng hoảng dân chủ” tại khu vực. Các quan chức ngoại giao ở Bắc Kinh đã đánh tiếng lo ngại về căng thẳng chính trị tại Thái Lan và Cưrơgưxtan. Còn trong một bài bình luận gần đây trên tạp chí “Outlook” của Tân Hoa Xã, nhà khoa học chính trị Trần Hướng Dương thuộc Viện Các quan hệ đối ngoại hiện đại của Trung Quốc đã nêu ra một loạt những yếu tố bất ổn ngay ở các khu vực biên giới với Trung Quốc đồng thời khuyến nghị Bắc Kinh có các biện pháp “can thiệp phòng ngừa” để bảo đảm an ninh khu vực.


Với một quốc gia mà kịch bản tuyên truyền trong nước cũng như quốc tế luôn đề cao khái niệm “không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác”, những cụm từ như “can thiệp phòng ngừa” rõ ràng thể hiện một thay đổi chính sách hoàn toàn mới. Giờ đây Bắc Kinh đã có quan hệ mật thiết trong số các tinh anh lãnh đạo ở nhiều thủ đô trong khu vực, một phản ánh cho phạm vi lợi ích ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Liệu phải chăng đã đến lúc bắt đầu lặng lẽ khai thác những quan hệ đó phục vụ cho lợi ích?


Thủ tướng Ôxtrâylia Kevin Rudd là nhà lãnh đạo gần đây nhất trong khu vực thể hiện lo ngại rằng trong khi sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng lên, “đường hướng tương lai của họ vẫn không rõ ràng”. Trong một bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Ôxtrâylia tuần trước, Rudd kêu gọi một cách can dự sâu rộng hơn, thẳng thắn hơn với Bắc Kinh, gọi đó là “một cách Hán học mới”. Tóm lại, đó là việc có thể đối đầu với Bắc Kinh khi cần thiết mà không làm ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị song phương. Thủ tướng này đúc kết: “Nó cần vượt ra ngoài kiểu khái niệm rõ ràng thời Chiến tranh Lạnh là ủng hộ hoặc chống Trung Quốc. Chúng ta cần thể hiện với Trung Quốc những quan điểm dựa trên các giá trị và niềm tin của chúng ta mà không để quan hệ trọng tâm giữa chúng ta với Trung Quốc, cũng như của Trung Quốc với Ôxtrâylia, bị đặt câu hỏi. Chúng ta cần một cách đối thoại phức tạp hơn, một cách mới đối với một sức mạnh đang nổi”.


Quan điểm của Ruud đưa ra sau một năm khó khăn trong quan hệ giữa Ôxtrâylia và Trung Quốc. Các quan hệ thương mại mở rộng bị rắc rối với vụ Rio Tinto, trong khi Bắc Kinh cũng có những động thái chưa từng có phản đối dữ dội chuyến thăm của nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ Rebiya Kadeer cũng như việc trình chiếu một bộ phim ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ tại một liên hoan phim ở Melbourne. Những yếu tố phức tạp như thế cũng xuất hiện ở khắp Đông Nam Á khi các chính phủ thể hiện dấu hiệu “đối đầu” với Trung Quốc trong một loạt vấn đề, buộc các phái bộ của Bắc Kinh phải thường xuyên lặp lại rằng họ không phải là một mối đe dọa.


Tuy nhiên, theo nhận xét của nhà nghiên cứu về khu vực Ian Storey ở Singapore, những lời lẽ đó của Trung Quốc ngày càng mất tính thuyết phục. Học giả trên dẫn một loạt những căng thẳng từ các rắc rối xung quanh Hiệp định tự do thương mại ASEAN-Trung Quốc mới đây cũng như trong quan hệ với Mianma, Thái Lan và Việt Nam đồng thời cả tham vọng xây dựng sức mạnh của Quân giải phóng Nhân dân (PLA) để kết luận: “Cho dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc cố bảo đảm với các chính phủ ASEAN rằng những dự định của Bắc Kinh là hiền lành, ngày nay ASEAN dường như không còn coi trọng các bảo đảm đó”.


Và Oasinhtơn giờ cũng quyết định tái can dự tại khu vực. Trong khi các quan chức Mỹ khẳng định họ hoan nghênh Trung Quốc giữ vai trò trách nhiệm hơn, những quan hệ làm mới giữa Mỹ với các đồng minh cũ lẫn bạn bè mới, từ Ấn Độ đến Hàn Quốc, đang được hâm nóng nhanh chóng. Rõ ràng, sàn nhảy ngoại giao của Trung Quốc ở khu vực đang ngày càng trở nên chật chội./.