“Biển Đông đang dậy sóng”, “Biển Đông ơi bão nổi lên rồi”… là những hàng tiêu đề thường gặp trên các trang báo diễn ra trong thời gian gần đây. Có thể nói, tình hình biển Đông đang diễn biến theo chiều hướng căng thẳng gia tăng, những gì diễn ra trong năm 2012 cho thấy nguy cơ xảy ra xung đột còn hiện diện lớn hơn những năm 2009 và 2010. Nhìn lại những diễn biến gây ra căng thẳng trên biển Đông, người ta dễ dàng nhận thấy sự mở rộng về mặt phạm vi địa lý và sự thay đổi chiêu thức của các sự kiện. Nếu như trong năm 2009, các sự kiện căng thẳng mới chỉ khởi đầu tại khu vực phía Bắc biển Đông, nổi bật với vụ việc quấy rối tàu Imppeccable của Mỹ, bắt giữ tàu cá của Việt Nam trong khu vực quần đảo Hoàng Sa và lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc, thì sang năm 2010, ngoài các vụ bắt giữ tàu cá, người ta chứng kiến sự đụng độ của hải quân Trung Quốc và Indonesia tại vùng biển phía Nam, đặt cờ tại đáy biển giữa biển Đông. Năm 2011, đánh dấu sự leo thang nghiêm trọng với một loạt các sự kiện căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines về thăm dò, khai thác dầu khí, xây dựng các công trình mới trên các thực thể trên biển, triển khai tàu cá ở phía Tây biển Đông, đồng thời ở phía Đông của biển Đông là sự tiếp diễn về quấy rối tàu cá, lệnh cấm đánh bắt cá và cắt cáp hai tàu khảo sát biển của Việt Nam. Năm 2012 chưa kết thúc nhưng với những sự kiện nghiêm trọng như vụ tranh chấp tại Scarborough, tuyên bố mở thầu 9 lô dầu khí và thành lập thành phố Tam Sa đã khẳng định xu hướng gia tăng căng thẳng và nguy cơ xảy ra xung đột tại biển Đông. Vị trí địa lý và bản chất của các vụ việc căng thẳng cho thấy, Trung Quốc đang ngày càng lấn lướt trên thực địa nhằm hiện thực hóa yêu sách từ đường lưỡi bò. Trong khi Chính phủ Trung Quốc vẫn đang cố tình mập mờ về ý nghĩa và cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò, dường như giới học giả đã dọn đường trước bằng một luận điểm “pháp lý” về quyền lịch sử. Quyền lịch sử là gì? Quyền lịch sử có thực sự là một khái niệm được thừa nhận trong luật pháp quốc tế và thực tiễn của các quốc gia hay không? Nội dung của quyền lịch sử và thời hiệu áp dụng nếu được thừa nhận như thế nào? Bài viết này xin đóng góp một vài luận giải về chủ đề này.

1.            Quyền lịch sử hay sự nhập nhằng về thuật ngữ

Kể từ khi đưa ra bản đồ đường lưỡi bò, các học giả Trung Quốc đã sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau để lý giải về ý nghĩa của đường này, trong đó đường lưỡi bò là đường thể hiện yêu sách của vùng nước lịch sử, của quyền lịch sử, hay của danh nghĩa lịch sử.

Lịch sử là sự thu thập, tập hợp những diễn biến của các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Sự khách quan của lịch sử có thể được sử dụng làm bằng chứng cho nhiều ngành khoa học khác trong đó có luật pháp quốc tế.

Đối với một vùng lãnh thổ để biết được một vùng lãnh thổ đã thuộc về ai, được quản lý, kiểm soát như thế nào, đã xác lập được chủ quyền hay chưa, luật quốc tế áp dụng các nguyên tắc về thụ đắc lãnh thổ để phân định ý nghĩa pháp lý của các hành động thực thi chủ quyền của một quốc gia trong lịch sử.[1] Những hành động đã diễn ra trong lịch sử có ý nghĩa pháp lý tạo ra chủ quyền của quốc gia được gọi là danh nghĩa lịch sử.

Từ danh nghĩa lịch sử đối với các vùng lãnh thổ, các quốc gia có thể đưa ra các yêu sách với các vùng biển theo nguyên tắc đất thống trị biển.[2] Đồng thời để ghi nhận quy chế đặc biệt của một số vùng biển được tạo ra từ danh nghĩa lịch sử, hai thuật ngữ đã từng được sử dụng là vùng nước lịch sử và vịnh lịch sử.

Trong vụ Ngư trường đánh cá năm 1951, Tòa Công lý quốc tế đã định nghĩa rằng vùng nước lịch sử thường có nghĩa là vùng nước được hưởng quy chế nội thủy thông qua sự tồn tại của một danh nghĩa lịch sử.[3] Tuy nhiên, khái niệm này cần được hiểu cùng với khái niệm Vịnh lịch sử được Tòa Công lý quốc tế ra phán quyết trong vụ phân định thềm lục địa giữa Tunisia và Libya vào năm 1982, đồng thời cũng được ghi nhận như là một trường hợp ngoại lệ của các quy định về vịnh theo quy định của Công ước luật biển năm 1958 và 1982. Theo đó, Tòa nhận định rằng những nguyên tắc chung của luật quốc tế không tạo ra quy định về chế độ riêng cho vùng nước lịch sử hay vịnh lịch sử và chỉ tạo ra một chế độ đặc biệt cho mỗi trường hợp cụ thể đã được công nhận là vùng nước lịch sử hoặc vịnh lịch sử.[4] Tính cá biệt của vùng nước lịch sử và vịnh lịch sử được áp dụng theo từng vụ việc càng được khẳng định khi cho tới nay, Vịnh Fonseca là trường hợp duy nhất được công nhận rộng rãi là Vịnh lịch sử. Và mặc dù được công nhận là vịnh lịch sử, quy chế của Vịnh Fonseca rất đặc thù khi ba quốc gia ven biển cùng chia sẻ chủ quyền với Vịnh và ngoài các quyền chung được hưởng như chế độ nội thủy thì các quốc gia ven vịnh lại phải chia sẻ quyền qua lại vô hại với tàu thuyền của tất cả các quốc gia khác.[5]

Điểm quan trọng nhất là điều kiện để vùng nước lịch sử hay vịnh lịch sử được công nhận là (1) sự thực thi chủ quyền hòa bình và liên tục và (2) sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Theo nghiên cứu của Ủy ban Luật quốc tế của Liên Hợp Quốc vào năm 1962, nhận thức chung về vùng nước lịch sử được mô tả như sau:

Quốc gia yêu sách ‘vùng nước lịch sử’ thực chất yêu sách về một vùng biển, theo quy định của luật quốc tế, thuộc biển cả. Vì biển cả là vùng biển thuộc sở hữu của tất cả các quốc gia, không phải là vùng đất vô chủ, vì vậy chủ quyền không thể được thực hiện bằng chiếm hữu. Thụ đắc với vùng nước lịch sử là quá trình ‘thụ đắc ngược’, giống như thụ đắc theo thời hiệu, hay nói cách khác chủ quyền đối với vùng nước lịch sử chỉ có thể đạt được thông qua một quá trình, trong đó người sở hữu hợp pháp ban đầu là cộng đồng các quốc gia được thay thế bằng quốc gia ven biển. Vì vậy, chủ quyền đối với vùng nước lịch sử là một tình huống bất hợp pháp sau đó được hợp pháp hóa. Quá trình hợp pháp hóa không đơn thuần chỉ cần thời gian, mà cần có sự thừa nhận của những người sở hữu hợp pháp.[6]

Cần chú ý rằng về mặt thời gian nghiên cứu này được đưa ra vào năm 1962, khi mới tồn tại quy định của Công ước luật biển 1958 và do vậy, ngoài phạm vi lãnh hải là biển cả còn ngày nay với quy định của Công ước 1982, ngoài phạm vi lãnh hải là vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển.

Đọc toàn bộ bài viết tại đây.

TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao 



[1] Ý kiến riêng của thẩm phán Franck trong Vụ việc về chủ quyền đối với đảo Pulau Ligitan và Pulau Sipadan (Indonesia v. Malaysia), 2001, đoạn 9

[2] Vụ Thềm lục địa biển Bắc, Phán quyết, Báo cáo của ICJ, 1969, trang 39-56

[3] Vụ Ngư trường Nauy, Phán quyết, Báo cáo của ICJ, 1951, trang 130

[4] Vụ Phân định biển giữa Tunisia và Libya, Phán quyết, Báo cáo của ICJ, 1982, trang 74

[5] Vụ Phân định biển giữa Tunisia và Libya, Phán quyết, Báo cáo của ICJ, 1982, trang 592-593

[6] Tài liệu của Liên Hợp Quốc số A/CN.4/143, ngày 9 tháng 3 năm 1962, tiêu đề “Judicial Regime of Historic Waters, Including Historic Bays”, (1962) 2 Yearbook of the International Law Commission, trang 3, tại trang 16