Bản tin tuần Biển Đông (16/12-22/12/2024)

TIÊU ĐIỂM:

  1. Tuyên bố chung 2+2 Úc-Anh bày tỏ quan ngại về tàu Trung Quốc ở Biển Đông.
  2. Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2024.
  3. Tàu chiến Hải quân Mỹ USS Savannah thăm cảng Sihanoukville (Campuchia) lần đầu tiên trong tám năm.

 

CHÍNH TRỊ-NGOẠI GIAO

Tuyên bố Tham vấn Bộ trưởng Úc-Anh (AUKMIN): Hướng tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên luật lệ, bày tỏ quan ngại về Biển Đông và Biển Hoa Đông

Ngày 16/12, Úc và Anh tổ chức Tham vấn 2+2. Trong Tuyên bố chung (TBC), hai Bộ trưởng (i) bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về việc gia tăng hành vi nguy hiểm và gây mất ổn định của các tàu Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm đối với tàu và thủy thủ đoàn của Philippines và Việt Nam; (ii) kêu gọi quốc gia kiềm chế quân sự hóa các thực thể tranh chấp, sử dụng tàu tuần duyên và dân quân biển nguy hiểm và phá hoại hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi hợp pháp của các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, về quan hệ quốc phòng, hai Bộ trưởng: (i) khẳng định tầm quan trọng của Thoả thuận AUKUS; (ii) tuyên bố thành lập Văn phòng điều phối hoạt động của AUKUS tại Bristol, Anh; (iii) thông báo nhóm tàu sân bay tác chiến HMS Prince of Wales của Anh sẽ đến Úc vào năm 2025 tham gia tập trận Talisman Sabre.

Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh phản đối Tuyên bố chung AUKMIN về các nội dung nhắc đến Trung Quốc

Ngày 18/12, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh phản đối Tuyên bố chung AUKMIN vào ngày 16/12 về các vấn đề ở Đài Loan, Tân Cương-Tây Tạng, Hồng Kông, Biển Đông và Nga-Ukraine.

Về Biển Đông, Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các quyền và lợi ích hàng hải của mình, sẵn sàng tiếp tục giải quyết thỏa đáng các bất đồng với các nước liên quan trực tiếp thông qua tham vấn và đàm phán.

 

AN NINH-QUỐC PHÒNG

Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2024

Từ 19-23/12, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế với chủ đề “Việt Nam: Hòa bình Hợp tác Phát triển” tại Sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Triển lãm có sự tham gia của 66 đoàn đại biểu quốc tế và hơn 240 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đến từ 49 quốc gia.

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam cập cảng Ấn Độ

Ngày 16/12, tàu Cảnh sát biển Việt Nam CSB 8005 cập cảng Kochi, Ấn Độ, tham gia nhiều hoạt động tương tác chuyên môn, bao gồm tập trận ứng phó ô nhiễm môi trường biển, tìm kiếm cứu nạn và thực thi pháp luật. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ (MOU) ký năm 2015 về hợp tác quốc tế giữa Cảnh sát biển hai nước.

Tàu chiến Hải quân Mỹ USS Savannah thăm cảng Sihanoukville (Campuchia) lần đầu tiên trong tám năm

Từ 16-20/12, tàu chiến USS Savannah của Hải quân Mỹ thăm cảng Sihanoukville (Campuchia) lần đầu tiên trong tám năm. Chuyến thăm bao gồm cuộc gặp với chỉ huy căn cứ hải quân Ream và các cuộc trao đổi thể thao giữa thủy thủ đoàn Mỹ và Hải quân Campuchia.

 

GÓC NHÌN QUỐC TẾ

AMTI: Số lượng tàu dân quân biển Hải Nam tăng từ 69 tàu vào năm 2021 lên 152 tàu hiện nay; trong đó 84 tàu dân quân biển chuyên nghiệp; các tàu còn lại kết hợp giữa tàu chuyên nghiệp và tàu dân sự

Ngày 12/12, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) đăng bài cập nhật thông tin về lực lượng dân quân biển (maritime militia) của Trung Quốc, đặc biệt là các tàu cá liên quan từ tỉnh Hải Nam. Cụ thể: 

  • Lực lượng dân binh biển Hải Nam có hai loại chính: tàu cá dân binh biển chuyên nghiệp (Maritime Militia Fishing Vessels) và tàu cá dân binh dân sự (Spratly Backbone Fishing Vessels). Các tàu cá dân binh biển chuyên nghiệp chủ yếu hoạt động từ Hải Nam, còn tàu cá dân binh dân sự phần lớn xuất phát từ Quảng Đông;
  • 84 tàu đăng ký tại Sansha (quần đảo Hoàng Sa), được xác định là tàu dân binh biển chuyên nghiệp, hoàn toàn do nhà nước điều hành và tài trợ, đã tham gia vào các hoạt động cùng với Cảnh sát Biển Trung Quốc (CCG) và Hải quân Trung Quốc.

Song Zhongping: Thoả thuận Tiếp cận đối ứng (RAA) giữa Philippines và Nhật Bản chỉ mang tính một chiều; chủ yếu là Nhật hợp tác với Mỹ để chuyển giao sức mạnh quân sự đến Philippines

Ngày 17/12, Thời báo Hoàn cầu đăng ý kiến học giả về việc Thượng viện Philippines phê chuẩn Thỏa thuận Tiếp cận đối ứng (RAA) giữa Philippines-Nhật Bản.

Song Zhongping (Chuyên gia quân sự Trung Quốc) cho rằng RAA chỉ mang tính một chiều vì Philippines không có nhu cầu hay năng lực tiếp cận căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nhật Bản, chỉ muốn kích động thêm rắc rối ở Biển Đông. RAA cũng sẽ cho phép Nhật tăng sức mạnh quân sự từng bước, đặt ra rủi ro cho an ninh khu vực.

Zhou Shixin (Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải) cho rằng RAA cho thấy Philippines, dưới danh nghĩa bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia, đã hy sinh chủ quyền để phục vụ mục tiêu chiến lược và lợi ích của Mỹ tại khu vực.

Jefferson/EAF: Thay đổi lập trường về yêu sách chồng lấn của Indonesia chịu ảnh hưởng từ đề nghị của Trung Quốc, nhu cầu kinh tế trong nước và điểm yếu trong hệ thống cố vấn Tổng thống Prabowo.

Ngày 16/12, Jefferson trên East Asia Forum nhận định TBC Trung Quốc-Indonesia về khai thác chung phản ánh một số vấn đề trong kinh tế và hệ thống cố vấn của Tổng thống Prabowo.

Về nhu cầu kinh tế trong nước:

  • Prabowo cam kết phát triển kinh tế lên 8% nhưng tỷ lệ thuế trên GDP thấp buộc ông thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc và UAE, giống cách tiếp cận của Jokowi.

Về hệ thống cố vấn tổng thống:

  • Prabowo bổ nhiệm thân cận Sugiono làm Ngoại trưởng. Các quyết định quan trọng ảnh hưởng lợi ích chính trị được xử lý bởi nhóm thân cận của Tổng thống. Nhóm này không có chuyên gia về đối ngoại. Trong tuyên bố chung, các nhà ngoại giao chuyên nghiệp bị gạt ra ngoài và không được tham vấn.

SCMP: Philippines nên yêu cầu tòa án xem xét tính hợp lệ của các phản đối của Trung Quốc, thiết lập đường cơ sở tại Scarborough, thay vì đệ đơn kiện Trung Quốc lần nữa ra Tòa trọng tài.

Ngày 16/12, SCMP trích dẫn ý kiến học giả về việc Philippines chuẩn bị vụ kiện Trung Quốc mới, cáo buộc vi phạm luật biển quốc tế.

Ervin Jules Beltran Sape (Học viện Luật biển quốc tế Philippines):

  • Việc đệ trình là không hợp lý do Trung Quốc sẽ bỏ qua mọi hành động pháp lý nếu lợi ích cốt lõi trong vụ kiện 2016 không được giải quyết;
  • Philippines nên yêu cầu Tòa án xem xét lại tính hợp lệ của các phản đối về thẩm quyền của Trung Quốc đối với phán quyết 2016;
  • Philippines nên thiết lập đường cơ sở tại Scarborough/Hoàng Nham.

Julio Amador (Quỹ vì lợi ích quốc gia Philippines):

  • Philippines nên âm thầm thực hiện động thái thay vì công khai khi quá trình xây dựng đệ trình chưa hoàn tất;
  • Phán quyết 2016 chỉ ngăn cản chứ không ngăn chặn hành động của Trung Quốc; các đối tác của Philippines không muốn vượt ra ngoài con đường ngoại giao để hỗ trợ nước này.

Chester Cabalza (Tổ chức nghiên cứu Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế):

  • Việc kiện Trung Quốc thêm lần nữa không còn hữu ích, vì vụ kiện 2016 đã thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ và tăng cạnh tranh quyền lực.

Ngô Sĩ Tồn: Bất ổn lớn ở Biển Đông khó có khả năng xảy ra trong ngắn hạn; Mỹ sẽ không thay đổi hướng đi trong vấn đề Biển Đông; Sẽ có một “giai đoạn cửa sổ” cho việc phát triển và thăm dò chung ở Biển Đông giữa các quốc gia trong khu vực vào năm 2025.

Ngày 17/12, Thời báo Hoàn cầu đăng bình luận của Ngô Sỹ Tồn (Viện Hoa Dương) về tình hình Biển Đông năm 2024, dự báo năm 2025.

Năm 2024:

  • Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt trong tình hình an ninh Biển Đông. Kể từ Phán quyết Tòa trọng tài 2016, Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp ổn định tình hình và quan hệ với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền. Đến 2024, xu hướng ổn định ở Biển Đông bị đảo ngược, thể hiện rõ qua hành động của Philippines quanh Scarborough/Hoàng Nham và Bãi Cỏ Mây;

Năm 2025:

  • Nếu Philippines có hành động khiêu khích tại Bãi Cỏ Mây, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn hơn. Mỹ sẽ không thay đổi cách lợi dụng vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc;
  • Có thể xuất hiện “giai đoạn cửa sổ” (window period) phát triển và thăm dò chung ở Biển Đông giữa các quốc gia trong khu vực. Tuyên bố chung Trung Quốc-Indonesia là dấu hiệu quan trọng về phát triển chung ở khu vực chồng lấn.

Zack Cooper và Noah Burke: Một số nội dung của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2025 của Mỹ liên quan tới châu Á.

Zack Cooper và Noah Burke từ AEI đã tổng hợp một số điểm nổi bật liên quan tới châu Á của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2025 được Hạ viện Mỹ phê duyệt ngày 11/12 như sau:

Về tăng cường khả năng răn đe ở khu vực Đông Bắc Á:

  • Thí điểm chương trình gia tăng năng lực, hiểu biết về răn đe mở rộng cho các quan chức Úc, Nhật, Hàn;
  • Yêu cầu lên kế hoạch tăng cường cam kết răn đe mở rộng với Hàn Quốc trước 1/3/2025;
  • Yêu cầu lên kế hoạch báo cáo hàng năm đối với cơ chế hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật-Hàn.

Về hỗ trợ cho Đài Loan:

  • Thiết lập Sáng kiến Hợp tác An ninh Đài Loan, trong đó phê duyệt 300 triệu USD nhằm giúp Đài Loan trang bị vũ khí chống hạm, tên lửa và ra-đa;
  • Một mục khác về tăng cường hợp tác quân sự với Đài Loan đã bị loại bỏ khỏi NDAA.

Về phát triển hệ thống không người lái và tên lửa phòng thủ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương:

  • Yêu cầu lập kế hoạch và báo cáo thường niên về phạm vi phủ sóng ra-đa phòng thủ tên lửa đạn đạo toàn diện của Guam;
  • Yêu cầu Nhật Bản tham gia vào tiềm năng hợp tác với Trụ cột hai của AUKUS, thúc đẩy hợp tác hệ thống tự động và sản xuất/phát triển tên lửa.

Về thắt chặt các lệnh hạn chế đối với Trung Quốc:

  • Yêu cầu báo cáo đánh giá về triển vọng kinh tế của Trung Quốc, lĩnh vực công nghệ sinh học, nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch và vấn đề minh bạch;
  • Áp dụng hạn chế đối với công nghệ LIDAR, tấm pin mặt trời và hợp đồng thuê tòa nhà với nguồn Trung Quốc.


Bản PDF tại đây