Bản tin tuần Biển Đông (20/11-29/11/2024)

TIÊU ĐIỂM

  1. Tàu dân binh biển Trung Quốc tập trung quanh khu vực đảo Thị Tứ.
  2. Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
  3. Mỹ chuyển giao năm máy bay huấn luyện cho không quân Việt Nam.
  4. Mỹ lần đầu xác nhận đã thành lập lực lượng đặc nhiệm “Ayungin” (Task Force-Ayungin) hỗ trợ Philippines tại Bãi Cỏ Mây.
  5. Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) sẽ tổ chức phiên điều trần về yêu cầu đưa ra ý kiến ​​tư vấn về nghĩa vụ quốc gia liên quan đến biến đổi khí hậu.


Thực địa

Tàu dân binh biển Trung Quốc tập trung quanh khu vực đảo Thị Tứ

Ngày 28/11, Maxar Technologies công bố hình ảnh chụp hôm ngày 25/11 thấy khoảng 60 tàu dân binh biển Trung Quốc tập trung sát đảo Thị Tứ. Người phát ngôn Hải quân Philippines, Chuẩn đô đốc Roy Trinidad cho biết các tàu dân binh biển Trung Quốc thường xuyên có mặt ở khu vực này, khẳng định hiện diện là “bất hợp pháp” tuy không đến mức báo động.

Mỹ điều ba tàu sân bay tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Ấn-Thái) 

Ngày 23/11, Mỹ điều ba tàu sân bay (USS George Washington, USS Carl Vinson, USS Abraham Lincoln) tới khu vực Ấn-Thái. Trong đó, tàu USS George Washington trở lại cảng Nhật Bản lần đầu sau chín năm và lần đầu tàu sân bay Mỹ thăm Malaysia sau 12 năm. 

Máy bay trinh sát Hải quân Mỹ P-8A Poseidon bay qua eo biển Đài Loan lần thứ ba trong năm 2024

Ngày 26/11, Hạm đội 7 của Mỹ cho biết máy bay trinh sát và tuần tra biển P-8A bay qua Eo biển Đài Loan và khẳng định đây là hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm bảo tự do hàng hải của tất cả các nước. Đây là lần thứ ba trong năm Mỹ điều P-8A qua Eo này.

 

Chính trị - Ngoại giao

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, tăng cường hợp tác thương mại và năng lượng tái tạo

Ngày 23/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, tái khẳng định cam kết phối hợp chặt chẽ nhằm duy trì hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải-hàng không ở Biển Đông. Hai bên trao đổi hai văn kiện hợp tác, trong đó có Bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng tái tạo giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas).

Malaysia cam kết giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trong vai trò chủ tịch ASEAN vào năm 2025

Ngày 27/11, Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Mohamad Alamin khẳng định Malaysia cam kết giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua kênh ngoại giao và diễn đàn phù hợp, đặc biệt là khi Malaysia đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN vào năm 2025. Đồng thời, với tư cách điều phối viên đối thoại ASEAN-Trung Quốc từ 8/2024 đến 7/2027, Malaysia tiếp tục khẳng định lập trường bảo vệ an ninh biển, bao gồm giải quyết các sự cố ở Biển Đông.

Philippines kỳ vọng Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Philippines tại Biển Đông, nếu Mỹ giảm mức độ can thiệp, Philippines sẵn sàng hợp tác với các đối tác khác trong khu vực

Ngày 20/11, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez nhận định Mỹ đóng vai trò quan trọng ở Biển Đông, kỳ vọng Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Philippines. Nếu Mỹ giảm mức độ hỗ trợ, Philippines sẵn sàng hợp tác với các đối tác khu vực đặc biệt trong lĩnh vực an ninh biển và chiến lược quốc phòng, chẳng hạn như Nhật Bản, Pháp, Úc, và các đối tác Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia và Malaysia.

Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các quốc gia, sử dụng ba sáng kiến toàn cầu để nâng cao quản trị hàng hải và cải thiện phúc lợi

Ngày 26/11, tại Hội thảo lần thứ năm về Hợp tác Hàng hải Toàn cầu và Quản trị Đại dương (SGMCOG), Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các quốc gia, sử dụng ba sáng kiến toàn cầu để nâng cao quản trị biển quốc tế. Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên thúc đẩy phát triển biển chất lượng cao và bền vững, duy trì an ninh hàng hải phổ quát và lâu dài, đồng thời thúc đẩy trao đổi văn minh biển toàn cầu.

 

An ninh - Quốc phòng

Mỹ chuyển giao năm máy bay huấn luyện cho không quân Việt Nam

Từ 18-21/11, Tướng Kevin Schneider, Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương Mỹ thăm Việt Nam, bàn giao năm máy bay huấn luyện T6-C cho Không quân Việt Nam. Ông khẳng định Mỹ hướng tới “hỗ trợ phát triển lực lượng không quân hiện đại cho Việt Nam, thúc đẩy khả năng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đồng thời đảm bảo cam kết chung Việt-Mỹ đối với hòa bình và pháp quyền quản lý vùng biển và bầu trời”.

Quân đội Trung Quốc tăng cường tuần tra sẵn sàng chiến đấu quanh đảo Scarborough/Hoàng Nham

Ngày 28/11, Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ra tuyên bố cử lực lượng hải quân và không quân tuần tra sẵn sàng chiến đấu tại vùng biển và không phận xung quanh đảo Scarborough/Hoàng Nham. Kể từ tháng 11, Bộ Tư lệnh đã triển khai hải quân và không quân liên tục tuần tra tại vùng biển này, đồng thời tăng cường kiểm soát các vùng biển và không phận có liên quan.

Mỹ sáng lập lực lượng đặc nhiệm “Ayungin” (Task Force-Ayungin) hỗ trợ Philippines tại Bãi Cỏ Mây

Ngày 21/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tại Philippines Kanishka Gangopadhyay thông báo Mỹ đã thành lập lực lượng đặc nhiệm “Ayungin” (Task Force-Ayungin) để hỗ trợ Philippines tại Bãi Cỏ Mây. Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Eduardo Ano cho biết lực lượng hỗ trợ các nhiệm vụ nhận thức biển (MDA) và tình báo, giám sát, trinh sát (ISR); đồng thời khẳng định nhiệm vụ tiếp tế ở Bãi Cỏ Mây vẫn “đơn thuần là hoạt động của Philippines”.

 

Pháp lý

Indonesia tuyên bố không có yêu sách chồng lấn ở Biển Đông với Trung Quốc

Ngày 25/11, Bộ Ngoại giao Indonesia tái khẳng định: Indonesia không phải là quốc gia có yêu sách ở Biển Đông và không có quyền tài phán chồng lấn với Trung Quốc; Indonesia không công nhận yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, cho biết các yêu sách này không có cơ sở pháp lý; thỏa thuận với Trung Quốc không thay đổi lập trường của Indonesia về Biển Đông.

Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) tổ chức phiên điều trần về yêu cầu đưa ra ý kiến ​​tư vấn về nghĩa vụ quốc gia liên quan đến Biến đổi khí hậu

Từ 9-13/12, ICJ sẽ tổ chức các phiên điều trần về yêu cầu đưa ra ý kiến ​​tư vấn về nghĩa vụ quốc gia liên quan đến biến đổi khí hậu. Theo Thông cáo báo chí, 98 quốc gia và 12 tổ chức quốc tế bày tỏ ý định tham gia tranh tụng trước Tòa.

 

Kinh tế - Công nghệ

Bộ Thương mại Trung Quốc ra chín biện pháp nhằm thúc đẩy thương mại quốc tế

Ngày 21/11, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) đưa ra các biện pháp nhằm thúc đẩy thương mại quốc tế trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Trump đe dọa áp thuế vượt quá 60% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc. Cụ thể, chín biện pháp nhằm thúc đẩy của MOFCOM bao gồm hỗ trợ và hướng dẫn về bảo hiểm, tài chính, thanh toán, mở rộng phạm vi nhập khẩu và xuất khẩu, tối ưu hóa cơ cấu thương mại, tạo điều kiện về thị thực và vận chuyển, mở rộng phạm vi các nước được áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương của Trung Quốc, cung cấp cho các doanh nghiệp các nguồn lực pháp lý và thuế ở nước ngoài cùng các dịch vụ khác.

 

Góc nhìn quốc tế

Derek Grossman: Triển khai lính Mỹ đến Bãi Cỏ Mây là ngầm thừa nhận lập trường của Philippines

Ngày 25/11, Derek Grossman (RAND) bình luận trên mạng xã hội X về việc Mỹ sáng lập lực lượng đặc nhiệm “Ayungin” hỗ trợ Philippines tại Bãi Cỏ Mây. Khi công bố sự tồn tại của Lực lượng đặc nhiệm Ayungin, chính quyền Biden ngầm thừa nhận chủ quyền của Philippines đối với một thực thể đang tranh chấp tại Biển Đông. Đây là một tín hiệu rõ ràng của Mỹ nhằm đảm bảo cam kết của mình đối với các đồng minh trong khu vực nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Jennifer Parker (ANU): Úc cần thành lập Lực lượng bảo vệ bờ biển

Ngày 25/11, Jennifer Parker (ANU) cho rằng Úc cần thành lập Lực lượng bảo vệ bờ biển trước các mối đe doạ như hoạt động vùng xám của Trung Quốc hay các cuộc tấn công cáp ngầm.

  • Hệ thống hiện tại của Úc bao gồm nhiều cơ quan liên quan đến hàng hải, nhưng phân tán nhiệm vụ dẫn đến chồng chéo và thiếu phối hợp trong việc ứng phó với các mối đe dọa như buôn lậu, đánh bắt cá bất hợp pháp và bảo vệ chủ quyền.
  • Úc nên có lực lượng độc lập, có cơ quan điều phối chung để phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn đối với các mối đe dọa trên biển.

Emirza Syailendra: Công nhận tranh chấp tồn tại không phải công nhận yêu sách của một bên là hợp pháp; Indonesia thay đổi lập trường về yêu sách của Trung Quốc là bước tiến tự nhiên 

Ngày 27/11, Emirza Syailendra bình luận trên Lowy Interpreter, cho rằng việc Tuyên bố chung Indonesia-Trung Quốc công nhận yêu sách chồng lấn giữa hai nước không đồng nghĩa với việc Indonesia công nhận “Đường chín đoạn”. 

  • Về pháp lý, việc hai bên công nhận tranh chấp không tự động chứng tỏ tính pháp lý yêu sách của một bên. Phủ nhận tranh chấp tồn tại cũng không làm ảnh hưởng đến tính pháp lý của yêu sách.  
  • Việc công nhận yêu sách chồng lấn chỉ có nghĩa là Indonesia công nhận thực tế rằng tranh chấp tồn tại. Từ 2016, hai bên đã sử dụng công cụ pháp lý để khẳng định tranh chấp tồn tại. Indonesia làm vậy để định hình câu chuyện nội bộ về tranh chấp, không phải “nhượng bộ” trước Trung Quốc.

Bản PDF tại đây