Bản tin tuần Biển Đông (ngày 13.5-19.5.2023)

+ Thực địa:

Ngày 14/5, Hải quân Ấn Độ - Indonesia bắt đầu cuộc tập trận chung Samudra Shakti-23 kéo dài 6 ngày ở Biển Đông. Tập trận bao gồm 2 giai đoạn: tại cảng và trên biển. Hai bên sẽ tiến hành các hoạt động tham quan tàu của nhau, trao đổi nghiệp vụ và huấn luyện chung, như diễn tập tác chiến chống ngầm và phòng không, hoạt động đổ bộ. Samudra Shakti-23 nhằm tăng cường tương tác giữa hải quân hai nước và thể hiện cam kết đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.  

Ngày 14/5, Người phát ngôn của Lực lượng Tuần duyên Philippines cho hay nước này đã đặt 05 phao chỉ dẫn trong vùng đặc quyền kinh tế để khẳng định chủ quyền, bao gồm Bãi Ba Đầu. Philippines cho biết việc đặt phao khẳng định quyết tâm trong việc bảo vệ lãnh thổ và góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên biển.

Ngày 14/05, Báo South China Morning Post dẫn thông tin từ các mạng xã hội Việt Nam và Trung Quốc cho hay, tàu hai nước đối đầu ở khu vực lô 05-1A trong Bãi Tư Chính sau khi Việt Nam mở rộng các hoạt động khoan dầu khí tại khu vực này. Tài khoản South China Sea Wave ở We Chat cho hay Trung Quốc đã triển khai tàu Hướng Dương Hồng 10 cùng nhiều tàu cá hỗ trợ hiện diện ở khu vực. Theo Đặng Duẩn, các tàu Trung Quốc đã tiếp cận giếng dầu DGN-4X sau khi một giàn khoan được kéo tới đây. Ray Powell, Đại học Stanford cho biết dựa trên các tín hiệu AIS, các tàu hai bên đã bám đuôi và di chuyển cắt mặt nhau nhưng vẫn giữ khoảng cách an toàn.

Ngày 18/5, Tham mưu trưởng quân đội Philippines Tướng Andres Centino có chuyến thăm nhóm đảo Balabac ở tỉnh Palawan, Philippines. Phát biểu trước một nhóm sĩ quan hải quân, ông nhấn mạnh quân động đóng vai trò "rất quan trọng" trong việc bảo vệ vùng biển Philippines, đồng thời nhắc nhiệm vụ của họ là "đảm bảo hòa bình". Tướng Centino cũng thị sát căn cứ không quân Balabac rộng 300 ha, một trong bốn địa điểm mới mà Mỹ được phép tiếp cận theo một hiệp ước quốc phòng năm 2014 giữa hai bên.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Từ ngày 12-13/5, Hội nghị Ấn Độ Dương lần thứ 6 đã được tổ chức tại Bangladesh. Tham dự hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề xuất tăng cường hợp tác và kết nối giữa các nước Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đặc biệt với các nước ASEAN trong các lĩnh vực như phát triển bền vững, giải quyết các thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, cứu hộ cứu nạn… Ngoài ra, bên lề hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đã có các cuộc gặp song phương với Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Sri Lanka Tharaka Balasuriya, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Saurabh Kumar nhằm thảo luận về các vấn đề trong quan hệ song phương.

Ngày 13/5, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng EU và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ở Thụy Điển, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar chỉ ra 06 điểm: (i) EU có lợi ích lớn trong sự phát triển của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; (ii) Các thách thức từ nền kinh tế phi thị trường lớn hơn dự kiến; (iii) Các sự kiện gần đây nêu bật các vấn đề liên quan đến tập trung kinh tế, cũng như nhu cầu đa dạng hóa; (iv) Một thế giới đa cực chỉ có thể hình thành với một châu Á đa cực; (v) Dấu ấn toàn cầu của Ấn Độ đang mở rộng và hài hòa với EU nhiều hơn trong những năm tới; (vi) nhóm Quad là cơ chế thúc đẩy lợi ích toàn cầu.

Ngày 13/5, Bộ trưởng từ 60 quốc gia là thành viên EU và từ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã nhóm họp tại Thụy Điển. Đây là hội nghị lần thứ 2 các nước chủ tịch luân phiên EU tổ chức. Ngoại trưởng Thụy Điển Billström tháng 4/2023 nhấn mạnh hợp tác giữa EU và khu vực Ấn - Thái rất quan trọng về địa chính trị và kinh tế. Căng thẳng gia tăng tại khu vực Ấn - Thái Dương đặt nhiều sức ép lên thương mại, công nghệ và chính sách an ninh, thúc đẩy Thụy Điển và EU tăng cường đối thoại chính trị với các nước khu vực.

Từ ngày 15-26/5, cảnh sát biển Mỹ, Nhật Bản và Philippines đồng tổ chức khóa học nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển cho 33 học viên đến từ Philippines, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Khóa học “Sỹ quan kiểm tra tàu biển đa quốc gia” (Multinational Vessel Boarding Officer Course) cung cấp kiến thức cơ bản về việc lên tàu kiểm tra, quy định trường hợp sử dụng vũ lực, chiến thuật tự vệ hoặc các quy trình tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn tàu biển. Trong tương lai, cảnh sát biển Mỹ, Nhật Bản và Philippines sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác thông qua tổ chức các hoạt động đào tạo khác.

Ngày 18/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng tuyên bố kiên quyết phản đối mọi hành động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. Bà Hằng khẳng định Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam đã và đang triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trên Biển Đông.

Ngày 18/5, Báo South China Morning Post đưa tin về cuộc đàm phán COC tại Hạ Long, Việt Nam. Theo đó, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được đồng thuận về việc hoàn thành xem xét lần thứ hai dự thảo COC trong năm nay. Trước đó, Việt Nam và Philippines cũng đã thống nhất về việc ưu tiên đạt được một Bộ Quy tắc hiệu quả với các nội dung thực chất.