Bản tin tuần Biển Đông (ngày 14 - 20/5/2022)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Ngày 17/5, Bộ đội biên phòng Quảng Bình tiếp nhận tàu tuần tra cao tốc thế hệ mới BP 07-01-01 do Ấn Độ thiết kế. Tàu dài 35 mét, rộng 6,8 mét, đạt vận tốc 35 hải lý/giờ, được trang bị camera quan sát ngày đêm, ra-đa hiện đại cùng bộ truyền tin đa phương tiện. Hoạt động này góp phần hiện đại hóa quân đội, hỗ trợ tuần tra, bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo và hỗ trợ ngư dân. 

Ngày 19/5, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ra cảnh báo hàng hải cho biết nước này tiến hành diễn tập quân sự ở phía Bắc quần đảo Hoàng Sa từ 18h00 ngày 19/5 đến 18h00 ngày 23/5. Khu vực diễn tập giới hạn ở các tọa độ: 18-54.00N 111-27.00E; 18-54.00N 113-52.00E; 16-57.00N 113-52.00E; 16-57.00N 111-27.00E; nghiêm cấm tàu thuyền đi vào.

Philippines thiết lập ba tiền trên ba thực thể ở Biển Đông (Bến Lạc, Vĩnh Viễn, Song Tử Đông). Tư lệnh Cảnh sát biển Đô đốc Artemio Abu cho biết các tiền đồn có nhân viên bảo vệ bờ biển và được trang bị liên lạc vô tuyến để báo cáo các sự cố. Cảnh sát Biển Philippines cũng thiết lập 5 phao báo hiệu hàng hải ở ba thực thể trên và Thị Tứ. Đây là 5 trong 10 phao Philippines mua từ Tây Ban Nha vào tháng 5. Theo Đô Đốc Artemio Abu, ngư dân Philippines đang tăng cường hiện diện ở Thị Tứ và Cảnh sát biển giám sát, đảm bảo an toàn cho ngư dân nước này.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 15/5 cho hay việc ASEAN và Mỹ tổ chức Thượng đỉnh và công bố thiết lập quan hệ đối tác toàn là dấu hiệu cho thấy Mỹ coi trọng quan hệ với ASEAN và mong muốn gắn kết hơn. Theo ông Lý, Mỹ tiếp tục tập trung vào châu Á-Thái Bình Dương dù có các mối bận tâm khác. Mỹ đóng vai trò mang tính xây dựng, không thể thiếu ở trong khu vực. Về khuôn khổ kinh tế Ấn-Thái, Thủ tướng Singapore cho rằng, sự can dự của Mỹ không thể chỉ giới hạn trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, cần phải bao gồm kinh tế.

Trả lời họp báo thường kỳ ngày 16/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết nhờ nỗ lực chung của Trung Quốc và ASEAN, tình hình Biển Đông nhìn tổng thể ổn định. Việc thiết lập COC ở Biển Đông là mong mỏi chung và nhu cầu của Trung Quốc và ASEAN. Hai bên tiến hành đàm phán COC trực tiếp vào nửa cuối tháng 5/2022. Trung Quốc tự tin triển vọng hai bên sẽ đạt được COC. Mỹ là quốc gia ngoài khu vực cần tôn trọng nỗ lực chung của các quốc gia khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, tránh làm ảnh hưởng việc đạt được COC.

Đặc phái viên của EU về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ông Gabriele Visentin ngày 18/5 cho biết, “EU sẽ thúc đẩy chiến lược an ninh ở khu vực. Phương châm của chúng tôi là hợp tác bất cứ khi nào có thể, nhưng phòng vệ bất cứ khi nào cần thiết. Điều đó không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào”. Theo ông Visentin, không có bằng chứng cho thấy một cuộc chiến sắp xảy ra trong khu vực nhưng EU lo ngại “trật tự đa phương dựa trên luật lệ sẽ không được tôn trọng đầy đủ. Trung Quốc vừa là đối tác, bên cạnh tranh và đối thủ”.

Tại Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+) ở Campuchia ngày 18/5, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông rất quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực và cộng đồng ASEAN. Vì vậy, việc tuân thủ DOC ở Biển Đông và xúc tiến sớm ký kết COC thực chất và hiệu quả là vấn đề cần thiết. Việt Nam luôn kiên trì giải quyết mọi bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982.

Góc nhìn quốc tế

Trên “Lowy Institute” ngày 16/5, học giả Susannah Patton, Úc đánh giá Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ cho thấy Mỹ muốn tập trung vào Đông Nam Á. Đây là tín hiệu tốt nhưng với một chương trình nghị sự như vậy, thiếu đi thông điệp mạch lạc, ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực sẽ tiếp tục suy giảm. Việc thiếu các cuộc gặp song phương với các lãnh đạo ASEAN đã tạo ra một số khó khăn trong bối cảnh Tổng thống Biden chưa thiết lập mối quan hệ với những người đồng cấp trong khu vực. Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chưa được Đông Nam Á chào đón nồng nhiệt do còn thiếu nhiều nội dung cụ thể. Về tổng thể, mặc dù hội nghị diễn ra tốt đẹp, Mỹ sẽ đánh mất ảnh hưởng ở Đông Nam Á nếu không dành thêm nỗ lực và thời gian.

Trên “Rappler” ngày 17/5, học giả Kojiro Tonosaki (CSIS) nêu ba kịch bản chính sách đối ngoại của Chính quyền Marcos: (i) Kịch bản mong đợi nhất - thân Mỹ như thời Aquino III. Chính quyền Marcos thúc đẩy Phán quyết Toà, giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc và tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ, nhanh chóng phát triển 5 căn cứ quân sự theo Thoả thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) năm 2014; (ii) Kịch bản khả dĩ nhất - tiếp nối chính sách đối ngoại của Tổng thống Duterte. Duy trì quan hệ thân thiện với Trung Quốc. Quan hệ an ninh với Mỹ không phát triển mạnh nhưng thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản và Úc để bù đắp cho việc Mỹ giảm hiện diện ở Philippines; (iii) Kịch bản xấu nhất - thân Trung Quốc hơn chính quyền Duterte. Phân tách quan hệ an ninh với Mỹ. Quan hệ an ninh với Nhật Bản và Úc đình trệ. Để tránh kịch bản xấu nhất, Mỹ cần củng cố quan hệ an ninh với đồng minh Philippines, hỗ trợ khí tài cho Philippines, như bán máy bay F16, tên lửa Sidewinders và Harpoon...

Trên “The Diplomat” ngày 17/5, học giả Peter Mumford (Eurasia Group) cho rằng Tổng thống Marcos mở ra cơ hội thúc đẩy quan hệ Philippines-Mỹ ổn định, dễ dự đoán hơn. Ông Marcos không có tâm lý chống Mỹ như ông Duterte, mà kế thừa quan điểm thân Mỹ từ người cha quá cố (cha của ông sống ở Hawaii sau khi bị lật đổ vào năm 1986). Do đó, Mỹ cần tăng cường quan hệ với chính quyền Marcos: (i) Philippines là đối tượng ưu tiên ở Đông Nam Á và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; (ii) hỗ trợ hiện đại hoá quân đội cho Philippines trên cơ sở Thoả thuận viếng thăm các lực lượng (VFA); (iii) hợp tác kinh tế, đặc biệt là kinh tế số, cơ sở hạ tầng; (iii) hợp tác về năng lượng tái tạo. Việc này vừa giúp đạt mục tiêu về khí hậu của Mỹ, đồng thời giúp Philippines giảm rủi ro khủng hoảng năng lượng hoặc khai thác chung dầu khí với Trung Quốc.

Bình luận của Viện Biển Đông

Tại Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ, Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố tăng cường sự hiện diện của cảnh sát biển (CSB) Mỹ tại khu vực Ấn - Thái. Về pháp lý, tàu CSB Mỹ có cơ sở hiện diện tại Biển Đông, bao gồm cả các vùng tranh chấp, tương tự như hiện diện của các tàu hải quân trước đó tại đây. Trong UNCLOS, Điều 17, 58 và 87 trao quyền tự do qua lại cho tàu nước ngoài tại lãnh hải và EEZ của các nước ven biển hay vùng biển cả... Tuy nhiên, liệu tàu CSB Mỹ có thể tiến hành các hoạt động hành pháp (không chỉ qua lại) tại Biển Đông? (i) Mỹ có thể tiến hành các hoạt động hành pháp tại vùng biển cả (UNCLOS và Luật CSB năm 2000 của Mỹ ban quyền hạn cho CSB tại vùng biển cả); (ii) Mỹ có thể tiến hành hoạt động hành pháp tại vùng thuộc quyền chủ quyền và tài phán của riêng một quốc gia ven biển nếu nước đó đồng ý hoặc hai bên có thỏa thuận; (iii) Tại vùng tranh chấp, khả năng này khó hơn vì nếu Mỹ có thỏa thuận riêng với một nước ven biển Đông, điều này đồng nghĩa với gián tiếp công nhận yêu sách của nước đó trong khi Mỹ muốn duy trì lập trường trung lập trong tranh chấp. Do đó, nếu muốn dùng tàu CSB để đối phó với các tàu dân binh của Trung Quốc tại các vùng tranh chấp thông qua các hoạt động hành pháp, Mỹ có lẽ cần cơ sở pháp lý vững vàng hơn.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn