Bản tin tuần Biển Đông (ngày 1.7-7.7.2023)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Ngày 4/7, lực lượng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc đã tiến hành cuộc tập trận “Vanguard” 2023 ở Thái Bình Dương. Theo hải quân Mỹ, cuộc diễn tập nhằm tăng cường năng lực trong các hoạt động hàng hải, tác chiến chống ngầm, chiến tranh trên không. Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm 71 của Hải quân Mỹ Đại úy Walter Mainor cho hay, “Hoạt động ở vùng biển xung quanh đảo Guam rất có giá trị đối với nỗ lực chung của bốn nước nhằm đương đầu với những thách thức chung trên biển và cần thiết để giữ cho khu vực này an toàn”.

Từ ngày 6-21/7, Philippines - Mỹ tập trận hỗ trợ không vận thuỷ quân lục chiến “MASA” 2023 tại Luzon và Visayas. Nội dung “MASA” gồm các hoạt động bắn đạn thật, tác chiến trên không, chiếm giữ sân bay, tiếp nhiên liệu cũng như các hình thức hỗ trợ hàng không khác. Phó Đô đốc Hải quân Philippines Toribio Adaci J cho biết cuộc tập trận “phản ánh sự tin tưởng và hợp tác giữa các lực lượng với mục đích bảo vệ quốc gia và thúc đẩy an ninh khu vực”.

Bộ Tư lệnh Miền Tây của Philippines cho biết trong tháng 6/2023, tàu Trung Quốc tiếp tục diện diện thường xuyên ở Trường Sa. Ngày 30/6, không quân Philippines phát hiện 48 dân binh biển Trung Quốc ở đá Khúc Giác và phía nam của Thị Tứ. Các tàu này thả neo theo nhóm 5-7 tàu và không đánh bắt cá. Tại đá Sa bin, 02 tàu hải quân Trung Quốc qua lại thường lệ. So với tháng 3/2023, số lượng dân binh biển Trung Quốc ở các khu vực này tăng nhẹ, từ 32 lên 48 tàu.

Người phát ngôn Cảnh sát biển Philippines Jay Tarriela ngày 7/7 cáo buộc Trung Quốc quấy rối hai tàu Philippines đang hộ tống tàu tiếp tế nhu yếu phẩm cho các quân nhân Philippines đồn trú trên tàu BRP Sierra Madre mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây. Vụ việc xảy ra ngày 30/6 khi tàu MRRV-4402 và MRRV-4403 đang hộ tống các tàu dân sự tiến vào bãi Cỏ Mây, các tàu hải cảnh Trung Quốc lớn đã bám sát, cản trở, cắt mặt ở khoảng cách gần (khoảng 90 mét) để ngăn cản. Tàu Philippines đã phải giảm tốc độ để tránh va chạm. Đây là vụ việc thứ 2 trong vòng 4 tháng qua. Theo ông Tarriela, hành động của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Quốc tế về Phòng ngừa Va chạm trên Biển (COLREGS).

Ngày 8/7, tàu tuần tra xa bờ Francesco Morosini của Hải quân Ý đã cập cảng Manila trong chuyến thăm thiện chí kéo dài 4 ngày. Tham mưu trưởng Hạm đội Hải quân Ý, Chuẩn đô đốc Fabio Gregori cho biết chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ quốc phòng và an ninh, đồng thời tăng cường hợp tác với Philippines ở khu vực trọng yếu này. Trong khi đó, Đại sứ Ý tại Philippines Marco Clemente cho biết việc triển khai tàu của Ý cũng phù hợp với Phán quyết năm 2016, nhằm khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật biển quốc tế.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Tại Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Ý ngày 3/7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Quốc vụ khanh Quốc phòng Cộng hòa Ý Matteo Perego Cremnago nhận định quan hệ quốc phòng hai nước còn nhiều dư địa, thống nhất định hướng tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực hai bên có nhu cầu và thế mạnh, trong đó tập trung vào trao đổi đoàn các cấp, đào tạo-tập huấn nâng cao năng lực, hợp tác công nghiệp quốc phòng, chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm phẩm lưỡng dụng… Hai bên nhấn mạnh việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, trong đó có an ninh biển, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982.

Phát biểu tại diễn đàn do Ban thư ký hợp tác Trung - Nhật - Hàn tổ chức ngày 3/7 ở Thanh Đảo, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị cho hay, “ba nước cần thúc đẩy ý thức tự chủ chiến lược, duy trì sự thống nhất và ổn định khu vực, chống lại sự quay trở lại của tâm lý Chiến tranh Lạnh và thoát khỏi việc bị bắt nạt và thống trị”. Theo ông Vương, một số nước lớn bên ngoài khu vực tìm cách chia rẽ và tìm kiếm lợi ích. Nếu xu hướng này tiếp tục không chỉ cản trở tiến trình hợp tác ba bên mà còn gia tăng căng thẳng và đối đầu ở khu vực.

Ngày 5/7, Lithuania công bố Chiến lược Ấn - Thái, nhấn mạnh an ninh Đại Tây Dương và khu vực Ấn - Thái có liên hệ chặt chẽ. Theo Lithuania, Trung Quốc đang sử dụng biện pháp cưỡng ép trên nhiều lĩnh vực. Lithuania có thể chống chọi với sức ép kinh tế từ Trung Quốc và vạch làn ranh đỏ về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực với Đài Loan hay viện trợ quân sự cho Nga trong cuộc chiến Ukraine. Về Biển Đông, Lithuania khẳng định ủng hộ tự do hàng hải và luật lệ quốc tế giúp duy trì ổn định khu vực.

Trả lời phỏng vấn của đài “ANC” ngày 6/7, Người phát ngôn Cảnh sát biển Philippines Jay Tarriela cho biết hải cảnh Trung Quốc dường như đang điều chỉnh hành vi ở Biển Đông. Trước khi Philippines tiến hành chiến dịch "công khai hoá", tàu Trung Quốc thường áp sát gần tàu của Philippines nhưng giờ chỉ theo phía sau do lo ngại hành vi của họ bị ghi hình lại. Tuy nhiên, hải cảnh Trung Quốc vẫn hành động khá quyết đoán tại Bãi Cỏ Mây. Từ đầu năm 2023 đến nay, ba vụ việc nguy hiểm liên quan tới hải cảnh Trung Quốc đều diễn ra ở Bãi Cỏ Mây. 

Trên twitter ngày 6/7, Đại sứ Nhật Bản Koshikawa bình luận về vụ việc tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản tàu Philippines tiếp tế cho lực lượng đồn trú tại Bãi Cỏ Mây, “Cũng như hành động đơn phương của Trung Quốc nhiều lần xâm phạm vùng biển của Nhật Bản ở quần đảo Senkaku, hành vi nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông bất chấp Phán quyết Toà trọng tài năm 2016 là mối lo ngại lớn đối với hòa bình và ổn định khu vực”.

Tuyên bố chung của Hội nghị các Bộ trưởng Tư pháp ASEAN - Nhật Bản lần đầu tiên tại Tokyo ngày 6/7 khẳng định cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thúc đẩy các giá trị và nguyên tắc cơ bản chung như thượng tôn pháp luật, tôn trọng nhân quyền, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Các bên cũng cam kết sẽ thúc đẩy các hoạt động hợp tác nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ASEAN - Nhật Bản.

Nhiều Nghị sĩ Đảng Cộng Hòa Mỹ chỉ trích bộ phim “Barbie” vì có bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc. Ngày 6/7, Thượng Nghị sĩ Marsha Blackburn, bang Tennessee đăng tweet cho biết “Việc phim “Barbie” sử dụng bản đồ ủng hộ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là sai trái về mặt pháp lý và đạo đức”; Hạ Nghị sĩ Mike Gallagher, bang Wisconsin cho rằng việc phim “Barbie” sử dụng bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc cho thấy áp lực của Hollywood trước các nhà kiểm duyệt Trung Quốc; Ngày 8/7, Hạ nghị sĩ Mark Green, bang Tennessee đăng tweet cho biết việc các hãng phim Hollywood “cúi đầu” trước Trung Quốc đã thúc đẩy ông giới thiệu Đạo Luật SCREEN, đồng thời kêu gọi các hãng phim giữ lập trường công bằng, nếu không sẽ mất đi sự ủng hộ từ các cơ quan liên bang như Bộ Quốc phòng.  

Ngày 7/7, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam Vi Kiến Thành cho biết quyết định kiểm duyệt phim “Barbie” được đưa ra sau cuộc họp của Hội đồng thẩm định và phân loại phim (gồm 11 thành viên do GS.TS Trần Thanh Hiệp làm chủ tịch). Các thành viên thống nhất không chiếu “Barbie” vì có cảnh đường lưỡi bò phi pháp. Hình ảnh này xuất hiện nhiều lần trên phim, không giống với giải thích trên mạng là "chỉ có trong đoạn quảng cáo". Trước đó, người phát ngôn của Warner Bros cho biết bản đồ trong phim là bức vẽ bằng phấn màu, không phải hành động tuyên truyền.  

Trên twitter ngày 7/7, Đại sứ Mỹ tại Philippines Mary Carlson cho hay, (i) Mỹ quan ngại về hoạt động không chuyên nghiệp của tàu hải cảnh Trung Quốc đối với cảnh sát biển Philippines; (ii) hành động vô trách nhiệm của Trung Quốc ở Biển Đông đe doạ an ninh và các quyền hợp pháp của Philippines; (iii) Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm tuân thủ Phán quyết 2016 là bước đầu tiên để đạt được một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. 

Trong cuộc điện đàm chúc mừng Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. nhậm chức ngày 7/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin “bày tỏ lo ngại về hành vi liều lĩnh và cưỡng ép gần đây của tàu Trung Quốc nhằm vào các tàu Philippines hoạt động an toàn và hợp pháp ở Biển Đông, bao gồm ở khu vực Bãi Cỏ Mây; khẳng định cam kết đồng minh Mỹ - Philippines và giá trị của Hiệp ước phòng thủ Tương hỗ”. Hai Bộ trưởng tái khẳng định cam kết đối với sinh kế của các cộng đồng ven biển Philippines và các quốc gia liên quan có hoạt động hàng hải hợp pháp ở Biển Đông, phù hợp với Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016.

Bình luận của Viện Biển Đông

[VAI TRÒ CỦA CẢNH SÁT BIỂN MỸ Ở BIỂN ĐÔNG VÀ KHU VỰC]. Từ đầu nhiệm kì Tổng thống Joe Biden, Cảnh sát biển (CSB) Mỹ đã mở rộng hoạt động tại Biển Đông nói riêng và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung. Những hoạt động này góp phần hiện thực hóa chính sách của Mỹ tại khu vực.

CSB là một công cụ để triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chính quyền Biden. Khác với quân đội Mỹ, lực lượng này là cơ quan thực thi pháp luật. Vì vậy, theo góc nhìn của một số học giả Mỹ, Mỹ có thể dùng CSB để tăng cường hiện diện và răn đe đối thủ mà không làm gia tăng căng thẳng, đặc biệt tại Biển Đông và các khu vực xung quanh. Các nước trong khu vực có thể hưởng lợi từ hiện diện của CSB Mỹ. Thông qua tiếp nhận các khí tài và tham gia diễn tập - huấn luyện chung với CSB Mỹ, năng lực thực thi pháp luật và cứu hộ - cứu nạn trên biển và nhận thức biển (MDA) của lực lượng thực thi pháp luật các nước có thể được nâng cao và hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, CSB Mỹ cũng gặp phải khó khăn trong việc tăng hiện diện tại Biển Đông và khu vực. Thứ nhất, do hạn chế về khí tài, cơ sở vật chất và ngân sách so với quân đội Mỹ. Cụ thể, ngân sách năm 2023 của CSB Mỹ chỉ là hơn 13 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với quân đội; CSB Mỹ chỉ có 9 tàu tuần tra tầm xa và không có căn cứ hậu cần nào ở Đông Nam Á. Trong khi đó, CSB Mỹ cũng phải cân bằng lực lượng để làm nhiệm vụ ở vùng biển của Mỹ. Thứ hai, CSB Mỹ còn nhiều hạn chế về pháp lý. Học giả Yan Yan (Trung Quốc) lập luận Mỹ không có quyền thực thi hoạt động thực thi pháp luật ở vùng tranh chấp là Biển Đông mà chỉ có quyền hàng hải – nhưng có thể bị hạn chế nhất định bởi các nước ven biển.