Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Trung Quốc dự kiến điều tàu nghiên cứu 6.880 tấn tới Biển Đông. Tàu nghiên cứu của Đại học Trung Sơn sẽ nghiên cứu ba lĩnh vực  khí quyển, đại dương và sinh học nhằm "cung cấp thông tin khoa học để bảo vệ và phát triển khu vực". Tàu Đại học Trung Sơn hiện là tàu nghiên cứu đại dương lớn nhất của Trung Quốc với thủy thủ đoàn 100 người và có thể thực hiện hải trình hơn 27.000 km. Trung Quốc tháng 3 thông báo sẽ đóng tiếp một tàu nghiên cứu 10.100 tấn.

Từ ngày 21-30/11, hải quân 5 nước Úc, Mỹ, Nhật, Đức, Canada tiến hành tập ANNUALEX 2021 tại Biển Philippine. Đây là lần đầu tiên ANNUALEX có sự tham gia của Hải quân Đức với tàu hộ vệ FGS Bayern đang thực thi nhiệm vụ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ triển khai tàu sân bay USS Carl Vinson và 2 tàu khu trục, 2 tàu tiếp tế tham gia.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Ngày 19/11, Bộ ngoại giao Mỹ ra tuyên bố ủng hộ Philippines trong vụ tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và phun vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippines tại Bãi Cỏ Mây. Mỹ coi đây là hành vi leo thang căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định khu vực; tái khẳng định sẽ thực hiện cam kết Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 trong trường hợp tàu công vụ Philippines bị tấn công tại Biển Đông.

Philippines dự kiến khôi phục hoạt động tiếp tế ở Trường Sa sau khi bị tàu Trung Quốc cản trở. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 20/11 cho hay, “Trung Quốc không có quyền ngăn cản hoặc quấy nhiễu tàu Philippines trong vùng EEZ của chúng ta, dù đánh bắt cá hay mang đồ tiếp tế cho lực lượng đồn trú ở Bãi Cỏ Mây”. Sau đó ngày 24/11, Bộ trưởng Lorenzana bác yêu cầu Trung Quốc về việc di dời tàu khỏi bãi Cỏ Mây, “Tàu BRP Sierra Madre đã nằm đó từ năm 1999. Nếu thực sự có cam kết, con tàu hiển nhiên phải được di dời từ lâu”.

Tham dự Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax (HISF) ngày 20/11, Tư lệnh USPACOM John C. Aquilino hối thúc Mỹ và đồng minh hợp tác thường xuyên hơn tại các vùng biển quốc tế để củng cố khả năng phối hợp nhanh chóng khi cần, “Chúng ta đang chiến đấu vì giá trị và quyền tự do. Có sự khác biệt giữa tự do, rộng mở so với chuyên quyền và khép kín. Các bạn muốn là một phần của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như thế nào?" Sự kiện HISF thứ 13 thu hút đông đảo giới chức an ninh và quốc phòng từ các nước phương Tây.

Ngày 21/11, Đại sứ Trung Quốc tại EU Trương Minh cho rằng EU nên dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc. Đây là điều kiện tiên quyết để ký kết thỏa thuận đầu tư giữa Trung Quốc và EU. Theo ông Minh, Trung Quốc sẽ “không thỏa hiệp” trong một số vấn đề như Đài Loan. EU cần sửa chữa “sai lầm trong quá khứ” để tìm kiếm thỏa thuận trong tương lai.

Ngày 22/11, Người phát ngôn Cơ quan Đối ngoại EU nhấn mạnh: “Tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn chặn và phun vòi rồng vào 2 tàu tiếp tế Philippines ở Bãi Cỏ Mây. Động thái này tiếp nối một loạt hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua. EU phản đối mạnh mẽ các hành động phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định khu vực cũng như trật tự dựa trên luật lệ. EU kêu gọi tuân thủ Phán quyết năm 2016 và ủng hộ tiến trình xây dựng COC do ASEAN dẫn dắt”.

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc ngày 22/11, Tổng thống Rodrigo Duterte nhấn mạnh, “Philippines phản đối sự cố mới đây tại Bãi Cỏ Mây và coi những diễn biến này là đáng quan ngại. Vụ việc không phù hợp với quan hệ hai nước”. Tổng thống Philippines kêu gọi các bên xử lý tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc ngày 22/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh để bảo đảm hoà bình, ổn định ở khu vực, nhất là ở Biển Đông, các bên cần tăng cường đối thoại, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế và hành xử trách nhiệm, nỗ lực thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, tiếp tục thúc đẩy xây dựng và sớm đạt được Bộ Quy tắc COC hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982. 

Trung Quốc yêu cầu Philippines di dời tàu khỏi Bãi Cỏ Mây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 24/11 tuyên bố, “Philippines cần tôn trọng cam kết của mình và di chuyển con tàu mắc cạn bất hợp pháp khỏi Bãi Cỏ Mây. Việc tiếp tế lương thực và các đồ cung ứng khác mang tính tạm thời, cân nhắc yếu tố nhân đạo. Tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra và thực thi nhiệm vụ trong vùng biển phù hợp với quy định luật pháp và sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động tiếp tế của Philippines”.

Trong cuộc điện đàm 30 phút ngày 25/11, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và người đồng cấp Anh Liz Truss nhấn mạnh phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Hoa Đông và Biển Đông. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác nhằm hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở; thảo luận nỗ lực của Anh tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Trả lời phỏng vấn đài NHK ngày 25/11, Chuẩn đô đốc Jean-Mathieu Rey, Tư lệnh Liên quân Các lực lượng Vũ trang Pháp ở châu Á - Thái Bình Dương khẳng định quân đội Pháp sẽ tiếp tục can dự khu vực và sẵn sàng hợp tác với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ông Jean-Mathieu Rey cho biết Pháp không có căn cứ riêng ở Đông Á và nhấn mạnh tầm quan trọng của tỉnh Okinawa, miền Nam Nhật Bản.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn