Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Thống kế từ đầu tháng 3 đến nay, máy bay quân sự Trung Quốc đã có 16 ngày bay vào ADIZ của Đài Loan. Từ đầu năm 2021 đến nay, tổng cộng có 67 ngày Trung Quốc điều máy bay quân sự bay vào ADIZ của Đài Loan.

Mỹ - Nhật dự kiến tập trận chung ở đảo Senkaku. Theo kế hoạch, các lực lượng Phòng vệ Mặt đất, Biển và Phòng không Nhật Bản sẽ diễn tập cùng lực lượng Thủy quân lục chiến và Không quân Mỹ với kịch bản bảo vệ Senkaku. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi ngày 19/3 nhấn mạnh, “Chúng ta cần nâng cao năng lực thông qua các cuộc tập trận chung và chứng minh sự hiện diện của mình".

Bộ trưởng Quốc phòng PLP Delfin Lorenzana ngày 21/3 cho biết 220 tàu Trung Quốc ngày 7/3 hiện diện tại Đá Ba Đầu, đánh giá đây là hành động "khiêu khích rõ ràng". Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin xác nhận đã gửi công hàm ngoại giao phản đối tới Trung Quốc. Đến ngày 22/3, Quân đội PLP cho biết sáng 22/3 vẫn còn 183 tàu Trung Quốc neo tại Đá Ba Đầu. Cựu Thẩm phán PLP Carpio ngày 24/3 cho hay đây có thể là "khúc dạo đầu" để Trung Quốc chiếm Đá Ba Đầu, giống như tại Đá Xu Bi và Vành Khăn. Vào thời điểm này năm ngoái, hàng trăm tàu Trung Quốc cũng hiện diện tại đây.

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ngày 25/3 cho biết trong thời kỳ “Quy hoạch 5 năm lần thứ 13” (2015-2020), Trung Quốc đã phát hiện nhiều mỏ dầu, khí, khoáng sản có trữ lượng lớn. Cụ thể, trong 5 năm qua, Trung Quốc đã phát hiện và khai thác 8 mỏ dầu có trữ lượng hàng trăm triệu tấn, 5 mỏ khí tự nhiên có trữ lượng 100 tỷ m3, 5 mỏ khí đá phiến có trữ lượng 100 tỷ m3 và 311 mỏ khoáng sản, bao gồm mangan, liti, graphit...

+ Chính trị - Ngoại giao:

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 18/3 đăng Tuyên bố chung cuộc họp “2+2” giữa Mỹ và Hàn Quốc, khẳng định: (i) Hai nước sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa chung thông qua huấn luyện và tập trận chung; (ii) Hai nước phản đối các hành động tổn hại hoặc đe dọa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ; (iii) khẳng định tầm quan trọng của hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn. Tuy nhiên so với Tuyên bố chung “2+2” Mỹ-Nhật, Tuyên bố này không đề cập tới Trung Quốc và Biển Đông. 

BNG Mỹ ngày 18/3 đăng toàn văn phát biểu của Blinken và Vương Nghị trước cuộc họp tại Alaska. Mỹ nhấn mạnh: (i) Mỹ quan ngại sâu sắc về các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan cũng như các hành vi "cưỡng ép kinh tế" các nước đồng minh, tấn công mạng nhắm vào Mỹ; (ii) Quan hệ Mỹ-Trung sẽ cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắc buộc; (iii) Trật tự thế giới dựa trên lẽ phải thuộc về kẻ mạnh sẽ bất ổn hơn nhiều trật tự dựa trên luật lệ; (iv) Mỹ không hoàn hảo nhưng Mỹ giải quyết các thách thức đối nội công khai, cởi mở và minh bạch. Trung Quốc phản ứng: (i) Mỹ không có tư cách để đối thoại với Trung Quốc từ thế kẻ mạnh; (ii) Mỹ cáo buộc Trung Quốc hành xử cưỡng ép trước khi chia sẻ quan điểm với Trung Quốc, điều này không đúng; (iii) Hệ thống của Trung Quốc phù hợp với người Trung Quốc; (iv) Lịch sử chứng minh rằng ai muốn làm tổn hại Trung Quốc sẽ tự hại chính mình; (v) Hợp tác có lợi cho đôi bên. Trung Quốc sẵn sàng đối thoại nếu Mỹ muốn nhưng đối thoại phải dựa trên tôn trọng lẫn nhau để cùng tăng cường lòng tin.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks ngày 19/3 phát biểu trước sinh viên trường National War College: “Trung Quốc đã và đang chứng tỏ năng lực quân sự ngày càng gia tăng và sẵn sàng chấp nhận rủi ro, đồng thời thúc đẩy những hành động mang tính cưỡng ép và gây hấn ở khu vực Ấn-Thái. Mối quan ngại không phải là mới. Từ năm 1997, BQP đã dự báo thách thức chiến lược từ Trung Quốc sau năm 2015. Mạng lưới liên minh và quan hệ đối tác toàn cầu là lợi thế chiến lược của Mỹ và các đối thủ đang cố tìm cách làm suy yếu những mối quan hệ đó. Hai đảng trong Nghị viện đều đồng tình rằng Bộ quốc phòng Mỹ phải ưu tiên Trung Quốc là thách thức ngày một lớn”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin điện đàm với người đồng cấp Úc ngày 19/3 về chuyến công du tại Ấn-Thái, khẳng định quan hệ Úc-Mỹ là quan hệ "đồng minh không thể phá vỡ". Ông Austin bày tỏ vui mừng khi Úc tiếp tục đóng vai trò đối tác tin cậy cùng bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

Ngày 19/3, Thủ tướng Nhật và Ý đã có cuộc điện đàm kéo dài 20 phút. Thủ tướng Nhật hoan nghênh EU bắt đầu thảo luận về chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương; mong muốn hợp tác hơn nữa với Ý đạt kết quả cụ thể nhằm hướng tới hiện thực hóa “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở; quan ngại sâu sắc về những nỗ lực đơn phương thay đổi nguyên trạng ở Hoa Đông và Biển Đông, trong đó có Luật hải cảnh của Trung Quốc.

Ngày 22/3, Nhật-Đức ký Thỏa thuận bảo mật thông tin tại Tokyo. Theo đó, cơ quan chức năng hai bên trao đổi thông tin mật và tạo điều kiện hợp tác sâu rộng hơn về an ninh, quốc phòng (ví dụ như trong cuộc chiến chống khủng bố, hợp tác về vũ trang…). Ngoài ra, Nhật Bản và Đức cũng muốn hợp tác chặt chẽ hơn trong các vấn đề an ninh mạng, vũ trụ và điện từ. Cho đến nay Đức đã ký kết Hiệp định bảo mật với 50 quốc gia.

Ngày 22/3, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điện đàm với Kurt Campbell, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Hai bên đánh giá quan hệ song phương đạt nhiều bước tiến quan trọng, tiếp tục phát triển ổn định, đi vào chiều sâu. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Mỹ. Ông Kurt Campbell khẳng định Mỹ đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và HĐBA của Việt Nam; mong muốn hai bên hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các cơ chế khu vực và quốc tế về các vấn đề cùng quan tâm.

Ngày 23/3, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki có cuộc điện đàm 20 phút với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Sugi về thúc đẩy hợp tác. Thủ tướng Nhật Bản hoan nghênh các cuộc thảo luận về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong EU và tuyên bố mong muốn tăng cường hợp tác để hiện thực hóa một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Ngoài ra, Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, bao gồm Luật hải cảnh của Trung Quốc.

NPN BNG Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 23/3 khẳng định lực lượng tàu cá Trung Quốc hiện diện ở Đá Ba Đầu là trú ẩn vì thời tiết. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila lặp lại thông điệp trên, khẳng định không có cái gọi là "quân dân biển". Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Manila ngày 23/3 tuyên bố chỉ trích Trung Quốc dùng "dân quân biển” để đe dọa và khiêu khích các nước khác, tổn hại an ninh hòa bình khu vực và khẳng định sẽ ủng hộ Philippines. Đại sứ Nhật Bản tại PLP cũng lên tiếng phản đối các hành động làm tăng căng thẳng Biển Động và kêu gọi các bên duy trì thượng tôn pháp luật. 

Việt Nam ngày 25/3 yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm chủ quyền ở Biển Đông. Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc nhiều tàu Trung Quốc hoạt động tại Bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển và là thành viên  của UNCLOS, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với UNCLOS”.

Góc nhìn quốc tế

+ Trung Quốc:

Hoàn cầu Thời báo ngày 20/3 nhận định sự thay đổi và phát triển quan hệ Trung - Ấn trong 6 năm qua (từ khi Modi cầm quyền) thể hiện mâu thuẫn trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ đối với Trung Quốc rất rõ: (i) Mong muốn hợp tác chiến lược với Trung Quốc nhưng không ngừng kích động cạnh tranh và nghi kỵ; (ii) Muốn dựa vào Mỹ để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, thực hiện giấc mộng nước lớn, mặt khác muốn lợi dụng Trung Quốc để cân bằng với Mỹ, thực hiện giấc mộng tự chủ chiến lược nước lớn. Canh bạc Trung - Mỹ dẫn đến chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu thay đổi và Ấn Độ là một trong những địa điểm lựa chọn. Đương nhiên, giới tinh hoa chính trị Ấn Độ cũng hiểu rõ, nếu bị lôi kéo lên “cỗ xe chiến tranh” của Mỹ, thì Ấn Độ sẽ mất tự chủ về chiến lược, mất đi vị thế nước lớn và vai trò chủ chốt ở khu vực Ấn Độ Dương. Do đó, ý thức tự chủ chiến lược và nước lớn đã thôi thúc Ấn Độ duy trì hợp tác hạn chế với Trung Quốc.

Thời báo Hoàn cầu ngày 24/3 đăng bài viết của Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nga, Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) Ngô Đại Huy cho biết, cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (23/3) tại Quế Lâm, Quảng Tây đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia phương Tây và Mỹ. Cuộc hội đàm này có thể đánh dấu sự sự bắt đầu của quan hệ đồng minh chiến lược 2 nước

+ Các nước khác:

Học giả Niranjan Sahoo và Maiko Ichihara ngày 20/3 đánh giá Nhật Bản và Ấn Độ cần đóng vai trò giải quyết bế tắc ở Myanmar. Trong khi Tatmadaw luôn nghi ngờ Trung Quốc thì lại có mối quan hệ khá tin cậy với Nhật Bản và Ấn Độ. Nhiều năm Nhật và Ấn luôn duy trì các hoạt động hợp tác và đào tạo cho quân đội Tatmadaw, đồng thời có quan hệ tốt với chính quyền dân sự. Nhật và Ấn đều hiểu rất rõ những vấn đề phức tạp đằng sau cuộc tranh giành quyền lực hiện nay ở Myanmar. Giờ là lúc Nhật và Ấn thể hiện vai trò giúp giải quyết thế bế tắc chính trị hiện nay tại Myanmar thông qua các đàm phán hậu trường với quân đội Myanmar. Sự tích cực của Nhật-Ấn tại Myanmar sẽ mở đường để Quad có thể can dự vào việc tái thiết dân chủ một cách hoà bình tại Myanmar, cũng như ngăn chặn Trung Quốc trục lợi từ những bất ổn ở Myanmar.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn