Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

The Drive ngày 1/10 đưa hình ảnh cho thấy một chiếc máy bay tuần tra P-8 của Mỹ mang theo tên lửa chống hạm Harpoon khi cất cánh ngày 30/9 từ căn cứ Kadena, Nhật Bản. Nhà báo Đặng Duân tiết lộ rằng chiếc máy bay này của Mỹ sau đó đã đi xuống tuần tra ở Biển Đông (đây là lần đầu tiên loại máy bay săn ngầm này trang bị tên lửa chống hạm khi thực hiện bay tuần tra ở Biển Đông).

Tờ The Print, Ấn Độ ngày 2/10 đưa tin máy bay P-8 của Mỹ đã hạ cánh một tuần trước tại căn cứ hải quân chiến lược đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ và thực hiện tiếp liệu (lần đầu tiên một máy bay hải quân Mỹ hạ cánh và tiếp liệu tại một căn cứ hải quân của Ấn Độ theo thỏa thuận LEMOA đã ký giữa hai nước năm 2016).

Trang mạng Võng Di (Trung Quốc) ngày 2/10 cho biết cái gọi làthành phố Tam Sa” ngày 1/10 tổ chức nghi thức thượng cờ kỷ niệm 71 năm quốc khánh. Theo đó, 7 liên kết đảo, quần đảo Vĩnh Lạc (cụm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa) và nhiều đảo đá khác cùng đồng thời tổ chức nghi thức thượng cờ.

Báo South China Morning Post ngày 2/10 đưa tin Đài Loan đã điều máy bay chiến đấu vào tối ngày 1/10 để ngăn chặn một máy bay chiến đấu Trung Quốc đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) khu vực phía Tây Nam gần quần đảo Pratas (Đông Sa).

Trang mạng Quan sát (Trung Quốc) ngày 4/10 dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết một tàu chiến Canada đi vào eo biển Đài Loan từ Biển Đông và đi về phía Bắc. Nhiều khả năng đây là chiếc HMCS Winnipeg của Hải quân Hoàng gia Canada. Theo dữ liệu của MarrineTrafic, tàu này đã đi qua eo biển Đài Loan trong ngày 2-3/10 trong thời điểm căng thẳng quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan gia tăng.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 5/10 cho biết lần đầu tiên sau 70 năm, Thủy quân lục chiến Mỹ xây dựng một căn cứ mới ở đảo Guam. Căn cứ này dự kiến đi vào hoạt động từ mùa xuân năm sau và sẽ tiếp nhận 5000 binh lính Nhật Bản từ Okinawa. Ngoài ra, Mỹ còn tổ chức 3 trung đoàn ven biển, chú trọng xây dựng năng lực chiếm đảo.

Báo Sohu ngày 6/10 cho biết máy bay trinh sát RC-135 của Mỹ bay vào Biển Đông qua Eo biển Ba Sỹ để trinh thám. Báo dẫn nguồn một tài khoản Weibo cho biết không quân và hải quân Mỹ trong thời gian gần đây đã nhiều lần tiến vào vùng biển phía Nam Eo biển Đài Loan và Biển Đông với tần suất cao.

Trang Võng Di (Trung Quốc) ngày 7/10 cho biết máy bay săn ngầm P-8A (số hiệu AE67DC) của quân đội Mỹ tiến vào Biển Đông qua eo biển Ba Sĩ sáng 7/10, đang tuần tra tại phía Nam eo biển Đài Loan. Về các hoạt động của Mỹ tại Biển Đông trong thời gian qua, NPN BQP Trung Quốc Ngô Khiêm nói rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối các hành động này, Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc luôn cảnh giác cao độ, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc, kiên quyết duy trì và bảo vệ ổn định và phồn vinh của khu vực.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 1/10 ra tài liệu thông tin về hợp tác của Mỹ với các quốc đảo Thái Bình Dương, trong đó nguồn ngân sách mới của Mỹ dành cho khu vực năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2019 (200 triệu USD so với 100 triệu USD). Trong số 200 triệu ngân sách mới cho năm 2020, có 78 triệu USD của dành cho việc củng cố các trụ cột của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và 130 triệu USD dành để ứng phó với đại dịch Covid-19. Ngoài khoản ngân sách mới này, hàng năm các cơ quan của Mỹ cũng đầu tư khoảng 350 triệu USD để cải thiện kinh tế cho các quốc đảo Thái Bình Dương. Ngân sách dành cho các trụ cột trong Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gồm: (i) Trụ cột Kinh tế Ấn Độ Thái Bình Dương (69,8 triệu USD), (ii) Trụ cột Quản trị Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (3,7 triệu USD); và (iii) Trụ cột An ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (5,1 triệu USD).

Đại sứ mới của Đức tại Singapore TS. Norbert Riedel ngày 2/10 khẳng định Singapore là đối tác chính trong các sáng kiến mới của Đức tại khu vực. Đại sứ cho biết các nước đều phụ thuộc vào tự do thương mại và các tuyến đường vận chuyển trên biển, trong đó có nhiều tuyến đường biển qua khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Điều này cũng đúng với các nước Châu Âu, và đó là lý do tại sao Đức đang làm việc với các đối tác EU để đưa ra một chiến lược chung của Châu Âu và thúc đẩy hợp tác EU-ASEAN trong vấn đề này.

Trên Twitter cá nhân ngày 3/10, Sam Rainsy cho rằng việc Campuchia phá dỡ căn cứ của Mỹ ở nước này là dấu hiệu cho thấy mức độ can thiệp quân sự của Trung Quốc vào Campuchia. Mối quan hệ như vậy đã vi phạm Hiến pháp Campuchia và gây nguy hiểm cho sự ổn định của khu vực. Sam Rainsy đăng tải thông điệp ngay sau khi tòa nhà ở Căn cứ Hải quân Ream, một căn cứ do Mỹ viện trợ được cho đã bị phá hủy.

Tướng Vann Bulieng ngày 3/10 cho biết việc cải tạo sẽ bao gồm nạo vét quanh khu vực căn cứ để tiếp nhận tàu cỡ lớn. Việc này sẽ giúp Campuchia tiết kiện chi phí sửa chữa tàu và mua tàu cỡ lớn. Tướng Bulieng cho biết căn cứ này có thể được sử dụng để phục vụ tàu tư nhân để tạo nguồn thu, và phủ nhận thông tin cho rằng quân đội Trung Quốc được phép sử dụng căn cứ này.

Tân Hoa Xã ngày 4/10 trong buổi phỏng vấn Phó Thủ tướng Campuchia Hor Nam Hong cho biết các lực lượng bên ngoài không nên can dự vào Biển Đông (các vấn đề tranh chấp liên quan nên được các nước liên quan trực tiếp thông qua phương pháp đối thoại và hòa bình để giải quyết). Các nước ngoài khu vực nên ủng hộ Trung Quốc và ASEAN sớm đạt được COC, thúc đẩy các nước liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình chứ không phải “gây sự”.

Ngày 5/10, Đại sứ Đức cho biết việc Anh, Pháp, Đức lên tiếng về Biển Đông không phải là lần đầu, UNCLOS là "kim chỉ nam" để giải quyết các vấn đề trên biển. Ba nước đưa ra lập trường về Biển Đông trong bối cảnh hiện nay do: (i) EU cũng như cả ba nước có lợi ích liên quan đến an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; (ii) Trách nhiệm của ba nước trong  bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và các quốc gia khác. Ngày 2/9, Đức đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trở thành nước thứ 2 ở châu Âu, sau Pháp chính thức đưa ra chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng bốn nước Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Mỹ nhóm họp ngày 6/10 tại Tokyo để thảo luận về trật tự quốc tế hậu Covid. Các ngoại trưởng kêu gọi hợp tác chống Covid, thúc đẩy chuỗi cung ứng, duy trì khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, mở, bao quát, tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN, nhấn mạnh sẵn sàng hợp tác hướng tới tầm nhìn chung đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Lần này phía Ấn Độ gọi cơ chế này là QUAD.

Ngoại trưởng Ấn Độ phát biểu khai mạc tại Hội nghị Tham vấn lần 2 Úc-Ấn-Nhật-Mỹ ngày 6/10 tại Tokyo, khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao quát; cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, minh bạch, tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và giải quyết hòa bình tranh chấp.

Ngoại trưởng Nhật Bản ngày 6/10 tham gia cuộc họp lần thứ hai cấp ngoại trưởng bốn nước Nhật - Úc - Ấn - Mỹ. Bốn ngoại trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc phối hợp giữa các nước thực hiện " Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (tầm nhìn hướng tới khu vực phồn vinh và hòa bình). Các nước cũng tái khẳng định ủng hộ mạnh mẽ các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt và vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN, và ủng hộ toàn diện Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các ngoại trưởng nhất trí để thúc đẩy cụ thể hóa "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", cần phải thúc đẩy hơn nữa hợp tác thực chất về giáo dục - đào tạo, cứu trợ thiên tai, viện trợ nhân đạo, an ninh mạng, chống khủng bố, an toàn hàng hải và cơ sở hạ tầng chất lượng cao.

Ngoại trưởng Úc ngày 6/10 tham gia họp QUAD cấp ngoại trưởng bốn nước (Úc, Ấn, Nhật và Mỹ) thảo luận về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, COVID 19, ASEAN và hợp tác quốc tế. Ngoại trưởng nhận định trong bối cảnh môi trường chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở nên phức tạp, áp lực lên các quy tắc và thể chế có thể làm suy yếu khả năng phục hồi, các nước cần phải giảm căng thẳng và tránh làm các tranh chấp lâu dài tồi tệ thêm, hợp tác chống thông tin sai lệch và tránh thực hiện tấn công mạng. Các ngoại trưởng tái khẳng định các nước không thể có các yêu sách trên biển mà không phù hợp với luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Bốn nước nhất trí tăng cường hợp tác thúc đẩy cân bằng chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và ủng hộ các quốc gia chủ quyền và kiên cường mà tham gia vào quan hệ với các nước khác trên cơ sở luật lệ và luật pháp quốc tế.

Channel NewsAsia ngày 7/10 dẫn lời Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi tuyên bố dù nước này đang hợp tác với Trung Quốc để có vắc xin Covid-19, điều này không ảnh hưởng đến quan điểm của Indonesia về Biển Đông. "Đó là 2 chuyện khác nhau và khi làm việc cùng nhau, việc hợp tác đó không phải không công bằng hay chỉ lợi cho một bên."

Góc nhìn quốc tế

+ Trung Quốc:

Thời báo Hoàn Cầu ngày 1/10 trích dẫn lời Trung tướng He Lei cho biết trong thời kỳ mới, quân đội Trung Quốc phải giỏi xây dựng cả tình hình hiện tại và các kịch bản lâu dài, bảo đảm cho con tàu xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc đủ sức dũng cảm tiến lên. Quân đội Trung Quốc phải biến việc hiện thực hóa giấc mộng Trung Hoa trở thành nhiệm vụ chính trị lớn nhất. Trung Quốc cần tối đa hóa sự thống nhất giữa các lợi ích hiện tại và lâu dài, đồng thời kết hợp các nỗ lực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, luật pháp và các nỗ lực khác.

South China Morning Post ngày 5/10 cho biết Bắc Kinh đã thực hiện một cuộc tấn công ngoại giao ở Đông Nam Á, sử dụng kết hợp các nền tảng kỹ thuật số và truyền thống nhằm ngăn các nước Đông Nam Á xích lại gần Mỹ.

Mạng xã hội Trung Quốc ngày 7/10 cho rằng Trung Quốc cần cảnh giác cao độ trước việc Mỹ liên tục gia tăng các hành động xung quanh Trung Quốc. Gần đây, Hải quân và Lục quân Mỹ tiến hành tập trận liên hợp với hơn 10.000 người, điều động hàng trăm máy bay trong vùng biển của Philippines. Việc tiến hành tập trận từ nam đến bắc Trung Quốc cho thấy hành động quân sự của Mỹ không ngừng leo thang. Thái độ của Trung Quốc đối với sự việc này rất rõ ràng: Trung Quốc phản đối mạnh mẽ hành động của Mỹ, phản đối Tổng thống Mỹ vì tranh cử mà gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông.

+ Đông Nam Á:

Neil Newman (nhà bình luận báo SCMP) ngày 5/10 nhận định hải quân Anh nhiều khả năng sẽ tăng cường hiện diện tại Biển Đông để bảo đảm các lợi ích kinh tế hậu Brexit. Hiện Anh đang đàm phán thoả thuận thương mại với các quốc gia Châu Á (Úc, New Zealand, Việt Nam, Singapore…). Nếu những thoả thuận này được ký kết, Anh sẽ có lý do để tăng cường hiện diện hải quân tại các vùng biển ở khu vực để đảm bảo tuyến đường thương mại thông suốt trên biển. Tại khu vực, Singapore sẽ là đối tác đóng vai trò vô cùng quan trọng để Anh có thể duy trì hoạt động của các tàu hải quân.

+ Châu Âu - Mỹ:

Tờ Sài Gòn giải phóng ngày 4/10 trích dẫn quan điểm học giả Cộng hòa Czech rằng EU ngày càng quan tâm tới Biển Đông. TS. Takashi Hosoda (Đại học Tổng hợp Charles) đánh giá do Đức và Pháp là hai nước có vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách chung của EU nên động thái gửi công hàm lên LHQ của nhóm E3 là dấu hiệu cho thấy EU ngày càng quan tâm và thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông theo luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải khu vực.

Heather A. Conley và Bonnie S. Glaser (CSIS, Mỹ) ngày 5/10 nhận định căng thẳng hiện có giữa Mỹức và Mỹ-EU sẽ cản trở hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong việc đối phó với Trung Quốc. Nhiều chuyên gia Đức lo ngại Mỹ đang thúc ép các nước châu Âu phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu châu Âu chọn con đường khác, Washington sẽ diễn giải đó là cách châu Âu chọn Bắc Kinh. Châu Âu hiện ngày càng có nhiều nhận định tương đồng với Mỹ về Trung Quốc, đơn cử như vấn đ Biển Đông hay công nghệ. Đ duy trì, Mỹ và châu Âu cần có thêm các hoạt động đối thoại trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, lắng nghe lẫn nhau và có cách tiếp cận chính sách chung đ định hình chiến lược trong dài hạn.

Ngày 5/10, chuyên gia Jonathan Moss Giám đốc phụ trách Hàng hải và Thương mại của công ty luật DWF cho rằng sự hiện diện của Trung Quốc Biển Đông khiến các nước khác bị đặt trong tình trạng báo động và cảnh báo: "Tôi thấy rõ về nguy cơ xung đột toàn diện. Một điều chắc chắn rằng có nguy cơ xảy ra các sự cố riêng lẻ và như chúng ta đã biết, một chuỗi các sự cố đơn lẻ có thể dẫn đến một cuộc xung đột lớn". Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang có các động thái tập trung khí tài khu vực Thái Bình Dương nhằm đối phó trước những động thái của Trung Quốc

Drake Long, ngày 5/10 trên RFA tập hợp ý kiến học giả cảnh báo về tình trạng phá huỷ môi trường, nghề cá nghiêm trọng ở Biển Đông. Theo John Mc Manus (Đại học Miami, Mỹ), Biển Đông đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn cá, nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra là do cá đến từ các rạn san hô ngoài khơi, do đó, cần bảo vệ các rạn san hô. Tuy nhiên, một số rạn san hô ở Biển Đông đã biến mất vĩnh viễn do việc xây dựng các căn cứ quân sự, mà phần lớn do Trung Quốc thực hiện. McManus ước tính rằng hơn 90% các rạn san hô còn lại ở Biển Đông cần được bảo tồn ngay lập tức. Carmen A. Ablan Lagman (Đại học Philippines) mô tả tình hình hiện nay là một “cuộc chiến cá”, xét về quy mô đánh bắt bất hợp pháp và tranh chấp chủ quyền trong khu vực. Theo Carmen, nếu không có thỏa thuận cùng một chính sách nghề cá chung khu vực, thì nguồn cá sẽ cạn kiệt rất nhanh.

Abhijnan Rej, Biên tập viên The Diplomat, ngày 7/10 đưa ra 7 điểm đáng lưu ý từ Hội nghị Quad ngày 6/10 tại Tokyo như sau: (i) Mỹ và Úc đề cập đến việc Quad cần hợp tác chống thông tin sai lệch; (ii) Tuyên bố của Úc nói rằng các nước cần tuân thủ UNCLOS 1982. Đây là tuyên bố duy nhất đề cập rõ ràng đến quy tắc và quy định ở khu vực; (iii) Nhật Bản nêu cụ thể vấn đề Bắc Triều Tiên, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Mỹ, Ấn Độ và Úc đề cập đến việc các quốc gia thảo luận về các vấn đề ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương; (iv) Ấn Độ không đề cập đến hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao; (v) Nhật Bản nêu vai trò tích cực của các quốc gia ngoài khu vực (ám chỉ các quốc gia châu Âu) trong việc duy trì Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở; (vi) Ấn Độ, Úc nêu cụ thể về hợp tác vắc xin Covid-19, Nhật Bản gián tiếp đề cập, trong khi Mỹ không nêu vấn đề này; (vii) Ấn Độ là bên duy nhất đề cập đến vấn đề an ninh mạng và dữ liệu.

+ Các nước khác:

Rajeswari Pillai Rajagopalan (chuyên viên nghiên cứu, giám đốc Sáng kiến Chính sách Hạt nhân và Không gian, ORF của Ấn Độ) ngày 2/10 nhận định, bộ ba Úc-Nhật-Ấn (AJI) mong muốn thiết lập chuỗi cung ứng thay thế Trung Quốc nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn. Đối với Ấn Độ: (i) Hàng xuất chủ yếu là hàng tiêu dùng và Trung Quốc có thể dễ dàng thay thế, trong khi Ấn Độ lại rất khó vượt qua sự phụ thuộc vào Trung Quốc và đây cũng là thách thức chung; (ii) Việc chuyển nhà máy sang Ấn Độ cũng gặp nhiều khó khăn do sở hữu đất, luật lao động, thuế, xung đột trong nước. Trong khi đó Việt Nam đang nổi lên là địa điểm hấp dẫn. AJI cần thúc đẩy hợp tác an ninh biển, bảo vệ tự do hàng hải, thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế, trật tự dựa trên luật pháp, tập trận chung, hợp tác tuần tra ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Tờ Hindustantimes Ấn Độ ngày 4/10 cho biết Canada đang thay đổi chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (phản ánh sự thay đổi quan điểm đối với Trung Quốc và phù hợp với mục tiêu của Ấn Độ trong khu vực). Dấu hiệu của sự thay đổi này xuất phát từ cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Canada và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 30/9 (nhất trí thúc đẩy và theo đuổi "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" và thảo luận về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông). Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada đã tiến hành chỉnh sửa chính sách này kể từ tháng 11 năm 2019 và sẽ sớm công bố trong mấy tuần tới. Hành động của Chính quyền Trudeau phản ánh quan ngại của công chúng Canada đối với Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ hai nước vốn đã xấu đi từ vụ bà Mạnh Vãn Chu.

Mohamed Zeeshan, nhà phân tích chính sách, Tổng biên tập trang Freedom Gazette, ngày 6/10 cho rằng, tranh chấp ở Biển Đông và Đông Á liên quan đến lợi ích của Mỹ và nhiều quốc gia khác, do đó khi xảy ra xung đột, một liên minh, hợp tác có Mỹ, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc sẽ giúp các nước bảo vệ lợi ích của mình. Trái lại, khi xung đột xảy ra ở biên giới với Trung Quốc, Ấn Độ chỉ có một mình. Trung Quốc biết điều đó và sẽ không từ bỏ hành động lấn chiếm. Do đó, Ấn Độ cần tăng cường liên kết, hợp tác với Đông Nam Á và Đông Á, tạo tranh chấp biên giới với Trung Quốc thành xung đột đa mặt trận. Ấn Độ cần từ bỏ cách tiếp cận phi liên kết, tham gia vào các thỏa thuận quốc phòng, hỗ trợ quân sự cho các đối tác khu vực.

 

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn