Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Công ty Netflix ngày 2/7 gỡ bỏ bộ phim truyền hình “Pine Gap” do có hình ảnh bản đồ đường lưỡi bò. Trước đó, ngày 25/6, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã phát hiện các hình ảnh sai trái về chủ quyền biển đảo của Việt Nam xuất hiện trong các tập phim của bộ phim nói trên. Đây là lần thứ 3 trong 12 tháng qua Netflix bị phát hiện cung cấp phim, chương trình truyền hình có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Tờ “Bloomberg” ngày 7/7 đưa tin máy bay Trung Quốc xâm nhập ADIZ của Đài Loan 87 ngày trong năm 2020, nhiều gấp 5 lần tổng cộng các cuộc xâm nhập trong 5 năm trước, nhưng vẫn chưa bằng con số trong nửa đầu năm 2021. Từ 9/2020-6/2021, máy bay Trung Quốc áp sát Đài Loan trung bình mỗi tuần 1 lần. Trong khi đó Không quân Mỹ thực hiện 36 chuyến bay do thám trên Biển Đông trong tháng 6 đầu năm 2021, giảm một nửa so với 72 chuyến trong tháng 5. Tần suất các chuyến bay trinh sát trên Biển Hoa Đông của Mỹ "gia tăng đáng kể" trong tháng 6 với 22 lượt.

Về việc Trung Quốc dự định đưa tàu nghiên cứu Tôn Trung Sơn ra thăm dò, khảo sát Hoàng Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 8/7 khẳng định, “Mọi hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại khu vực quần đảo Hoàng Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam, bất hợp pháp và vô giá trị”.

Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) ngày 8/7 cho biết Trung Quốc ngày 4/6 triển khai tàu hải cảnh tới khu vực mỏ khí đốt Kasawari, ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia. Tàu Trung Quốc có thể đã quấy rối tàu đặt ống của Malaysia tại đây. Điều này cho thấy Trung Quốc sẵn sàng leo thang căng thẳng (cả trên biển và trên không) nhằm gây áp lực với các bên tranh chấp. Trong tháng 6, Trung Quốc đã triển khai 16 máy bay áp sát không phận Malaysia.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Phát biểu tại Diễn đàn hoà bình thế giới do Đại học Thanh Hoa tổ chức ngày 3/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích, “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ hướng tới đối đầu và tạo ra cạnh tranh địa chính trị, mang tư duy Chiến tranh Lạnh và đi ngược lại lịch sử. Chiến lược này nên bỏ vào thùng rác”. Ông Vương kêu gọi các nước phản đối chính trị cường quyền, gây sức ép các nước khác với danh nghĩa bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ.

Trong bài phát biểu ngày 5/7, Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso tuyên bố việc Trung Quốc tấn công Đài Loan sẽ là một mối nguy đối với an ninh Nhật Bản vì Okinawa có thể là mục tiêu kế tiếp. Ngày 6/7, ông Aso khẳng định mọi xung đột tại Eo biển Đài Loan đều cần được giải quyết thông qua kênh ngoại giao.

Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby ngày 6/7 khẳng định, “Mỹ sẽ hỗ trợ Đài Loan xây dựng năng lực tuy nhiên Washington cam kết với chính sách một Trung Quốc.” Theo ông Kirby, Mỹ tiếp tục triển khai chính sách “răn đe tổng hợp” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng cách phối hợp với các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc để đối phó với thách thức Trung Quốc.

Thông cáo của Bộ Quốc phòng Đức ngày 6/7 cho biết trong cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Kramp-Karrenbauer thông báo Đức sẽ triển khai tàu chiến tới Biển Đông trong năm nay; tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ Phán quyết; đề cập đến một số vấn đề nhân quyền và người Duy Ngô Nhĩ.

Phát biểu tại “Hội Châu Á” ngày 6/7, Điều phối viên Ấn Độ-Thái Bình Dương HĐANQG Kurt Campbell cho biết Mỹ không ủng hộ Đài Loan tuyên bố độc lập và Mỹ-Trung có thể cùng tồn tại hòa bình. Mỹ cần xây dựng một chiến lược vừa khuyến khích Trung Quốc nhận thấy lợi ích trong quan hệ, vừa đảm bảo ngăn chặn hành động quyết đoán của Trung Quốc. Theo ông Campbell, Tổng thống Biden sẽ có một cuộc họp với lãnh đạo Úc, Ấn Độ và Nhật Bản (Quad) cuối năm nay.

Trả lời chất vấn nghị sĩ Quốc hội về việc 16 máy bay Trung Quốc bay qua Vùng thông báo bay (FIR) của Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Eng Hen ngày 6/7 cho hay Singapore tôn trọng quyền máy bay quân sự được qua lại và diễn tập trong FIR, song cần phù hợp với các nguyên tắc của Hiệp ước thân thiện và hợp tác ASEAN (TAC).

Chuẩn Đô đốc Hải quân Mỹ Mike Studeman ngày 7/7 đánh giá, “Sức mạnh của Trung Quốc gia tăng khiến nguy cơ nước này tấn công Đài Loan ngày càng lớn, đây chỉ là vấn đề thời gian. Mỹ cần cảnh giác và sẽ sai lầm nếu chờ đến lúc đó mới hành động”. 

Giám đốc điều hành Hiệp hội Hải quân Mỹ Jason Beardsley ngày 8/7 cho rằng đang có khoảng cách lớn giữa ngân sách đề xuất cho hải quân và khuyến cáo của các tướng lĩnh rằng Mỹ cần tăng cường đội tàu chiến để ngăn chặn Trung Quốc. Theo ông Beardsley, Quốc hội cần đầu tư đúng mức cho mục tiêu xây dựng hạm đội gồm 355 - 371 tàu chiến nhằm giữ vững vị thế cường quốc biển của Mỹ.

Đại sứ quán Mỹ tại Philippines ngày 8/7 thông báo Mỹ chuyển giao cho Philippines số vũ khí trị giá 48,5 triệu Peso tại căn cứ không quân Clark ngày 4/7. Số vũ khí bao gồm 24 súng hạng nặng M2A1.50, 7 súng M240B và hàng ngàn đạn dược. Theo Đại sứ quán Mỹ, Philippines là nước nhận được viện trợ quân sự Mỹ nhiều nhất tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với hơn 48,6 tỷ Peso từ năm 2015.

Góc nhìn quốc tế

Trên “WSJ” ngày 5/7, nhà phân tích Elaine Luria - Mỹ bình luận nguồn lực quốc phòng của Mỹ hiện nay chưa tương xứng với mục tiêu coi Trung Quốc là đối thủ số 1. Ngân sách hiện nay làm giảm năng lực của hai lực lượng chủ chốt ở Tây Thái Bình Dương là Hải quân và Không quân. Theo đó, nhiều tàu của hải quân sẽ bị loại bỏ, và điều này làm thay đổi cán cân số lượng tàu giữa Mỹ và Trung Quốc trong khi Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ đóng mới tàu chiến. Năm 2010, Mỹ nhiều hơn Trung Quốc 68 tàu, nhưng đến nay Mỹ ít hơn Trung Quốc 61 tàu.

Trên “Eurasia review” ngày 6/7, học giả Veeramalla Anjaiah - Indonesia đánh giá Trung Quốc có nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, ảnh hưởng xấu đến hòa bình, ổn định khu vực, tự do hàng hải và chủ quyền của các quốc gia ven biển. Theo ông Anjaiah, đã đến lúc các nước ASEAN cần đoàn kết để yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Phán quyết, UNCLOS và đẩy nhanh tiến trình đàm phán với Trung Quốc sớm đạt được COC thực chất, hiệu quả và có tính ràng buộc pháp lý.

Trên “Foreign Affairs” ngày 8/7, cựu cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Evan S. Medeiros và Ashley J. Tellis đánh giá việc tìm cách thay đổi chế độ ở Trung Quốc nhằm hóa giải mâu thuẫn Mỹ-Trung là thiếu khôn ngoan, thậm chí gây phản tác dụng, bởi: (i) tiếp tục đẩy Mỹ và Trung Quốc vào một vòng xoáy căng thẳng, gây khó khăn cho việc xử lý các vấn đề cần sự hợp tác của Trung Quốc như Iran, Triều Tiên và Đài Loan; (ii) gây phản cảm trong đại bộ phận dân chúng Trung Quốc, tạo cơ hội cho ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực và theo đuổi các tham vọng ngày càng lớn hơn ở khu vực; (iii) khiến các nước khác trong khu vực không thoải mái, gây khó khăn cho việc tập hợp lực lượng của Mỹ.

Bình luận của Viện Biển Đông

Sau cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Đức Kramp-Karrenbauer và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ngày 6/7, hai bên đều không công bố chi tiết các phát biểu tại cuộc họp. Việc Đức ủng hộ Phán quyết 2016 không mới nhưng việc "nhắc" Trung Quốc về Biển Đông lại thể hiện hàm ý khác. Trong 3 nước lớn Châu Âu (Anh, Đức và Pháp), Đức là nước thận trọng nhất trong các động thái liên quan đến Trung Quốc và Biển Đông. Trong bản chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Anh coi Trung Quốc là "nước cạnh tranh mang tính hệ thống"; Pháp coi Trung Quốc là nước đem lại "thách thức ngày một lớn" hay "quan ngại" về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông trong khi Đức không hề "chỉ tên" Trung Quốc. Ngoài ra, cả 3 nước đều có kế hoạch điều tàu chiến đến khu vực và đi qua Biển Đông của 3 nước trong năm 2021 nhưng Đức là nước duy nhất không tham gia tập trận cũng như chưa xuất hiện tại Biển Đông từ năm 2002. Tàu của Đức cũng chỉ đi qua Biển Đông trên đường quay trở về chứ không tích cực tham gia các hoạt động như tàu Pháp. Nếu Đức có ý "nhắc" Trung Quốc về Biển Đông và trách nhiệm duy trì trật tự dựa trên luật lệ, đây là điều đáng chú ý và thể hiện thái độ mạnh dạn hơn của Đức trong các vấn đề này.

Ngày 10/7, tờ Nikkei Asia đăng bài phỏng vấn Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á Daniel Russel nhân dịp kỉ niệm 50 năm chuyến đi "bí mật" tới Trung Quốc của Kissinger. Ông Russel nhấn một số điểm khác biệt giữa quan hệ Mỹ - Trung bây giờ và 50 năm trước: (1) Thay đổi chế độ tại Trung Quốc không nên là mục tiêu của Mỹ; (2) Mỹ cần thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc để đảm bảo quan hệ ổn định; (3) Ông Tập Cận Bình, không giống các lãnh đạo trước, không "giấu mình chờ thời" mà mang tính dân tộc hơn; (4) Tam giác quan hệ Mỹ - Nga - Trung hiện nay khác Mỹ - Xô - Trung thời Chiến tranh Lạnh do tùy thuộc kinh tế lẫn nhau lớn hơn. Các đánh giá cho thấy ông Daniel Russel, dù tham gia vào chính sách "lôi kéo" Trung Quốc (engagement) thời Obama, có vẻ như ngả về cách tiếp cận cạnh tranh chiến lược nhiều hơn. Có lẽ, ông cũng nhận thấy rõ những điểm yếu của chính sách lôi kéo trước đây. Quan điểm rằng Mỹ không nên cạnh tranh bằng cách kiềm chế hay làm suy yếu Trung Quốc phần nào có nét tương tự chính sách "vừa hợp tác vừa cạnh tranh" của Chính quyền Biden. Tuy nhiên, ông Daniel Russel không nhắc đến thực tế rằng Trung Quốc hiện đã vượt Mỹ trong một vài chỉ số kinh tế và quân sự, khiến việc kiềm chế Trung Quốc khó khăn hơn trước.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email:  scsi@dav.edu.vn