Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Báo Sohu (Trung Quốc) ngày 23/10 cho biết Không quân Hải quân Trung Quốc ngày 20-21/10 tiến hành huấn luyện bắn đạn thật trên không tại vùng biển phía Tây Đảo Hải Nam. Đợt huấn luyện có sự tham gia của gần 100 quân đội hải quân, bắn hơn 10 loạt tên lửa đạn đạo, kiểm tra hiệu quả khả năng chỉ huy, năng lực sử dụng vũ khí thực tế và phối hợp hỗ trợ bộ đội.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien ngày 23/10 nói Lực lượng Tuần duyên bờ biển của Mỹ sẽ đặt các tàu tuần tra phản ứng nhanh (Enhanced Response Cutters) ở Tây Thái Bình Dương cho các nhiệm vụ an ninh biển, với lý do Trung Quốc đánh bắt trái phép và quấy rối tàu thuyền nước khác. Lực lượng Tuần duyên bờ biển của Mỹ dự kiến đánh giá khả năng triển khai loại tàu này ở Samoa thuộc Mỹ ở Nam Thái Bình Dương vào năm tài khóa sau.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 25/10 cho hay, Nhà sản xuất dầu khí ngoài khơi lớn nhất (CNOOC) Trung Quốc gần đây tuyên bố sẽ nâng tỷ trọng khí đốt tự nhiên từ 21% hiện tại lên 50% vào năm 2035 để đóng góp vào mục tiêu trung hòa các-bon quốc gia. CNOOC cho biết họ sẽ tăng cường thăm dò khí đốt tự nhiên ở cả các dự án trong và ngoài nước.

Theo Reuter ngày 26/10, Mỹ và Nhật Bản tiến hành tập trận chung Keen Sword từ ngày 26/10 đến 5/11. Cuộc tập trận diễn ra cả trên bộ, trên biển và trên không, diễn ra 2 năm 1 lần. Năm nay tập trận Keen Sword lần đầu tiên bao gồm cả tác chiến điện tử và không gian mạng. Tướng Nhật Bản Koji Yamazaki cho biết tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản đang ngày càng phức tạp và đây là cơ hội để thể hiện sức mạnh của liên minh Mỹ - Nhật.

Trang mạng RFA ngày 27/10 cho biết tàu hải cảnh và dân quân biển của Trung Quốc đã liên tục xuất hiện trong vùng biển của Việt Nam tại Bãi Tư Chính và Union Banks Biển Đông nhiều tháng qua. Tại Bãi Tư Chính thuộc khu vực quần đảo Trường Sa, hải cảnh Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện liên tục suốt từ tháng 7 đến nay với số ngày được ghi nhận khu vực này là 113 ngày, trừ một vài ngày gián đoạn. Tại Bãi Union Banks (một bãi đá thuộc Trường Sa) nơi cả Trung Quốc và Việt Nam đều có những tiền đồn chỉ cách nhau chưa tới 2 hải lý; các tàu dân quân biển của Trung Quốc đã xuất hiện liên tục tại khu vực bãi này từ tháng Ba, với khoảng từ 4 đến 12 tàu lảng vảng trong suốt 6 tháng qua. Bên cạnh đó, còn có hàng chục tàu cá khác xuất hiện trong khu vực Union Banks, theo thống kê có khoảng hơn 100 tàu cá và các tàu không xác định khác được phát hiện Union Banks trong ngày 26/9.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Trong chuyến thăm chính thức Indonesia, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 21/10 đã bác bỏ lo ngại của Trung Quốc về “một phiên bản NATO Ấn Độ - Thái Bình Dương”; mong muốn nhìn thấy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với trật tự dựa trên luật lệ, tự do và cởi mở.

Ứng cử viên Tổng thống Joe Biden ngày 22/10 trong cuộc tranh luận bầu cử Tổng thống cuối cùng khẳng định Mỹ sẽ cho máy bay ném bom bay qua Biển Đông nếu Bắc Kinh thiết lập Vùng cấm bay ở khu vực tranh chấp. Ông Biden chỉ trích Tổng thống Trump đã có cách tiếp cận “khá nhẹ nhàng” với Trung Quốc và khẳng định sẽ buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

Theo hãng tin Reuters ngày 22/10, Ấn Độ đang gần đạt đến một thỏa thuận Hiệp định Trao đổi Thông tin cơ bản về Hợp tác không gian địa lý với Mỹ. Mỹ và Ấn Độ sẽ thông báo về thỏa thuận này trong chuyến thăm sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper với người đồng cấp Ấn Độ. Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, Hiệp ước này sẽ mang lại cho Ấn Độ quyền tiếp cận dữ liệu địa hình, hàng hải và hàng không và cho phép Mỹ mang lại sự trợ giúp hiện đại về hoa tiêu hàng hải và điện tử hàng không đối với các máy bay của Mỹ cung cấp cho Ấn Độ.

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga và Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương Philip Davidson ngày 22/10 bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các hành vi trên biển của Trung Quốc. Hai bên “phản đối mạnh mẽ các hành vi đơn phương tại Biển Hoa Đông và Biển Đông nhằm mục tiêu tiếp tục và đẩy nhanh tham vọng thay đổi nguyên trạng”. Thủ tướng Nhật cũng cho biết mong muốn tăng cường phối hợp và hợp tác trong việc nâng cao năng lực răn đe và năng lực phản ứng của quan hệ đồng minh hai nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto ngày 23/10 đã thăm chính thức Mỹ sau hai thập kỷ bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ với cáo buộc nghi ngờ có liên quan đến vi phạm về nhân quyền. Trong hội đàm với người đồng cấp Mark Esper tại Washington DC, hai bên thảo luận về an ninh hàng hải trong khu vực, các ưu tiên quốc phòng song phương và mua bán vũ khí. Hiện vẫn chưa có thông báo chính thức về bất kỳ thỏa thuận vũ khí nào với Lầu Năm Góc, mặc dù Indonesia đã tỏ quan tâm đến một số hệ thống vũ khí do Mỹ sản xuất như máy bay trực thăng hạng nặng CH-47 Chinook, máy bay MV-22 Osprey hoặc máy bay chiến đấu phản lực hạng nhẹ F-16 Fighting Falcon.

Theo VOV ngày 23/10tại buổi họp báo mới đâyphát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Teukur Faizasyah đã khẳng định lập trường trung lập của Indonesia: “Indonesia có quan hệ song phương hữu nghị và tốt đẹp với Mỹ và Trung Quốc. Cả hai đều là đối tác chiến lược của Indonesia”. Phát ngôn của ông Teukur Faizasyah được đưa ra khi được hỏi về việc Tổng thống Indonesia từ chối yêu cầu của Mỹ cho phép máy bay trinh thám P-8 Poseido hạ cánh và tiếp nhiên liệu tại nước này.

Marc Knapper (Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Hàn Quốc và Nhật Bản) ngày 24/10 phát biểu tại Diễn đàn Núi Phú Sĩ, nói rằng nhóm Quad hiện chưa có ý định mời thêm thành viên mới, nhưng khi nhóm đã xác định được định hướng chính sách của mình thì có thể “sẽ mở rộng” vì Quad không phải “tổ chức khép kín”. Ông nói các hành động gây hấn của Trung Quốc đã khiến khu vực phải đứng trước sự lựa chọn giữa một bên là trật tự dựa theo các quy tắc, luật pháp quốc tế, minh bạch, và một bên là sự độc tài.

Theo Wall Street Journal ngày 25/10, về việc Mỹ và Ấn Đ dự kiến ký hiệp định về thông tin vệ tinh, các quan chức Ấn Đ không khẳng định hai nước sẽ chính thức ký kết theo kế hoạch, nhưng cho biết đây là tiến triển lớn trong quan hệ song phương và hiệp định sẽ giúp tăng cường chia sẻ thông tin về không gian địa lý giữa quân đội hai nước. Hiệp định sẽ giúp Ấn Độ tiếp cận các hình ảnh vệ tinh và bản đồ của Mỹ, củng cố tính chính xác của các loại vũ khí, tên lửa không người lái. Trong bối cảnh căng thẳng biên giới với Trung Quốc hiện nay, hiệp định này càng có ý nghĩa quan trọng với Ấn Độ.

Trong chuyến thăm của BTQP Mỹ Mark Esper dự Đối thoại Bộ trưởng 2+2 Mỹ-Ấn ngày 27/7 tại Ấn Độ, hai bên đã ký kết 5 thỏa thuận, đáng chú ý là 2 thỏa thuận quan trọng liên quan đến hợp tác quốc phòng và công nghệ: (i) Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi cơ bản (BECA) giữa hai BQP; (ii) MoU Hợp tác công nghệ về Quan sát trái đất và Khoa học trái đất giữa Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ và Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 27/10 phản ứng lại hành động bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan, cho rằng điều này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc và ba thông cáo chung giữa Trung Quốc và Mỹ, can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc, phá hoại nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, đồng thời phá hoại nghiêm trọng quan hệ quân sự Trung-Mỹ, phá hoại hòa bình ổn định trên khắp eo biển Đài Loan. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này và đã có. Cho rằng vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, Trung Quốc không cho phép bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân ngày 27/10 cho rằng vụ việc bán vũ khí cho Đài Loan đã gửi thông điệp sai lầm về việc “Đài Loan độc lập”, Trung Quốc thúc giục Mỹ tôn trọng các quy định trong thông cáo chung Trung Mỹ, chấm dứt hành động bán vũ khí và quan hệ quân sự Mỹ - Đài Loan, từ bỏ các kế hoạch bãn vũ khí cho Đài Loan, tránh gây tổn hại quan hệ Trung Mỹ và hòa bình ổn định của eo biển Đài Loan.

Góc nhìn quốc tế

+ Trung Quốc:

Học giả Chen Xiangmiao (Viện Nghiên cứu Nam Hải) ngày 24/10 cho biết nếu Philippines thực hiện kế hoạch triển khai dân quân biển tại Biển Đông sẽ làm gia tăng nguy cơ đụng độ giữa lực lượng phi quân sự của các nước tại đây; cho rằng động thái của Philippines có thể nhằm phản ứng trước tình hình căng thẳng trên biển thời gian qua cũng như xuất phát từ áp lực nội bộ ở trong nước trong việc bảo vệ ngư dân. Xung đột giữa các lực lượng dân quân hoặc phi quân sự khác giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể sẽ gia tăng. Với di sản “chiến tranh nhân dân” và chiến tranh du kích, Bắc Kinh và Hà Nội đều có lịch sử lâu đời về lực lượng dân quân biển và giỏi huy động ngư dân và tàu thuyền của mình tham gia các hoạt động nhằm khẳng định yêu sách ở Biển Đông.

Học giả Ngô Sĩ Tồn (Viện Nghiên cứu Nam Hải) ngày 26/10 cảnh cáo tình hình quản trị biển đang “đi ngược lại xu hướng toàn cầu hóa”. Từ cuối thế kỷ 20, yêu cầu tìm kiếm tài nguyên biển của con người đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái biển. Chủ nghĩa "chống toàn cầu hóa" và chủ nghĩa đơn phương ngày càng phổ biến ở Mỹ và các nước phương Tây khác đang khiến hệ thống quản trị đại dương toàn cầu được thiết lập sau Thế chiến thứ hai đối mặt với những cuộc khủng hoảng chưa từng có làm cho hợp tác quản trị biển giữa các quốc gia và khu vực trở nên khó khăn hơn và đầy biến động. Những thách thức chính là: (i) Trào lưu tư tưởng chống toàn cầu hóa đang lan rộng từ Mỹ sang Châu Âu và thậm chí nhiều quốc gia và khu vực khác trên thế giới, xu thế chống toàn cầu hóa trong lĩnh vực biển đã hạn chế thiện chí và động lực hợp tác biển toàn cầu; (ii) Tranh chấp biển và cạnh tranh địa chính trị đã khiến cho sự hợp tác giữa các nước ngày càng trở nên khó khăn. 

+ Châu Âu - Mỹ:

Học giả Mỹ (22/10) Michael O’Hanlon (Viện Brookings) nhận định Mỹ vẫn có lợi thế hơn Trung Quốc về năng lực quân sự. Tàu của Mỹ lớn hơn và có năng lực hơn tàu Trung Quốc. Mỹ đang vượt xa Trung Quốc về sức mạnh không quân dựa trên tàu sân bay cũng như chất lượng và số lượng tàu ngầm tấn công tầm xa, mặc dù Trung Quốc có một lực lượng đáng kể tàu ngầm tấn công tầm ngắn chạy bằng diesel. Greg Poling (CSIS) cho rằng, Biển Đông không thực sự là một vấn đề quân sự và không có giải pháp quân sự. Tất cả các khoản đầu tư quân sự sẽ không hiệu quả nếu Mỹ không áp đặt đủ chi phí ngoại giao và kinh tế để thay đổi hành vi của Trung Quốc. Mỹ vẫn cần duy trì lợi thế công nghệ trong ít nhất hai thập kỷ tới.

James Kraska (Học viện Hải chiến Mỹ) ngày 22/10 dự báo nếu Biden trúng cử, cách tiếp cận của ông Biden đối với Trung Quốc và vấn đề Biển Đông sẽ cứng rắn hơn, nhưng sẽ khác biệt về phong cách và bản chất so với cách tiếp cận của Tổng thống Trump. Biển Đông vẫn là tâm điểm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của bất kỳ đảng nào và quan hệ với Trung Quốc là chìa khóa giải mã chính sách khu vực của Mỹ trong mọi thời kỳ. Phần lớn những nội dung cơ bản trong cách tiếp cận hiện tại với Trung Quốc được cho là sẽ được duy trì dưới thời ông Biden. Chính quyền ông Biden chắc chắn sẽ tiếp tục xây dựng khả năng răn đe đáng tin cậy thông qua sức mạnh quân sự bất đối xứng và các mối quan hệ lâu dài giữa các quốc gia cùng chung chí hướng, với giọng điệu có thể bớt gay gắt hơn so với Chính quyền Tổng thống Trump.

Tờ Eurasian Times ngày 26/10 trích dẫn ý kiến học giả đánh giá quan hệ của các nước khu vực với Mỹ. Các học giả đánh giá Philippines nhiều khả năng sẽ đứng về phía Washington trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, quan hệ tốt đẹp giữa Singapore và Trung Quốc có thể gây ra những khó khăn cho Mỹ, theo Derek Grossman, Viện RAND. “Một số tuyên bố của Singapore gần đây cho thấy nước này ngày càng không thoải mái với hành vi của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông nói. Một số nước khác, như Ấn Độ và khối ASEAN, sẽ duy trì vị trí trung lập trong cạnh tranh Mỹ - Trung.

+ Các nước khác:

Pratnashree Basu (ORF) ngày 21/10 cho rằng với vị trí chiến lược quan trọng, kiên quyết trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các quốc gia bộ Tứ trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Hai Thủ tướng Nhật Bản là Abe và Suga đều chọn Việt Nam là quốc gia đầu tuyên trong chuyến công du nước ngoài. Chuyến thăm của thủ tướng Suga đã nhất trí về mặt nguyên tắc cung cấp cho Việt Nam công nghệ và thiết bị quân sự. Chuyến thăm của Tổng thống Obama 2016 đã gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí và quân dụng sát thương cho Việt Nam. Lệnh gỡ bỏ này kéo theo các thỏa thuận được tăng cường giữa Việt Nam và Ấn Độ về hợp tác chung sản xuất phần cứng vũ khí và hợp tác an ninh và quốc phòng song phương. Mối quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Úc cũng được tăng cường với loạt chuyến thăm, đối thoại cấp cao, hợp tác về chấp pháp.

SD Pradhan (Chủ tịch Ủy ban tình báo chung - Ban thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Ấn Độ) ngày 22/10 cho rằng, Trung Quốc tích cực sử dụng các biện pháp cưỡng ép kinh tế để tăng cường yêu sách của mình ở Biển Đông. Các công cụ này đều chứa đựng cả “cây gậy và củ cà rốt”. Khi Mỹ phản đối yêu sách của Trung Quốc, nước này hạn chế nhập khẩu hàng hóa Mỹ như đã nhất trí trong thỏa thuận ban đầu. Khi Úc đệ công hàm lên Liên Hợp Quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, đại sứ Trung Quốc và Úc tại Ấn Độ đã có lời qua tiếng lại. Trung Quốc cũng áp đặt các loại thuế lên hàng hóa Úc. Trong sự vụ Shcarborough với Philippines năm 2012, Trung Quốc đã thắt chặt nhập nông sản từ Philippines, đặc biệt là chuối. Nhưng khi Philippines dưới thời Duterte gạt phán quyết sang một bên, Trung Quốc liền cam kết đưa ra các thỏa thuận trị giá 13,5 tỉ USD. Đối với Việt Nam, Trung Quốc đã gây áp lực lên các tập đoàn dầu khí hợp tác với Việt Nam, quấy nhiễu hoạt động thăm dò và thậm chí là cắt cáp các tàu khảo sát.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn