Bản tin tuần Biển Đông (ngày 28.4 - 4.5.2023)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Ngày 1-12/5, Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ (PACAF) cho biết Mỹ - Philippines sẽ tổ chức tập trận không quân Cope Thunder - Philippines với nội dung huấn luyện máy bay chiến đấu, tăng cường khả năng kết hợp tác chiến giữa hai nước này. Đây là cuộc tập trận Cope Thunder đầu tiên được tổ chức kể từ 1990.

Ngày 2-8/5, Diễn tập Hàng hải ASEAN-Ấn Độ (AIME-2023) khai mạc ngoài khơi Singapore. Ấn Độ cử 2 tàu chiến NS Delhi và INS Satpura trong ASEAN có 8 tàu chiến từ các nước (Lào và Campuchia chỉ cử sĩ quan tham gia). Cuộc tập trận gồm 02 giai đoạn: Tại cảng Singapore trong ngày 2-4/5 và trên Biển Đông từ 7-8/5. AIME 2023 giúp Hải quân Ấn Độ và Hải quân các nước ASEAN tăng cường hiểu biết và hợp tác trên biển. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ - ASEAN diễn tập chung.

Từ 8-15/5, Mỹ - Thái Lan tổ chức tập trận Huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển song phương lần thứ 29 (CARAT 2023) tại Sattahip, Thái Lan. Cuộc tập trận CARAT 2023 nhằm duy trì và củng cố quan hệ đối tác biển, tăng cường khả năng phối hợp giữa lực lượng hải quân hai nước và thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực.

Cảnh sát biển của Philippines tuần tra Biển Đông từ ngày 18-24/4 phát hiện hơn 100 tàu Trung Quốc. Phát ngôn viên Jay Tarriela của Lực lượng cảnh sát Philippines cho hay, “PCG đã đệ trình một báo cáo lên Lực lượng Đặc nhiệm Biển Tây Philippines, thông báo sự hiện diện của một tàu chiến Trung Quốc, các tàu dân binh, cũng như các hành động quyết đoan của hải cảnh Trung Quốc đối với các tàu Philippines”.

Ngày 28/4, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ thông báo tàu sân bay USS Ronald Reagan sẽ được thay thế bằng tàu sân bay USS George Washington. Tàu George Washington được triển khai tới căn cứ Yokosuka, Nhật Bản vào năm 2024, là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên được triển khai tiền phương tới Nhật Bản vào năm 2008. Thay đổi này được coi là một phần của việc củng cố lực lượng và chuyển dịch chiến lược của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Ngày 28/4, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết máy bay trinh sát và tuần tra biển P-8A Poseidon của Mỹ bay qua eo biển Đài Loan, đồng thời khẳng định đây là hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ quyền và tự do hàng hải của tất cả các nước. Đây là lần thứ 2 Mỹ ra thông báo về việc đưa máy bay P-8A Poseidon qua eo biển Đài Loan trong năm 2023.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Ngày 28/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Ma. Teresita Daza cho biết Philippines đang điều tra hành vi tàu cảnh sát biển Trung Quốc gần va chạm với tàu cảnh sát biển của Philippines ở khu vực gần Bãi Cỏ Mây. Chính phủ Philippines cho hay sẽ có hành động ngoại giao phù hợp đối với"các hành động xâm nhập bất hợp pháp này trong bối cảnh Trung Quốc có nhiều hành động quyết đoán trên biển.

Ngày 29/4, Bộ Ngoại giao Mỹ lần thứ 2 ra tuyên bố ủng hộ Philippines ở Biển Đông trong năm 2023. Theo đó, Mỹ: (i) chỉ trích các hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đối với các tàu Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành vi khiêu khích và không an toàn; (ii) tái khẳng định cam kết bất kỳ cuộc tấn công nhằm vào cảnh sát biển Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước; (iii) Mỹ và Philippines tiếp tục thúc đẩy hợp tác và mở rộng trong tương lai ở Biển Đông.

Ngày 1/5, Kyodo News (Nhật Bản) đưa tin Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến diễn ra tại Hiroshima ngày 14/5 nhằm thảo luận về các vấn đề bảo vệ an ninh và đối phó với các mối đe dọa trong khu vực, bao gồm chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Cuộc họp được coi là một bước tiến trong việc củng cố quan hệ giữa ba quốc gia trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh từ Triều Tiên và Trung Quốc đang gia tăng.

Ngày 1/5, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan phát biểu tại cuộc đối thoại cấp Bộ trưởng Úc - Singapore lần thứ 13, khẳng định: Đối với Singapore và Úc, thế giới lý tưởng là một thế giới trong đó Mỹ và Trung Quốc đạt được tạm ước về thể chế dựa trên luật lệ. Sự cân bằng quyền lực ở Đồng Nam Á giúp tối đa hóa các lựa chọn cho các nước và Đông Nam Á không phải vũ đài cho các chiến tranh ủy nhiệm.

Ngày 2/5, Philippines - Brunei đã tổ chức cuộc gặp mặt thảo luận về kế hoạch “đối thoại quân đội” với Singapore vào năm 2024 nhằm tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng với các quốc gia thành viên ASEAN. Nội dung thảo luận gồm hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và trao đổi thông tin. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường quan hệ quân sự và nâng cao khả năng đối phó với các thách thức an ninh ở khu vực.

Ngày 3/5, Philippines - Mỹ công bố bản Hướng dẫn quốc phòng song phương trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Philippines, với mục tiêu hiện đại hoá hợp tác liên minh, phục vụ cho tầm nhìn chung Mỹ - Philippines về khu vực Ấn - Thái tự do và rộng mở. Bản hướng dẫn đặt ra 04 mục tiêu cụ thể và 05 biện pháp triển khai nhằm tăng cường khả năng răn đe tích hợp và phối hợp tác chiến trước các thách thức đa không gian, bao gồm chiến thuật “vùng xám”.

Ngày 3/5, Nikki Asia đưa tin NATO lên kế hoạch mở văn phòng liên lạc tại Tokyo, cho phép tham vấn định kỳ với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO. Đây là một phần của chiến lược mở rộng khu vực ảnh hưởng của NATO và tăng cường quan hệ an ninh Nhật Bản - NATO. Đồng thời, NATO cũng có các văn phòng liên lạc tương tự tại Liên Hợp Quốc ở New York, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu ở Vienna.

Ngày 4/5, Tổng thống Philippines Marcos phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đề cập về các vấn đề như quan hệ Philippines - Trung Quốc về Biển Đông, biến đổi khí hậu, kinh tế, cải cách tại Philippines. Ông nhấn mạnh Philippines không nên trở thành một quốc gia phụ thuộc vào Trung Quốc và đang cố gắng mở rộng quan hệ với các đối tác quốc tế khác để đảm bảo an ninh và phát triển của đất nước. Ông Marcos khẳng định các căn cứ quân sự mới của Mỹ ở Philippines nhằm phục vụ cứu trợ thiên tai, không phục vụ mục đích tấn công nước nào.