Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc tiếp tục triển khai chiến đấu cơ tới Hoàng Sa. Hình ảnh vệ tinh của ImageSat chụp ngày 7/4 và đã được các quan chức quốc phòng Mỹ xác thực, cho thấy quân đội Trung Quốc đã triển khai 2 máy bay chiến đấu J - 11 tới đảo Phú Lâm. Hình ảnh cũng cho thấy một hệ thống radar điều khiển hỏa lực mới cũng được thiết lập tại đây và sẽ giúp hệ thống tên lửa đất đối không Trung Quốc triển khai hồi tháng 2 hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, có thể thấy 4 trên 8 bệ phóng tên lửa ở phía Đông đảo Phú Lâm đã ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, tiêm kích J - 11 của Trung Quốc còn được biết đến với tên “ Flankers “ được đưa vào hoạt động từ năm 1998. Đây là một phiên bản sửa đổi của loại tiêm kích Nga Sukhoi Su - 27, tương đương với tiêm kích F - 15 của không quân Mỹ hoặc F/A - 18 Hornet của hải quân Mỹ. Hôm 13/4, một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết Trung Quốc ngày 7/4 đã điều tới 16 chiến đấu cơ J-11 ra đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. Việc triển số lượng lớn J-11 ra Phú Lâm lần này là chưa từng có tiền lệ.

Trung Quốc tiến hành tuần tra trái phép ở Biển Đông. Tàu “Hải Tuần 21” hôm 11/4 đã rời căn cứ Hải Khẩu tới khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa để thực hiện tuần tra chấp pháp. Tàu chở hơn 20 nhân viên của Cục hải sự Hải Khẩu và Cục hải sự của Tam Sa sẽ lần lượt tới nhóm đảo Lưỡi Liềm, đảo Bắc, đảo Linh Côn, đảo Phú Lâm và 7 đảo liền kề thuộc nhóm An Vĩnh. Chuyến đi kéo dài 5 ngày này có tổng hành trình khoảng 730 hải lý. Trong lần tuần tra này, “Hải Tuần 21” còn thực hiện một loạt các hành động phi pháp khác như kiểm tra tình hình hoạt động du lịch biển tại Hoàng Sa; kiểm tra các tàu thuyền và ô nhiễm môi trường biển; kiểm tra các công trình thi công trên mặt biển và xem xét các căn cứ tránh gió tại Hoàng Sa; đánh giá tính năng hiệu quả các thiết bị phao tiêu và Trạm nhận diện tự động (AIS).

Trung Quốc tức giận trước tuyên bố của G7 về Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 11/4, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng tuyên bố: “Nếu G7 muốn phát huy ảnh hưởng đối với cộng đồng quốc tế thì cần có quan điểm hướng tới sự thật và giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan tâm hơn. Nếu G7 bị một quốc gia nào đó giật dây vì lợi ích riêng, điều này sẽ không có lợi cho sức mạnh, chức năng và tương lai phát triển của bản thân G7.” Về thông tin Philippines đã chở vật liệu xây dựng tới đảo Thị Tứ và dự định nâng cấp sân bay trên đảo, ông Lục hôm 12/4 cho hay, “Trung Quốc một lần nữa thúc giục Philippines tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và các quyền, lợi ích của Trung Quốc, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế cũng như DOC, quay trở lại con đường đúng đắn là giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương trong một ngày gần đây.” Về tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Nga về vấn đề Biển Đông, ông Lục hôm 13/4 tuyên bố: “Trung Quốc đánh giá cao quan điểm của Nga. Bất kỳ cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào quan tâm đến hòa bình ổn định của khu vực Biển Đông cần ủng hộ Trung Quốc và các nước liên quan trực tiếp, giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, luật pháp quốc tế, các thỏa thuận song phương đã đạt được và DOC. Các quốc gia, tổ chức ngoài khu vực có những hành động thổi phồng vấn đề, gây căng thẳng khu vực sẽ không lợi ích gì.” Theo ông Lục, “khi G7 đưa ra tuyên bố chung, Trung Quốc cho rằng một phần trong tuyên bố đó là không chính xác nên Bắc Kinh cần phải làm rõ quan điểm của mình. Do đó, chúng tôi đã triệu tập các đại diện ngoại giao của các nước liên quan, bày tỏ quan điểm của Trung Quốc về vấn đề này”. Cũng trong hôm 13/4, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố: “Bất kể Mỹ hay Nhật Bản có thổi phồng vấn đề Biển Đông thì vấn đề này không liên quan đến hai nước này. Tranh chấp Biển Đông cần giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp.” Về vụ kiện trọng tài của Philippines, ông Lưu khẳng định Philippines cần quay lại con đường đàm phán song phương và Trung Quốc không chấp nhận hay tham gia vụ kiện.

Trung Quốc chỉ trích Mỹ - Philippines tăng cường hợp tác quân sự. Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 14/4 tuyên bố: “Các tuần tra chung giữa Mỹ và Philippines ở Biển Đông đang quân sự hóa khu vực, không có lợi cho hòa bình và sự ổn định của khu vực. Quân đội Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao tình hình, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích biển của mình. Việc Mỹ và Philippines tăng cường hoạt động quân sự tập trận cho thấy tâm lý thời chiến tranh lạnh”. Tiếp đó hôm 17/4, Bộ này cho biết một máy bay tuần tra của hải quân làm nhiệm vụ đã được lệnh chuyển hướng đến đá Chữ Thập vào sáng qua 17/4 để đưa 3 công nhân xây dựng đến bệnh viện ở thành phố Tam Á thuộc đảo Hải Nam.

Tướng Trung Quốc thị sát phi pháp ở Biển Đông. Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 15/4 thông báo Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long gần đây đã “tới thăm binh sĩ, công nhân xây dựng và thị sát hoạt động xây dựng” trên các đảo và đá Bắc Kinh chiếm đóng ở Biển Đông. Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, hoạt động xây dựng, các hải đăng, trạm thời tiết tự đng và các cơ sở nghiên cứu và quan sát đại dương, đang diễn ra thuận lợi. Thông báo không tiết lộ ông Phạm đã tới những đảo và đá nào.

Đài Loan đưa học giả quốc tế thăm trái phép đảo Ba Bình. Một nhóm học giả và chuyên gia về luật pháp quốc tế và khoa học chính trị của Đài Loan và quốc tế đã có chuyến thăm tới đảo Ba Bình hôm 15/4. Chuyến thăm 1 ngày này diễn ra bên lề hội thảo quốc tế do trường Đại học luật Soochow (Đài Loan) tổ chức ở Đài Bắc hôm 14/4. Các học giả được tham quan giếng nước, nông trại, bệnh viện, hệ thống điện năng lượng mặt trời, cầu cảng và 1 ngôi đền được mời uống thử nước lấy từ giếng trên đảo.  Chuyến đi được chính quyền Đài Loan tổ chức với mục đích khẳng định Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, là một hòn đảo chứ không phải bãi đá.

Trung Quốc nâng cao mức độ tập trận ở Biển Đông. Tờ PLA Daily hôm 17/4 cho hay Hạm đội Nam Hải đang diễn tập quân sự ở Biển Đông với cường độ nâng cao để sát với điều kiện tác chiến thực. Chỉ huy đơn vị diễn tập cho hay kịch bản diễn tập phải phức tạp, môi trường tác chiến phải giống thật, kẻ thù phải nguy hiểm hơn, để hải quân và không quân nước này bám sát với yêu cầu tác chiến thực. Hoạt động này bắt đầu từ ngày 7/4. Trước đó, hạm đội Nam Hải cũng đã diễn tập trong mọi điều kiện thời tiết, diễn tập ở tầm thấp, tốc độ cao, tầm nhìn hạn chế để rèn luyện phi công.

+ Việt Nam:

Việt Nam hoan nghênh tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng G7. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 14/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam hoan nghênh tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) về vấn đề an ninh, theo mục tiêu chung là đảm bảo an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, an ninh biển và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982. Việt Nam đề nghị các bên có những đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.” Trước phát biểu gần đây của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về Biển Đông, Người Phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: “Đối với những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương. Đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác ví dụ như vấn đề quần đảo Trường Sa thì không thể chỉ giải quyết song phương mà phải có sự tham gia của các bên liên quan. Đối với các vấn đề liên quan cả đến các nước ngoài khu vực, ví dụ như vấn đề an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không thì phải được bàn bạc và giải quyết với tất cả các nước có chung lợi ích và có chung mối quan tâm.” Về thông tin Trung Quốc triển khai 16 máy bay chiến đấu J-11 đến quần đảo Hoàng Sa, ông Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa; đưa các máy bay chiển đấu ra khỏi khu vực này và không tái diễn các hành động tương tự.

+ Philippines:

Philippines lo ngại Trung Quốc xây dựng thêm đảo nhân tạo ở Trường Sa. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 12/4, Đại sứ Philippines tại Mỹ ông Jose Cuisia Jr. bày tỏ quan ngại sự xuất hiện của tàu khảo sát Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough có thể mở màn cho việc Trung Quốc tiếp tục bồi đắp. Theo ông Cuisia, bất cứ nỗ lực nào nhằm bồi đắp khu vực bãi cạn Scarborough sẽ “mang tính khiêu khích” và “làm gia tăng căng thẳng và xung đột” trong khu vực tranh chấp. Ông Jose Cuisia Jr. cũng thừa nhận Philippines không đủ khả năng để ngăn chặn Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở bãi cạn này, “Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ và các quốc gia khác sẽ thuyết phục Trung Quốc không làm như vậy.”

+ Indonesia:

Tổng thống Indonesia kêu gọi đoàn kết giữa các lực lượng trên biển. Ngày 12/4 tại Padang đã diễn ra Lễ khai mạc cuộc tập trận hải quân Komodo 2016. Cuộc tập trận có sự tham gia của Hải quân Indonesia với 11 tàu chiến cùng với 20 tàu chiến từ 16 quốc gia gồm cả Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Nga, Trung Quốc, Úc và Mỹ, cùng với 11 tàu từ các tổ chức khác. Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Indonesia Jokowi tuyên bố: “Hoạt động đơn lẻ của mỗi quốc gia sẽ không lại kết quả tốt nhất. Chúng ta cần xây dựng hợp tác giữa các nước, đặc bit giữa các lực lượng hải quân ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Chúng ta cần đoàn kết trên biển và duy trì hoạt động hợp tác.”

+ Mỹ:

Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu tại Hội đồng Thái Bình Dương về chính sách quốc tế ở Los Angeles hôm 12/4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, “Trung Quốc đang quyết tâm và có hàng loạt hành động đơn phương khẳng định yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp, nhưng chúng ta phải có quan điểm rằng mọi tranh chấp không thể giải quyết bằng hành động đơn phương, quân sự hóa mà phải thông qua con đường ngoại giao, và đàm phán”. Về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Kerry cho hay, “Nếu chúng ta không tiến lên phía trước và định hình chương trình nghị sự thì người khác sẽ sẵn sàng lấp đầy khoảng trống theo xu hướng nguy hiểm với các tiêu chuẩn thấp, thậm chí không có tiêu chuẩn, không có trách nhiệm, không minh bạch, không có khả năng thực thi, và không theo quy định pháp quyền. Trung Quốc đang hoàn thành phiên bản TPP của riêng mình, ràng buộc thị trường nước này với 16 quốc gia, từ Ấn Độ đến Nhật Bản”.

+ New Zealand:

New Zealand dự kiến tham gia tập trận trên Biển Đông. Cuộc tập trận Bersama Shield do Malaysia chủ trì sẽ diễn ra từ ngày 17 - 29/4 tại Biển Đông. Đây là cuộc tập trận trong khuôn khổ Thỏa thuận quốc phòng ngũ cường gồm Úc, New Zealand, Malaysia, Singapore và Anh. Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee cho biết, “không có gì là khiêu khích khi New Zealand tham gia vào một cuộc tập trận ở Biển Đông”. Trong khi đó, Thiếu tướng Tim Gall, Tư lệnh Lực lượng phối hợp của New Zealand cho biết nước này sẽ cử máy bay do thám P - 3K2 Orion và một lực lượng gồm 38 người tới Bersama Shield, “Sự tham gia của chúng tôi nhằm tăng cường khả năng phối hợp với các nước đối tác trong khu vực Đông Nam Á. Điều này cũng phản ánh cam kết lâu dài của chúng tôi trong khu vực”.

+ Fiji:

Fiji đính chính thông tin ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông. Sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Fiji Ratu Inoke Kubuabola và người đồng cấp Vương Nghị ở Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 13/4 đã ra tuyên bố khẳng định Fiji ủng hộ lập trường Trung Quốc trong vấn đề  Biển Đông. Chính phủ Fiji ngay sau đó đã khẳng định tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc diễn giải sai quan điểm của đảo quốc này. Theo đó, Fiji theo đuổi chính sách không liên kết, đồng thời duy trì mối quan hệ hữu nghị với tất cả các quốc gia tiếp giáp Biển Đông. Fiji ủng hộ việc tuân thủ nghiêm ngặt và thực thi luật quốc tế, đồng thời kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.

+ Nga:

Ngoại trưởng Nga đưa ra lập trường về Biển Đông. Trả lời cuộc trả lời phỏng vấn chung với truyền thông Trung Quốc, Nhật Bản và Mông Cổ hôm 12/4 tại Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết thông qua đối thoại và cần chấm dứt các nỗ lực quốc tế hoá vấn đề, “Tôi cho rằng các quốc gia liên quan trực tiếp đến tranh chấp cần tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, đồng thời tiếp tục các giải pháp ngoại giao và chính trị mà các bên đều có thể nhập được.” Theo ông Lavrov, việc quốc tế hoá vấn đề Biển Đông là phản tác dụng, chỉ thông qua đàm phán, cách mà Trung Quốc và các nước ASEAN đang theo đuổi, thì mới có thể đem đến một kết quả mong muốn, cùng chấp nhận được.” Trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Mông Cổ ở Ulan-Bator hôm 14/4, khi được hỏi về quan điểm của Nga đối với vụ kiện của Philippines ở Biển Đông, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho hay, “Quan điểm của Nga là muốn thấy tranh chấp được giải quyết trực tiếp giữa các bên liên quan thông qua phương thức ngoại giao và chính trị, mà không có sự can thiệp của bên thứ ba hoặc các nỗ lực quốc tế hóa vấn đề. Đáng tiếc những nỗ lực này đang diễn ra ở các diễn đàn đa phương trong khu vực. Xu hướng này đang chiếm ưu thế mặc dù đang cho thấy là phản tác dụng. Các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán trực tiếp.”

Quan hệ các nước

Hội nghị Ngoại trưởng G7 phản đối hành động khiêu khích ở Biển Đông. Tuyên bố của các ngoại trưởng G7 hôm 11/4 nhấn mạnh vùng biển mở và tự do là nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng của thế giới. Tuyên bố có đoạn: “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự biển dựa trên các nguyên tắc phổ quát của luật pháp quốc tế, bao gồm trong UNCLOS. Chúng tôi khẳng định cam kết đối với tự do hàng không, hàng hải và quyền sử dụng hợp pháp các vùng biển cả, vùng đặc quyền kinh tế cũng như các quyền liên quan. Chúng tôi kêu gọi các bên giải quyết hòa bình tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm phương thức trọng tài, đồng thời hoàn toàn chấp hành các phán quyết của tòa trọng tài liên quan. Các Ngoại trưởng cũng bày tỏ sự quan ngại về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông; phản đối các hành động hăm dọa, cưỡng ép, đơn phương khiêu khích làm thay đổi nguyên trạng; thúc giục các bên kiềm chế hành động cải tạo quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn cũng như sử dụng cho mục đích quân sự.

Việt Nam - Philippines tái khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế. Chiều ngày 11/4, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines ông Jose Rene Almendras nhân dịp ông có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam. Tại buổi hội đàm, hai bên đã trao đổi các biện pháp triển khai nội hàm quan hệ Đối tác chiến lược (thiết lập tháng 11/2015), nhất là trong năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1976-2016). Trước diễn biến phức tạp ở Biển Đông, hai bên đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC, kiềm chế không có các hành động làm phức tạp tình hình, không sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực và đẩy mạnh đàm phán thực chất để sớm đạt được COC. Hai bên nhấn mạnh vai trò quan trọng của ASEAN trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Mỹ - Ấn tăng cường hợp tác đảm bảo an ninh khu vực. Trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ, ngày 12/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar. Tại cuộc họp báo sau đó, hai nước tuyên bố đã đạt được thoả thuận về mặt nguyên tắc đối với việc chia sẻ cơ sở hậu cần quân sự.  Hai bên cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn và tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, bao gồm ở Biển Đông; bày tỏ sự ủng hộ một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế; đồng thời nhấn mạnh cam kết hợp tác cùng nhau và với các quốc gia khác để đảm bảo an ninh và ổn định, đem lại lợi ích của Châu Á - Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ nữa.” Ngoài ra, hai nước đang thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thiết kế và phát triển công nghệ tàu sân bay.

Hai chiến hạm Nhật Bản thăm Việt Nam. Chiến hạm Ariake (DD109) và Setogiri (DD156) thuộc Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản ngày 12/4 đã tiến vào cảng Cam Ranh, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị Việt Nam trong 4 ngày. Việc cập cảng Cam Ranh lần này của tàu Nhật Bản đã được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani thỏa thuận nhân chuyến thăm Việt Nam của ông Nakatani vào tháng 11 năm ngoái. Trước đó, hai tàu này cũng đã ghé qua cảng của Philippines. Theo tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên tàu Hải quân Nhật Bản cập cảng Cam Ranh. 

Việt - Anh chia sẻ quan điểm về vấn đề Biển Đông. Ngày 12/4 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh Philip Hammond đã họp báo về những kết quả đạt được tại hội đàm song phương diễn ra vào sáng 12/4. Về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, “Chúng tôi cho rằng, mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ UNCLOS 1982, DOC và phấn đấu sớm có COC ở Biển Đông.” Về phần mình, Ngoại trưởng Philip Hammond cho biết: “Vương quốc Anh có lợi ích quốc gia to lớn trong việc duy trì, đảm bảo ổn định và an ninh trong khu vực. Lập trường vững vàng của Anh là các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cần phải được giải quyết phù hợp với các nguyên tắc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Các bên có liên quan không nên đe dọa hay sử dụng vũ lực và có các hành động đơn phương như triển khai lực lượng quân sự, vũ khí quân sự tại những vùng biển đang tranh chấp”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Philippines. Ngày 13/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đến Philippines, trong bối cảnh Philippines cho phép quân đội tiếp cận 5 căn cứ của nước này. Ông Carter cho biết trong tương lai số căn cứ Mỹ được sử dụng có thể tăng lên. Được biết, năm 2016, Mỹ đã cung cấp cho Philippines khoảng 40 triệu USD trong gói 425 triệu USD cho 5 năm, thuộc khuôn khổ Sáng kiến An ninh Biển. Số tiền này sẽ được sử dụng để đào tạo nhân viên của Trung tâm giám sát biển Philippines và cho phép việc chia sẻ thông tin giữa 2 nước cũng như mua sắm các loại cảm biến tốt hơn cho tàu tuần tra của Philippines. Bộ trưởng Carter cho biết cuộc tuần tra chung trên Biển Đông giữa hai nước được thực hiện hồi tháng trước và cuộc tuần tra thứ hai vừa được hoàn tất vào đầu tháng Tư này. Hôm 15/4, Bộ trưởng Quốc phòng Carter và người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin đã có chuyến thăm tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis đang hiện diện ở Biển Đông. Phát biểu trong chuyến thăm này, ông Carter khẳng định: “Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.”

Philippines - Singapore thảo luận về vấn đề Biển Đông. Trong chuyến thăm Singapore, Ngoại trưởng Philippines Rene Almendras hôm 13/4 đã có cuộc gặp người đồng cấp Singapore Vivian Balakrishnan. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philipines cho biết, “Ngoại trưởng hai nước khẳng định, với tư cách là nước không có yêu sách, lợi ích chính của Singapore là đảm bảo giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp, đảm bảo tự do hàng hải và các hoạt động thương mại tự do, không bị cản trở ở khu vực Biển Đông”. Hai Ngoại trưởng khẳng định khi thảo luận và giải quyết các vấn đề khu vực, sự đoàn kết, tính thống nhất và trung tâm của ASEAN là vô cùng quan trọng. Ngoại trưởng Philippines cũng “đánh giá cao vai trò của Singapore với tư cách là điều phối viên quan hệ ASEAN - Trung Quốc”.

Thủ tướng Úc thảo luận về Biển Đông với lãnh đạo Trung Quốc. Phát biểu trước báo giới hôm 15/4 trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho biết cuộc thảo luận giữa ông và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường tối 14/4 rất “thẳng thắn và cởi mở”. Ông Turnbull nhấn mạnh lập trường của Úc là kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh chấp với các nước bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, “Sự tăng trưởng kinh tế đáng chú ý tại khu vực, bao gồm cả chúng tôi và Trung Quốc, dựa trên nền tảng của hòa bình và ổn định. Bất cứ điều gì làm ảnh hưởng đến hai yếu tố này đều coi là đi ngược lại lợi ích của tất cả các quốc gia”. Ông Turnbull cũng cảnh báo giới lãnh đạo Trung Quốc rằng việc quân sự hóa ở Biển Đông đang đe dọa chính các mối quan hệ quốc tế của Trung Quốc.

Việt - Trung thúc đẩy hợp tác biên giới, giải quyết bất đồng. Từ ngày 16-17/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cuộc gặp thường niên với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân trong dịp thăm làm việc tại Việt Nam. Tại cuộc gặp, hai bên cho rằng, trong năm qua, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung về tổng thể tiếp tục tiến triển tích cực. Hai bên cũng trao đổi thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí thúc đẩy các cơ chế đàm phán hiện có đạt tiến triển thực chất, nỗ lực triển khai các dự án hợp tác hai bên đã thỏa thuận. Thứ trưởng Lê Hoài Trung bày tỏ quan ngại sâu sắc của Việt Nam trước tình hình căng thẳng và hệ lụy của những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, đồng thời cũng nhắc lại yêu cầu cần tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nhất là “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc.”

Phân tích và đánh giá

Tranh chấp nghề cá - Nguồn cơn gây căng thẳng ở Biển Đông” của Keith Johnson Dan De Luce

Tranh chấp không dứt tại khu vực Biển Đông lâu nay được cho là nhằm giành giật nguồn dầu và khí đốt khổng lồ dưới đáy biển. Quan điểm này không hoàn toàn chính xác: Đúng là đôi lúc khu vực này có nảy sinh và chạm tranh chấp nguồn tài nguyên, nhưng phần lớn là tranh chấp nghề cá chứ không phải nguồn dầu. Bằng chứng mới nhất là ngày 5/4 vừa qua, Indonesia đã đánh chìm 28 tàu cá của Việt Nam và Malaysia được cho là đánh bắt trộm tại vùng biển nước này. Chỉ trong 2 năm qua, nước này đã hủy hơn 170 tàu cá của các nước. Hành động này làm nổi cộm vấn đề nghề cá trong tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông: một vấn đề đang khiến cho Biển Đông có thể trở thành điểm nóng xung đột trên toàn cầu. Trung Quốc và các nước láng giềng vẫn đang tranh giành kiểm soát các khu vực biển tại Biển Đông. Vấn đề này ngày càng nguy cấp, không phải xuất phát từ pháo hạm mà chính từ các tàu đánh bắt cá.

Hầu hết các nước ven Biển Đông đều có đội tàu cá hùng hậu và không ngừng lớn mạnh, hoạt động tại tuyến đầu như Vành Khăn, Chữ Thập, Scaborough... Các bên đều dùng con bài - hoạt động của ngư dân vô tội tại vùng biển truyền thống, trong khi đây là các khu vực tranh chấp ngày càng gay gắt, hậu quả có thể dẫn đến những tác động nguy hiểm cho các các nước bên ngoài, kể cả Mỹ. Chuyên gia về vấn đề trên biển châu Á của CSIS Gregory Poling cho rằng “Đây chính là nhân tố dễ làm cho khủng hoảng leo thang ngoài kiểm soát”. Các quan chức quân sự của Washington hết sức lo ngại nguy cơ leo thang khủng hoảng tại Biển Đông, nhất là cân nhắc cử tàu chiến Mỹ đi vào các vùng biển tranh chấp nhằm bảo đảm tự do hàng hải tại khu vực này. Trong bối cảnh tranh chấp đánh bắt cá đang gây ra ngày càng nhiều va chạm, cộng với những tranh chấp khác, Washington nhiều lần kêu gọi Trung Quốc giảm bớt tần suất các hành động tại khu vực, cảnh báo Bắc Kinh không thực hiện “quân sự hóa” tại Biển Đông.

Các nước trong khu vực tranh giành địa bàn tại Biển Đông có nguyên nhân rất lớn là đánh bắt cá. Trung Quốc có nhu cầu lớn và ngày càng tăng đối với tiêu thụ hải sản. Dự kiến đến 2030, Trung Quốc sẽ chiếm gần 40% lượng hải sản tiêu thụ của toàn cầu. Đồng thời, khu vực trung và tây Thái Bình Dương, Biển Đông đều đã xuất hiện tình trạng đánh bắt quá độ, khiến ngày càng nhiều ngư dân Trung Quốc phải vươn tới các vùng biển xa hơn.

Các nước xung quanh như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines đều hỗ trợ đội tàu cá của mình. Ở các nước này cá là nguồn thực phẩm quan trọng cung cấp chất đạm, nghề cá cũng đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm. Đây là một trong không nhiều khu vực trên thế giới có sản lượng đánh bắt luôn tăng trưởng ổn định từ năm 1950 đến nay. Trong khi đó, đội tàu cá hùng hậu của Trung Quốc không chỉ có nhiệm vụ nuôi sống 1,3 tỷ dân mà còn là vũ khí của Bắc Kinh nhằm thực hiện kiểm soát các đảo bãi và vùng biển tại Biển Đông.

Mỹ cần hành động nhiều hơn là những cử chỉ mang tính biểu tượng ở Biển Đông” của John McCain

Trung Quốc hành động ngày càng trở nên giống như một kẻ bắt nạt, một bên thiếu trách nhiệm.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, trong một cuộc điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện về mục tiêu chiến lược của Trung Quốc đã trả lời rằng “Trung Quốc tìm kiếm bá quyền khu vực Đông Á. Đơn giản là như thế”. Đô đốc Harris kết luận: “Trung Quốc rõ ràng đang quân sự hóa Biển Đông...”

Bất chấp đề xuất “3 không” của chính quyền Obama - không cải tạo đất, không quân sự hóa và không sử dụng vũ lực - Bắc Kinh vẫn tiếp tục đè bẹp tất cả. Việc tránh rủi ro của chính quyền đã dẫn đến sự thất bại chính sách trong việc ngăn chặn bá quyền của Trung Quốc, đồng thời gây khó hiểu và lo lắng cho các đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực.

Đây là lúc để thay đổi hướng đi khi chúng ta bước giai đoạn hai tháng quan trọng đối với chính sách của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tòa Trọng tài Thường trực dự kiến sẽ ra phán quyết vào đầu tháng Sáu đối với vụ kiện của Philippines ở Biển Đông. Đối mặt với nguy cơ về một phán quyết bất lợi, Trung Quốc có thể sử dụng những tháng tới để bảo vệ hoặc sẽ tạo ra những hình thức cưỡng ép mới để mở rộng lợi ích hiện có của mình.

Để đối phó, Mỹ sẽ cần phải xem xét các lựa chọn chính sách mới. Là một bên trong cuộc tập trận Balikatan hàng năm với Philippines trong tháng này, chính quyền nên xem xét việc cử một nhóm tàu sân bay tuần tra các vùng biển gần bãi cạn Scarborough để phô trương sức mạnh chiến đấu của Mỹ.

Ashton Carter, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, trong chuyến đi tới Philippines phải nhấn mạnh rằng Manila là một đồng minh theo hiệp ước của Mỹ. Và chính quyền cần khẩn trương làm việc với Philippines và các đồng minh khác và đối tác trong khu vực để phát triển các chiến lược đối phó với hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc tuyên bố khu vực nhận dạng phòng không tại Biển Đông, Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng ngay lập tức thách thức tuyên bố này bằng cách điều máy bay quân sự bay vào khu vực này theo thủ tục thông thường, không cần thông báo kế hoạch bay, hoặc đăng ký trước tần số.

Đây cũng là thời điểm để Mỹ tiến xa hơn những cử chỉ mang tính biểu tượng và khởi động một “chiến dịch tự do hàng hải”. Nó sẽ giúp tăng cường cả về không gian và phạm vi của chương trình tự do hàng hải để thách thức yêu sách của Trung Quốc, cũng như tăng cường số ngày các tàu chiến Mỹ tuần tra trong vùng Biển Đông. Tuần tra chung và các cuộc tập trận cần được mở rộng và tuần tra giám sát trên biển để thu thập thông tin tình báo trên khắp Tây Thái Bình Dương cần được tiếp tục thực hiện.

Cuối cùng, trong bối cảnh cán cân quân sự đang thay đổi, Mỹ cần tập trung vào việc nâng cao vị thế quân sự của mình trong khu vực, cần triển khai thêm lực lượng không quân, hải quân và bộ binh tới khu vực để trấn an các đồng minh của chúng ta.

Báo cáo CSIS đề xuất xây dựng liên minh Mỹ-Nhật-Úc đối phó với Trung Quốc” của Peter Symonds

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Washington mới phát hành trong tháng 4 này Báo cáo có tiêu đề “Hợp tác trên biển Úc, Nhật, Mỹ”. Báo cáo kêu gọi hợp tác quân sự lớn hơn nữa giữa Mỹ và hai đồng minh chủ chốt ở Châu Á và đề xuất một “liên minh phòng vệ” để ứng phó với “môi trường bị đe dọa ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông và Hoa Đông.

Báo cáo đưa ra những khuyến nghị cụ thể để tăng cường phối hợp hoạt động về tình báo và giám sát, chiến tranh tàu ngầm và chống tàu ngầm, các lực lượng đổ bộ và hậu cần.

Tác giả của Báo cáo, Andrew Shearer, là quan chức cao cấp về quân sự và chính sách đối ngoại của Úc, đã từng làm cố vấn an ninh quốc gia dưới thời hai Thủ tướng John Howard và Tony Abbott. Sự có mặt của ông tại CSIS, là một biểu hiện nữa của sự phối hợp chặt chẽ giữa Washington và Canberra. Shearer nêu rõ rằng, bằng việc so sánh chi tiết năng lực quân sự của Trung quốc và Mỹ, Úc và Nhật, mục tiêu “an ninh cứng” là chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với Trung Quốc.

Sự quan tâm của Lầu năm góc về vấn đề “tự do hàng hải” và hệ thống vũ khí A2/AD của Trung Quốc trực tiếp bắt nguồn từ chiến lược quân sự của Mỹ chuẩn bị cho chiến tranh với Trung Quốc – Không-hải chiến (Air Sea Battle). Cơ sở của chiến lược này là khả năng tấn công tên lửa và máy bay ồ ạt nhằm vào đất liền của Trung Quốc từ các tầu chiến và tầu ngầm ở các vùng biển xung quanh, cũng như từ các căn cứ quân sự ở Nhật và Hàn Quốc. Úc và Nhật có vai trò trung tâm trong cuộc chiến này và các chiến lược có liên quan, bao gồm cả việc phong tỏa hàng hải đối với Trung Quốc để bóp nghẹt nền kinh tế nước này.

Nhật Bản có thể có vị trí trung tâm trong cuộc chiến chớp nhoáng đó và “có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chiến lược ngăn chặn từ ngoài biển. Phong tỏa bằng hải quân sẽ phá hủy khả năng hải quân và vận tải thương mại biển của Trung Quốc trong phạm vị chuỗi đảo đầu tiên và làm tê liệt nền kinh tế Trung Quốc, cũng như bao vây lực lượng quân sự nước này ở khu vực biển gần bờ.”

Báo cáo xác định vai trò của Úc giống như trong Chiến tranh Thế giới thứ II: “là cơ sở hậu cần sống còn và đường dây thông tin quan trọng giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương” và “có thể có những đóng góp phù hợp để hỗ trợ cho những hành động nói trên… Đặc biệt, tàu ngầm của Úc có thể được huy động hoạt động xung quanh các khu vực bán đảo có tính yết hầu giữa Đông Nam Á và Ấn Độ Dương trong bất kỳ kịch bản xung đột trên biển nào.”

Do vậy, Báo cáo coi trọng phát triển liên minh quân sự giữa Úc và Nhật Bản, hai quốc gia được mô tả là “những chiếc neo phía Bắc và phía Nam của hệ thống liên minh của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương”. Những động thái này đã được thúc đẩy từ khi 3 bên ký kết tuyên bố chung về hợp tác an ninh vào năm 2007 và đặc biệt sau khi Thủ tướng phe cánh hữu Shinzo Abe được bầu.

Báo cáo của CSIS kết luận rằng “không còn nhiều thời gian để mất” và trọng tâm chính vẫn là tăng cường quan hệ hải quân giữa Mỹ, Nhật và Úc.

Sức mạnh không quân trên Biển Đông: Việt Nam, Malaysia và Philippines” của Henrik Paulsson

Lực lượng không quân Trung Quốc lớn rất nhiều so với Việt Nam, Malaysia và Philippines. Riêng Quân khu Quảng Châu đã có khoảng 158 máy bay chiến đấu hiện đại và khoảng 164 chiếc máy bay chiến đấu cũ hơn, của cả không quân và hải quân.  Thậm chí chỉ tính riêng về hậu cần và năng lực của Quân khu Quảng Châu, Trung Quốc có thể triển khai lực lượng với số lượng và sức mạnh vượt trội so với tất cả các đối thủ trong khu vực Biển Đông cộng lại.

Việt Nam hiện có 40 chiến đấu cơ hiện đại thuộng dòng Su-27, trong đó có 29 chiếc Su-30MK2, một trong những phiên bản cao cấp nhất trên thị trường hiện nay. Việt Nam cũng có 61 chiếc chiến đấu cơ cũ hơn tuy nhiên chất lượng lại không được đảm bảo.

Malaysia có 18 chiếc Su-30MKM cùng với 43 chiếc chiến đấu cơ cũ hơn với nhiều chủng loại khác nhau.

So với Malaysia và Philippines, lực lượng không quân của Philippines còn khiêm tốn hơn, vỏn vẹn chỉ có 12 chiếc FA-50 tấn công hạng nhẹ mua của Hàn Quốc gần đây.

Môi trường tác chiến

Lực lượng không quân của Việt Nam, Malaysia và Philippines chiếm ưu thế nhất định về mặt địa lý so với Trung Quốc. Các chiến đấu cơ cũ từ căn cứ của Việt Nam và Malaysia có thể dễn dàng bay tới các khu vực tranh chấp. Philippines cũng có lợi thế tương tự, nhưng lại thiếu máy bay. Tuy nhiên Trung Quốc cũng không phải rơi vào thế bất lợi hoàn toàn. Lực lượng Su-27 mà nước này sở hữu có bán kính tác chiến khá xa và có thể tiến hành các hoạt động tác chiến từ đảo Hải Nam. Tuy nhiên như đã đề cập về khoảng cách và mục tiêu, Trung Quốc sẽ có rất ít thời gian tác chiến và không thể thực hiện các hoạt động tuần tra phạm vi tầm xa. Do đó, việc xây dựng các các cứ ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Phú Lâm, đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi) trở nên cực kỳ cấp thiết đối với Trung Quốc.

Thách thức từ Trung Quốc

Cán cân lực lượng sức mạnh không quân của các bên liên quan ở Biển Đông nghiêng về phía Trung Quốc. Các nước đều nhận thức được điều này và đang có sự chuẩn bị phù hợp theo cách thức khác nhau.

Trong tháng 11/2015, Malaysia đã tổ chức một cuộc tập trận không quân quy mô đáng kể với sự tham gia của các loại chiến đấu cơ Su-30MKM, F/A 18D của Mỹ và BAE Hawk của Anh. Malaysia đang tiếp tục sắm thêm chiến đấu cơ tiên tiến mới để nâng cao năng lực cho Lực lượng Không quân.

Việt Nam đã công bố ý định mua thêm hơn chục chiếc Su, có khả năng là dòng Su-35 mới. Hà Nội cũng đã mua hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga, đồng thời hướng tới nâng cấp lên phiên bản S-400. Nhưng không dừng ở đó, Việt Nam cũng mô phỏng chiến lược A2/AD như của Trung Quốc và đã mua thêm tên lửa chống hạm của Nga.

Với Philippines, kế hoạch dài hạn tới năm 2021 không chỉ là sở hữu các loại máy bay tân tiến mà còn phải sở hữu máy bay cảnh báo sớm không người lái, radar và tên lửa đất đối không.

Nếu có và biết cách triển khai các loại vũ khí hiệu quả, các nước này hoàn toàn có thể đối phó và răn đe các hành vi xâm lấn của Trung Quốc.

Vạn lý trường thành cát của Trung Quốc  – Lặp lại một vết xe lịch sử?” của Marie-Alice McLean-Dreyfus

Đối với các nhà quan sát, Vạn lý Trường thành vốn là biểu tượng sức mạnh và quân sự cổ xưa của Trung Quốc. Nhưng hầu hết người Trung Quốc nhìn nhận Vạn lý trường thành là biểu tượng của sự chuyên quyền, sự thất bại chính trị và nỗi thống khổ của một quốc gia “vĩ đại”.

Vạn lý trường thành bắt đầu được xây dựng dưới thời nhà Tần (221-206 TCN). Nó được xem là giải pháp tối ưu để ngăn chặn mối đe dọa quân xâm lược từ người du mục. Công cuộc xây dựng là hệ quả từ những thất bại trong nỗ lực ngoại giao và kinh tế. Tuy nhiên, việc xây dựng cuối cùng được chứng minh là một giải pháp tốn kém so với các giải pháp ngoại giao khác (như thương mại) mang lại. Như nhà nghiên cứu Hán học nổi tiếng Pierre Ryckmans, trong một bài giảng năm 1996 đã chỉ ra rằng: khi một nền văn minh “cảm thấy cần thiết phải phòng thủ bằng một bức tường ngăn cách với thế giới bên ngoài, sự sống còn của nó trở nên có vấn đề”.

Trong bối cảnh lịch sử đó, liệu công cuộc cải tạo đất và nguồn gốc của Vạn lý Trường thành có thể hé lộ điều gì về bức tường thành cát ở Biển Đông cũng như tình hình chính trị hiện nay ở Trung Quốc?

Thứ nhất, hai bức tường có mục tiêu tương tự nhau. Giống như Vạn lý trường thành, Vạn lý trường thành cát được xây dựng nhằm tạo ra một “biên giới” giữa Trung Quốc với các quốc gia đang tranh chấp khác trên Biển Đông. Và như vậy Trung Quốc sẽ từ chối các biện pháp ngoại giao khác như đàm phán đa phương.

Thứ hai,  trường thành cát cũng sẽ không đem lại thành công ngay lập tức. Vạn lý Trường thành đã không ngăn được bước tiến xâm lược. Dù xây dựng hàng trăm năm nhưng người Mông Cổ vẫn “đè bẹp” bức tường bảo vệ này.

Tương tự, Vạn lý trường thành cát được xây dựng nhằm củng cố cho yêu sách đường 9 đoạn nhưng nó không thể khiến các quốc gia khác từ bỏ yêu sách của mình. Thay vào đó, họ lại tìm những phương thức khác để đối phó: đưa ra tòa quốc tế, tăng cường mối quan hệ với các quốc gia khác như Mỹ và Nhật Bản.

Cuối cùng, những nỗ lực này đang vấp phải những phản ứng gay gắt. Thời xưa, mục đích khuất phục những người du mục trong việc xây dựng Tường thành đã đem lại hiệu quả ngược lại: càng khiến cho họ trở nên kích động hơn. Cuối cùng là những cuộc tấn công vào Trung Quốc.

Tương tự, hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc đang vấp phải những phản ứng gay gắt từ các quốc gia láng giềng và thậm chí là châm ngòi cho chạy đua vũ trang ở Châu Á. Hoạt động của Trung Quốc còn lâu mới có thể củng cố được yêu sách của mình, thay vào đó nó càng làm tăng mối quan ngại của cộng đồng.

Vậy tình thế chính trị của Trung Quốc hiện nay như thế nào? Việc Trung Quốc cảm thấy cần xây dựng bức tường để bảo vệ mình cho thấy nước này đang ngày càng cảm thấy bị đe dọa từ chính bên trong, thiếu tự tin về khả năng đương đầu khó khăn của chính mình./.